Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Một góc nhìn về ca khúc Bohemian Rhapsody của band nhạc Queen

ADAM-MUZIC-Queen-Bohemian-Rhapsody

Một góc nhìn về ca khúc Bohemian Rhapsody của band nhạc Queen

Bohemian Rhapsody là một tượng đài bất hủ trong lịch sử nhạc Rock thế giới. Ngay sau khi chính thức phát hành vào ngày 31/10/1975, ca khúc đã đứng hạng nhất 9 tuần liên tiếp trên bảng xếp hạng ở Anh năm 1976, và hiện đang giữ kỷ lục đĩa đơn bán chạy thứ ba của mọi thời đại trong lịch sử âm nhạc Anh Quốc, và là một trong những đĩa đơn bán chạy nhất của mọi thời đại trên toàn thế giới, với hơn 6 triệu bản đã được bán ra trong suốt hơn 40 năm qua.

 

Thật ra, ca khúc này đã được Freddie Mercury (1946 – 1991; ca sĩ chính của band nhạc Queen) thai nghén từ năm 1968, và phiên bản sơ khai nhất của nó được viết theo thể điệu nhạc đồng quê (nhạc cao bồi). Sau này, ông đã thay thế đoạn demo nhạc đồng quê đó bởi phong cách nhạc kịch, và viết tiếp “câu chuyện Bohemian Rhapsody” mà ngày hôm nay chúng ta vẫn thường nghe. 

 

Do thời lượng của ca khúc quá dài so với một bài hát tiêu chuẩn của thời bấy giờ, nên nhà sản xuất của Queen từng khuyên band nhạc nên cắt ngắn ca khúc lại. Tuy nhiên, Freddie giữ vững lập trường và cho ra đời ca khúc dài hơi sẽ làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng toàn cầu này. Khi Bohemian Rhapsody được sản xuất, không ai nghĩ nó sẽ trở thành hit, và cũng chẳng ai ngờ sau 40 năm sức sống của nó vẫn còn mãnh liệt đến như vậy.

 

Bohemian Rhapsody là một ca khúc cực kì phức tạp, cả về phần âm nhạc lẫn ý nghĩa. Theo nhận định của Irwin Fisch, giáo sư âm nhạc từ trường đại học NYU Steinhardt, thì Bohemian Rhapsody không giống với bất kì bản nhạc nào mà chúng ta được nghe từ trước đến nay, và không nhiều ca khúc trên thế giới có khả năng tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ như ca khúc này.

 

Trước khi đi vào phân tích sâu hơn về tác phẩm bất hủ này, chúng ta hãy cùng nhau nghe lại ca khúc nhé!

Tựa đề Bohemian Rhapsody có ý nghĩa gì?

Trước tiên, hãy nói về tựa đề ca khúc. Bohemia là một vùng đất thuộc cộng hòa Czech ngày nay, nhưng danh từ “bohemian” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là những nghệ nhân âm nhạc của thế kỷ trước. Danh từ “rhapsody” thường được dùng để chỉ một đoạn nhạc tương đương với chương hồi (movement) của âm nhạc thính phòng. Như vậy, có thể hiểu nôm na “bohemian rhapsody” là “nhạc khúc của những nghệ nhân”. 

 

Hơn một trăm năm trước khi Bohemian Rhapsody ra đời, nhà soạn nhạc lừng danh người Hungary là Franz Liszt (1811 – 1886) cũng có những bản giao hưởng nổi tiếng tên là Hungarian Rhapsody, mà xứ Bohemia và Hungary cũng không cách xa nhau là bao, cho nên có thể nói Freddie đã chơi chữ khá thông minh khi đặt một tựa đề ca khúc mà người nghe có thể hiểu theo bất cứ nghĩa nào tùy ý.

ADAM-MUZIC-Queen-Bohemian-Rhapsody

Band nhạc Queen (Nguồn: mentalfloss.com)

Cắt nghĩa câu chuyện theo nghĩa đen của ca từ

Cấu trúc của bài hát khá phức tạp, thể nhạc chuyển đổi liên tục, mở đầu với phong cách nhạc kịch (a capella), rồi đến rock ballad, và trở lại nhạc kịch (opera), sau đoạn guitar solo thì lại mang màu sắc hard rock, và cuối cùng kết thúc bằng rock ballad. Bài hát không có phiên khúc, không có điệp khúc, không nghiêng hẳn về một thể loại âm nhạc nào trong những thể loại nói trên, mà là sự kết hợp của tất cả, kết hợp một cách khéo léo, không hề bị chỏi.

 

Nếu mổ xẻ theo nghĩa đen, thì chúng ta sẽ được tiếp cận một câu chuyện theo mạch logic từ lúc chàng trai nhân vật chính lỡ tay giết người, cho đến lời thú tội, rồi ra hầu tòa, lời phán quyết và cuối cùng là sự buông bỏ.

 

(1) Câu hát mở đầu là sự hoang mang mơ hồ trong tâm trí người phạm tội, liệu có phải mình đã thật sự phạm tội, hay chỉ là đang nằm mơ…

Is this the real life? Is this just fantasy?

(Đây là thật? Hay chỉ là ảo?)

 

(2) Tiếp đó là đôi dòng giới thiệu về nhân vật chính của chúng ta…

I’m just a poor boy. I need no sympathy

(Ta chỉ là một gã bần cùng, chẳng cần ai thương hại)

 

(3) Và một chút manh nha của thái độ buông thả… 

Any way the wind blows doesn’t really matter to me

(Vạn sự tùy số phận vậy! Đối với ta chẳng quan trọng nữa rồi)

 

(4) Thoát khỏi trạng thái mê muội, nhân vật chính bắt đầu nhận thức được sự việc, và bộc bạch lời thú tội… 

Mama! Just killed a man

Put a gun against his head, pulled my trigger, now he’s dead

(Má ơi! Con mới giết chết một gã nọ. Con chỉ mới kê khẩu súng vào đầu hắn, bóp nhẹ cò súng, vậy mà giờ đây hắn đã đi Tây Thiên bán muối rồi)

 

(5) Nhân vật chính cảm thấy hơi ân hận… 

Mama! Life had just begun

But now I’ve gone and thrown it all away

(Má ơi! Cuộc sống tưởng chừng như mới bắt đầu, mà bây giờ con lại lỡ tay quẳng nó đi mất rồi)

 

(6) Sau một tràng những lời thú tội, những tâm tình và những điều giằng xé, hung thủ phải bước ra đối mặt với phiên tòa: 

I see a little silhouetto of a man

Scaramouche, Scaramouche, will you do the Fandango

(Ta thấy chiếc bóng của một ai đó. Ái chà, có phải là anh hề Scaramouche đang chuẩn bị múa điệu Fadango không vậy nhỉ?)… Hay đó chính là chiếc bóng của ông quan tòa chuẩn bị múa những vũ điệu phán xét, vũ điệu treo cổ?

 

(7) Hoảng sợ trước những lời buộc tội gay gắt, chìm ngập trong lời nài nỉ của một số ít người cảm thương cho thằng bé hung thủ tội nghiệp, bị cáo có lần thốt ra những lời van xin, mong được quý tòa khoan hồng…

Will you let me go?

(Hãy tha cho tôi và thả tôi đi)

 

(8) Nhưng vị quan tòa vẫn cứng rắn và đưa ra lời phán xét cuối cùng, và bị cáo chẳng còn thấy gì phía trước nữa, ngoại trừ cái bóng đêm mịt mù của tương lai… 

Bismillah! We will not let you go

(Nhân danh Chúa Trời, nhà ngươi không được đi đâu cả)

 

Beelzebub has a devil put aside for me

(Ta chẳng còn đường nào khác hơn là xuống địa ngục chơi với con quỷ đang chờ ta dưới đó)

 

(9) Sau lời phán quyết, đoạn nhạc trở nên dữ dội và kịch tính hơn, cũng là sự phẫn nộ của chàng trai sắp bị đem ra hành quyết: 

Do you think you can stone me and spit my eyes?

Do you think you can love me and leave me to die?

(À vậy là chúng mày nghĩ cứ ném đá vào tao thì tao sẽ toét mắt ra à? Chúng mày nghĩ rằng cách duy nhất để yêu thương tao là bỏ mặc cho tao chết à?)

 

(10) Và bài hát kết thúc bằng một sự buông bỏ. Một khi đã bị vùi dập đến tận đáy của sự ô nhục, thì mọi sự trên đời này chẳng còn có ý nghĩa gì nữa… 

Nothing really matters to me!

(Thôi thì, đối với ta chẳng có điều gì là quan trọng nữa rồi)… Các người hãy cứ treo cổ ta lên đi!!!

Một vài ý nghĩa sâu xa của Bohemian Rhapsody

Bản thân Freddie Mercury và các thành viên của band nhạc từ chối giải thích hàm ý của ca khúc này.

 

Theo như nhà viết ca từ Tim Rice, bạn thân của Freddie Mercury, và cũng là người tạo ra những lời hát bất hủ trong siêu hit “Can You Feel The Love Tonight” (The Lion King), thì Bohemian Rhapsody là lời come-out ngấm ngầm của Freddie Mercury. Ngày đó, xã hội vẫn chưa chấp nhận những người đồng tính, và Freddie Mercury, một người đồng tính, phải sống trong sự gò bó và luôn thấp thỏm với tâm trạng bị tù túng, luôn muốn được tự do thể hiện bản thân mình mà không vấp phải sự khinh miệt và vùi dập của định kiến xã hội. 

 

Những lời hát “Mama! Just killed the man” mà Freddie thực sự muốn nói ở đây, là ẩn dụ cho hành động giết chết đi người đàn ông dị tính trong con người mình, mà xã hội và gia đình (Mama) muốn trông thấy, trong khi bản thân mình lại không muốn điều đó, vì đó không phải là mình. Xuyên suốt bài hát, là cảnh hỗn loạn của một phiên tòa tâm trí, những thẩm phán và luật sư tiêu biểu cho “lẽ phải”, hay là cái định kiến xưa nay về xu hướng giới tính, những kẻ bênh vực cho cái mà xã hội vẫn cho là “điều không đúng”, và những người đang bị giằng co giữa “lẽ phải” và khát khao được tự do thể hiện bản thân.

 

Như vậy, Bohemian Rhapsody là khát vọng được sống đúng với bản thân mình, và được xã hội thừa nhận.



ADAM-MUZIC-Freddie-Mercury

Freddie Mercury (phải) và bạn trai Jim Hutton (Nguồn: metalheadzone.com)

Freddie cũng nhắc đến Galileo một vài lần trong bài hát. Galileo Galilei (1564 – 1642) là nhà khoa học người Ý đã để lại nhiều công trình thiên văn quan trọng, trong đó có việc khám phá ra sao Thủy. Các bạn để ý nhé, sao Thủy trong tiếng Anh là Mercury! Phải chăng người viết ca từ cũng đang ngấm ngầm mong mỏi sự tồn tại của một Galileo nào đó, người có khả nhìn ra được (Freddie) Mercury là ai! Và trước khi có mối quan hệ với những người đàn ông, thì Freddie đã từng quen một cô gái là nhà thiên văn học.

 

Freddie Mercury tên thật là Farrokh Bulsara, là một người Anh gốc Ấn, sinh ra ở xứ Zanzibar thuộc Anh (nay là nước Tanzania ở châu Phi), trong một gia đình có truyền thống Hỏa giáo (Zoroastrianism) – một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới, xuất phát từ Ba Tư cổ đại. Freddie học piano và chơi nhạc từ bé, và chỉ say mê nhạc hiện đại phương Tây. 

 

Sinh ra và lớn lên trong môi trường đa sắc tộc, Freddie được tiếp cận với nhiều loại hình văn hóa và tư tưởng khác nhau, và đã khéo léo kết hợp những hình ảnh (hay điển tích) đó vào trong ca từ của mình, chẳng hạn như chú hề hèn nhát Scaramouche của sân khấu hài kịch nước Ý; Bismillah là một cụm từ tiếng Ả rập trong kinh Qu’ran với ý nghĩa là “nhân danh Chúa Trời”; Beelzebub ám chỉ quỷ vương ruồi trong một số tôn giáo cổ của châu Âu; và Figaro có thể là nhân vật trong vở opera “Đám cưới của Figaro” của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Điều này chứng tỏ Freddie là một người am hiểu, đọc nhiều, và có hứng thú với văn học, nghệ thuật và tôn giáo.

 

Ngoài ra, có người còn diễn giải như thế này: Vào thời La Mã cổ đại, người ta biết đến Chúa Jesus qua cái tên Galileo. “Galileo figuro manifico” tiếng Latin có nghĩa là “phóng to hình ảnh của Galileo (Chúa Jesus)”, hay có thể hiểu là sự cứu rỗi. Phóng to hình ảnh của Chúa, vì Chúa yêu tất cả mọi người, chứ không giống như lời của nhân vật chính: “I’m just a poor boy. Nobody loves me” (Ta nghèo hèn, chẳng ai thèm thương ta).

 

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc một điều khá thú vị rằng, cây đàn piano dùng để thu âm Bohemian Rhapsody cũng chính là cây đàn mà Paul McCartney (The Beatles) đánh trong bản thu âm đầu tiên của ca khúc lừng lẫy “Hey Jude”.

Biên soạn: Dật Hanh

Phát hành: ADAM MUZIC

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Insider (2018). Why ‘Bohemian Rhapsody’ Is the Best Song Ever Written, https://www.youtube.com/watch?v=-yE8SYzZ6Eo, truy cập tháng 8/2019.

 

Jill Florio (2018). What is a Scaramouch? The Meaning Behind Bohemian Rhapsody from Queen, http://runpee.com/what-is-a-scaramouch-the-meaning-behind-bohemian-rhapsody/, truy cập tháng 8/2019.

 

Kara Kovalchik (2015). 10 Operatic Facts about “Bohemian Rhapsody”, https://mentalfloss.com/article/70634/10-operatic-facts-about-bohemian-rhapsody, truy cập tháng 8/2019.

 

The HollyHobs (2018). Why Did Freddie Mercury Write Bohemian Rhapsody?, https://www.youtube.com/watch?v=TJJWF8Oi7Pk, truy cập tháng 8/2019.

 

Wikipedia (2019). Bohemian Rhapsody, https://en.wikipedia.org/wiki/Bohemian_Rhapsody, truy cập tháng 8/2019.

 

Wikipedia (2019). Freddie Mercury, https://en.wikipedia.org/wiki/Freddie_Mercury, truy cập tháng 8/2019.

Quickom Call Center