Dưới đây là tổng hợp các bài tập thả lỏng phổ biến nhất. Các bạn hãy cùng mình theo dõi và luyện tập nha!
Khởi động toàn cơ thể trước khi hát
Bài tập khởi động toàn cơ thể rất quan trọng trước khi hát hoặc biểu diễn. Nhìn chung, “hát” là một hoạt động thể chất cho nên việc khởi động là cần thiết để giúp cơ thể thích nghi một cách từ từ. Việc tập bài này sẽ mang lại cảm giác hiệu quả nhất định cho toàn bộ cơ thể và giúp cho bạn nhanh nhẹn trong từng động tác, đồng thời nhịp tim nhanh hơn, máu lưu thông tốt hơn, suy nghĩ được tỉnh táo và hơi thở được kích hoạt mạnh mẽ hơn.
- Gập, ngửa đầu – nghiêng đầu trái, phải – xoay cổ theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ
- Xoay vai, thả lỏng phần thân trên.
- Động tác lườn, khơi động hai bên sườn
- Gập cúi người, khởi động các cơ thẳng bụng
- Xoay đầu gối – Đầu gối là bộ phận quan trọng đối với việc biểu diễn trên sân khấu. Nếu đầu gối không được thư giãn toàn bộ cơ thể bạn sẽ bị khóa cứng lại, khó di chuyển cũng như gia tăng căng thẳng.
- Xoay cổ chân – chuẩn bị cho các bước di chuyển nhẹ nhàng và nhanh nhẹn.
Sau khi thực hiện tổng hợp các bước bài tập trên, mình tin rằng cơ thể của các bạn đã được kích hoạt để chuẩn bị cho việc hát. Hãy thường xuyên làm đầu buổi học, hoặc trước khi biểu diễn nha.
Khởi động giọng trước khi hát
Ngoài việc khởi động cơ thể, thì khởi động giọng sẽ giúp bạn tránh dược các động tác quá bạo lực tác động đột ngột lên dây thanh và làm tổn thương dây thanh. Chúng ta nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để khởi động giọng, vì giọng hát sẽ trơn tru hơn trong quá trình luyện tập hoặc biểu diễn.
Dưới đây mình xin giới thiệu một số bài tập khởi động thường gặp như sau:
- Bài tập rung môi: làm mỏng dây thanh – tìm vị trí âm thanh
- Bài tập humming: khởi động khoang mũi – tìm ra khoảng vang
- Bài tập Staccato: khởi động cơ hoành
- Bài tập xì hơi: chuẩn bị một hơi thở ổn định
- Bài tập âm “ga”: tăng kết nối dây thanh
- Bài tập âm “nay”: hình thành giọng pha.
Bài tập dáng đứng đúng
Dáng đứng bị gù lưng, gập xương sống, gập cổ, ép ngực là một trong những lý do làm cho bạn không thể lấy hơi và hát hiệu quả được. Để tìm ra dáng đúng cho cơ thể các bạn có thể thực hiện đơn giản như sau:
- Đứng sát tường hoặc một mặt phẳng, đảm bảo đầu, vai, mông, và gót chân cùng chạm vào tường. Sau đó di chuyển ra khỏi bức tường và duy trì tư thế này khi hát, hoặc đứng.
- Tiếp theo, bạn hãy chú ý lấy hơi sao đó không bị nâng vai, gồng ngực khi hát nhé
Chú ý và duy trì vị trí đúng và phương pháp lấy hơi đúng trong suốt quá trình hát.
Ở trong phần tiếp theo mình sẽ đề cập các bạn về bài tập thư giãn cổ, hộp dây thanh, cằm, cơ mặt, lưỡi và khẩu hình khi hát. Mong các bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Nhật Thanh