Nội dung bài viết
1. Luyện tập hơi thở mỗi ngày:
Hơi thở là nền móng quan trọng trong việc ca hát, vì vậy, luyện tập để có một làn hơi dài, chắc khỏe là việc bạn cần phải làm khi bắt đầu học thanh nhạc. Trung bình cả 2 lá phổi chứa được 6 lít không khí nhưng chỉ có một phần nhỏ dung tích này được sử dụng thông qua việc hít thở bình thường. Với lượng không khí vào phổi ít như vậy sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ca hát của chúng ta. Việc luyện tập hơi thở mỗi ngày sẽ giúp cho ta tận dụng được nhiều hơn thể tích của lá phổi. Các bạn có thể truy cập vào đường link sau để xem thêm về “Hơi thở và cách lấy hơi đúng trong thanh nhạc” https://adammuzic.vn/hoi-tho-va-cach-lay-hoi-dung-trong-thanh-nhac/
2. Luyện thanh mỗi ngày:
Thanh đới là một loại cơ, cũng giống như cơ bắp. Muốn khỏe mạnh và có sức bền tốt thì các cơ cần được luyện tập mỗi ngày. Và những bài luyện thanh chính là “những bài tập gym” cho thanh đới của bạn. Hãy luyện tập mỗi ngày và chờ đợi thành quả nhé.
3. Tập thể dục:
Ai trong chúng ta cũng cần có một nguồn năng lượng và thể lực dồi dào để có thể cung cấp cho các hoạt động sống. Vì thế, rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày là một trong những yếu tố quan trọng để giúp cho chúng ta khỏe mạnh và cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động ca hát của mình. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp cho hệ hô hấp vận hành hiệu quả, việc hít thở cũng từ đó được cải thiện.
4. Nghỉ ngơi hợp lý:
“Ăn như múa, ngủ như ca” – câu nói được ông bà xưa truyền lại với ý muốn nhấn mạnh việc nghỉ ngơi hợp lí sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Để cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, không có năng lượng không những ảnh hưởng về mặt sinh lý, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta. Theo nhà tâm lý học Megan Arrol:
“Nghiên cứu đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết việc không thể nghỉ ngơi gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến tâm trạng ngày càng tệ hơn, thậm chí còn gây trầm cảm.”
Vì vậy, nghỉ ngơi hợp lý là lời khuyên mà ADAM MUZIC dành cho tất cả mọi người.
5. Ngồi thiền:
Như các bạn đã biết, thiền định mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Bên cạnh đó, việc hít thở sâu khi ngồi thiền giúp chúng ta cảm nhận sự dãn nở của phổi, sự hoạt động của cơ hoành để từ đó kiểm soát chúng tốt hơn. Thiền định còn giúp chúng ta học được cách thư giản và thả lỏng cơ thể khi hát.
6. Uống nhiều nước:
Khi hát, thanh đới chúng ta hoạt động liên tục và nếu hoạt động trong môi trường máy lạnh thì nguy cơ mất nước dẫn đến khô thanh đới là rất cao. Vì vậy, chúng ta cần bổ sung nước đều đặn và liên tục để có thể giúp cơ thể không bị mất nước và thanh đới sẽ không bị mệt.
7. Súc họng bằng nước muối:
Thói quen tốt này sẽ giúp cho khoang miệng và dây thanh đới được sát trùng và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Tránh tình trạng pha nước muối quá mặn. Nếu pha với lượng muối quá nhiều, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương niêm mạc vùng thanh đới, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Từ đó sẽ trở thành vết viêm loét ở vùng họng.
Nên súc họng bằng nước muỗi pha loãng và sau đó, phải súc lại bằng nước lọc để rửa hết lượng muối dư và những mảng bám đã bong ra trong quá trình súc bằng nước muối.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình rèn luyện thanh nhạc nhé.