Có một vùng đất mà ngày nay các bạn trẻ mô tả hóm hỉnh là chỉ có một mùa nóng và một mùa nóng muốn xỉu. Đó là Sài Gòn. Một cái tên thân thương, nhiều hoài niệm và không thuộc về ai. Sài Gòn thuộc về tất cả những ai yêu thương nó.
Nếu như Hà Nội nổi tiếng là mảnh đất mang lại niềm cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tác ra những tuyệt phẩm đi vào lòng người thì Sài Gòn cũng không hề kém cạnh. Tôi có thể liệt kê ra gần 300 ca khúc viết về Sài Gòn, đó là chưa kể đến rất nhiều ca khúc có mang hình ảnh Sài Gòn thấp thoáng trong câu hát. Chúng ta điểm qua một vài ca khúc đáng lưu ý nhé!
Chiều Trên Phá Tam Giang – Trần Thiện Thanh
Là một trong những ca khúc tuy không viết trực tiếp về Sài Gòn nhưng toàn bộ tâm tư thương nhớ của kẻ ở miền xa đều gửi về người thương ở mảnh đất Sài Gòn.
Phá Tam Giang nằm ở vùng Thừa Thiên-Huế, nằm trong con đường thủy huyết mạch đi đến kinh thành Huế nên tất cả tàu thuyền đều đi ngang đây. Phá Tam Giang là một phá có sóng to gió lớn nên thuyền bè đi ngang đây rất sợ. Chẳng vậy mà có câu thơ:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…
Về hoàn cảnh ra đời ca khúc, đó là một buổi chiều giữa năm 1972. Thời điểm đó là đỉnh cao khốc liệt của cuộc chiến Việt Nam mà chúng ta nghe với tên gọi Mùa hè đỏ lửa 1972. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cùng nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Uyên trong một buổi chiều ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang thấy máy bay lượn vòng trên bầu trời. Nhà thơ Thùy Uyên đã sáng tác bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang” và ít lâu sau ca khúc cùng tên ra đời.
Lời ca khúc là tâm trạng khắc khoải của chàng trai nghĩ về người thương của mình ở Sài Gòn. Nghĩ đến những sinh hoạt thường nhật của cả hai nhưng một thói quen mà chỉ có những kẻ thương nhau đậm sâu mới nhớ được. Ca từ rất mộc mạc còn âm nhạc thì mang đầy những hoài nhớ.
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
người lao công quét dọn hành lang
giờ này thành phố chợt bùng lên
để rồi tắt nghỉ sớm
Giờ này có thể trời đang nắng
em rời thư viện đi rong chơi
hàng cây viền ngọc thạch len trôi
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè
như đóa hoa nở vội
giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao
Giờ này thành phố chợt bùng lên
em giòng lệ bất giác chảy tuôn
nghĩ đến một điều em không rõ
nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
Áo Lụa Hà Đông – Ngô Thụy Miên
Một bài thơ, một ca khúc và một bộ phim cùng mang một cái tên và cùng chung một số phận. Số phận định cho Áo Lụa Hà Đông là một cái tên nổi tiêng và mỗi khi nhắc đến ai cũng phải ấn tượng.
Năm 1930 xứ Bắc tổ chức cuộc thi hoa hậu chỉ với một điều kiện duy nhất là các chị em khi tham gia phải mặc trang phục là áo lụa Hà Đông. Lý Lệ Hà chính là mỹ nhân đã đăng quang ngôi vị cao nhất. Từ một cô gái nghèo quê Thái Bình, cô một bước hóa thân phượng hoàng khi trở thành người tình của hoàng đế Bảo Đại.
Thi sĩ Nguyên Sa cũng như bao kẻ khác, say mê nụ cười ánh mắt của nàng hoa khuê xứ bắc mà đã cảm tác nên bài thơ Áo Lụa Hà Đông. Năm 1969, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên biết được giai thoại này, ông đã viết lên ca khúc Áo Lụa Hà Đông khi mới 21 tuổi. Ca khúc nổi tiếng đền độ chỉ cần thấy bóng dáng áo dài thướt tha trên phố Sài Gòn là người ta lại nghĩ ngay đến 2 câu hát đầu bài:
Nắng Sài Gòn, em đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Sài Gòn/Sài Gòn Đẹp Lắm – Y Vân
Thú thật là cho đến khi tìm tư liệu để viết bài viết này thì tôi mới biết rằng ca khúc mà mọi người vẫn hay gọi là Sài Gòn Đẹp Lắm lại có cái tên chính xác là Sài Gòn. Tháng 8 năm 1965, ca khúc Sài Gòn được nhạc sĩ Y Vân cho in ấn lần đầu tiên. Ca khúc được viết với điệu ChaChaCha rộn ràng như chính nhịp sống của Sài Gòn. Có lẽ câu hát cuối bài quá ấn tượng như những lời cảm thán ngưỡng mộ của mất cứ ai ghé qua vùng đất Sài Gòn nên dần dần mọi người quen gọi ca khúc với cái tên Sài Gòn Đẹp Lắm.
Cà Phê Một Mình – Phương Thảo, Ngọc Lễ
Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến cà phê. Cà phê giống như một món giải khát mà người Sài Gòn có thể uống bất cứ lúc nào mình thích và mua ở bất kỳ đâu. Từ con phố lớn sầm uất đến những những con hẻm bé nhỏ, đâu đâu cũng có thể thấy 2 chữ cà phê thật ngọt ngào làm sao.
Như mọi điều trong cuộc sống, người uống cà phê cũng có người này kẻ kia. Cà phê một mình, không phải là tên một loại cà phê, mà tên của một nỗi niềm. Ca khúc Cà Phê Một Mình của cặp đôi vàng làng nhạc Việt một thuở Phương Thảo – Ngọc Lễ là một ca khúc buồn đến vô tận. Nỗi buồn này làm cho những kẻ nghe thấy đều chùn lòng xuống trong thoáng chốc. Giới yêu nhạc, đặc biệt là những khán giả yêu thích ca khúc này đều đồng ý liệt ca khúc này vào danh sách những ca khúc nghe 1 lần mà buồn 1 tuần đấy các bạn ạ!
Sài Gòn Cà Phê Sữa Đá – Hà Okio
Cho!
Cho là một động từ mà ý nghĩa của nó không bao gồm chi phí. Khác với các vùng miền xứ Bắc luôn dùng chữ “bán” đi cùng chữ “cho”, xứ Nam mỗi khi mua cái gì lại dùng gỏn gọn mỗi chữ “cho” nghe ngộ nghĩnh và rất vui tai.
Cho tôi một ly cà phê…cà phê sữa đá. Đây là câu mở đầu cho một ca khúc viết về cái thức uống trứ danh của vùng đất Sài Gòn do nhạc sĩ Hà Okio sáng tác và trình bày. Ca khúc này cũng gần như định hình một thương hiệu cho Sài Gòn như ca khúc Sài Gòn Đẹp Lắm của nhạc sĩ Y Vân vậy, vui tươi rộn ràng và luôn náo nhiệt.
Ca khúc được nhạc sĩ Hà Okio viết sau khi nói chuyện với một anh bạn nhạc sĩ người Philippine. Anh chàng này rất mê cà phê sữa đá. Anh ấy không nói được tiếng Việt nhưng bằng mọi giá học phát âm cho được 4 chữ Cà Phê Sữa Đá chỉ để gọi món này mỗi khi đi mua cà phê tại các hàng quán.
Góc Phố Dịu Dàng – Trần Minh Phi
Sài Gòn nha cao phố rộng huyên náo là thế nhưng chẳng thiếu những góc phố thầm lặng với nhiều hồi ức của cái tuổi mộng mơ. Góc Phố Dịu Dàng với những hình ảnh gợi nhắc về cái mối tình ở cái tuổi hồng khi còn cắp sách đến trường. Là chè kem, là chú mèo, là hoa học trò,..
Sài Gòn Yếu Đuối Biết Dựa Vào Ai – Huỳnh Quốc Huy
Cũng như bao vùng đất khác, để chinh phục được Sài Gòn, những con người nơi đây cũng trăn trở với cơm áo gạo tiền, cái thứ mà làm con người ta dễ gục ngã trong quá trình sinh tồn. Những lúc đó yếu đuối lắm, đặc biệt là những dấu chân tha hương, biết dựa vào ai.
Có một ca khúc như thế, Sài Gòn Yếu Đuối Biết Dựa Vào Ai! Một ca khúc xoay quanh những trắc trở của người Sài Gòn được thể hiện rất rõ trong MV . Ca khúc như thay lời muốn của gần 9,000,000 con người đang loay hoay giữa bộn bề cuộc sống này. Sài Gòn dễ sống mà cũng lắm bão tố! Một ca khúc thú vị với góc nhìn đầy tâm tư của những người trẻ đang đi tìm thành công và đi tìm chính mình.
Ca khúc được trình bày qua giọng ca độc đáo của quán quân Ẩn Số Hoàn Hảo mùa đầu tiên – Tăng Phúc và Charles Huỳnh.
Bên cạnh đó thì hoàn cảnh ra đời của bài hát rất thú vị. Trao đổi với tác giả Huỳnh Quốc Huy thì đơn giản là trong một buổi chiều …hết tiền!!! Anh đã xách xe chạy vòng quanh Sài Gòn, nhìn cuộc sống diễn ra xung quanh mình với bao số phận khác nhau và nhìn lại chính con đường với bao vấp ngã của chính mình, anh đã viết ra ca khúc này.
Đây chỉ là một số ít những ca khúc hay về Sài Gòn qua từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra còn rất nhiều ca khúc về Sài Gòn rất hay mà chúng ta có thể tìm kiếm trên các trang web với nhiều chủ đề như tình yêu, tình người, chiến tranh và hòa mình, quê hương đất nước,.. của nhiều nhạc sĩ tài ba.
Sài Gòn, cái tên của nó và âm nhạc của nó luôn là của nhau!
Biên soạn: Quân Nguyễn
Phát hành: ADAM MUZIC