I. Đào sâu hơn nguyên lý hoạt động của giọng nói:
Giọng nói của chúng ta hoạt động dựa trên ba phần: dây thanh, hơi thở, và các bộ phận phát âm, như đã tìm hiểu ở bài giới thiệu chung.
Cụ thể các bước sẽ như sau:
- Hít khí từ mũi, miệng qua họng, qua thanh quản hở, vào khí quản, vào phổi.
- Chúng ta muốn nói hoặc hát, lúc này não ra lệnh cho một số cơ quanh hộp dây thanh kéo hai thanh đới lại với nhau, chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể ở các bài sau.
- Không khí trong phổi tăng áp suất (vì dây thanh bị kéo gần lại với nhau – qua bước b), đẩy khí tác động lên dây thanh làm nó rung lên theo dạng sóng và va chạm vào nhau phát ra âm thanh, lúc này thanh quản hoạt động như một nhạc cụ bộ dây vậy.
- Thanh quản rung làm thay đổi đồng thời các phân phân tử khí đã xuyên qua thanh quản, và các phân tử khí chứa trong các bộ phận phát âm (họng, mũi, miệng, các xoang chứa khí,…), các bộ phận phát âm có nhiệm vụ thay đổi để tạo ra âm khác nhau mà não mong muốn, các bộ phận phát âm lúc này hoạt động như một nhạc cụ bộ thổi vậy.
- Hai nguồn âm thanh được tạo ra ở bước c và d cộng hưởng với nhau tạo ra âm thanh cuối cùng truyền ra môi trường, truyền đến tai của người nghe. Vậy để thay đổi chất lượng âm thanh đến tai người nghe chúng ta sẽ thay đổi hai nguồn âm thanh trên: yếu tố 1 là độ căng, chùng, dày, mỏng của dây thanh, yếu tố 2 là cấu hình của bộ phận phát âm phía trên (mà các bạn quen gọi là cộng hưởng). Mỗi yếu tố đều được đề cập ở những bài riêng biệt phía sau.
Nguồn ảnh: semanticscholar.org
Thanh quản (larynx) phân tách khí quản của con người thành hai phần, phần dưới dây thanh là phần ống thở – subglottal system, phần trên dây thanh là phần ống nói – supra-laryngeal vocal tract (hay là bộ phận phát âm).
II. Nguyên lý khí động học (The Myoelastic Aerodynamic Theory):
Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ bước 3, áp suất dưới dây thanh sẽ tác động tới thanh đới như thế nào, quá trình tạo ra tiếng như thế nào. Các bạn sẽ hiểu được vì sao chúng ta thường bị hụt hơi, rớt nốt, đuối hơi cuối câu hát, hoặc là bị vỡ nốt,…và cách điều chỉnh.
- Áp suất dưới dây thanh là gì, tại sao lại có áp suất này?
Khi chúng ta muốn nói hoặc hát, não chúng ta ra lệnh cho một số cơ quanh thanh quản kéo hai thanh đới lại gần nhau.
Các cơ nở ra trong quá trình hít vào (cơ hoành, cơ liên sườn, cơ đòn chũm,…) sẽ luôn dần dần co lại, dần trở về trạng thái thư giản để hỗ trợ cho quá trình thở ra, vì các cơ này có một tính đàn hồi nhất định, chúng ta chỉ có thể tiết chế, làm chậm quá trình thở ra để phục vụ cho việc nói và hát, chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngưng hoàn toàn. Bởi vì điều này, nên thể tích phổi sẽ luôn giảm dần. Khi hai thanh đới được kéo lại gần nhau, lúc này phổi hầu như trở thành một bình chứa kín.
Theo định luật Boyle- Mariotte áp dụng cho khí trong bình chứa kín, thì áp suất khí tỉ lệ nghịch với thể tích. Có nghĩa là khi thể tích phổi giảm dần, thì áp suất trong phổi sẽ tăng dần (các bạn có thể lên mạng tìm hiểu thêm phương trình trạng thái khí lý tưởng)
Áp suất trong phổi tăng lên đến một mức lớn hơn áp suất ở trên dây thanh. Vì không khí di chuyển từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp, cho nên các phân tử khí sẽ tác động lên mặt dưới dây thanh.
- Nội dung Nguyên lý khí động học (The Myoelastic Aerodynamic Theory):
Nguyên lý khí động học hoạt động được nhờ vào hai yếu tố: áp suất dưới dây thanh và tính chất đàn hồi của thanh đới
- Thanh đới được kéo sát lại với nhau nhờ một số cơ quanh thanh quản, lúc này áp suất dưới dây thanh tăng lên (đã giải thích ở phần trên), tạo ra lực tác động lên mặt dưới dây thanh, khiến hai thanh đới bị tách ra. Đây gọi là pha mở của quá trình phát âm trong độ dài một hơi thở ra.
- Bởi vì dây thanh có tính đàn hồi, nên sau khi bị tách ra, dây thanh lại bật lại vị trí cũ, vị trí khép sát lại gần nhau. Điều này còn được trợ giúp bởi nguyên lý Bernoulli, kéo sát thêm hai thành bên của thanh đới lại với nhau (sẽ có một bài riêng về nguyên lý này ở phần chuyên sâu hơn). Đây gọi là pha đóng của quá trình phát âm trong độ dài một hơi thở ra. Lúc này áp suất trong phổi lại tăng lên, và dây thanh lại tiếp tục bị tách ra (pha mở), sau đó lại quay về vị trí cũ (pha đóng), và lặp lại quá trình này. Hai dây thanh (lúc này đang ở một độ căng nhất định), va đập vào nhau tạo ra sóng âm có cao độ và âm lượng, truyền lên bộ phận phát âm, và truyền đến tai người nghe.
- Hai pha đóng, mở này liên tiếp thế chỗ cho nhau suốt quá trình phát âm trong độ dài của hơi thở ra, duy trì sự va đập của hai dây thanh. Cho đến khi áp suất trong phổi không còn lớn hơn áp suất phía trên dây thanh, thì quá trình trên không xảy ra nữa (vì không khí không còn di duyển), chúng ta sẽ ngừng nói hoặc hát, lấy một hơi thở mới để tái tạo áp suất dưới dây thanh.
Nguồn ảnh: sách Speech science primer.
Hình ảnh thể hiện các pha đóng mở liên tục của quá trình phát âm dựa trên nguyên lý khí động học.
Dây thanh bị tách ra từ dưới lên trên và đóng lại cũng từ dưới lên trên. Hai pha đóng mở liên tiếp xảy ra nhịp nhàng, khi pha mở xảy ra đến lúc cạnh trên cùng của hai dây thanh bung xa ra, thì cạnh dưới tiếp giáp với khí quản cũng đồng thời đóng lại, để tiếp tục pha đóng, và quá trình lặp lại như vậy cho đến khi người ta ngừng hơi thở đó để lấy hơi thở mới.
III. Những khó khăn thường gặp khi nói và hát:
Trong bài trước chúng ta đã đề cập sơ lược phần này, bài hôm nay sẽ diễn giải cụ thể hơn. Để xem lại phần bài trước- hơi thở, các bạn bấm vào đây
- Tình trạng hụt hơi:
Khi áp lực dưới dây quá thấp, bị thiếu hụt, sẽ dẫn đến tình trạng hụt hơi, tụt cao độ nốt, giảm âm lượng. Tình trạng này xảy ra vì chúng ta không đẩy đủ hơi lên thanh quản, lúc này thể tích phổi không giảm nhiều, vì vậy áp suất cũng không thay đổi đáng kể, nên lực tác động lên mặt dưới dây thanh không đủ mạnh để làm rung dây thanh như chúng ta mong muốn.
Hụt hơi có thể khiến bạn không thể hát như mong muốn
- Tình trạng đẩy quá nhiều hơi:
Khi áp lực dưới dây thanh quá cao, nghĩa là chúng ta đang đẩy rất nhiều hơi qua thanh quản (thói quen tống ồ ạt hơi và có xu hướng hét lên khi hát, đặc biệt khi lên cao). Lúc này thay vì chịu một lực vừa đủ để rung lên, thì hai dây thanh bị bật tung, lực đẩy quá mạnh khiến cho cơ chế đàn hồi quay về vị trí cũ của dây thanh không còn hoạt động nữa. Vì vậy nốt bị chênh phô, giọng bị vỡ sang giọng gió (cơ chế tự vệ của thanh quản thông qua hệ thần kinh, chúng ta sẽ tìm hiểu ở một bài riêng), các cơ ở cổ phải gồng lên cùng với thanh quản giữ làn hơi quá mạnh đang đẩy lên, gây căng thẳng ở vùng cổ. Bạn sẽ bị hết hơi nhanh so với chiều dài câu hát, nếu đẩy quá mạnh, còn có thể bị xước thanh quản, khàn tiếng, đau họng.
Đẩy quá nhiều hơi, tống hơi hoặc hét lên, không nên là cách sử dụng trong ca hát
- Qua đó, có thể thấy rằng, áp suất dưới dây thanh không thể quá thấp cũng không thể quá cao mà phải vừa đủ và thích hợp. Điều này có thể đạt được qua việc luyện tập. Việc rớt cao độ nốt còn phụ thuộc vào độ căng của dây thanh, chúng ta sẽ tìm hiểu ở các bài sau.
Hiểu lầm thường gặp: Support hoặc appoggio (nôm na là kĩ thuật giữ hơi, hạn chế tuôn hơi, thả quá nhiều hơi ra ngoài trong lúc hát) là một kĩ năng quan trọng. Tuy nhiên khi lạm dụng, dùng sai chỗ bằng việc máy móc giữ các cơ hít vào ở trạng thái căng nở liên tục không ngừng, cứ khi hát là bắt buộc phải giữ hơi, nén hơi như nhiều giảng viên vẫn yêu cầu, có thể ngăn cản sự giảm thể tích phổi một cách cần thiết để tạo ra áp suất dưới dây thanh phù hợp cho việc phát âm. Các cơ này phải được giữ nhẹ nhàng và được thả lỏng trong chừng mực cần để tạo áp suất dưới dây thanh đủ lớn, mà lại không quá dư, phụ thuộc vào cao độ của nốt và độ dài câu hát. Thêm vào đó việc gồng, ráng sức phình các cơ này liên tục sẽ làm cho giọng hát, giọng nói của bạn kém tự nhiên và căng thẳng.
• BÀI TẬP GIỮ ÁP SUẤT DƯỚI DÂY THANH:
Bài tập chữ “mum” arpeggio một quãng 5. (1-3-5-3-1)
Bài tập chữ “mum” sẽ giúp các bạn tìm ra áp suất dây thanh vừa phải, thích hợp, đặc biệt khi lên các nốt cao.
Thực hiện bài tập:
- Chúng ta lấy hơi thở sâu và tiết chế hơi thở trong quá trình thực hiện bài tập như đã thực hành ở bài trước, các cơ đang căng nở qua quá trình hít vào phải được thả lỏng từ từ, chậm rãi.
- Tập trung giữ đúng cao độ, cảm nhận lực đẩy vừa phải khi hát, giữ âm lượng vừa phải, tránh tình trạng càng lên nốt cao càng cố hát to hơn. Khi lên cao chúng ta làm cho giọng mỏng lại, rồi dần dần chuyển sang giọng gió ở những nốt quá cao, chứ tuyệt đối đừng gồng và hét lên.
- Khi hát rớt nốt, hoặc bị giảm âm lượng hãy tăng một chút lực đẩy lên. Khi thấy dây thanh bị căng thẳng, lượng hơi tuôn ra quá nhiều, chúng ta có xu hướng hét lên, hãy dừng lại và giảm lực đẩy. Cứ như vậy canh chỉnh trong quá trình thực hiện bài tập.
Giải thích bài tập: Chữ “mum” sẽ không cho phép chúng ta hét lên, tống hơi quá nhiều qua dây thanh. Đồng thời, việc ý thức giữ âm lượng đều vừa phải, và làm cho giọng mỏng dần khi lên cao sẽ luyện tập thói quen điều chỉnh lực đẩy dưới dây thanh cho phù hợp khi hát.
Các bài luyện thanh thường gắn với phụ âm“m”là bởi vì phụ âm này giúp chúng ta dễ khép dây thanh hơn, hạ được vòm mềm, thông khoang mũi, giúp cho việc hát lên cao được nhẹ nhàng và dễ dàng hơn (điều này sẽ được giải thích rõ hơi ở bài cộng hưởng về sau)
Bài viết được người viết tổng hợp kiến thức ở nhiều nguồn, mình sẽ để nguồn ảnh, và đường dẫn kiến thức hoặc là tên sách mình trích dẫn thường xuyên để các bạn có thể tìm đọc.
Tác giả : Nhật Thanh
Bấm vào đây để đi tiếp tới phần 3 của chuỗi bài viết !