Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

15 nguyên tắc để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

15 nguyên tắc để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

15 nguyên tắc để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

1. Kỹ năng chuyên môn là tiêu chí quan trọng nhất để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, bạn tất nhiên cần giỏi về chuyên môn. Dù là nghệ sĩ guitar, piano hay ca sĩ, bạn đều cần phải đạt đến mức giỏi để có được vị trí của mình trong nền nghệ thuật tại Việt Nam. Để phát triển kỹ năng chuyên môn, bạn cần xây dựng một lịch tập luyện và kiên trì theo đuổi nó trong nhiều năm. Bạn có thể tự tập luyện, nghiên cứu qua sách vở, video… nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể đến các trường âm nhạc như ADAM Muzic Academy để được học và phát triển năng lực chuyên môn của mình. Bạn cần mất nhiều năm trời để học tập và phát triển chuyên môn đến một mức độ tạm gọi là “Kiểm soát tốt” khả năng chuyên môn của mình và tiếp tục duy trì nó đến suốt sự nghiệp âm nhạc của bạn.

 

2. Am hiểu

Ngoài việc am hiểu chuyên môn, bạn cũng cần hiểu biết thêm nhiều thứ khác như cách hát trong phòng thu âm như thế nào, cần chuẩn bị gì khi làm việc với đối tác thực hiện MV về một tác phẩm mới của mình… Việc am hiểu không chỉ thể hiện bạn là người tài năng mà còn giữa bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt ngươi đối diện. Hãy thử tưởng tượng đối tác sẽ cảm nhận về bạn như thế nào khi phải giải thích một vấn đề đơn giản trong nền âm nhạc (có thể nằm ngoài chuyên môn của bạn) đến vài lần mà bạn vẫn chưa hiểu?

Đoàn Nhược Quý - Xoang trong Thanh Nhạc

Đoàn Nhược Quý – Xoang trong Thanh Nhạc

3. Đúng giờ

Cái này thi khỏi phải giải thích nhiều nhỉ. Thật ra chúng ta cũng có thể thông cảm cho nhau vì ở thành phố đông đúc như Sài Gòn thì chuyện kẹt xe xảy ra hằng ngày. Tuy nhiên, khách hàng thì thường không quan tâm lắm đến điều đó, và họ đã trả thù lao cho bạn để bạn có mặt đúng giờ cho họ. Vì vậy, bạn không thể đưa bất kì ly do nào để họ thông cảm.

Không chỉ đối với những khách hàng trả tiền cho bạn, bạn cũng phải đúng giờ với cả những người cùng làm việc với bạn như stylist, nhạc sĩ thu âm, ban nhạc… Điều đó thể hiện giá trị con người bạn và quan trọng hơn hết là sự tôn trọng đối với thời gian của người khác.
4. Nhất quán

Một số nghệ sĩ, sau một đêm thành “sao” thường chưa có các kỹ năng thương lượng và đàm phán nên thiếu sự nhất quán. Kiểu như khi sáng gọi điện báo cát xê 20 triệu chưa bao gồm ăn ở, đi lại. Trưa trưa khách hàng gọi lại báo “OK”, lại báo thêm “Em quên tính chi phí dẫn theo quản lý, trợ lý, make up…. hoặc “Bên chị lo thêm chi phí….”

Thật ra những yêu cầu này hoàn toàn không sai, nhưng nó cần có sự nhất quán ngay từ đầu, hoặc bạn lập sẵn ra cả một cái danh sách các hạng mục để chọn và gửi email cho khách hàng khi họ liên hệ, để đỡ phải dè chừng nhau khi báo giá. Khách hàng sẽ mất niềm tin và cảm thấy không an toàn với các bạn khi mỗi lúc gọi các bạn lại nhận được một mức giá khác nhau. Điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà bạn cần tránh.
5. Mức thù lao đúng với năng lực

Hãy nhớ, khách hàng không ngốc, họ để bạn báo giá vì họ tôn trọng và muốn hợp tác với bạn nên đừng đưa ra một cái giá “Trên trời” để rồi mất luôn hợp đồng đó và đôi khi cả mối quan hệ nữa. Tôi từng nhận được một báo giá của một ban nhạc tôi thậm chí không biết tên, không có portfolio, vài tấm ảnh rất nghiệp dư, một video trình diễn live rất bình thường mà mức giá như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi không dám chê nhưng thật sự rất khó để lựa chọn ban nhạc đó với mức giá như thế và tôi tin khách hàng hay các bên đối tác trung gian cũng như thế.
6. Tác phong

Tác phong là điều rất quan trọng với một nghệ sĩ chuyên nghiệp, bạn cần biết lúc nào nên nghiêm túc, lúc nào có thể đùa cợt, khi chạy sân khấu hay tổng dợt chương trình, một số nghệ sĩ vẫn đùa cợt, xem FB, nhắn tin, quên lời, quên vũ đạo,… những việc này có thể chẳng là gì nếu bạn chợt tính được con số không nhỏ mà ban tổ chức bỏ ra trong suốt một buổi tổng dợt gồm phí thuê địa điểm, âm thanh, ánh sáng, nhân lực… và chi phí sẽ phát sinh khi mỗi nghệ sĩ cứ kéo dài chương trình ra một chút và khiến những người đang tham gia cùng dự án rất mệt mỏi dù đôi khi họ không nói hoặc ngại nói vì sợ “phật lòng”.

Tác phong thể hiện ở nhiều không gian và với nhiều đối tượng khác nhau, bạn cần để ý, học hỏi các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác từ tác phong trên sân khấu phòng trà với các khán giả trung niên đến sân khấu sinh viên rực lửa hoặc hát cho các chương trình toàn teen…

Tác phong liên quan đến cả những khi trình diễn, hội họp, gặp gỡ, giao lưu và cả đời sống hằng ngày. Có tác phong tốt, bạn sẽ chuyên nghiệp hơn.

Đoàn Nhược Quý feat The Zoo Band

Đoàn Nhược Quý feat The Zoo Band

7. Thân thiện

Đừng quên nở một nụ cười với những người “không quan trọng”. Bạn cười với khán giả, người hâm mộ, trước ống kính, trên sân khấu…nhưng khi vừa bước sang cánh gà là mặt tĩnh lặng lạnh lùng với những người là kĩ thuật viên ánh sáng, âm thanh, ban nhạc…. Đó là những biểu hiện cực kì kém cỏi không chỉ với một nghệ sĩ và cả với một người bình thường. Sự thân thiện của bạn sẽ mở ra những chân trời cơ hội mới. Những người thành đạt, doanh nhân, nhà đầu tư là những người bỏ tiền ra mời bạn, người hâm mộ cũng bỏ tiền ra mua vé xem bạn diễn, họ sẽ không thích một ca sĩ chảnh chẹ, “bitches” và thể hiện sự nổi tiếng, ngôi sao trước mặt họ.

Đừng cho rằng bạn nổi tiếng nên phải lạnh lùng và khó tính. Sự nổi tiếng của bạn không còn giá trị nếu cách thể hiện bản thân thiếu thiện chí. Người càng thành công thường càng thân thiện.

 

8. Có hồ sơ năng lực (portfolio)

Bạn cần có một hồ sơ năng lực, nơi chứa tất cả các thông tin của bạn, từ nghệ danh, MV, ca khúc, kinh nghiệm, hình ảnh… để đối tác có thể biết bạn có năng lực như thế nào để còn chọn các bạn cho các chương trình của họ. Trừ khi bạn đã nổi tiếng, còn không, bạn hãy dành thời gian xây dựng portfolio thật đẹp cho mình nhé. Nếu đã nổi tiếng một chút, thứ bạn cần lúc này đơn giản chỉ là một email với một thư viện hình thật đẹp và chất lượng cao để gửi cho các đối tác thực hiện các mẫu thiết kế cho chương trình của họ và các nhà báo, các đối tác truyền thông…

 

9. Biết cách xử lý sự cố sân khấu

Một số nghệ sĩ trẻ mới nổi, bước lên sân khấu, hát được vài câu thấy âm thanh nhỏ quá, nói thẳng vào micro “âm thanh cho lớn lên xíu đê”. Nghe cứ như tiếng rao chợ cá. Đó là cách xử lý thiếu tế nhị, bạn chỉ cần thêm vài chữ thì câu nói đã mang cảm xúc khác và đầy tôn trọng: “xin âm thanh cho lớn lên một chút để không gian được sôi động hơn nhé”.

Có lần bạn ca sĩ đang hát, nhạc công đánh nhầm hợp âm, ca sĩ quay sang mặt cau có, hát xong cũng không quên nói với khán giả: “hôm nay ban nhạc hơi quên bài nên có vài chỗ sai, hy vọng lần sau ban nhạc sẽ chơi tốt hơn để gửi đến khán giả phần trình diễn tuyệt vời hơn. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn”. Câu đó nói xong là mặt các anh em ban nhạc tối sầm lại, xử lý sự cố thế là mất thiện cảm với ban nhạc, khán giả cũng chẳng tôn trọng bạn hơn. Những lúc như thế bạn cứ thoải mái, đánh lạc hướng người nghe bằng lời giới thiệu một ca khúc mới hoặc một câu chuyện vui, mọi người sẽ nhanh chóng quên đi, trước khi xuống sân khấu nên tươi cười một cái thân thiện và kèm theo lời cảm ơn. Bạn chẳng mất gì nhiều nhưng cái quan trọng đằng sau đó là bạn được anh em ban nhạc tôn trọng hơn bởi cách xử lý khéo léo và khán giả “văn minh” tôn trọng bởi sự tinh tế của bạn.

Đoàn Nhược Quý - Giải nhất song ca cùng thần tượng 2010

Đoàn Nhược Quý – Giải nhất song ca cùng thần tượng 2010

Xử lý sự cố sân khấu không đơn giản, nếu bạn chưa có cơ hội lên sân khấu, hãy dành thời gian xem trình diễn thực tế, nếu khó khăn về chi phí thì tự ở nhà xem qua các video rồi tự rút kinh nghiệm hoặc vẽ ra các tình huống có thể xảy ra và thực tập xử lý trước gương. Sau một thời gian trải nghiệm, bạn chắc chắn sẽ phát triển được khả năng xử lý tình huống và sự cố sân khấu tốt hơn rất nhiều.
10. Khả năng ứng xử, giao tiếp và sự nhạy bén.

Vấn đề này nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự nó rất rộng, ứng xử ở đây là cả về đời sống ảo “online” và đời sống thật “offline”. Tôi đưa ra 2 ví dụ ở cả 2 tình huống này.

Online

Có lần, một người bạn của tôi, là một ca sĩ cũng khá nổi tiếng, sau một sự kiện nào đó, không hài lòng về phía đối tác trung gian và khách hàng, thế là lên FB viết tâm sự rất nhiều, câu chữ phần lớn thể hiện sự bất bình, khó chịu về một số vấn đề tôi không tiện nói ra. Đứng ở góc độ là một nghệ sĩ biểu diễn, tôi cũng từng bất bình nhiều thứ, vì đôi khi có những thứ họ có thể do yếu tố khách quan hoặc chủ quan mà làm chưa tốt gây ảnh hưởng đến mình. Tôi hiểu những bức xúc trên góc độ một nghệ sĩ. Nhưng nếu ở góc độ là một đối tác trung gian, khi làm việc với một nghệ sĩ, vì một lý do nào đó khách quan hoặc chủ quan để xảy ra một số lỗi gây ảnh hưởng, và sau đó thấy trên FB nghệ sĩ đó nói những điều gây ảnh hưởng đến uy tín của cả doanh nghiệp mình (vì tiếng nói nghệ sĩ thường có giá trị truyền thông khá mạnh), và từ đó, đối tác trung gian sẽ né tránh làm việc với nghệ sĩ đó, câu chuyện này cũng sẽ nhanh chóng lan truyền trong giới truyền thông và sự kiện, đến một lúc, những ai lẽ ra ban đầu muốn làm việc với bạn, lại vì những dòng status bức xúc một lúc mà lại không muốn hợp tác nữa, có phải, chúng ta mất đi lợi thế trong tương lai chỉ vì một vấn đề rất nhỏ.

Thật sự việc ghi những tâm trạng và cảm xúc cá nhân là quan điểm riêng, không phải vì cả nể hay sợ mất show mà bạn không dám nói đến hoặc né tránh. Chúng ta vẫn hoàn toàn có thể nhắc đến vấn đề đó nhưng hãy nhắc đến một cách tích cực để cả người đang làm chưa tốt trong dự án đó có lỡ đọc cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Offline

Có lần tôi làm giám khảo cho một cuộc thi âm nhạc tại một trường Đại Học có tiếng tại TP.HCM, chương trình có mời 2 ca sĩ đơn, đến tiết mục trình diễn song ca của 2 bạn, trong bầu không khí máu lửa, cuồng nhiệt của sinh viên, các bạn tạo thêm độ nóng bằng cách bước chân lên ghế và sau đó là cả lên bàn, nhún nhảy, lắc lư với những bản nhạc EDM Remix. Tiết mục này làm bầu không khí càng máu lửa hơn, tôi cũng rất thích phần trình diễn của 2 bạn. Tuy nhiên không có gì đáng nói nếu như cái bàn 2 bạn đang đứng, cách đó 5 phút là bàn của những giáo viên, thạc sĩ, khách mời tham dự, họ vừa tránh ra vì trời mưa, và, bàn giám khảo sát bên chỉ cách chừng 1 mét, cái cảm giác ai đó dẫm chân lên nơi cách đó 5 phút một người khách mời, Thầy Cô của một ngôi trường vừa ngồi thì khá khó chấp nhận. Tôi quan sát ánh mắt các vị khách mời khi nãy đang ngồi, miệng họ cười, nhưng đầu thì lắc, họ tránh nhìn qua khu vực biểu diễn, một trong số đó bỏ ra về.

Còn rất rất nhiều ví dụ tương tự, những điều này tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng sâu sắc. Một nghệ sĩ chuyên nghiệp phải nắm được những mạch cảm xúc dù là nhỏ nhất ở những nơi mình đi qua. Ứng xử và giao tiếp không đơn giản là một cuộc nói chuyện, nó là tất cả mọi thứ từ thái độ, hành vi, cử chỉ, động tác, lời nói, lực nói, cách nói. Hãy văn minh và chuyên nghiệp hơn kể cả khi bạn chỉ mới bước vào con đường này.

 

11. Không nên kết nối riêng

Một điều thường thấy ở các nghệ sĩ mới bước vào ngành đó là “Nghệ thuật kết nối riêng”, tạm hiểu là, khi một ai đó, có thể là bầu show hoặc đối tác trung gian mời bạn biểu diễn cho một chương trình. Sau buổi biểu diễn, có những thành viên cấp cao, như giám đốc marketing, giám đốc điều hành hay một ai đó, đến giao lưu và xin liên hệ của bạn cho một show diễn hoặc buổi họp mặt, giao lưu sắp tới chẳng hạn. Thường thì họ sẽ không làm thế, nhưng một số vì muốn có nhiều liên hệ với nghệ sĩ nên cũng lấy mà đôi khi chẳng có show chậu nào cả. Điều tôi muốn nhấn mạnh là cách xử lý của người nghệ sĩ, họ ngay lập tức cho số mà không để ý đến thái độ của bầu show hay đối tác trung gian. Điều này cực kì kém chuyên nghiệp, bạn cần thể hiện sự tôn trọng với bầu show hay đối tác trung gian bằng cách mời bầu show hay đối tác trung gian đến bên cạnh, cùng trao đổi, và nói rõ với họ, bất kì vấn đề gì liên quan đến biểu diễn, anh chị cứ liên lạc quan anh A (bầu show) hoặc chị B (đối tác trung gian). Điều này khiến bạn mất cơ hội làm việc trực tiếp, không bị “ăn chia” mất phần của mình, nhưng lại mở ra cho bạn hàng đống show sau này, bởi những người bầu show hay đối tác trung gian đó, họ không làm việc với một nhãn hàng duy nhất. Bạn cần nhớ, phần lớn các doanh nghiệp lớn chỉ muốn làm việc thông qua đối tác trung gian bởi sự tiện lợi, dễ quy trách nhiệm và có hóa đơn chứng từ rõ ràng.Tránh kết nối trực tiếp nghe có vẻ hơi đần, nhưng thực tế lại là cách văn minh và chuyên nghiệp hơn.

 

12. Có một ekip chuyên nghiệp

Để chuyên nghiệp hơn, một mình bạn không thể làm được. Bạn không thể tự trang điểm, chạy lăn xăn đi kiếm áo quần, chạy đi kí hợp đồng với công ty A, sựu kiện B, tự sáng tác, tự thu âm, tự mix, rồi master, rồi thiết kế, in ấn, phát hành rồi tự đem đĩa đi bán… Tất cả trong một khiến bạn trở thành một kẻ ngốc. Tất nhiên với công nghệ hỗ trợ như hiện nay, các bạn hoàn toàn có thể tự học và làm hết, tuy nhiên, nó sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và không thể đi xa hơn được. Bạn hãy tự hỏi, làm sao bạn có thể đứng trên sân khấu 10.000 người khi 1 mình bạn phải tự xử hết tất cả các khâu? Câu trả lời là “Không thể”.

Làm việc cùng nhau giúp bạn đi xa hơn và vững chắc hơn, đừng ngại ngần khi phải chia sẻ số tiền bạn kiếm được hôm nay, bởi việc chia sẻ đó giúp bạn kiếm được nhiều hơn rất nhiều, bởi chất lượng sản phẩm âm nhạc và cả bản thân bạn sau đó cũng tăng lên nhiều lần.

Vậy, bạn cần một ekip như thế nào? Tôi sẽ liệt kê danh sách những người trong mô hình ekip quản lý nghệ sĩ của ADAM Muzic:

  1. Nhạc sĩ sáng tác
  2. Nhạc sĩ hòa âm phối khí
  3. Nhạc sĩ thu âm
  4. Nhạc sĩ mix nhạc
  5. Nhạc sĩ master nhạc
  6. Chuyên viên trang điểm
  7. Chuyên viên thời trang, trang phục
  8. Quản lý nghệ sĩ
  9. Trợ lý nghệ sĩ
  10. Quản lý truyền thông
  11. Chuyên viên pháp lý, bản quyền
  12. Nhiếp ảnh gia
  13. Quay phim
  14. Biên đạo nhảy/múa
  15. Vũ đoàn
  16. Kỹ thuật viên âm thanh
  17. Giáo viên âm nhạc (thanh nhạc, nhạc cụ, nhạc lý, cảm nhận, sáng tác)
  18. Huấn luyện viên hình thể
  19. Vệ sĩ
  20. Tài xế
ADAM Production Team

ADAM Production Team

Ngoài ra, còn có những vị trí phát sinh trong từng tình huống cụ thể. Bạn thấy đấy, để chuyên nghiệp, bạn không thể làm một mình. Quan trọng hơn, một ekip chuyên nghiệp sẽ giúp bạn đạt thành công vững chắc và nâng tầm giá trị của bạn lên nhiều lần.

 

13. Một kế hoạch phát triển

Bạn cũng cần có một kế hoạch cụ thể chứ không phải chỉ “Mình thích hát thì mình hát thôi”. Bạn cần dành ít nhất một tháng, xem xét lại toàn bộ từ mục đích, mục tiêu muốn đạt được, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, rủi ro hay gọi theo thuật ngữ dân quản trị thì gọi là phân tích SWOT, rồi phân tích đến những vấn đề khác chuyên sâu hơn nếu bạn có khả năng phân tích, như mô hình AIDA, mô hình PESTEL, đối thủ cạnh tranh, đối tượng người nghe mục tiêu… để giúp giảm thiểu rủi ro thất bại toàn dự án. Bạn còn cần phải tích toán, cân đối về chi phí (định phí và biến phí), nguồn lực cần để phát triển phát triển. Khung thời gian cụ thể theo 10 năm , 5 năm, 1 năm, quý, tháng, tuần, ngày, giờ để xem mỗi giờ mình cần làm gì và bao nhiêu lâu để đạt được đến đích.

Ví dụ, mong muốn 1 năm có 1 Album, 1 MV thì đầu tiên phải ước lượng được nguồn lực cần có để thực hiện, những sản phẩm đó cuối cùng nhắm đến ai, và bạn thu hồi vốn đã bỏ ra bằng cách nào? Phần đông nghệ sĩ biểu diễn ở Việt Nam luôn nghĩ tới Việt bỏ tiền ra làm sản phẩm để rồi kiếm tiền từ show diễn, quan niệm này chưa đúng ở góc độ phát triển kinh tế. Bạn đầu tư vào một sản phẩm, bạn phải kiếm được tiền từ sản phẩm bán ra, từ lượng người dùng, tải về… chứ không phải chỉ viện biểu diễn của bạn. Nếu đi con đường đó, bạn đang phải bỏ ra quá nhiều và những bên còn lại thì đang lợi dụng vào chính bạn và sự thiếu am hiểu trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Nó là một kho vàng, bạn là nghệ sĩ, bạn đang là 1 cái kho, còn người ta vẫn đang mặc nhiên hốt nó, bạn thì vẫn vô tư là một người công nhân âm nhạc cho họ, dù bạn đang rất nổi tiếng. Hãy nghĩ khác, bạn sẽ đi xa hơn rất nhiều dù có thể chậm hơn một chút.

Nếu việc lập kế hoạch khá khó khăn với bạn, hãy tìm những người có chuyên môn về quản trị, marketing, quản lý âm nhạc, sản xuất âm nhạc… để giúp bạn. Bạn sẽ rút ngắn được vài năm quanh quẩn để đến gần với thành công hơn đấy.

9 buoc phat trien nganh thanh nhac - ADAM Muzic

9 buoc phat trien nganh thanh nhac – Nguồn: ADAM Muzic

 

14. Phát ngôn

Phát ngôn ở đây tôi muốn nói đến cũng hơi giống với khả năng ứng xử, giao tiếp, tuy nhiên, phần này nói về những cái thuộc vào dạng “Quan điểm cá nhân về một vấn đề quan trọng, chính thức, nhiều người quan tâm”.

Khi bạn là một người nghệ sĩ, tiếng nói của bạn quan trọng hơn một chút so với một người bình thường, do vậy, cần suy nghĩ, cân nhắc rất kĩ từng câu nói trước khi phát ngôn, dù đó là MXH cá nhân, video livestream … tất cả đều có thể quay lại tấn công chính bạn. Những câu nói khi ngồi chung với đám bạn học khi còn nhỏ như “Tui không thích ca sĩ A” hay “Người Việt Nam mình thì thế này”… sẽ trở thành những câu nói mang tính scandal khi bạn trở thành nghệ sĩ, mà đặc biệt nghiêm trọng hơn khi bạn bắt đầu được biết đến nhiều hơn. Không chỉ bị đả kích bởi truyền thông, khán giả, một số phát ngôn liên quan đến chính trị, văn hóa xã hội đặc biệt cần thận trọng, gần đây sự kiện Dưa Leo và Nhật Minh F.Band trong Sing My Song là những ví dụ khá rõ ràng (Tôi chỉ nêu ví dụ về sự kiện, không nói đến việc đúng sai trong các phát ngôn). Với các bạn nghệ sĩ mới bước vào ngành này, các bạn có thể không sai trong vấn đề phát ngôn những quan điểm của mình nhưng những gì chúng ta không thể kiểm soát được hoặc chưa nhận thức hết các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì nên thận trọng trước khi phát ngôn.

15. Tôn trọng người khác

 

Một số nghệ sĩ nổi tiếng sau 1 đêm, thường hay nghĩ rằng mình đã nổi tiếng nên gặp ai cũng lạnh lùng, không nhìn, không cười, không nói chuyện, chờ đợi người khác hỏi mình rồi mới trả lời vài câu nhạt nhẽo. Nhiều lúc, có thể bạn ngại tiếp xúc, nhưng người đối diện đôi khi lại nghĩ bạn bị “bệnh sao” hoặc thiếu tôn trọng họ.

Một vài ví dụ nhỏ:

Đối với ngành âm nhạc, những người đứng phía sau các nghệ sĩ biểu diễn là những nhạc công, nghệ sĩ thu âm… họ thường là những người rất giỏi về âm nhạc, âm thanh và đóng góp rất nhiều cho sự phát triển âm nhạc nước nhà, bạn thân thiện với họ là thể hiện sự tôn trọng, khéo léo và văn minh. Biết đâu một người nhạc công đang chơi cho bạn trong một sự kiện nhỏ hay một người bấm máy thu cho bạn trong một phòng thu âm nào đó lại là người đã sáng tác những ca khúc mà các diva, divo đang thể hiện hay đã từng là một nhạc sĩ danh tiếng một thời mà bạn chưa một lần được gặp mặt. Một câu chuyện rõ ràng nhất là cốnhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, các bạn nghệ sĩ trẻ có thể chưa một lần gặp mặt nhưng biết đâu những nơi các bạn từng đến chơi, tham dự, biểu diễn như Sofitel Plaza Saigon, có lẽ đã từng nghe qua tiếng đàn ngọt ngào, lãng mạn của bác.

Cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Nguồn http://tuoitre.vn/

Cả những người khán giả đứng xem bên cánh gà hay một số người ngồi gần bạn trong cùng một quán nước, rạp phim… cũng có thể là những người sẽ thành công sau này và sự tôn trọng của bạn ngoài việc thể hiện bạn văn minh hơn còn là cách tạo ra sẵn một mối quan hệ hay một người hâm mộ trung thành sau này. Tôi cách đây hơn 10 năm, từng đứng chờ ca sĩ Lam Trường đến trường THPT để biểu diễn, tôi bất ngờ và nhớ mãi hình ảnh anh khoanh tay, cuối người chào các Thầy Cô khi vừa đến trường, hình ảnh đó tôi chưa từng gặp lại ở một nghệ sĩ nào khác cho đến giờ. Từ đó, tôi không còn xem anh là một ca sĩ nổi tiếng, tôi đã xem anh là một hình tượng mẫu của người nghệ sĩ văn minh. Tôi không biết anh và những gì anh đã làm từ trước đến nay, nhưng tôi đã luôn là một “fan trung thành” của anh không chỉ bởi những ca khúc hay và sự nổi tiếng mà bởi vì những hành động nhân văn thể hiện sự tôn trọng của anh đối với mọi người.

Bài viết chỉ mong đóng góp chút ít cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam, giúp các bạn nghệ sĩ trẻ hay những người đam mê âm nhạc sẽ dần chuyên nghiệp hơn. Bài viết có sử dụng vài ví dụ liên quan đến vài nghệ sĩ hoàn toàn không mang hàm ý so sánh, đả kích. Hãy chuyên nghiệp và văn minh hơn ngay từ hôm nay.

Chúc các bạn thành công và có một năm mới nhiều may mắn.

 

Biên soạn: Giảng viên Đoàn Nhược Quý

Giám đốc chuyên môn ADAM Muzic Academy

Giám đốc sản xuất ADAM Muzic Production

Phát hành: ADAM Muzic

 

Quickom Call Center