Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Âm nhạc trong cải lương

Âm nhạc trong cải lương

Bài bản cải lương

Trong bài viết về sơ bộ về sự hình thành cải lương, chúng ta đã biết cải lương có xuất phát điểm là nhạc Lễ cung đình, kết hợp với dân ca để có loại hình Đờn Ca Tài Tử, sau đó mới tiến hóa thành cải lương. Vì cải lương được biến hóa phong phú về nhịp phách câu chữ hơn Đờn Ca Tài Tử để có đủ đất dụng võ, diễn đạt được nhiều tâm ý hơn nên có nhiều yếu tố đã thay đổi.

1/ Tốc độ: tốc độ được thay đổi thường là nhanh hơn để hát được nhiều chữ hơn

2/ Nhiều nhạc cụ mới tham gia vào dàn nhạc: guitar, violin, keyboard để tạo ra nhiều hiệu ứng âm thanh hơn mang lại nhiều cảm xúc hơn.

3/ Nhiều bài mới được sáng tác.

4/ Cách nhấn nhá, luyến láy, nhả chữ,…cũng khác đi rất nhiều

5/ Có đôi khi chỉ trích một vài câu trong các bài bản cần thiết cho các phân đoạn vở tuồng chứ không dùng hết cả một bản nhạc với số câu quá nhiều.

Bên cạnh đó không thể nhắc đến sự bùng nổ về lời ca. Các giai điệu vẫn giữ nguyên nhưng được đặt lời mới, kể cả các bài dân ca. Các sáng tác về lời lúc này vừa có những sáng tác mang đậm tính truyền thống, cũng có những sáng tác mang phong cách nhạc phương Tây.

Một bước đột phá làm cho cải lương phát triển rực rỡ chính là sự thành công của bài Vọng cổ. Bắt đầu với nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8 rồi nhịp 16, rồi 32 rồi 64. Rồi 20 câu trong bài Dạ Cổ Hoài Lang thành 20 câu vọng cổ. Có khi chỉ dùng 6 câu, 4 câu, và có khi chỉ có 1 câu nhưng lại dài gấp 16 lần 1 câu Dạ Cổ Hoài Lang. Thế nên nếu không hiểu được điều này, những đọc giả mới tiếp xúc với cải lương, nghe câu nói Dạ Cổ Hoài Lang là tiền đề của  6 câu vọng cổ sẽ cảm thấy khó hiểu vì không tìm thấy sự tương đồng giữa các câu vọng cổ và bài Dạ Cổ Hoài Lang.

20 bản nhạc tổ

Nhưng dù sao thì âm nhạc trong cải lương vẫn phải khai thác từ cái gốc là từ 20 bản nhạc tổ trong đờn ca tài tử:

Bài Bắc:

  1. Lưu thủy trường – 16 câu
  2. Phú lục chấn – 17 câu
  3. Bình bán chấn – 22 câu
  4. Xuân tình – 32 câu
  5. Tây Thi vắn – 24 câu
  6. Cổ bản vắn – 26 câu

Bài Nam:

  1. Nam ai – 48 câu
  2. Nam xuân – 48 câu
  3. Nam đảo (Đảo ngũ cung) – 52 câu

Nhạc Lễ:

  1. Xàng xê – 64 câu
  2. Ngũ đối thượng – 60 câu
  3. Ngũ đối hạ – 38 câu
  4. Long đăng – 40 câu
  5. Long ngâm – 33 câu
  6. Vạn giá – 47 câu
  7. Tiểu khúc – 29 câu

Bài Oán:

  1. Tứ đại oán – 38 câu
  2. Phụng cầu hoàng – 40 câu
  3. Phụng hoàng cầu – 48 câu
  4. Giang nam –  57 câu

Thêm một điều thú vị chúng ta có thể nhận ra là dù nghệ sĩ hát biến hóa như thế nào trong 1 câu hát nhưng chữ cuối trong câu hát sẽ có cao độ trùng với nốt đàn của nhạc công. Nói cho dễ hiểu thì chữ cuối trong câu hát và nốt cuối trong câu đàn phải là cùng một nốt. Chứ không nhạc hiện đại có thể kết thúc bằng bất cứ nốt nào miễn phù hợp với hòa âm.

Ngũ cung trong cải lương

Nhắc đến Cải lương không thể không nhạc đến ngũ cung. Nhưng nhận định rằng Cải lương là nhạc ngũ cung thì không chính xác vì người chơi đàn và người hát có thể luyến láy, nhấn nhá để từ 5 nốt trong ngũ cung cơ bản có thể biến hóa thành hàn vạn nốt phụ khác. Đó là lý do vì sao chúng ta thường cảm nhận cải lương luôn nghe ra rất quen tai những đường giai điệu nhưng đồng thời cũng cảm thấy sao nó rắc rối, khó hiểu.

Cũng thông qua cách nhấn nhá này mà tạo ra các đặc trưng để nhận dạng các điệu của âm nhạc cải lương. Chúng ta xem qua bảng so sánh này nhé. Trong đó Hò, Xự, Xang, Xê, Cống là 5 chủ âm trong ngũ cung Việt Nam.

Trên đây chỉ là 3 điệu điển hình, ngoài ra còn các điệu Bắc, Nhạc, Quảng, Ai, Đảo,…và mỗi điệu có cách nhấn mạnh nhẹ đặc trưng để nhận biết.

Thống kê bài bản cải lương

Và các bài bản cải lương hiện nay đã khảo sát được hơn 100 bài bản từ 20 bài tổ trong nhạc Lễ. Trong đó có những bài là từ nhạc lễ “chính quy”, có những bài từ các điệu dân ca. Thuộc hết các bài bản này đảm bảo bạn sẽ là bậc kỳ tài trong bộ môn cải lương.

  1. Ái tử kê
  2. Ánh nắng
  3. Ánh trăng
  4. Bá hoa
  5. Bắc sơn trà
  6. Bài tạ
  7. Bắn nhạn
  8. Bình bán vắn
  9. Cao phi
  10. Chi hoa trường hận
  11. Chiêu quân
  12. Chinh phụ
  13. Chuồn chuồn
  14. Dì phạnh
  15. Duyên kỳ ngộ
  16. Đoản khúc Lam Giang
  17. Đăng sơn lãm thủy
  18. Giang Tô
  19. Hành vân
  20. Hướng mã hồi thanh
  21. Hoài Tình
  22. Khổng Minh tọa lầu
  23. Khổng Minh chạy
  24. Khốc hoàng thiêng
  25. Khúc ca hoa chúc
  26. Kiều nương
  27. Kim tiền bản
  28. Kim tiền Huế
  29. Lạc âm thiều
  30. Lạc xuân hoa
  31. Lệ rơi thắm lá
  32. Liêu giang
  33. Liễu thuận nương
  34. Long hổ hội
  35. Long nguyệt
  36. Lưỡng long tranh châu
  37. Lưu thủy cao sơn
  38. Lưu thủy đoản
  39. Lưu thủy hành vân
  40. Lưu thủy tấu mã
  41. Lý Ba Tri
  42. Lý cây bông
  43. Lý cái mơn
  44. Lý chia tay
  45. Lý trăng soi
  46. Lý chim quyên
  47. Lý chim xanh
  48. Lý chiều chiều
  49. Lý con khỉ
  50. Lý con sáo
  51. Lý giao duyên
  52. Lý hoa dừa
  53. Lý lu là
  54. Lý mù sương
  55. Lý Mỹ hưng
  56. Lý đất giồng
  57. Lý đêm trăng
  58. Lý ngựa ô
  59. Lý đồng quê
  60. Lý Phước Châu
  61. Lý Phước Kiến
  62. Lý qua cầu
  63. Lý son sắt
  64. Lý thập tình
  65. Lý tương phùng
  66. Mẫu đơn
  67. Mẫu tầm tử
  68. Mạnh Lệ Quân
  69. Miên hậu hồi cung
  70. Minh châu
  71. Minh hoàng thưởng nguyệt
  72. Nặng tình xưa
  73. Ngự giá đăng lâu
  74. Ngũ điểm
  75. Nhạn về
  76. Phi vân điệp khúc
  77. Phò mã giao duyên
  78. Phong Ba Đình
  79. Phong nguyệt
  80. Quý phi túy tửu
  81. Sơn Đông hướng mã
  82. Song phi hồ điệp
  83. Sương chiều
  84. Tân xái phỉ
  85. Tam pháp nhập môn
  86. Tô Võ
  87. Tấn Phong
  88. Thu hồ
  89. Thu hồ diệp lạc
  90. Thu phong
  91. Thuấn hoa
  92. Trạng nguyên hành lộ
  93. Trăng thu dạ khúc
  94. Trung thu
  95. Tú anh
  96. Tùng Lâm dạ lãm
  97. Từ Bá Tuấn
  98. Tử quy tù
  99. Ú liu ú xáng
  100. Uyên ương hội vũ
  101. Vạn huê trường hận
  102. Vọng kim lang
  103. Xái phỉ
  104. Xang xừ líu
  105. Xuân phong

Mình xin lưu ý lại rằng các bài bản này tuy có tên riêng nhưng không hẳn nội dung lời hát phải phụ thuộc vào tên riêng của bài. Các tác giả có thể hoàn toàn viết lời ca theo ý mình dựa trên giai điệu sẵn có.

Trong đó thú vị như bài Long Hổ Hội giống như một bài luyện thanh trong thanh nhạc hiện đại để người học có thể quen với việc thay đổi cao độ giữa các nốt. Hay bài Vọng Kim Lang lại là một bài ra đời khá trễ trong các bài bản cải lương vay mượn từ một bài trong bộ môn nghệ thuật Hát bài chòi của người miền Trung.

https://www.youtube.com/watch?v=ltHoEino81M
bài Long Hổ Hội
Vọng Kim Lang

Đây chỉ là những kiến thức cơ bản giúp cho chúng ta khái quát sơ về âm nhạc của cải lương cũng như giải thích được phần nào các điều khó hiểu khi mới tiếp xúc nghệ thuật này. Nếu muốn hiểu rõ hơn chúng ta phải tìm hiểu sự ra đời của các bài bản, cách chơi các loại nhạc cụ, cách phối hợp, cách nhấn nhá chuyên nghiệp thì mới mong nắm được cách vận hành của âm nhạc.

Biên soạn: Quân Nguyễn

Phát hành: ADAM MUZIC

Quickom Call Center