Nhạc Jazz, một thể loại âm nhạc khá nổi tiếng, hầu như ai yêu nhạc cũng đã từng nghe qua một vài bản nhạc Jazz ít nhất một lần trong đời. Nhưng các bạn có biết, thể loại nhạc này có nguồn gốc rất đặc biệt không? Trước khi đến với các điểm cần lưu ý khi hát Jazz, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc của thể loại nhạc này nhé.
1. Nguồn gốc nhạc Jazz:
Nhạc Jazz là một thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi của thành phố New Orleans. Khi đó, người da đen Châu Phi bị bắt sang Châu Mỹ trở thành nô lệ của những người da trắng. Họ sống một cuộc đời đầy đau thương, nghèo khó và tối tăm,…họ tìm đến âm nhạc và từ đó, nhạc Jazz ra đời. Lúc bấy giờ, âm nhạc của họ đều là những bài hát nói về thói đời bội bạc hoặc cuộc tình tan vỡ trong hơi men,… (xem thêm bài viết về nhạc Jazz tại đây)
Và từ năm 1920, nhạc Jazz đã trở thành một thể loại âm nhạc phổ biến và được đông đảo quần chúng đón nhận.
Nét đặc trưng của thể loại nhạc này đó chính là những “nốt nhạc buồn” hay còn gọi là “Blue Note” kèm với những đoạn ngẫu hứng (Improvise). Ngoài ra, nhạc Jazz thường xuất hiện những đoạn nhạc với nhịp điệu thay đổi liên tục không theo quy tắc, được gọi là Polyrhythm và có thêm đảo phách (Syncopation) cho bài nhạc thêm phong phú.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng các bạn yên tâm nhé. Để hát được nhạc Jazz, các bạn không cần có một giọng hát quá cao, quãng giọng quá rộng hoặc một kỹ thuật nào quá cao siêu. Ngay cả khi trước đây bạn chưa bao giờ hát nhạc Jazz, bạn vẫn có thể làm được nếu như bạn biết được những đặc trưng của Jazz, áp dụng nó vào bài hát và cá nhân hóa bài hát theo cách riêng của mình.
2. Một số kỹ thuật cơ bản trong Jazz:
- a. Làm chủ nhịp điệu trong nhạc Jazz:
Ca sĩ hát nhạc Jazz thông thường sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật đảo phách (Syncopation) trong bài hát để tạo nét đặc trưng riêng. Vì vậy, chúng ta không thể nào nhầm lẫn nhạc Jazz với bất kỳ thể loại nào khác bởi nét đặc biệt của nó. Bằng cách hát hơi lệch nhịp đi một tí (Offbeat) hoặc bắt đầu hát ở những phách không nằm đầu ô nhịp (Upbeat), các bạn đã thể hiện được một trong những đặc trưng của nhạc Jazz rồi đó.
Để luyện tập, các bạn hãy đặt chân xuống đất và bắt đầu gõ theo nhịp 1-2-3-4. Trong lúc đạp nhịp, các bạn hãy hát “na” theo mỗi lần chân đụng đất đi nào. Đúng rồi. Bây giờ hãy làm ngược lại. Khi chân các bạn nhấc lên khỏi mặt đất, các bạn hát “na” một lần. Vậy là các bạn đã làm được đảo phách rồi đó.
Hãy nghe và cảm nhận Syncopation, Offbeat, Upbeat trong bài nhạc sau đây các bạn nhé.
- b. Swing – một nhánh nhỏ của Jazz:
Vào năm 1930, Thời kỳ Đại suy thoái bùng nổ cũng gây nên một vài khó khăn với những người nghệ sĩ nhạc Jazz. Lúc này, Jazz không còn quá phức tạp về đường giai điệu và nhịp phách thì cũng không còn sử dụng quá nhiều nhịp lở nữa. Sự thay đổi này tạo ra một nhánh nhỏ hơn của Jazz, nghe mượt mà, thoải mái hơn, đó là nhạc Swing. Ví dụ như ở nhịp 4/4 trong nhạc Ballad, chúng ta thường nhấn mạnh ở phách 1 và mạnh vừa ở phách thứ 3. Trong khi với nhạc Swing, bạn nên nhấn mạnh ở phách thứ 2 và phách thứ 4 để ra được tính đặc trưng của dòng nhạc này. Hãy thử làm cùng ADAM MUZIC một ví dụ nhé. Các bạn vừa vỗ tay theo nhịp và hát với một cao độ bất kỳ các chữ: “một, hai, ba, bốn” nhé. Sau đó, với số “hai” và số “bốn”, các bạn hãy hát mạnh hơn số “một” và số “ba” nhé.
- c. Hát những nốt ngoài hợp âm (Non-harmonic Tones):
Ngoài ra, khả năng sáng tạo ngẫu hứng, ứng tấu (Improvise) là vô cùng quan trọng trong nhạc Jazz để thể hiện đặc tính tự do của Jazz. Bài Feeling Good dưới đây là một ví dụ điển hình cho kỹ thuật này.
- d. Cảm xúc – phần quan trọng nhất của một bài hát nhạc Jazz:
Nhạc Jazz được ra đời trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ và chủ nhân của thể loại này chính là nạn nhân của chế độ đó. Những người nô lệ da đen. Âm nhạc của họ không nhất thiết phải sử dụng những kỹ thuật gì quá cao siêu, quá vi diệu bởi vì nhạc Jazz đơn giản chỉ là một phương tiện để giải bày nỗi lòng, để truyền tải cảm xúc. Lúc bấy giờ, nhạc cụ được sử dụng trong nhạc Jazz chỉ đơn thuần là một cây đàn Guitar và thêm một cái kèn đồng.
Một số lời khuyên mà các nghệ sĩ thường đưa ra, đó là trước khi lên sân khấu, hãy tưởng tượng về câu chuyện mà bài hát đang nói đến, đưa nó vào cuộc sống của chúng ta. Cá nhân hóa bài hát đó và để cảm xúc làm những việc còn lại thay bạn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.