Âm nhạc, kể từ buổi sơ khai, đã là một phần thiết yếu trong sinh hoạt của loài người, nó xuất hiện trong nghi lễ tôn giáo, hội hè, và thậm chí trong những sinh hoạt bình dị nhất mà chúng ta có thể nghĩ đến. Âm nhạc không của riêng ai, nó là của tất cả mọi người, những con người đang sống, những con người đã từng sống một lần trên mặt đất này, và cả những con người sẽ xuất hiện trong tương lai gần hay xa.
Không phải chỉ những nhà soạn nhạc mới có thể sáng tạo âm nhạc. Những người bình dị nhất, dù chưa một lần được đào tạo âm nhạc bài bản, cũng có thể lẩm nhẩm ngẫu nhiên để tạo ra những nốt nhạc của riêng mình. Và không ít những người nổi tiếng trong lịch sử thế giới, dù không lưu danh là nhà soạn nhạc, cũng đã có những cuộc dạo chơi ấn tượng trong khu vườn âm nhạc mà ngày nay chúng ta vẫn còn được trông thấy.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau điểm lại năm nhân vật, là những vua chúa nổi tiếng trong lịch sử, cũng là những người yêu âm nhạc và đã để lại cho hậu thế những dấu ấn nhất định với khả năng sáng tạo âm nhạc của họ, nhiều người trong số họ có công lao đáng kể trong việc tạo điều kiện cho nền âm nhạc bác học hoàn thiện và phát triển.
1. Vua Richard I của nước Anh:
Vua Richard I (1157 – 1199) thuộc dòng Plantagenet, có biệt danh là “Tim sư tử” (Richard I Lionheart), là một chiến binh dũng mãnh và là nhà lãnh đạo quân sự tài ba trong những cuộc Thập tự chinh của châu Âu thời Trung cổ. Tuy là vua của nước Anh, nhưng trong suốt thời gian 10 năm trị vì, ông hiện diện ở Anh Quốc không đầy 6 tháng. Ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Occitan (thuộc tiếng Pháp cổ). Các vua Anh thời Trung cổ có gốc gác là người Pháp nên họ dùng tiếng Pháp là chủ yếu. Do đó mà bài hát do ông sáng tác, mà tôi sẽ giới thiệu ngay sau đây, cũng được viết bằng tiếng Occitan.
Vua Richard I “Tim sư tử” (Nguồn: express.co.uk)
Ja Nus Hons Pris (Tạm dịch là “Không ai cầm tù ai”), hay còn được gọi là “Tâm sự người tù” (Song of Captivity), hoặc “Bản ballad của vua Richard” (King Richard’s Ballad), được sáng tác trong những năm ông bị công tước nước Áo bắt giam và lưu đày, khi ông đang trên đường trở về nước sau cuộc Thập tự chinh thứ ba. Bài hát mang màu sắc u ám nặng nề, dễ mang lại cho người nghe cảm giác nổi da gà. Nội dung bài hát là lời than thở của một người bị cầm tù và đang nóng lòng chờ thuộc hạ của mình gom góp cho đủ món tiền để chuộc lại tự do cho mình
2. Vua Henry VIII của nước Anh:
Henry VIII (1491 – 1597) là một ông vua nổi tiếng trong lịch sử nước Anh, thuộc dòng Tudor. Ông nổi tiếng với kỳ tích 6 người vợ (trong đó có 2 người bị ông chém đầu), và sự li khai khỏi Giáo hội La Mã để phế bỏ ràng buộc khiến ông không thể li dị người vợ đầu và kết hôn với người vợ thứ hai. Ông có ba người con và họ đều là những vị vua và nữ hoàng của nước Anh, trong đó nổi tiếng hơn cả là nữ hoàng Mary I (biệt danh là “Mary đổ máu” – Bloody Mary), và nữ hoàng Elizabeth I.
Vua Henry VIII là một người yêu nghệ thuật, ông chơi thành thạo các loại nhạc cụ Phục hưng, như đàn lute, đàn organ, ông có giọng hát hay, và là vị vua đầu tiên đưa âm nhạc vào triều đình (thay vì để âm nhạc phục vụ mục đích tôn giáo như trước kia). Ông là người uyên bác, thông thạo ba ngôn ngữ Anh, Pháp và Latin.
Vua Henry VIII (Nguồn: standard.co.uk)
Pastime with Good Company (Tạm dịch là “Vui chơi cùng thân hữu”) được sáng tác ít lâu sau khi Henry VIII lên ngôi. Đây là một bài hát đơn giản, vui nhộn, dễ thuộc, dễ nhớ, mang đậm sắc màu của âm nhạc Phục hưng, và là một “bản hit” đương thời, rất được ưa chuộng trong các hội hè ở nước Anh, Scotland và nhiều nơi khác ở châu Âu.
3. Sa Hoàng Ivan IV của nước Nga:
Ivan IV (1530 – 1584) là một nhân vật quan trọng trong lịch sử nước Nga, và là vị quân vương đầu tiên sử dụng danh hiệu Sa Hoàng (Tsar), bên cạnh việc mở rộng cương thổ, biến nước Nga thành một vương quốc đa sắc tộc và đa tôn giáo. Trong suốt thời gian trị vì của mình, ông cũng đã gặt hái được nhiều thành quả về mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và văn hóa. Trái lại, ông rất nóng tính và đã từng giết hại nhiều người trong cơn thịnh nộ của mình, trong đó có một người con trai lẽ ra sẽ nối dõi ngôi vị Sa Hoàng. Chính vì vậy mà ông có biệt danh là Ivan Bạo Chúa (Ivan the Terrible).
Sa Hoàng Ivan IV (Nguồn: bcceo.org)
Sa Hoàng Ivan IV cũng là một nhà thơ và nhà soạn nhạc. Một trong những bản nhạc mà ông đã soạn là Sticheron No. 1 in Honor of St. Peter (“Bản Thánh ca số 1 vinh danh Thánh Peter”). Tiếc rằng những bản nhạc này không được phổ biến rộng rãi, và không được trình diễn nhiều trong các sự kiện âm nhạc quốc tế. Đĩa CD duy nhất trình bày 4 bản nhạc của Ivan IV được sản xuất và phát hành vào năm 2011.
Đĩa CD Stichera – âm nhạc của Sa Hoàng Ivan IV (Nguồn: amazon.com)
4. Vua Frederick II của nước Phổ:
Frederick II (1712 – 1786) là vua nước Phổ (một lãnh địa của nước Đức trước khi thống nhất), cũng là vị vua có thời gian trị vì dài nhất của triều đại Hohenzollern. Ông là một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, nhà bảo trợ khoa học và nghệ thuật, và là một nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử châu Âu cận đại. Biệt danh Frederick Đại đế (Frederick the Great) có lẽ được ra đời vì lí do đó.
Vua Frederick II (Nguồn: history.com)
Frederick II là một nhà văn, nhà soạn nhạc tài năng. Dù bận bịu chính sự, ông vẫn không quên chơi sáo mỗi này. Ông soạn hơn 100 bản Sonata cho sáo, và bốn bản nhạc giao hưởng. Ông đã bảo trợ nhiều nhạc sĩ cung đình, trong đó có CPE Bach, con trai của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach mà chúng ta vẫn thường hay nhắc đến.
Tác phẩm mà chúng ta sẽ nghe dưới đây, Flute Sonata No. 11 in D minor (“Bản Sonata thứ 11 cho sáo ở cung Rê thứ”). Bản nhạc này gồm có 3 chương (I – Andante et Recitativo; II – Allegro; III – Presto)
5. Vua Rama IX của Thái Lan
Bhumibol Adulyadej (1927 – 2016), hay vua Rama IX, là vị quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan, và là một trong số những vị quân vương trị vì lâu nhất trên thế giới. Tuy không can dự quá nhiều vào chính trường (tương tự như những vị vua khác ở những nước quân chủ lập hiến hiện đại), ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan hiên đại. Đối với nhiều người dân Thái Lan, ông được tôn kính và sùng bái như một vị thần linh.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej (Nguồn: whatsup-thailand.com)
Nhà vua là một nhạc công và nhà soạn nhạc jazz tài năng, được trao tặng danh hiệu Thành viên Danh dự của Viện Âm nhạc & Nghệ thuật Vienna lúc ông mới 32 tuổi. Nhà vua thường biểu diễn nhạc jazz trên sóng phát thanh của đài Or Sor, và cũng từng công diễn với nhiều huyền thoại nhạc jazz quốc tế. Các tác phẩm do ông viết được dân chúng Thái Lan rất yêu thích.
Chúng ta sẽ theo dõi ngay dưới đây, một đoạn clip ghi hình phần solo saxophone mà nhà vua đã chơi trên sóng truyền hình vào năm 1998. Quả là rất ấn tượng!
Biên soạn: Dật Hanh
Phát hành: ADAM MUZIC
Dẫn nguồn:
Wikipedia 2019, Bhumibol Adulyadej, Wikipedia, truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2019 <https://en.wikipedia.org/wiki/Bhumibol_Adulyadej>
Wikipedia 2019, Frederick the Great, Wikipedia, truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2019 <https://en.wikipedia.org/wiki/Frederick_the_Great>
Wikipedia 2019, Henry VIII of England, Wikipedia, truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2019 <https://en.wikipedia.org/wiki/Henry_viii>
Wikipedia 2019, Ivan the Terrible, Wikipedia, truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2019 <https://en.wikipedia.org/wiki/Ivan_the_Terrible>
Wikipedia 2019, Richard I of England, Wikipedia, truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2019 <https://en.wikipedia.org/wiki/Richard_I_of_England>