Ở bài trước chúng ta đã biết được lỗi thường gặp khi tập Mix Voice là Tăng âm lượng và đẩy hơi
Trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ đi đến một lỗi thương gặp khi tập Mix Voice là Twang. Để biết chi tiết hơn về khái niệm của Twang bạn có thể xem tại đây.
- Twang là gì?
Các bạn thường hay nghe nhiều bài viết, bài giảng nhắc về Twang. Vậy hôm nay chúng ra sẽ tìm hiểu twang là gì.
Để bạn dễ tưởng tượng, trước hết chúng ta hãy xem hình này.
Hình ảnh bộ phận phát âm mà chúng ta vẫn hay xem
Nguồn ảnh : .therespiratorysystem.com
Pharynx là hầu họng bao gồm 3 phần: phần nằm sau mũi, miệng, và phần nằm phía sau thanh quản (Nasopharynx, Oropharynx, Laryngopharynx). Khi chúng ta hát, âm thanh ban đầu phát ra từ thanh quản, và được cộng hưởng đầu tiên tại hầu họng, sau đó mới đến các khoang và xoang phía trên.
Kĩ thuật twang là việc làm hẹp hầu họng bằng cách thực hiện cùng lúc một số hành động sau đây:
- Hơi nâng cao hộp chứa thanh quản
- Hơi nâng cao cuống lưỡi.
- Nghiêng nắp phân môn về phía đường thở, hạn chế khoảng trống giữa nắp và hai dây thanh. Chúng ta không thể tự ý cử động nắp phân môn lên xuống được, tình trạng nghiêng này có được, là nhờ một mặt chúng ta nâng thanh quản lên cao, một mặt chúng ta co cuống lưỡi lên.
- Hạ vòm mềm để sử dụng khoang mũi.
- Mở miệng ngang rộng như cười.
Khi thực hiện những hành động này cùng một lúc, tiết diện ống thở sẽ bị bóp nhỏ đột ngột, làn hơi sẽ bị tăng vận tốc, tạo áp lực lớn hơn. Kết quả cho chúng ta một âm thanh chói, sắc bén, gắt, mỏng, nhưng có âm lượng lớn hơn, âm thanh này gọi là twnag .
Hình ảnh hành động twang. Lúc này, hộp thanh quản dâng lên cao, cuống lưỡi nâng lên, vòm mềm không bị nhấc cao mà thả lỏng, khiến cho phần hầu họng sau miệng thu nhỏ. Phần màu xanh hình phễu cho thấy nắp phân môn nghiêng về phía đường thở tạo ra một diện tích bị thu hẹp tại đó.
Nguồn ảnh: researchgate.net
Để tìm hiểu chi tiết hơn về tính chất khoa học của twang, ưu và nhược điểm của kĩ thuật này, mời bạn xem bài chi tiết tại đây
2. Tại sao cần có twang khi thực hiện mix voice?
Khi chúng ta hát đến đoạn cao của cơ chế giọng ngực, âm thanh lớn, căng thẳng và nặng. Nhưng khi chúng ta giảm nhỏ âm lượng lại để chuyển sang giọng gió thì có thể giọng sẽ trở lên hơn yếu, dây thanh khó kết nối, nốt dễ bị mờ, bị rớt nốt.
Twang sẽ tăng âm lượng và độ sắc bén cho bạn. Hầu họng bị hạn chế, bạn cũng có thể hạn chế được hành động tống hơi hay mắc phải.
(Twang cũng rất cần trong belting, vì bạn có thể tăng âm lượng lớn, mà không hát nặng, hay phải đẩy quá nhiều hơi, chúng ta sẽ đề cập riêng trong bài belting)
- Bài tập twang:
Bài tập một quãng 8 câu (1-3-5-8-5-3-1) hai lần – Nha nha nha nha nha nha nha sau đó chuyển thành Nha a a a a a a a.
Yêu cầu: Quãng trung hát bình thường, bắt đầu twang vào ở những nốt cao nhất của scale. Tăng dần lượng twang khi vào đoạn chuyển giọng.
Kiểm tra bằng cách cảm nhận âm sắc giọng, mỏng, sắc bén hơi chói, giống như giọng em bé. Vòm mềm thả lỏng, cảm thấy có hơi qua mũi, xoang mũi thông thoáng như đang nói giọng mũi vậy.
Khẩu hình như cười, hơi mở ngang, cảm nhận phần sau của lưỡi (phần cuống lưỡi) đang nâng lên cao.
Nếu quên cảm giác hãy bắt chước giọng em bé và đọc từ “nha”. Vì sao bài tập này lại có hai câu. Câu 1 có nhiều âm “nh” giúp các bạn dễ thực hiện twang, câu 2 chỉ giữ một âm “nh” còn lại nối âm “a”, nên chúng ta phải tìm cách ghi nhớ cảm giác để không bị mất độ twang.
- Tác giả: Nhật Thanh