Appoggio là kĩ thuật hơi thở cần thiết để thực hiện những kĩ thuật khó trong thanh nhạc, không chỉ riêng mix voice còn có belting, vibrato, headvoice,… Khi tập mix voice các bạn thường gặp khó khăn một phần vì chưa có kĩ năng tiết chế hơi thở này.
- Appoggio- support là gì, định nghĩa?
Từ “appoggio” xuất phát từ động từ “appoggiare” trong tiếng ý nghĩa là dựa vào, trong tiếng anh người ta hay dùng chưa “support” hoặc là “lean on”. Người ta thường hay dùng nhiều cụm từ khác khi nói về kĩ thuật appoggio này, chắc chắn các bạn cũng đã nhiều lần nghe thầy cô nói. Ví dụ, “ giữ hơi chắc hơn”, “cột hơi của em chưa chắc”, “hơi phải giữ bằng cơ hoành”,…
Nhưng cách nói này, thường gây rối cho người học, học viên không biết nên làm sao cụ thể để “chắc cột hơi” hoặc “nén hơi chặt”, và tại sao phải làm như vậy… dẫn đến việc căng thẳng, mơ hồ của người tập, nhất là khi lên cao, hoặc hát một câu dài. Bản chất vấn đề, Appoggio là kĩ thuật giữ và tiết chế hơi thở, thông qua việc điều chỉnh từ từ độ co giãn của các cơ hít thở, không để cho hơi thở tuôn ra ngoài quá nhanh trong quá trình hát.
- Theo khoa học Appoggio- support là gì?
Nói một cách khoa học hơn, appoggio là hành động điều khiển, tiết chế việc thay đổi áp suất không khí trong phổi.
Không khí chạy từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp, độ chênh lệch áp suất càng cao thì tốc độ di chuyển của khí càng nhanh.
Trong quá trình hít thở thông thường, khi các bạn hít vào, phổi phình to làm giảm áp suất trong lồng phổi thấp hơn môi trường bên ngoài, vì vậy không khí chạy từ bên ngoài vào bên trong phổi. Sau đó các cơ hỗ trợ cho việc nở của phổi đang trong trạng thái căng sẽ chuyển về trạng thái thả lỏng ban đầu, co lại, dung tích phổi giảm, đồng nghĩa với áp suất trong phổi bắt đầu tăng (điều này dựa trên định luật Boyle mình đã đề cập ở bài áp suất hơi thở). Đến khi áp suất này lớn hơn áp suất của môi trường bên ngoài, khí sẽ di chuyển từ trong phổi ra ngoài, tạo hành động thở ra.
Hình ảnh tóm tắt định luật Boyle, giải thích vì sao khi dung tích phổi bắt đầu giảm dần, thì áp suất trong phổi tăng lên.
Ca sĩ luôn mong muốn có pha thở ra dài hơn pha hít vào, để có thể hát được một câu dài, hoặc là hát nốt cao.
Appoggio, chính là hành động giữ độ căng của các cơ hít vào lâu bao nhiêu, thì áp suất sẽ thay đổi chậm bấy nhiêu. Độ chênh lệch áp suất không diễn ra đột ngột, nên tốc độ chuyển động của không khí sẽ chậm hơn, lượng khí thoát ra bị hạn chế. Nghĩa là, bạn có một hơi thở dài hơn.
Về phần nốt cao, thực chất, khi hát càng cao, dây thanh sẽ rất căng, khép sát lại nhau, nên bạn phải tiết chế lượng khí xuyên qua dây thanh để không khiến chúng bị bật ra, làm cho bạn vỡ nốt hoặc là hát chênh phô.
Vậ y khi nói support – appoggio, có nghĩa là chúng ta phải tiết chế hơi lại, dùng ít hơi hơn trong thời gian dài hơn.
Hiểu lầm thường gặp: Khi khái niệm chưa được diễn tả đầy đủ, có rất nhiều bạn nhầm lẫn rằng câu hát cao hoặc dài thì cần dùng thêm lực để đẩy thêm nhiều hơi, trong khi support lại có nghĩa là tiết chế hơi thở. Hoặc có bạn lại gồng cơ nào đó, gồng và giữ độ căng nở là khác nhau, khiến cho thanh quản và các cơ của bộ phận phát âm bị gồng theo.
Kết quả là các bạn vẫn không thể hát như ý muốn, càng mau hết hơi, nốt cao bị vỡ, không thể thực hiện mix voice, cũng như các kĩ thuật khó khác.
- Nếu bạn muốn hiểu rõ thêm về quá trình thay đổi áp suất của việc hít thở, các bạn vào đường link dưới đây, có đầy đủ các quá trình, số liệu, cách tính toán và hình minh họa. Có giải thích luôn cả việc lực căng ở các cơ hít vào sẽ hạn chứ luồng hơi thổi ra như thế nào (chính là appoggio).
- Vì sao appoggio quan trọng trong ca hát nói chung, và trong thực hiện mix voice:
Khi chúng ta thực hiện mix voice, thông thường là ở những đoạn cao hơn giọng ngực bình thường và thấp hơn so với giọng gió hoặc giọng giả thanh. Nếu lúc này chúng ta không thể tiết chế làn hơi, để quá nhiều hơi tác động vào dây thanh, sẽ khiến dây thanh đang căng thẳng và mỏng bị tách ra xa, mất kết nối, kết quả là chúng ta bị vỡ, hoặc rớt nốt, hoặc mau chóng chuyển hẳn sang giọng gió, và hơi ồ ạt xuyên qua thanh quản, khiến âm thanh không ổn định.
- Khi nào nên dùng appoggio – support:
Có phải chúng ta cần sử dụng kĩ thuật appoggio như một thói quen khi hát?
Câu trả lời là không. Giọng hát, âm thanh được kích hoạt, và truyền đi bởi làn hơi, nên khi hát, hơi thở trượt ra ngoài là điều bình thường. Ở những nốt trung, quãng giọng mà bạn cảm thấy dễ dàng và tự nhiên nhất, bạn nên tập trung vào việc phát âm thật chuẩn, chia câu từ khi hát thật hay, chú trọng cảm xúc và ý nghĩa của bài, chứ không nên luôn luôn chú tâm đến việc tiết chế hay nén hơi thở. Lạm dụng sẽ khiến cho giọng hát của bạn không uyển chuyển, và mất cảm xúc khi hát.
Ở những chỗ bạn biết được sắp bước vào đoạn chuyển bridge, cần thay đổi cơ chế giọng chuyển dần sang mix voice,… lúc này bạn mới cần tập trung cao độ vào kĩ năng appoggio. Sau đó, ở những đoạn tiếp theo quay trở lại cách hát tự nhiên như bình thường.
Việc bắt các cơ hít vào luôn phải căng nở cũng gây mệt mỏi cho chúng, và cho bạn, nên hãy sử dụng nó ở những chỗ thật là cần thiết nhé.
- Bài tập appoggio:
Chúng ta sẽ tập tuần tự 3 bài tập sau.
- Bài tập xì hơi để tập cảm giác appoggio-breath support, giữ hơi:
Bài tập rất đơn giản.
Bước 1: Bạn lấy hơi vào, khi lấy hơi, hãy để cơ thể được nở ra thoải mái, không nhấc vai. Nở cả phần lồng ngực, bụng trên, thành bụng dưới, cơ lưng trên và cơ lưng sau. Hít hơi không tạo tiếng lớn, thoái mái như khi bạn đang hít không khí trong lành buổi sáng vậy. (Nếu chưa nắm rõ kĩ thuật lấy hơi, xem lại bài 1 – Hơi thở)
Lưu ý quan trọng bạn hãy kiểm tra tư thế của mình đã thẳng chưa, lồng ngực đã thẳng và cao chưa, lưng có thẳng hay không. Lồng ngực cao không có nghĩa là chúng ta sẽ nhấc ngực lên cao khi hít vào, mà chúng ta phải chú ý không gù lưng, làm xẹp lồng ngực. Giữ tư thế này trong suốt quá trình hát nhé.
Bên trái màn hình là tư thế đúng, với lồng ngực cao nở. Ngược lại, bên phải là tư thế sai, lưng gù, xương sống không thẳng lồng ngực bình hạn chế.
Lồng ngực chứa phổi, nếu chúng ta ép xẹp lồng ngực. Dung tích phổi bị hạn chế đáng kể. Vậy hơi thở chúng ta không thể dài và khỏe được.
Bước 2: Sau khi hít vào, với tư thế đúng. Chúng ta giữ nguyên sự căng nở của các cơ hít vào (cơ thẳng bụng, cơ lồng ngực, cơ liên sườn, cơ lưng trước và sau) và bắt đầu xì hơi ra.
Bấm đồng hồ đo, càng lâu càng tốt, trung bình >30 giây là đạt. Quan trọng là điều chỉnh có tiếng xì đều và ổn định, không bị giật, không bị to lên hoặc nhỏ đi.
Lúc này bạn sẽ cảm nhận được, hành động duy trì sự căng nở của các cơ hít vào sẽ hạn chế dòng chảy của làn hơn, tốc độ của làn hơi.
Đó chính xác là cảm giác cần khi chúng ta muốn hát cao và hát một câu dài hơi.
Bài tập này phải được thực hiện thường xuyên, ngoài việc làm quen với cách giữ độ căng nở cơ, và độ đều đặn của dòng chảy hơi thở, còn giúp tăng dung tích phổi.
Kiểm tra độ căng nở của thành bụng, cũng như tư thế thẳng khi tập breath support – appoggio
- Bài tập hát câu dài:
Tất nhiên là khi hát chúng ta không chỉ xì hơi, mà phải kết hợp với việc phát âm ra tiếng.
Bài tập âm “Nây” trượt theo câu (1-3-5-8-5-3-1) thực hiện hai lần trong một hơi thở.
Hãy nhớ lại cảm giác của bài xì hơi vừa tập phía trên, và áp dụng vào bài này cũng như bài tiếp theo. Chúng ta vẫn thực hiện lấy hơi một cách thoải mái, tiếp theo cũng giữ độ căng nở của các cơ hít vào và thực hiện câu hát dài. Kiểm soát độ căng nở của cơ để hơi thở có thể dàn trải suốt câu hát.
- Bài tập hát nốt cao:
Bài tập âm “Gu” trượt theo câu (1-3-5-8-8-8-8-5-3-1).
Vẫn giữ cảm giác giống như bài tập xì hơi, lần này ở những nốt cao chúng ta không đẩy hơi như thường làm mà kiểm soát độ căng nở của cơ để hơi trượt ra vừa đủ cho nốt cao, tránh việc làm vỡ nốt.
Thêm vào đó âm “Gu” là một âm với khoang miệng hạn chế càng góp phần ngăn cản hành động tống hơi, lý do số một khiến bạn bị vỡ, oét và căng thẳng khi lên cao.
Với bài tập này, và hành động breath support đúng cách, bạn sẽ lên được cao hơn nhiều so với trước giờ bạn vẫn nghĩ đó. Hãy thử tập và chờ sự bất ngờ nhé.
Tác giả: Nhật Thanh
Nguồn hình ảnh tổng hợp.