13 lý do nên học thanh nhạc
Nhiều bạn rất yêu thích ca hát và xem ca hát như một sở thích, đam mê, một số thì lại muốn ca hát chuyên nghiệp, một số còn lại không quan tâm và xem đây là thú vui tốn kém, không thực tế cho lắm. Hôm nay, ADAM Muzic sẽ chia sẻ với các bạn các lý do tại sao nên học thanh nhạc nhé.
ĐỐI VỚI NGƯỜI BÌNH THƯỜNG
1. Học thanh nhạc giúp giọng nói, giọng hát to và khỏe hơn
Thực tế, những ai học thanh nhạc sau một thời gian đều cảm thấy giọng nói mình có lực hơn và có thể kiểm soát lực nói tốt hơn. Một số người học lâu năm thường nói chuyện nhỏ, không phải vì họ không có lực hát (dynamics), mà vì họ hiểu cách bảo vệ giọng của mình, khi cần phát biểu, nói, hát, họ có thể phát ra âm thanh đầy uy lực.
Bạn có để ý thấy các sếp của các công ty thường có giọng nói to? Thanh nhạc có thể không ảnh hưởng đến việc trở thành sếp của bạn, nhưng chắc chắn giọng nói to khỏe sau khi học thanh nhạc sẽ giúp bạn và thuyết phục hơn khi trình bày hoặc hát trước mọi người. Và tất nhiên, người có khả năng giao tiếp to rõ sẽ có khả năng thành công cao hơn.
MC, người hay phát biểu trước công chúng, là những người cần tập luyện để có giọng nói to và lâu mệt.
2. Học thanh nhạc giúp kiểm soát cao độ tốt hơn
Bạn đã từng xem các MC dẫn chương trình? Bạn có để ý giọng nói của họ thay đổi cao độ theo từng nội dung câu nói, từng chuyên mục, từng bối cảnh? Việc học thanh nhạc giúp bạn để ý và biết cách tạo ra các âm thanh với cao độ khác nhau. Điều này giúp bạn khi hát, nói sẽ có cảm xúc hơn nhiều. Hãy tưởng tượng bạn sẽ ra sao khi có thể điều khiển được cao độ của mình trong giao tiếp với nhiều người và hoàn cảnh khác nhau?
- Với trẻ em, nhẹ nhàng, giọng thanh cao
- Với người lớn, giọng to rõ, chững chạc, trung bình.
- Khi cần tạo lửa cho đám đông, giọng cao mạnh mẽ.
Chắc chắn kĩ năng này sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho bạn, bởi giao tiếp là một môn nghệ thuật mà mọi công ty đều muốn đào tạo cho nhân viên của mình. Kiểm soát được cao độ chính là một phần trong giao tiếp.
3. Học thanh nhạc giúp bạn tự tin hơn
Thật vậy, cứ đứng luyện thanh liên tục, hát liên tục, hát trước giáo viên, hát với hệ thống âm thanh, hát trước mọi người, tự nhiên tới một lúc bạn bước ra ngoài hay bước lên sân khấu, sự tự tin thể hiện rõ qua từng bước đi, hơi thở, giọng nói. Nó vô hình và phát triển theo từng ngày tập luyện của bạn. Hãy nhìn và để ý những người bạn của bạn đang học thanh nhạc xem có đúng không nhé.
4. Học thanh nhạc giúp hơi thở tốt hơn, sâu hơn
Không phải tự nhiên mà khi học thanh nhạc, thầy cô thường tập cho các bạn cách lấy hơi xuống bụng, cái này thì ADAM Muzic có 1 bài viết giải thích rồi, bạn có thể xem bài “Cách lấy hơi đúng trong thanh nhạc” nhé. Với cách lấy hơi này, phổi bạn sẽ co giãn nhiều hơn, cơ hoành hạ xuống sâu hơn, sau một thời gian bạn sẽ thấy hơi thở mình sâu hơn và lực hít thở cũng mạnh hơn nhiều, rất tốt cho hệ hô hấp. Một thông tin nữa là cách lấy hơi này đã được áp dụng cho nhiều lĩnh vực từ thời xưa như Thiền, Yoga, Võ thuật.
5. Học thanh nhạc giúp sáng tạo tốt hơn
Thanh nhạc Cổ Điển như Opera thì vấn đề sáng tạo cũng có nhưng không nhiều lắm, vì mỗi vở diễn, mỗi ca khúc đều đã có sẵn giai điều, người hát cố gắng hát cho giống, đúng kĩ thuật là tốt, đôi khi có một vài sáng tạo trong cách hát, ngân nga, luyến láy, hát nói…. Nhưng nói chung không quá nhiều.
Đối với thanh nhạc hiện đại, từ sau 1900, đặc biệt nhờ sự phát triển của nhạc Jazz, chúng ta biết đến kĩ thuật Improvising – Ngẫu hứng/ứng tấu. Nhờ đó mà ca sĩ, nghệ sĩ có thể tự do tạo ra mọi giai điệu mình thích, nhờ vậy mà tính sáng tạo cũng tăng lên nhiều, sau Jazz còn có nhiều thể loại phong phú khác mà mỗi thể loại bạn có thể sáng tạo theo cách riêng của mình như: luyến láy (Melisma hoặc Runs and Riffs) với nhạc R&B, hát Blues notes, Bent Notes, Blues scale với nhạc Blues, gằng giọng với nhạc Rock….
Khả năng sáng tạo này không chỉ riêng thanh nhạc. Trí thông minh âm nhạc được tập trung ở não phải, cũng là nơi tập trung xử lý khả năng sáng tạo, màu sắc, không gian, hình ảnh… Như vậy nó cũng giúp kích thích phần nào khả năng sáng tạo ở các môn nghệ thuật khác. Bạn có để ý thấy các sinh viên trường kiến trúc, mỹ thuật đa phần đều thích nhạc và biết chơi nhạc không? Hoàng tử mưa Trung Quân cũng là sinh viên trường Kiến Trúc đấy :).
6. Học âm nhạc còn giúp kích thích phát triển tư duy logic
Nghe có vẻ hơi phi lý nhỉ, phần lớn mọi người nghĩ rằng học Piano mới giúp phát triển tư duy logic, Điều này đúng bởi việc học Piano giúp người học hiểu rõ các nguyên tắc logic từ nhạc lý, thế đánh, chạy ngón, hợp âm, thang âm… Tất cả đều là logic cả.
Tuy nhiên việc học thanh nhạc không chỉ đơn giản là hát. Khi bạn hát một ca khúc, bạn đã lặp ly lặp lại cấu trúc ca khúc ấy, đó là chưa kể các ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp còn ẩn chứa các cấu trúc logic trong từng đoạn, từng câu nhạc. Ai học nhạc lý, sáng tác sẽ biết đến nguyên tắc “4 bars rhythm” – Tạm dịch là tiết tấu 4 ô nhịp. Nghĩa là bản thân trong một câu nhạc ngắn nhất (4 ô nhịp) này cũng đã có các nguyên tắc, các mẫu tiết tấu lặp đi lặp lại (plans). Và trong từng mẫu nhạc ngắn nhất cũng là các motive (motif) âm nhạc. Bạn hãy thử hát ca khúc Happy birthday và xem sự trùng lặp giai điệu, tiết tấu nhé. Thanh nhạc hiện đại như Pop, rock, EDM còn có các khái niệm về “Những đoạn nhạc móc nối” – Hook.
- Bạn nghe thấy một câu nhạc, một giai điệu lặp đi lặp lại đó là Melody hook
- Một hợp âm vòng được chơi bởi một nhạc cụ là Instrument hook
- Một đoạn lời cứ lặp đi lặp lại chính là Lyric hook
Có phải bạn cảm thấy rất dễ nhớ sau khi nghe điệp khúc bài Tạm biệt nhé – Lynklee, Forever alone – Justa Tee, Apologize – One Republic. Đó là do các ca khúc này đều có các cấu trúc âm nhạc ẩn chứa bên trong nó.
Như vậy khi bạn phải hát đi hát lại một ca khúc (có tính logic bên trong), cộng với những giải thích của giáo viên hướng dẫn, sau một thời gian, tính logic đó sẽ tăng dần trong bạn và giúp bạn phát triển tư duy logic. Đây cũng là lý do tại sao nhiều bạn hay nghe nhạc, hát theo nhạc vẫn có thể tự sáng tác ra một bài hát mà không cần trường lớp.
7. Học thanh nhạc giúp bạn cảm thấy tự do, phóng khoáng, giao tiếp tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn
Hoàn toàn chính xác, khi đến với thanh nhạc, phần đông mọi người rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện cảm xúc, bản thân mình. Nhưng sau một thời gian, nhờ sự tự tin và hát trước mọi người trở thành thói quen, bạn cũng dần trở nên phóng khoáng hơn qua cách giao tiếp, tinh thần tự do, bay bổng, nhẹ nhàng và ít khi cảm thấy nặng nề, ràng buộc bởi nhiều thứ trong cuộc sống. Thật vậy, âm nhạc sẽ làm gác bỏ những phiền muộn cuộc sống, giúp bạn sống “có hồn” hơn. Ban đầu có thể chỉ là vài khoảnh khắc khi hát, nhưng rồi mọi thứ sẽ dần trở thành thói quen, sự bay bổng, tự do đó sẽ dần trở thành tinh thần của bạn, mọi suy nghĩ sẽ tích cực hơn nhiều.
Đó là lý do không ít bạn đang vướng phải những âu lo, nặng nề trong cuộc sống thường tìm đến thanh nhạc, âm nhạc để được hòa mình vào không gian cảm xúc, của sự tự do không ràng buộc.
8. Học thanh nhạc giúp bạn có tư duy cảm xúc, trở nên thấu hiểu, sâu sắc hơn
Một ca khúc khi được viết ra đôi khi không đơn giản như ca từ của nó. Ca khúc là một chuỗi những câu chuyện, những cảm xúc của cả một quãng thời gian, quãng đời trải nghiệm cuộc sống của người nhạc sĩ, họ viết ra những câu chuyện, tâm tư của đời mình hay một sự kiện, câu chuyện của ai đó. Tất cả tóm gọn trong một bài nhạc 5 phút, như vậy, để hiểu nó, bạn cần tư duy nhiều hơn, hiểu từng câu chữ, từng ý nhạc, từng mạch cảm xúc của nó. Đôi khi người nhạc sĩ còn đưa vào đó các hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, trừu tượng khiến mỗi câu ca càng thêm sâu sắc. Việc hiểu những gì ca khúc “nói” sẽ giúp bạn cảm nhận sâu sắc hơn.
Một bản hòa âm cho ca khúc là sự kết hợp của nhiều nhạc cụ khác nhau (còn gọi là khí nhạc). Mỗi nhạc cụ có đặc tính màu sắc khác nhau, có nhạc cụ khi vang lên khiến ta thấy trẻ trung, nhẹ nhàng, như tiếng đàn Xylophone, Glockenspiel, cũng có những nhạc cụ khi vang lên lại thể hiện sự đau đớn da diết như tiếng Violin, tiếng đàn Nhị (đàn Cò). Như vậy, việc hiểu màu sắc các nhạc cụ và “Tại sao đoạn đầu lại buồn thế?, “Tại sao đoạn điệp khúc lại có âm thanh nghe hạnh phúc như vậy?” sẽ giúp bạn có tư duy, cảm nhận những vẻ đẹp âm nhạc và giúp cảm xúc của bạn trọn vẹn hơn.
Một ca sĩ khi hát một ca khúc cũng là một quá trình sáng tạo, tại sao với chữ “Anh yêu em”, có ca sĩ lại hát nhẹ nhàng như một bản tình ca lãng mạn, có ca sĩ lại hát mạnh mẽ thể hiện tình yêu mãnh liệt? Đó là sắc thái, là sự tinh tế, và khi đã hiểu được những điều này, bạn sẽ thấy âm nhạc đẹp và sâu sắc lắm.
Nếu hiểu được âm nhạc luôn ẩn chứa những điều đó, bạn nghĩ nó có làm thay đổi bạn không? Sự thay đổi không phải ngay lập tức nhưng nó trở thành một dòng suối cứ chảy mãi, lan tỏa khắp cơ thể bạn để rồi một lúc, khi mọi thứ tràn đầy, cảm xúc sẽ tuôn trào.
9. Học thanh nhạc giúp bạn hòa đồng hơn, dễ thành công hơn
Ai từng đi học, đi làm cũng đều thấy, bạn nào hát hay trong lớp, trong cơ quan, trong công ty đều được khuyến khích tham gia các phong trào văn nghệ, đôi khi còn đặc cách, được nghỉ làm để tập nhạc cho chương trình văn nghệ công ty. Bản thân mình cũng từng được như thế khi làm cho một công ty có phong trào văn nghệ mạnh. Bạn luôn trở thành người “thủ lĩnh tinh thần” trong các buổi liên hoan, văn nghệ, team building, tiệc tùng. Nhờ đó mà sự gắn kết với mọi người tốt hơn, đây cũng là một kĩ năng quan trọng của người lãnh đạo. Tuy không đóng vai trò quyết định, nhưng nếu bạn có khả năng quản lý, chuyên môn tốt thì có thêm khả năng ca hát sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc và thành công trong xã hội.
10. Học thanh nhạc giúp bạn là chính mình
Nghe có vẻ hơi không liên quan, nhưng sau những gì bạn đã biết ở bên trên, lúc này việc hát ra một bài hát trước mọi người không còn là vấn đề khó khăn, bạn đã sâu sắc hơn, bạn tự tin hơn, cởi mở hơn, phóng khoáng hơn. Bạn đã không còn những lo âu phiền muộn, chỉ cần hát lên những cảm xúc thăng hoa của mình khi mọi thứ từ lời ca, tiếng hát, giai điệu, hòa âm, nhạc cụ đều hòa quyện. Đây chính là lúc mọi thứ thật nhất, bạn không còn gượng ép, rụt rè, bạn đã thể hiện được bản thân theo cách bạn muốn. Đó là chính bạn. Có người mất chục năm thậm chí cả đời vẫn chưa biết mình thật sự muốn gì, để rồi sống một cuộc đời vô vị. Bạn có 60 năm để sống, hãy sống trọn từng phút giây nhé.
ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐAM MÊ ÂM NHẠC VÀ MUỐN PHÁT TRIỂN CHUYÊN NGHIỆP
Ngoài 10 lợi ích đã kể trên bạn còn có nhiều lợi ích khác.
11. Học thanh nhạc giúp bạn có kĩ thuật tốt hơn
Nhiều bạn cho rằng mình hát tốt rồi không cần học thêm, hoặc học thanh nhạc sẽ khiến bạn không còn hát đúng chất của mình nữa.
Thực tế, nếu được đào tạo đúng cách, việc học thanh nhạc sẽ giúp bạn đa dạng hơn trong cách hát nhờ nhiều kĩ thuật khác nhau mà đôi khi người ca sĩ hát hơn chục năm kinh nghiệm vẫn chưa biết hết. Bởi ca sĩ thường theo đuổi một dòng nhạc nhất định nên làm sao bạn có thể có các kĩ thuật của nhạc R&B khi cả trăm show diễn bạn đều chỉ hát Pop.
Sẽ ra sao nếu bạn được yêu cầu (bởi khán giả hoặc các sự kiện âm nhạc) hát remix lại một ca khúc Pop theo phong cách R&B mà bản thân chẳng thể hát được các kĩ thuật của nó. Việc hát được nhiều kĩ thuật trong nhiều thể loại sẽ giúp bạn sáng tạo hơn trong cách hát, ứng biến tốt hơn trong từng trường hợp và chất hơn trong từng thể loại âm nhạc.
Trên sân khấu, chúng ta thường hát theo thói quen, đôi khi thói quen đó không tốt và nếu làm thường xuyên sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như viêm thanh đới – một bệnh khá phổ biến đối với ca sĩ. Việc học thanh nhạc sẽ giúp bạn thay đổi các thói quen không tốt đó nhờ các buổi luyện thanh với giáo viên hướng dẫn.
12. Việc học thanh nhạc giúp bạn mở rộng giới hạn bản thân
Một số bạn cho rằng giọng mình sinh ra chỉ có thể hát được như vậy, hát đến nốt đó, hoặc khuyết điểm đó không sửa được. Thực tế, qua quá trình dạy thanh nhạc 5 năm nay, hơn 500 học viên, mình vẫn chưa thấy có bạn nào không thể cải thiện được khả năng hát của mình. Nếu có, chỉ có thể là do thời gian tập luyện quá ít hoặc tập không đúng cách hoặc chưa hiểu thật sự rõ. Mọi thứ bên trong cổ họng chúng ta đều hoạt động theo qui luật tự nhiên, hiểu được quy luật đó bạn sẽ tập được cách điều khiển nó.
Bạn hoàn toàn có thể hát cao hơn, mạnh hơn, xử lý tinh tế hơn, cảm xúc hơn, âm thanh chắc chắn hơn, hơi thở sâu hơn. Bạn hoàn toàn có thể mở rộng giới hạn bản thân mình.
13. Học thanh nhạc giúp bạn hiểu được quá trình phát triển chuyên nghiệp
Giáo viên thanh nhạc thường là những người có kinh nghiệm trong ngành, qua những buổi tập luyện, họ có thể giúp bạn hiểu hơn về chất giọng của mình, thể loại, dòng nhạc đang theo đuổi, thị trường âm nhạc đang phát triển như thế nào, những gì cần chuẩn bị trước khi bắt đầu sự nghiệp. Tất nhiên không phải giáo viên nào cũng hướng dẫn cho các bạn những điều này, bạn phải chủ động hỏi khi thắc mắc. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp một số giáo viên thanh nhạc chỉ đi chuyên mảng sư phạm và rất ít biểu diễn, dù vậy kiến thức và kinh nghiệm phát triển họ có thể mang đến cho bạn cũng rất giá trị.
Biên soạn: GV Đoàn Nhược Quý – ADAM Muzic Academy