Mấy hôm nay, tôi có dịp xem qua đôi trang sách hồi ký của 2 nghệ sĩ gạo cội, tự nhiên trong lòng muốn trút ra những suy tư mà bấy lâu vẫn mong muốn bày tỏ.
ÂM NHẠC VÀ NGHỆ THUẬT
Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, là một phạm trù rộng lớn, nơi đó có cảm xúc, có thăng hoa, có diễn, có thật, có khoa học, có kinh nghiệm, có nông, có sâu. Bản thân nghệ thuật, là sự cô đọng xã hội vào trong những hình thức thể hiện mà ta gọi là nhạc, họa, kịch… Trong đó, người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo ra và truyền tải những điều muốn nói bằng những ngôn ngữ không lời như cử chỉ, điệu bộ, màu sắc, âm thanh, ánh sáng, mùi hương, cảm giác …
Vậy, điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với một người nghệ sĩ khi chỉ đang chớm nở cái đam mê với nghề, đó là hiểu được nghệ thuật là gì, cái nghề mình đang muốn theo chính xác là gì.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI
Tiếp đến, là những giá trị mà mình muốn hướng đến khi theo nghề. Điều này càng rõ ràng, và kiên định, sẽ giúp con đường đi ít sai lệch, vắng đi những thỏa hiệp không mong muốn với nhiều thứ hoàn cảnh sẽ diễn ra trong cuộc đời sự nghiệp của mình. Nếu bạn sống có mục đích thì làm nghề cũng nên như thế. Tuy nhiên, mục đích làm nghề của mỗi người lại khác, mỗi thời đại lại khác. Có thời, có người, mục đích của họ là hát vì bản thân, hoặc vì gia đình, đôi khi vì chén cơm manh áo, có lúc vì lý tưởng về một tương lai, một thế hệ, một quốc gia … Có người đọc đến đây, sẽ thấy mình trong đó, có người đọc xong, ngẫm nghĩ, lại thấy hư hư ảo ảo vì không thực tế. Có lẽ do trải nghiệm về nghề và đời của mỗi người khác nhau, lại ở những hoàn cảnh và thời điểm khác nhau, cho nên, cảm nhận được hay không, có lẽ tùy duyên.
Tôi may mắn gặp được nhiều thế hệ nghệ sĩ ở những mảng khác nhau trong ngành nghệ thuật và giải trí, có người thì giá trị hướng đến mỗi lúc lại khác nhau. Có khi họ làm vì nghề, có khi vì mưu sinh, đôi lúc vì danh vọng hoặc vì nhiều thứ khác mà bản thân chúng ta là người ngoài, khó lòng thấu tỏ. Lại có những người từ đầu đã rất rõ ràng về con đường mình chọn, cho nên, nhìn chung, tôi thấy họ đi vững vàng hơn, tâm thế chắc chắn trong từng lời nói, hành động, và thành quả họ đạt được cũng xứng đáng và bền theo năm tháng. Không có cách đúng, cũng chẳng có cách sai, chỉ là nếu, chúng ta lựa chọn được những thứ vừa giúp mình, vừa giúp đời thì có lẽ sẽ đẹp và nhân văn hơn.
Cũng là một nghệ sĩ bước vào con đường nghệ thuật bằng cái ngô nghê ngờ nghệch của một đứa nhỏ không có người dẫn dắt, tôi cũng cảm được phần nào chông gai và cũng đã đi qua cái cảm giác không biết mình đã, đang làm gì. Tôi nhận thấy, là một nghệ sĩ đi từ con số không đến khi có được một chỗ đứng trong nghề, sẽ trải qua những nẻo đường giá trị như sau:
Khi mới vào nghề: chúng ta thường chọn đam mê là câu nói chủ đạo. Bạn có thấy vậy không? Ở cái tuổi lơ ngơ láo ngáo, chỉ có thích, có mê mới đâm đầu theo đuổi, rồi làm, rồi tự sướng. Ở cái tuổi này, thành quả đôi khi chỉ là những thứ vụn vặt mà giờ nghĩ lại đôi khi không dám khoe với ai. Hãy nghĩ đến bài hát đầu tiên, lần biểu diễn đầu tiên, bộ đồ diễn đầu tiên của bạn mà xem. Nhưng nhiêu đó hành trang đam mê cũng là quá đủ để bắt đầu. Với tôi, quãng thời gian này là lúc đẹp nhất của một người theo nghệ thuật, bởi khi đó, mọi thứ đều trong sáng, không có sự lem luốc của vật chất. Mọi thứ lúc này, tuy thô, nhưng thật, vì nó xuất phát từ chính sự đam mê thuần khiết.
Khi bắt đầu va chạm và có nghề: chúng ta bắt đầu có những tính toán, vì đã khôn hơn sau những lần chốt hớ giá, có kinh nghiệm hơn sau những cú đội quần vì thiếu năng lực. Mọi thứ từ tập luyện, làm tác phẩm cho tới phát hành, biểu diễn … đều bắt đầu có màu con số, có chút tính toán, có những ngập ngừng và bắt đầu có nhiều hơn những mưu kế để đạt được cái to, cái nhỏ trong nấc thang sự nghiệp sắp tới. Giai đoạn này, có lẽ là giai đoạn đắng lòng nhất của đời nghệ sĩ, đa số, trong đó tính luôn tôi, sẽ thảo mai để có mối quan hệ, sẽ giao du, chụp hình với nhiều người nổi tiếng để ké được tí danh, sẽ né một số dự án khi thấy không có quyền lợi hoặc ít hơn mong muốn, sẽ chê bai, đánh giá nhiều đồng nghiệp khi cảm thấy mình hơn hay kém họ … Tuy nghe hơi thốn, nhưng nó thật đến nao lòng. Đứa nào làm nghề mà nói mình không có như vậy là xạo. Bởi trừ khi mọi thứ được lót sẵn từ đầu, sinh ra ngay đống vàng, tài năng không ai bì thì mới thoát bảy mươi hai kiếp nạn trên. Còn không, buộc lòng phải lăn xả với đời, với nghề. Đứa nào mới đi hát mà không bị ăn chửi, không bị người này người kia chèn ép, không thiếu đồ diễn, nhạc diễn, không nợ người này người kia… Đa phần chúng ta nếu không có điều kiện hơn người, thì buộc phải bắt đầu bò từ đáy ngoi lên, cũng do đó mà phải làm mọi thứ bần hàn nhất đến khi có được những cơ hội đầu tiên, những bước đi đầu tiên.
Nhưng đời lại có cái hay, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Có những người may mắn hơn, khi gặp kiếp nạn, làm sai, lại gặp quý nhân, quý nhân đó, có khi là những anh chị đi trước, họ hướng dẫn, chia sẻ cho mình. Có lúc là lời dạy từ một người Thầy, người Cô hay kể cả là những lời chê trách thậm tệ. Từ đó, người biết lắng nghe, tỉnh táo sẽ nhận ra và thay đổi, trở về chính đạo. Có người thì kệ, được cho mình trước mắt là quất. Mấy thanh niên này sớm nổi cũng sớm tàn, vì thiếu cái nghĩ xa, lo cho hậu vận.
Cho nên, nói cho cùng, giá trị cốt lõi là mục đích mà mình muốn sống đến cùng với nghề, nên và phải được làm rõ ngay từ đầu. Có như vậy, tương lai mới chắc chắn được. Bởi vì, với mỗi một giá trị, bạn sẽ cần những cách làm khác nhau, và đối tượng tiếp xúc cũng sẽ khác nhau. Nếu hôm nay chỉ đang đam mê một cách thơ ngây thôi, hoặc đã bắt đầu biết tính toán thiệt hơn nhưng chưa hoạch định được giá trị cốt lõi của bản thân mình khi theo nghề, bạn có thể niệm chú mấy câu sau:
- Tôi đang làm vì đam mê? Đam mê cái gì?
- Hay mục đích theo nghề là kiếm tiền?
- Hay tôi chỉ muốn nổi tiếng? Rồi đi event, đi show, rồi livestream bán hàng online
- Có nhiều mối quan hệ để làm gì, ăn được không?
- Nổi tiếng để làm gì, ăn được không?
- Tôi muốn có thành quả gì trong cuộc đời nghệ thuật của mình?
- Tôi làm được gì cho đời không, có muốn làm gì cho đời không?
Những câu như thế này nghe nó quạch tẹt nhưng nó là bài thuốc hữu hiệu cho bạn khi đang hoang mang, lưỡng lự hoặc cần phải thỏa hiệp một điều gì với ai.
Người càng giữ vững quan điểm, càng có uy tín sẽ càng sớm thành công và thành công sẽ bền vững.
Hiểu đơn giản thế này. Tôi nói tôi là ca sĩ, tôi hát vì đam mê, mà mỗi lần đụng đến tôi lại thấy lúc nào cũng nói về tiền, tác phẩm nghệ thuật tôi không có mà toàn thấy xuất hiện trên báo chí với các tít “Đại gia Quý đi xe hơi 4 tỉ vợ mới mua cho nhân dịp 1/4” … thì làm sao có nền tảng nghề để mà tạo uy tín, để có cơ hội, kinh nghiệm và sự trưởng thành?
NGHỀ
Khi đã có giá trị cốt lõi tốt, biết mình cần phải làm gì, tiếp theo là hoạch định tương lai. Bởi bạn đã xem nó là nghề, thì phải có trách nhiệm. Có lần, mình được ngồi với nhạc sĩ Lê Thanh Tâm, một người anh mình luôn ngưỡng mộ về tài năng, anh nói một câu mình khắc ghi, làm nghề thì phải sống được với nghề. Đó cũng là điều mà mình làm khi quyết định bỏ hết mọi thứ, chấp nhận sống vật vã hơn 10 năm trước để được theo đuổi nghệ thuật. Phải sống được với nghề. Vậy, làm sao để sống được? Lại tiếp tục niệm chú.
- Muốn sống được với nghề nào cũng cần phải giỏi.
- Không chỉ giỏi bằng tiểu xảo mà phải giỏi bằng thực lực.
- Muốn giỏi thì mỗi ngày phải học, càng nhiều càng tốt, học đến khi nào chết thì thôi.
- Học hết chuyên môn của mình thì kiếm các lĩnh vực liên đới mà học, có vậy sau này va chạm còn biết đường mà binh.
- Học lý thuyết xong thì phải kiếm cách thực hành, không có ai mời thì tự đẻ ra việc mà làm.
- Làm cái gì cũng phải chỉn chu, chưa biết thế nào là chỉn chu thì kiếm người góp ý. Không kiếm được ai thì tìm tài liệu, video, sách, web… nói về nó. Vã quá hết cách thì quăng lên mạng, nghe chửi rồi rút kinh nghiệm. Có người chửi là mừng, không ai chửi mới đáng sợ vì đó là lúc người ta không thèm/muốn nói đến
- Làm gì cũng cần hết sức, hết lòng, trách nhiệm, kiên trì, không bao giờ được nản
- Chưa giỏi thì phải biết lắng nghe và học hỏi, giỏi rồi cũng phải khiêm tốn vì thật ra, khi nghĩ mình giỏi là lúc đó hết giỏi.
- Muốn lên đỉnh thì phải làm cái tốt nhất, tâm huyết nhất. Phải thật sự khó tính, kỹ tính, phải làm cái không giống ai, chưa ai làm. Có như vậy mới có sự độc đáo, mới khác biệt và mới là nghệ thuật.
Nếu làm hết được đống đó, mà làm tốt, thì tạm gọi là có nghề. Nói thiệt, tui cũng chưa làm được, chém gió thì giỏi, chứ còn học dài dài. Viết mấy dòng này chủ yếu là để 10 năm nữa quay lại xem đã có nghề chưa.
Nghề là vậy đó, không có lơ mơ, cưỡi ngựa xem hoa, hay em thích thế này thế nọ mà khi cần làm thì mất tích hoặc xuất hiện mà toàn làm bể chuyện. Mọi thứ chỉ được đánh giá qua kết quả. Đừng chờ cơ hội mà hãy tạo ra cơ hội bằng sự chuẩn bị tốt nhất. Bí quyết của những nghệ sĩ thành công là người ta tự tìm đến với họ khi biết họ thật sự giỏi và nghiêm túc trong một lĩnh vực cụ thể. Bạn có muốn mời một ca sĩ hát tốt, ăn bận đẹp, đến đúng giờ bạn yêu cầu trong sự kiện quan trọng của mình không?
NGHIỆP
Khi đã theo nghề thì cũng là lúc mang nghiệp. Vì được sống và sống được với nghề nên cũng phải có trách nhiệm với nghề. Trách nhiệm nghề nằm ở những gì? Đó là tác phong làm việc, là giờ giấc, là cố gắng cho ra được một tác phẩm hay, là mang cái văn hóa nghệ thuật đến từng nẻo đường thôn xóm, là phát huy truyền thống nghệ thuật nhiều ngàn năm, là tiếp thu tinh hoa nghệ thuật khắp nơi, là sáng tạo những thứ xuất sắc độc đáo, là xây dựng và phát triển con người, nơi chốn hiện tại. Nghiệp là vậy, tại sao có những người đã thành công rồi mà không thể buông được? Đó là vì nghiệp với nghề, là trách nhiệm mà bản thân mỗi nghệ sĩ cần có để duy trì, phát triển cái lĩnh vực mà mình mang theo.
ĐẠO
Đạo là con đường, với người nghệ sĩ chân chính, nghệ thuật cũng là đạo, là lẽ sống, là con đường để đi đến niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất. Điều đặc biệt tôi nhìn thấy, ở những người nghệ sĩ thành công, và lâu năm trong nghề, đặc biệt là những nghệ sĩ từ những thế hệ trước… đó là cách họ sống với nghề bằng cái tâm, sự thuần khiết với nghệ thuật dù lắm nỗi phong ba. Có người lăn lộn với chiến tranh, có người túng quẫn trong bần hàn nghèo đói, có người gặp các uẩn khúc riêng với nhân sinh và thời cuộc. Nhưng nhìn lại sau nhiều chục năm ròng rã với nghề, thăng trầm có đủ. Họ vẫn đong đầy trong tim mình những sự thăng hoa của nghệ thuật, của niềm đam mê bất tận.
Với tôi, nghệ thuật cũng chính là Đạo, tôi vẫn thi thoảng tìm về tuồng xưa tích cũ, tìm về những văn hóa dân gian, truyền thống, tìm đến những nhân vật đã nhiều năm vắng bóng, chỉ để được nghe họ tuôn ra những lời thấm đẫm chất nghệ sĩ sau một quãng đời dài phong trần.
Chợt nghe lời chia sẻ của một người anh nghề sân khấu về Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật hay Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh, tôi lại càng thêm suy tư và sự khao khát muốn làm nghệ thuật chân chính, thuần túy trong tôi lại càng mãnh liệt hơn bội lần.
ĐỜI
Ngày xưa, nghệ sĩ chưa được bảo vệ quyền tác giả, nghệ thuật sao mà thuần khiết, trong vắt với những tác phẩm, cuộc đời trọn vẹn và cảm xúc thăng hoa nhất. Ngày nay, khi nghệ sĩ đã được công nhận quyền lợi, chúng ta đã có thêm sức mạnh để tạo ra những tác phẩm hay hơn và có cuộc sống an tâm hơn với nghề sáng tạo của mình.
Nhưng song song đó, cũng là một hệ lụy đi kèm. chúng ta thay vì được tiếp sức để làm tốt hơn với nghệ thuật, thì một bộ phận khác lại vì thứ quyền lợi đó mà đẻ ra hàng tá vấn đề để cuối cùng làm bóp chết dần cái đẹp của nghệ thuật.
Một video hát cover cho vui của một đứa trẻ đôi khi cũng bị report và tháo xuống vì vi phạm bản quyền. Những clip nhân văn, thiện nguyện gặp khó khăn khi không có nhạc để đưa vào. Ai cũng muốn giữ lấy phần bản quyền và % nhiều hơn về mình, chúng ta muốn có trọn, và đôi khi, là ăn cắp cả thứ của người khác để rồi nói nó là của mình, rồi đem đi đăng ký.
Nghệ thuật mà, sao lại trở nên như thế?
Cũng là ngày xưa, khi chưa có công nghệ, chưa có mạng xã hội, nghệ sĩ thèm khát được đứng trên sân khấu, được gửi gắm đến khán giả cái hồn và tấm chân tình. Thì nay, lại dần trở thành những chiêu trò pr, marketing không lấy nghệ thuật làm trọng để rồi sau đó là một làn sóng giới trẻ bị ảnh hưởng, tưởng đó là hay, tưởng làm nghệ thuật hóa ra cũng dễ, rồi pha trò, làm bậy, làm ẩu, dễ dãi trong lối sống đến cả lối tư duy. Chúng ta nên để cái đẹp của nghệ thuật được lan tỏa nhờ truyền thông chứ đừng dùng truyền thông như một mũi giáo nhọn để rồi bất chấp mọi thứ hậu quả chỉ cần mình nổi tiếng thôi là được.
Và còn nhiều vô kể những thứ khác trong cuộc đời chúng ta, tác động vào cách chúng ta đang làm nghề và trả nghiệp.
Tôi chỉ mong, là một nghệ sĩ, chúng ta cần nhận thức cái việc làm ra tác phẩm hay nó mới thật sự là điều cần hướng đến. Những thứ còn lại cà công cụ và xoay quanh nó. Chúng ta cần tìm cách để những thứ mình làm sẽ mang theo giá trị nhân văn, truyền tải thông điệp văn hóa, giúp ảnh hưởng phần nào đến cộng đồng của mình, và qua đó, ươm mầm cho một thế hệ tương lai. Để vài chục năm nữa, chúng ta lại có một thế hệ vàng những con người trưởng thành nhờ sự ảnh hưởng từ một thế hệ nghệ sĩ có tâm, có tầm đi trước.
Tác giả: nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý
Phát hành và sở hữu bản quyền: Adam Muzic