Định hướng ngành nghề âm nhạc

Đối với nhiều bạn trẻ, việc đến với âm nhạc là một đam mê cháy bỏng, thế nhưng không ít bạn đắn đo về tương lai của mình sau khi đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức vào việc học âm nhạc. Câu hỏi mà phần lớn mọi người đều nghĩ đến: “Mình sẽ làm được gì trong ngành nhạc sau khi học xong?

Câu hỏi này không khó trả lời nhưng câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn học gì và muốn làm gì.

Hãy cùng ADAM Muzic định hướng ngành nghề và tương lai âm nhạc của bạn nhé.

Mình tạm thời chia các ngành nghề âm nhạc theo 2 mảng chính: biểu diễn, và đằng sau “ánh hào quang”. Bạn hãy tham khảo các ngành nghề bên dưới, bạn sẽ biết chính xác mình có thể làm gì, và nếu đi theo hướng đó, bạn phải học thêm những gì.

Biểu diễn

Nghệ sĩ biểu diễn: Bạn có thể là tay chơi nhạc cụ như guitar, piano, violin, saxophone, sáo, cello, trumpet, hoặc cũng có thể trở thành ca sĩ biểu diễn ở các quán cà phê, phòng trà, quán bar, pub, nhà hàng, khách sạn. Nếu tập luyện chuyên sâu về chuyên môn, chịu khó quảng bá hình ảnh của bạn, bạn có thể có thêm danh tiếng, làm việc với nhiều nghệ sĩ lớn và biểu diễn ở những sân khấu chuyên nghiệp, đài truyền hình…

Các bạn có thể tham về Kỹ Thuật Biểu Diễn Sân Khấu tại đây.

Người nổi tiếng: Đây không hẳn là một nghề, nhưng là một giá trị đi kèm không nhỏ khi bạn cố gắng đều đặn và phát triển trong ngành nghệ thuật. Không nhất thiết bạn phải thật nổi tiếng, đôi khi chỉ cần một số người biết đến, bạn cũng đã có nhiều cơ hội hơn.

Bạn có thể góp mặt trong một số sự kiện truyền thông, quảng cáo cho một số nhãn hàng, giao lưu gặp gỡ… Thu nhập từ những khoảng đó cũng không phải quá “bèo” như nhiều người nghĩ. Đôi khi, chỉ một buổi họp mặt thường niên của công ty có sự tham dự của ca sĩ ABC nào đó, người ta cần chi khoảng vài trăm đến vài nghìn đô la. Người nổi tiếng mặt khác cũng cần nhiều khoản chi phí đầu tư nhiều vào trang phục, hình ảnh, truyền thông…

Tuy nhiên, việc nổi tiếng cũng đặt ra rất nhiều áp lực. Các bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài viết Áp Lực Nghệ Sĩ Và Sự Sẵn Sàng Để Nổi Tiếng: https://adammuzic.vn/ap-luc-nghe-si-va-su-san-sang-de-noi-tieng/

Người mẫu ảnh, diễn viên quảng cáo: sẽ không quá xa lạ khi các bạn thường xuyên thấy các quảng cáo với hình một ca sĩ thần tượng, một nhạc sĩ yêu thích. Để mời họ cũng ngót nghét vài chục đến vài trăm triệu, các quảng cáo lớn hơn mời cả ngôi sao hạng A đôi khi lên đến cả tỉ đồng, một hot boy, hot girl mới nổi trên mạng với một ca khúc hay thỉnh thoảng cũng kiếm được show quảng cáo 5 – 10 triệu đồng cho một cảnh quay hay một bức ảnh chụp quảng cáo cho một sản phẩm nào đó.

Tất nhiên, mình không khuyến khích các bạn dựa vào sự may rủi để phát triển và ngồi trông chờ show chậu “chợt đến”. Nếu bạn định hướng biểu diễn, hãy dành toàn thời gian chuyên tâm phát triển để đạt đến đỉnh cao nhất. Bạn có thể bắt đầu là một ca sĩ hát quán cà phê bé tí tẹo nhưng đừng để cả cuộc đời nghệ thuật của mình cứ xoay vòng ở đó.

Nghề đằng sau ánh hào quang

Đây là tập hợp những ngành nghề cho những bạn không yêu thích bề nổi, hoặc bơi hoài vẫn không nổi hoặc đã nổi mà giờ chìm rồi… tất cả đều tụ họp ở đây.

Giảng dạy: Với những kiến thức, kinh nghiệm qua một khoảng thời gian học tập, rèn luyện và phát triển, bạn có thể truyền lại ngọn lửa đam mê của mình cho thế hệ tiếp theo. Nếu bạn chọn con đường này, bạn hãy chuẩn bị thêm hành trang về tâm lý và phương pháp sư phạm, củng cố lại kiến thức trước khi bắt đầu “gõ đầu trẻ”.

Nhạc sĩ sáng tác ca khúc: bạn không thích sự bon chen bề nổi, hãy tìm một không gian nhẹ nhàng, sáng tác những giai điệu đẹp từ cuộc sống và gửi gắm đến những ca sĩ bạn tin tưởng hoặc một tài năng trẻ giúp đưa tác phẩm của mình đến khán giả nhé. Biết một chút kiến thức nhạc lý, chơi được nhạc cụ… sẽ giúp bạn vững vàng hơn trong sáng tác.

Nghệ sĩ thu âm – kĩ thuật viên thu âm: với kiến thức về âm nhạc đã học, bạn có thể học thêm về kĩ thuật âm thanh rồi mở một phòng thu nho nhỏ, thu âm tại địa phương, hoặc có thể xin vào làm việc tại các công ty sản xuất âm nhạc lớn nhỏ tùy vào năng lực của bạn. Nếu không thích mở phòng thu, làm việc ở công ty âm nhạc, bạn vẫn có thể tự làm các dự án cá nhân của mình với vài thiết bị thu âm đơn giản tại nhà. Một số nghệ sĩ cũng thành công từ con đường home studio này.

Ca sĩ, nhạc sĩ phòng thu: bạn có thể nhận các công việc như thu giọng hát cho những quảng cáo TV, thu âm các bài hát của các công ty sự kiện, bài hát chủ đề của nhiều công ty khác, hát bè cho các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ nghệ sĩ khác…Nếu bạn là nhạc sĩ guitar, piano, violin,… bạn cũng có thể làm tương tự, nhận các công việc thu âm nhạc cụ cho các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ, công ty event, TVC… Nếu bạn đủ giỏi và chuyên nghiệp trong mảng này, chắc chắn công việc sẽ đến với bạn nhiều đến mức bạn không đủ thời gian để thở đấy.

Hand with pen and music sheet

Nghề viết văn bản nhạc: Có lẽ điều này nghe khá kì cục kể cả với các nhạc sĩ lâu năm. Nhưng đây là thực tế rất hiển nhiên. Rất nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc do quá bận rộn, cũng có thể do không sử dụng được phần mềm viết nhạc chuyên nghiệp hay yếu về kĩ năng kí âm, họ lại rất cần các văn bản kí âm này để đăng kí sáng tác, để tập luyện…

Các bạn có thể tìm hiểu về Ký Âm tại bài viết này.

Đây không phải là một công việc “bộn tiền” nhưng với tốc độ, thao tác kí âm nhanh, đạt tiêu chuẩn âm nhạc, biết cách quảng bá công việc và kết nối với những người có nhu cầu. Bạn hoàn toàn có thể có một mức lương từ 500.000đ – 1.000.000đ/1 ngày làm việc. Bạn cũng có thể chủ động liên lạc với các nhà xuất bản sách âm nhạc để nhận kí âm các ca khúc cho các sách âm nhạc mới. Cơ hội luôn ở đó, quan trọng là bạn phải nghĩ đến nó.

Biên tập, dàn dựng chương trình: Đây là một công việc khá thú vị khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ. Bạn có thể kết nối các nghệ sĩ, suy nghĩ ra một kịch bản, một chương trình hay, rồi xin tài trợ và tổ chức nó. Khi bạn đủ giỏi và tạo được tiếng vang nhờ các chương trình của mình, sẽ không ít công ty mời bạn về dàn dựng cho họ. Mỗi dự án như vậy, công việc có thể sẽ nhiều, nhưng bên cạnh đó, bạn cũng có được phần lợi ích kinh tế không nhỏ.

Cố vấn âm nhạc: Đây không hẳn là công việc thường xuyên và nó cũng cần một lượng kiến thức, kinh nghiệm khá lớn. Tuy nhiên khi đến được vị trí này, bạn gần như không cần phải làm gì nhiều cả, đôi khi, chỉ đơn giản là gặp đối tác, bàn bạc và đưa họ những lời khuyên mang tính chuyên môn. Công việc này chủ yếu dựa trên tính chuyên môn của bạn. Tùy mức độ chuyên môn mà mức lương của bạn sẽ cao hay thấp theo từng dự án.

Nhạc sĩ hòa âm phối khí: Công việc này cũng cần tính chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm. Bạn có thể thực hiện các dự án âm nhạc cho cá nhân, công ty, ca sĩ, nhạc sĩ… thu nhập của bạn sẽ tăng dần theo chất lượng, uy tín và kinh nghiệm của bạn. Một dự án trung bình khi khởi nghiệp có thể từ 800.000đ/1 bài hát, đến khi bạn trở nên nổi tiếng, mức thù lao sẽ do bạn quyết định, dao động từ 6 đến 8 triệu/1 bài. Tất nhiên để đến được vị trí đó, bạn cần khoảng…chục năm làm nghề.

Nhà sản xuất âm nhạc: Nếu bạn có tầm nhìn chiến lược, có chuyên môn và mối quan hệ trong ngành giải trí, bạn có thể thử sức ở vai trò sản xuất âm nhạc, bạn có thể tạo dựng một dự án, kêu gọi đầu tư, tìm kiếm một tài năng chưa ai biết, đầu tư vào đó và kiếm lợi nhuận từ các sản phẩm âm nhạc từ các nhân tài của bạn. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đây là công việc ở tầm vĩ mô mà bạn có thể phải mất chục năm bon chen trong ngành giải trí mới có thể quán xuyến hết được. Dù sao, đây cũng là một hướng đi định hướng rất tốt để bạn nhắm đến.

Tổng kết

Nói chung, việc sống được với ngành âm nhạc quả thật không đơn giản, nhưng với thời đại “Phẳng” ngày nay, bạn có thể học mọi thứ và có nhiều cách để mọi người biết đến bạn. Việc bạn cần làm là học chuyên môn thật tốt, tìm hiểu thêm các kiến thức PR hỗ trợ phát triển danh tiếng và sản phẩm âm nhạc của mình.

Khi bạn có đủ quyết tâm và giỏi trong chuyên môn của mình, bạn hoàn toàn có thể phát triển được với nghề này. Tuy nhiên, đặc tính của ngành giải trí nói chung là không ổn định, không thường xuyên.

Do đó, bạn phải chuẩn bị trước tâm lý “SẼ CÓ LẮM LÚC LAO ĐAO”, đồng thời để đảm bảo một thu nhập ổn định, bạn phải lập ra một chiến lược cụ thể cho mình bằng cách kiếm một công việc ổn định liên quan đến âm nhạc và bắt đầu bước đi đầu tiên với nó. Sẽ có khó khăn, nhưng rồi bạn sẽ vượt qua dễ thôi. Hãy luôn mở rộng giới hạn của mình ra và sẽ đến lúc bạn trở thành một nhạc sĩ lớn. ADAM Muzic chúc các bạn thành công.

1 trong những cách để thành công trong việc gì đó, đó chính là bạn phải bắt đầu làm dù cho có nhỏ nhặt cách mấy. Sau đây là 1 số trang web giúp bạn tập thực hành để phát triển con đường âm nhạc sau này:

Modern Producer 

Plugin Boutique


Loopmaster

WA Production

Angelic Vibes

Biên soạn: Đoàn Nhược Quý – ADAM Muzic

CÁC KHÓA HỌC NỔI BẬT CỦA ADAM MUZIC

Previous Post
Next Post
Quickom Call Center