MIXING TIPS PHẦN 1: Thao tác cơ bản
Chắc hẳn lúc mới bắt đầu mixing ai cũng hoang mang mình nên làm điều gì trước điều gì sau. Có nhiều cách để mixing một bản nhạc. Nhưng có cách nào để làm việc đó tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hơn thì đó lại là vấn đề khác. Tuỳ theo khả năng mỗi người sẽ có một cách mixing cho riêng mình. Nhưng hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn một cách mix cơ bản và rất hiệu quả cho người mới tập hoặc đã làm nhưng chưa thấy được sự hiệu quả từ bản mix của mình. Mình sẽ đưa ra một vài phương pháp giúp các bạn có một quy trình rõ ràng để không bị rối khi thực hiện phần mixing. Mình không dài dòng nữa đây là phần chính của phần 1.
Ý tưởng
Đầu tiên, các bạn chắc chắn phải hình dung được bản phối của mình sẽ như thế nào sau khi mixing, vị trí các nhạc cụ nằm ở đâu trong không gian bản phối của bạn, nhạc cụ nào lớn nhạc cụ nào nhỏ. Thay vì cặm cụi bắt tay vào làm thì hãy hình dung ra cái đích đến cuối cùng trước để mình không bị rối khi thực hiện thao tác. Đương nhiên các bạn sẽ gặp khó khăn vì lần đầu sẽ rất khó hình dung được bản nhạc mình như thế nào. Thì mình có một mẹo nhỏ và rất cơ bản với một người mixing nhạc. Đó là HÃY NGHE THẬT NHIỀU. Chính xác là các bạn phải nghe cả trăm cả ngàn lần bài nhạc mình thích để quyết định là mình sẽ thực hiện mixing theo phong cách nào đó. Một lợi thế nữa khi các bạn đã chọn được một bài nhạc mình muốn theo phong cách của họ thì bạn đã có một ví dụ để so sánh chất lượng âm thanh khi bạn mix. Như vậy sẽ dễ dàng tưởng tượng ra bản final của mình ra sẽ nghe như thế nào. Bạn làm được bước này xem như bạn đã hoàn thành được hơn 20% bài mix rồi. Vì khi các bạn đã có ý tưởng trước thì việc thực hiện vô cùng đơn giản.
Đặt tên và gán màu
Vì sao phải đặt tên và chọn màu cho nhạc cụ? Một lý do hết sức đơn giản là bạn sẽ không phải mất thời gian đi tìm những những nhạc cụ mình cần xử lý. Một ví dụ đơn giản, những nhạc cụ quan trọng các bạn đặt tên rồi chọn cho chúng màu đỏ thể hiện sự cấp bách cần xử lý ngay thì các bạn sẽ biết được là mình sẽ phải làm gì đầu tiên. Các bạn không phải mất nhiều thời gian đi tìm loại nhạc cụ đó ở đâu đó mà mình còn không rõ nó nằm ở đâu. Việc đặt tên và màu sắc không tốn của các bạn quá nhiều thời gian ngược lại nó còn giúp các bạn tiết kiệm thời gian để thực hiện những bước sau hoàn chỉnh và gọn gàng hơn. Vì mixing cần rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều công sức. Nên việc sắp xếp có khoa học để mình tiết kiệm được tài nguyên của bản thân là một lựa chọn không hề tồi đúng không nào?
Cân bằng âm lượng
Việc đầu tiên cũng là cấp bách nhất của mixing đó là cân bằng âm lượng các nhạc cụ.
Bạn không thể để tất cả các nhạc cụ cùng một mức âm lượng. Vì sao? Bạn hãy nghĩ đơn giản hơn tới cách chế biến một món ăn. Bạn không thể nào thêm một lượng muối bằng với khối lượng của một miếng thịt mà bạn sắp đem nướng. Hoặc cho cùng một lượng tiêu với cùng khối lượng với một nồi thịt. Nó sẽ gây ra sự dư thừa không cần thiết và làm giảm đi chất lượng của món ăn. Lượng muối nhiều sẽ gây mất mùi vị miếng thịt, lượng tiêu quá nhiều sẽ gây cay nồng không còn thưởng thức được từng miếng thịt kho nó như thế nào nữa.
Thì việc mixing cũng vậy. Các bạn hãy hình dung đâu là nhạc cụ chính đâu là những gia vị để thêm vào bản nhạc sinh động. Như vậy các bạn sẽ dễ dàng cho chúng một âm lượng vừa phải mà không làm món ăn của mình trở nên quá tệ.
Tất nhiên, đây chỉ là bước đầu các bạn thực hiện trên bản thô của bài nhạc để các bạn có một bộ khung cho bản mix của mình. Nên khi các bạn thực hiện các effect vào các track của bản mix thì hãy tái cân bằng một lần nữa để nghe ưng ý nhất.
Panning
Ngoài việc cân bằng âm lượng thì panning cũng là công việc quan trọng không hề kém. Các bạn hãy tưởng tượng bản mix của mình như một cái hộp. Việc của người mixing là làm sao sắp xếp tất cả các nhạc cụ của mình có vào trong cái hộp đó vừa vặn không chen lấn nhau. Thì panning là một trong những cách để thực hiện điều đó.
Panning là một cách các bạn xử lý không gian cho bản mix. Việc chọn nhạc cụ nào nằm bên trái hoặc bên phải cũng không quá khó khăn khi các bạn đã hình dung ra được bản nhạc mình sẽ có không gian như thế nào.
Một mẹo nhỏ là hãy cân bằng giữa hai bên về âm sắc và tần số.
Sử dụng EQ
EQ là công cụ mixing đầu tiên chỉ sau âm lượng và panning.
EQ là một công cụ cực kỳ quan trọng và hữu ích. Nó giúp chúng ta tăng cường những đặc tính nhạc cụ và loại bỏ các phần không mong muốn. Ví dụ, các bạn thu vào guitar thì không cần phải lấy tất cả phần Low từ 50hz đổ xuống. Vì nó không cần thiết hãy chừa khoảng trống đó cho phần Bass hoặc Sub Bass.
Các bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin với từ khoá Frequency Chart. Có rất nhiều thông tin và hình ảnh về đặc tính các loại nhạc cụ.
Ngoài cắt bớt những thứ không cần thiết ra thì chúng còn có tác dụng boost những âm thanh hay lên. Một lần nữa ví dụ với guitar, các bạn nghe một nhạc cụ hãy phân tích chúng xem có những âm thanh gì khi mà nhạc cụ đó phát lên. Như guitar sẽ là tiếng ngón tay hoặc pick chạm vào dây đàn, âm thanh di chuyển tay trái khi đổi thế bấm, âm thanh từ lỗ cộng hưởng phát ra và rất nhiều cái để phát ra âm thanh trên một cây đàn. Vậy làm sao để lấy hết các chi tiết đó.
Cách tốt nhất là làm cho tốt đầu vào. Có nghĩa là các bạn phải đặt mic thu và chọn vị trí cho mic đó làm sao để lấy được âm thanh đó rõ ràng nhất. Nếu đã chọn rồi nhưng thu vào vẫn chưa như ý thì hãy sử dụng EQ để boost lên phần âm thanh mà mình muốn nghe rõ nhất trên nhạc cụ đó.
Các công dụng trên cũng chỉ có một tác dụng chính đó là làm rõ các nhạc cụ và sắp xếp vị trí của chúng vào cái hộp ban đầu mà chúng ta đã tưởng tượng ra.
Chưa hết, EQ còn có tác dụng làm một Filters khi sử dụng kết hợp với automation. Các bạn nghe những bản nhạc EDM có những tiếng Kick, Clap khi sắp vào phần Drop chúng có xu hướng đanh và sắc hơn. Đấy là do người mixing đã sử dụng kỹ thuật filters bằng EQ để biến đổi âm thanh theo ý mình muốn.
Hiểu sâu về EQ thì các bạn sẽ càng thấy công cụ này rất thần thánh. Nó giúp chúng ta rất nhiều trong việc mixing.
Compression
Compressor là một trong những công cụ có khá nhiều công dụng rất hữu ích khi bạn mixing các nhạc cụ.
Các công dụng của compressor:
Làm giảm sự khác biệt của các âm thanh (ở đây là giữa những âm thanh có âm lượng lớn và âm lượng nhỏ). Ví dụ: những âm bồi của tiếng guitar như rải dây, tiếng lướt đàn thường nhỏ hơn tiếng ở lỗ cộng hưởng. Công dụng của compressor là nén các âm thanh lớn cho những âm bồi của tiếng lướt dây rõ ràng hơn.
Kỹ thuật Sidechain hay Ducking: mình sẽ gọi nó một cách dễ hiểu là nhường chỗ cho phần attack của một âm thanh khác. Ví dụ: Các bạn có để ý là những bản nhạc dance thường là house thì phần bassline sẽ có độ nảy. Vì sao lại thế? Các kỹ sư âm thanh thường dùng kỹ thuật này để nén âm thanh của bassline nhỏ lại khi tiếng kick phát lên. Sau đó tiếng bassline mới hiện rõ ra. Nó tạo nên độ rõ ràng cho tiếng kick và tiếng bassline. Độ nảy là do sự rõ ràng của tiếng kick kết hợp cùng bass làm cho ta có cảm giác như tiếng bass có phần hơi trễ một xíu so với tiếng kick làm tăng độ búng cho tiếng bass.
Còn rất nhiều kỹ thuật khác có thể sử dụng với compressor. Đây là 2 kỹ thuật thường dùng nhất trong khi mixing.
Lưu ý: Không phải khi nào cũng cần sử dụng compressor. Vì có những âm thanh đã đủ độ dày, những âm thanh nhỏ trong nhạc cụ đó đã đủ lớn thì không nên nén quá nhiều. Nên đặt tỉ lệ nén vừa phải phù hợp với từng nhạc cụ, từng thể loại nhạc để không bị mất sự tự nhiên của nhạc cụ đó.
Làm giảm sự khác biệt của các âm thanh (ở đây là giữa những âm thanh có âm lượng lớn và âm lượng nhỏ). Ví dụ: những âm bồi của tiếng guitar như rải dây, tiếng lướt đàn thường nhỏ hơn tiếng ở lỗ cộng hưởng. Công dụng của compressor là nén các âm thanh lớn cho những âm bồi của tiếng lướt dây rõ ràng hơn.
Kỹ thuật Sidechain hay Ducking: mình sẽ gọi nó một cách dễ hiểu là nhường chỗ cho phần attack của một âm thanh khác. Ví dụ: Các bạn có để ý là những bản nhạc dance thường là house thì phần bassline sẽ có độ nảy. Vì sao lại thế? Các kỹ sư âm thanh thường dùng kỹ thuật này để nén âm thanh của bassline nhỏ lại khi tiếng kick phát lên. Sau đó tiếng bassline mới hiện rõ ra. Nó tạo nên độ rõ ràng cho tiếng kick và tiếng bassline. Độ nảy là do sự rõ ràng của tiếng kick kết hợp cùng bass làm cho ta có cảm giác như tiếng bass có phần hơi trễ một xíu so với tiếng kick làm tăng độ búng cho tiếng bass.
Depth
Ngoài điều chỉnh volume và panning thì còn có các công cụ khác để hỗ trợ làm cho bài nhạc có độ sâu và rộng. Đó là delay và reverb. Hai công cụ này các bạn có thể tìm hiểu qua trang web của ADAM Muzic Academy qua 2 đường link mình chia sẻ phía dưới đây:
http://adammuzic.vn/reverb-su-vang-am/
http://adammuzic.vn/delay-la-gi/
Không gian bài nhạc là phần rất quan trọng trong bản phối. Không gian ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của bản nhạc. Giống như bạn đang hát ở một không gian phòng sẽ khác ở một nhà hát hoặc một không gian rộng hơn. Mỗi không gian sẽ có độ trễ (delay) độ vang dội (reverb) khác nhau. Và cách tính toán thông số khác nhau.
Lưu ý: Không nên lạm dụng quá nhiều. Vì sẽ làm bản mix bị rối lên vì nhiều âm thanh có cùng một thông số reverb hoặc delay sẽ gây rối loạn nghe bài nhạc rất hỗn độn.
Hãy cùng thử thực hiện theo các quy trình trên xem kết quả thay đổi như thế nào nhé. Chúc các bạn thành công. Hãy đón chờ những bài Tips khác của mình nhé.
Biên soạn: Vương Hoàng Long
Phát hành: ADAMMuzic
Nguồn:
The Only 5 Things to Think About When You’re Mixing, [Apr 20th, 2018] https://www.audio-issues.com/music-mixing/the-only-music-mixing-tips-youll-need/