Xin chào các bạn, hôm nay ADAM Muzic sẽ gửi đến các bạn một bài viết rất đặc biệt và “chất lừ” về Các kĩ thuật thanh nhạc – Phần 1. Bài viết này sẽ trình bày hầu như mọi kĩ thuật thanh nhạc từ cổ điển đến hiện đại. Nếu dành thời gian tập hết các kĩ thuật này, bạn có thể tự tin mình đủ “pro” rồi nhé!
Mình có thực hiện 1 video về các kỹ thuật xử lý này, các bạn có thể tham khảo thêm nhé!
1. Lực hát (Dynamic)
Lực hát là một kĩ thuật rất cơ bản trong thanh nhạc. Để có lực hát tốt, bạn cần tập luyện 2 cách sau:
Phần hơi thở, hít sâu vào, thấy cái bụng hơi phình ra là đúng. Nhiều người gọi là lấy hơi bằng bụng, thật ra không hơi nào vào bụng cả nhé. Đó là do quá trình lấy hơi vào phổi, sự hạ xuống sâu của cơ hoành (Diaphragm) đè các bộ phận bên trong khoang bụng khiến nó phình ra thôi. Bạn tập luyện càng nhiều về hơi thở sẽ giúp phổi giãn nở tốt hơn, chứa được nhiều hơi hơn. Cơ hoành khỏe hơn giúp lực đẩy chắc hơn. Lực đẩy càng mạnh, âm thanh càng to. Giống bạn thổi kèn vậy thôi.
Muốn âm thanh vang hơn, to hơn, cần đưa âm thanh về phía các khoảng trống giúp cộng hưởng trong cơ thể như cổ họng, khoang miệng, xoang. Càng có hệ thống cộng hưởng âm tốt, âm thanh của bạn sẽ càng to rõ, đầy uy lực hơn.
Cách tập: Bạn ngậm miệng lại, tạo ra âm “Uhm”, cố gắng cảm nhận âm thanh đang “gom” lại ngay trước mũi, trán. Cố gắng đẩy hơi mạnh dần để làm âm thanh to hơn, sau khi cảm nhận được vị trí của khoảng vang, bạn hãy tạo ra âm “Uhm-ma”, cao dần, to dần, đẩy hơi mạnh hơn, nhớ thả lỏng toàn bộ vùng cổ, vai, ngực.
2. Rung ngân (Vibrato)
Hướng dẫn tập luyện Rung Giọng
Đây là một kĩ thuật mà ai học thanh nhạc cũng muốn tập được, và chắc chắn ai cũng tập được. Cách tập cũng cực kì đơn giản. Bạn hát một nốt, ngân dài ra, sau đó cứ thay đổi cao độ lên xuống xung quanh nốt nhạc đó, riết rồi các cơ khu vực cổ họng sẽ “nhớ” cách di chuyển lên xuống đó (Cái này trong tiếng anh gọi là Muscle memorry – Trí nhớ cơ).
Nhiều người cho rằng rung giọng là từ bụng, quan niệm này chưa chính xác. Vì bản thân bụng (thực tế là cơ hoành) chỉ đóng vai trò tác động lực, còn việc thay đổi cao độ là do thanh đới (vocal folds/vocal cords), thanh quản (larynx) quyết định. Việc thay đổi cao độ có thể bị ảnh hưởng một phần bởi lực đẩy cơ hoành và hơi từ phổi (đẩy hơi mạnh, nốt sẽ cao hơn; đẩy hơi yếu, nốt sẽ thấp hơn) nhưng không phải vấn đề quyết định. Hơi từ cơ hoành đẩy càng tốt, việc rung giọng càng mượt. Các bạn tập theo cách nào cũng được.
Nếu tập rung bằng cách đẩy cơ hoành trước, âm thanh ban đầu sẽ hơi bị “hừng hực” nhưng từ từ sẽ tốt hơn và với cách này, cơ hoành sẽ rất khỏe nhưng khả năng kiểm soát, điều khiển thanh đới, thanh quản sẽ kém hơn, đôi khi hiểu sai nguyên tắc hoạt động và vai trò của cơ hoành (nằm bên trên bụng).
Nếu tập ở cổ trước, sẽ hơi mệt thanh đới do hoạt động liên tục, cơ hoành không được rèn luyện nhiều nên sẽ không mạnh bằng; thanh đới, thanh quản sẽ được rèn luyện “Trí nhớ cơ” và bạn sẽ hiểu các vấn đề Thanh nhạc (thanh đới, thanh quản, cơ hoành) một cách hợp lý hơn.
Có lần mình nghe một bạn học trò nói, “Em có người chị học nhạc viện 6 năm, chị nói tập vậy là sai kĩ thuật”. Mình xin chia sẻ luôn, mỗi người, mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, mỗi thể loại âm nhạc, mỗi thời đại âm nhạc đều có cách tập luyện riêng. Âm nhạc được tổng hợp và hệ thống ở châu Âu không có nghĩa nó là duy nhất. Chúng ta có thể ăn mì Ý bằng đũa (theo kiểu Á Đông), cũng có thể ăn cơm bốc bằng tay (theo văn hóa Ấn Độ). Cách nào thì đồ ăn cũng vào bụng và no. So sánh vậy cho các bạn dễ hiểu.
Do đó, nếu chỉ dựa vào một nền giáo dục duy nhất, một phương pháp duy nhất, một tiêu chuẩn duy nhất thì chúng ta sẽ tự giới hạn khả năng sáng tạo và tư duy của mình. Vì thế, hãy tìm hiểu nhiều cách khác nhau và áp dụng nó một cách phù hợp nhất với mình, đừng bị rập khuôn bởi kiến thức được học, dù kiến thức đó có thể là đúng với số đông. Hãy khác biệt và cởi mở tư duy.
Cách tập: Có nhiều cách, bạn có thể tập với cách đơn giản như sau: Bạn hát chữ “A”, ngân dài rồi hát thấp xuống thành “À”, rồi lại “A”, “À”, “A”, “À”. Nhớ là chỉ hát 1 nốt rồi ngân dài, không hát thành nhiều chữ A nhé, bạn có thể xem phim Tazan cho bớt trừu tượng nhé!
3. Cảm xúc (Feeling)
Thật ra gọi đây là một kĩ thuật cũng không hẳn chính xác, vì cảm xúc tự mỗi người đều có cả, chỉ là đôi khi, lúc hát, chúng ta lo để ý quá nhiều vào cao độ, tiết tấu, lời hát mà quên đi phần cốt lõi quan trọng nhất của nghệ thuật đó là Biểu đạt cảm xúc.
Cách tập: Trước khi hát, bạn chỉ cần suy nghĩ về bài hát mình sắp trình bày, từng câu, từng chữ nói lên điều gì, nghĩa trắng, nghĩa đen như thế nào và cố gắng biểu đạt các ý nghĩa của bài hát đó bằng giọng hát của mình. Cảm xúc chỉ đơn giản như vậy nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để tập luyện đấy.
3. Sắc thái (Nuance)
Đây không chính xác là một kĩ thuật mà gọi đúng hơn là tư duy và sự tinh tế khi hát. Sắc thái trong thanh nhạc là cách bạn hát một từ, một câu hát với độ mạnh nhẹ phù hợp. Hãy tưởng tượng bạn đang nghe một giọng hát cất lên “Anh muốn thì thầm vào tai em” nhưng với một giọng ca đầy nội lực, và độ lớn cỡ gần 100 dB (decibel) tương đương tiếng sấm nổ thì rõ ràng chẳng hợp lý, hoặc một người hát “tình yêu anh bùng cháy rực lửa” nhưng lại chuyển qua giọng gió (falsetto hoặc headvoice) nghe như đang viêm phổi mãn tính. Đấy là sắc thái, bạn cần hiểu ca khúc mình đang hát, và cố gắng diễn đạt nó đúng với cảm xúc, ý nghĩa từng câu chữ.
Sắc thái sẽ còn tinh tế hơn nữa khi bạn có thể thay đổi lực hát như một ngọn sóng nhấp nhô, lúc mạnh mẽ, lúc mềm mại lăn tăn, có khi sự thay đổi mạnh nhẹ đó nhanh như cái chớp mắt, như ngọn gió nhẹ thổi qua, mạnh rồi nhẹ trong từng từ, có khi lại là nốt nhạc được kéo dài lê thê thể hiện sự đau xót hay trông chờ gì đó thật xa xăm. Sắc thái là thế, nói thôi đã thấy khó, tập luyện để trở thành thói quen sẽ còn khó hơn nhiều.
Cách tập: Bạn lấy một câu hát nào đó. Ví dụ: Câu “Where have you been” trong bài hát cùng tên của ca sĩ Rihanna. Bạn thử hát nó với 3 trạng thái cảm xúc khác nhau:
- Đau đớn vì bị lừa tình. (Bạn hát như đang quặn đau, âm thanh vừa phải)
- Tức giận và căm giận. (Bạn hát như lúc nói chuyện to tiếng, tức giận, âm thanh to, vang)
- Buồn, đau nhưng nhẹ nhàng chôn giấu (Bạn hát nhẹ nhàng như lời nói lặng lẽ, thì thầm)
Đừng nhầm lẫn Nuance và Feeling nhé, Nuance là sắc thái, là cách sử dụng lực hát mạnh nhẹ trong câu chữ, nó như công cụ hỗ trợ việc bày tỏ cảm xúc, sắc thái không phải là cảm xúc.
4. Giọng nhiều hơi (Breathy voice)
Có nhiều bạn nhầm lẫn giữa Giọng khàn (Smoky voice) và giọng nhiều hơi (Breathy voice). Để dễ hiểu về Breathy voice, bạn kiếm cái TV có truyền hình cáp, mở kênh Fashion TV, nghe câu “Fashion TV” của một giọng nữ nhẹ nhàng “sexy”. Hoặc ai thích đi xem phim ở rạp BHD thì nghe được câu” All around you” giới thiệu âm thanh Dolby Digital cũng một giọng nữ “sexy” tương tự. Tập nói giống vậy để thành thói quen, rồi khi hát, bạn cố gắng đẩy hơi nhiều vào, để âm thanh nghe dầy và đầy đặn hơn.
Nhưng nhớ nhé, việc đẩy hơi nhiều sẽ khiến thanh đới làm việc nhiều, đôi khi cọ xát, trầy lại gây nguy hiểm. Do đó, bạn nên tập thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần chừng 10 phút là được, đừng dồn vào nói, hát kiểu đó suốt 3 – 5 tiếng liên tục rồi qua hôm sau tắt tiếng, khàn giọng lại nguy.
Cách tập: Đơn giản lắm, cứ nói chuyện phà hơi nhiều vào, chừng vài tháng sau là giọng đầy hơi cho xem. Nhớ súc miệng Listerine trước khi tập ở chỗ đông người nữa nhé!
5. Giọng khàn (Husky voice hay Smoky voice)
Giọng khàn Husky voice đôi khi cũng được gọi là Raspy voice ở mức độ nhẹ. Với “kĩ thuật” này, phần lớn mọi người có một nhầm lẫn đôi khi tai hại. Đây chính xác là một bệnh lý hơn là một kĩ thuật. Một người khi hát sai kĩ thuật, cứ cố gồng để hát, đẩy hơi quá nhiều, hát quá mạnh, đè nén thanh đới, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng viêm thanh đới.
Việc viêm thanh đới này khiến thanh đới nổi lên một cái “mục” nhọt hoặc một cục “chai sần”. Do đó, âm thanh phát ra không được bình thường mà nghe rè rè và nhiều hơi, đôi khi không rõ cao độ. Có 2 dạng bệnh thanh đới chủ yếu: Vocal polyps và Vocal nodules.
Vocal polyps: Nôm na là bị một cái “mục nhọt” ngay dây thanh đới, có thể do vi khuẩn (ăn uống, hít thở) hoặc do hát mà gào quá làm trầy xước khiến nó xưng tấy. Nhẹ thì uống thuốc nghỉ ngơi sẽ hết, nặng sẽ khó thở, đau, phải đi mổ, có thể ảnh hưởng đến giọng hát sau này.
Vocal Nodules: Là một vết chai sần do xưng lâu ngày. Cái này bạn cứ liên tưởng đến cái ngón giữa khi cầm viết lâu ngày sẽ bị xưng lên, chai sần lại thành một cục, nó cũng chẳng hại gì ngoài việc làm xấu ngón tay. Nhưng đối với thanh nhạc thì khác, nó làm âm thanh bạn hát ra khó kiểm soát hơn, hơi bị tuột ra nhiều do thanh đới tự nhiên nhô lên một cục khiến nó rung động khó hơn nên cao độ cũng kém ổn định hơn.
Phần lớn người có giọng smoky voice sẽ rơi vào trường hợp này. Cũng có trường hợp khàn bẩm sinh do cấu tạo thanh đới khác người, hoặc do bệnh lý từ nhỏ (mấy đứa con nít hay la hét lớn tiếng thường bị) nên khi lớn lên thành tật luôn.
Vậy Husky voice/Smoky voice tốt hay không tốt? Câu trả lời là tùy thuộc mỗi người. Ví dụ: Một người cụt tay, vẫn thích đánh đàn, và cứ cố tập đến khi họ có thể đàn được. Smoky voice cũng vậy, một người bị khàn do bệnh lý Vocal Nodules mà cứ cố “Vượt lên chính mình” ráng cày hoài thì một sẽ là bắt đầu kiểm soát được, 2 là banh luôn cái cổ họng. Sở dĩ mọi người thấy Smoky voice hay là bởi vì bình thường chúng ta ít nghe ai hát giọng đó, nên khi có một giọng ca cất lên mà nghe khàn khàn, lại hát được nốt cao, nên ta cho rằng đó là chất giọng “lạ”, chất giọng “hiếm”. Thật ra cũng chỉ do cảm giác tai chúng ta chưa nghe nhiều, chưa quen nên mới như vậy.
Cách tập: Một số phương pháp tập giọng này phần lớn là theo con đường “hành xác” như kiểu ráng gào gào khi hát, nhiều bác còn chơi cả ống thuốc lào, hút càng nhiều, càng sâu, hát càng khàn. Thật ra là do tổn hại thanh đới càng nhiều nên nó mới khàn. Một số người sau thời gian gào gào và tìm được cách kiểm soát thì rất đáng khen, một số khác sau một thời gian trở thành con nghiện thuốc lào, cỏ…
Tuy nhiên cũng có một vài cách tập mà không gây hại, chẳng hạn tập hẳn giọng Raspy voice trước rồi sau đó giảm nhẹ lại để có được giọng Husky voice với tí xíu âm thanh “hột mè” trong giọng hát. Tóm lại, giọng khàn phần lớn là một dạng bệnh lý, do tập luyện nhuần nhuyễn nên có thể kiểm soát và điều khiển được, ít người hát kiểu đó nên nó thành lạ, thành hay, muốn tập thì chỉ có con đường “hành xác”, tập xong có 2 tương lai, 1 là huy hoàng, 2 là điêu tàn.
6. “Nốt nhạc buồn” (Blues note hay “worried note”)
Chữ tiếng Việt này tôi dịch nhảm, đừng học theo. Nốt Blue ý diễn tả một điều gì đó hơi buồn, lo âu phù hợp với nỗi đau của người nô lệ da đen ngày xưa.
Đây là một kĩ thuật bắt nguồn từ nhạc Blues của người Mỹ đen (American African). Xa hơn nữa là từ nhạc dân gian, nhạc đồng án, lao động của người da đen (African), người nô lệ bắt nguồn từ châu Phi.
Nốt Blues chính là những nốt nhạc được hát hoặc chơi (piano, guitar…) khác đi một chút so với cao độ đúng của nó nhằm mục đích diễn cảm. Đặc trưng của sự thay đổi về cao độ trong các nốt nhạc Blues thường là nửa cung (semitone) hoặc ¼ cung (quarter tone) tùy theo cách hát của nghệ sĩ và thể loại âm nhạc.
Nốt Blues trong thanh nhạc có nhiều nốt không phải chỉ sở hữu một nốt như một số bạn hiểu nhầm, nhầm lẫn với Âm giai Blues (Blues scale). Nốt Blues ở đây chính là những nốt được hát khác đi về cao độ như đã nói ở trên. Hình bên dưới sẽ cho bạn thấy rõ 3 nốt blues được tô màu xanh (nốt F# trong ngoặc và nốt Gb là một, chỉ khác tên gọi).
Hiểu một cách đơn giản nhất là trong âm nhạc Blues có một hoặc vài nốt nhạc lửng lửng ở giữa các nốt chính thức (Âm giai Trưởng hoặc thứ), và các nốt đó thường được hát thấp hơn tí xíu, kết hợp với kĩ thuật bẻ cong nốt (Bent note) để tạo ra màu sắc và cách hát đặc trưng của thể loại này. Blues notes không chỉ dùng trong nhạc Blues mà còn trong nhiều thể loại sau này như R&B, Soul, Rock & Roll.
Cách tập: Các bạn tìm nghe các bản nhạc Blues thời kì đầu, tập theo các câu hát và các nốt đặc biệt. Với kĩ thuật này, việc biết đánh đàn là một lợi thế lớn, còn không biết đánh đàn thì khả năng hát phô khá cao. Bạn nhớ nhé, với nhạc Blues, chính xác là bạn phải hát “hơi phô” một tí, nhưng phải “phô” đúng ngay nốt Blues, nếu “phô” không vô nốt Blues, là phô rần.
7. “Bẻ cong” nốt (Bent note/Note bending)
Đây là kĩ thuật đặc trưng của nhạc Blues mà sau này trở thành kĩ thuật được sử dụng rất nhiều trong các thể loại R&B, Soul và cả Pop. Kĩ thuật này chỉ đơn giản là cách hát một nốt, sau đó đẩy cao độ nốt lên dần dần, kết hợp với Blues notes kĩ thuật Bẻ cong nốt (Bent note) này giúp người hát thả hồn vào âm nhạc và tạo ra các trạng thái cảm xúc lâng lâng, đượm buồn rất hay.
Cần nhớ là với kĩ thuật này, khi hát, bạn phải nhấn mạnh vào âm thanh đầu và nhả nhẹ lại khi bẻ cong lên nốt cao.
Khi hát, các ca sĩ thường kết hợp cả kĩ thuật Bẻ cong nốt (Bent note) này cùng với kĩ thuật Luyến đơn âm nhiều nốt (Melisma) để tạo ra các câu hát đặc sắc, điêu luyện.
Cách tập: Bạn cứ tưởng tượng mình như mới ngủ dậy, còn “nhựa nhựa”, hát một chữ Na, rồi bẻ từ từ cái nốt đó, giống như kĩ thuật luyến nhưng lần này không đi hẳn lên một cao độ khác mà cứ thay đổi chậm dần dần cao độ lên một chút xíu. Nếu bạn có cây guitar kế bên thì tuyệt vời, cứ nhấn vào sợi dây số một ở ngăn 5 hoặc 7 gì đó, “nhéo dây” cho nó cao lên rồi cứ thế hát theo. Kĩ thuật này tương đối khó, nhưng khi đã làm được bạn sẽ cảm nhận được chất “buồn” tê tái, sướng lắm.
8. Kĩ thuật luyến láy nhiều nốt (Melisma hay Runs and riffs)
Đây là một trong những kĩ thuật quen thuộc mà các bạn thường nghe trong các ca khúc nước ngoài cũng như các giọng ca thần thánh Whitney Houston, Mariah Carey…
Kĩ thuật này mình không dám nói là dễ, nhưng thật ra các bạn chỉ cần cố gắng luyện tập theo Âm giai Blues (Blues scale) hoặc Âm giai ngũ cung (Pentatonic scale) một thời gian rồi nghe và bắt chước các mẫu câu phiêu của ca sĩ thì dần dần sẽ làm được. Cái này cần tập luyện cho nó thành thói quen và sưu tầm nhiều câu phiêu khác nhau, càng nhiều càng tốt, bạn sẽ có “vốn” và sau này khi cần chỉ việc bung lụa ngay thôi.
Cách tập: Các bạn download một ứng dụng piano về điện thoại hoặc máy tính bảng, ai có Piano càng tốt. Đánh đúng 5 nốt, C, D, E, G, A. Cứ hát tới hát lui mấy nốt này cho nhuần nhuyễn, nhớ cao độ của nó rồi kết hợp với các kĩ thuật Blues note, Bent note để làm đa dạng câu hát. Khi đã hát tốt dãy nốt trên, bạn có thể tự tạo ra câu riêng của mình với thứ tự nốt thay đổi khác nhau. VD: G, A, G, E, D, C, D, E. Cái này nói hơi khó hình dung, các bạn có thể xem các video hướng dẫn Luyến đơn âm nhiều nốt (Melisma) trên mạng để có thêm kinh nghiệm. Trong tương lai, mình sẽ làm một loạt video về các kĩ thuật này để các bạn dễ tập hơn nhé!
Bạn có thể tập hát tốt hơn bằng dụng cụ tập hơi này nhé: link
TỔNG KẾT
Vậy là bài viết CÁC KỸ THUẬT THANH NHẠC đã chia sẻ đến bạn 8 kỹ thuật thanh nhạc cơ bản thường được dùng phổ biến rồi. Hy vọng bạn đã tìm được những thông tin hữu ích cho bản thân nhé!
Nếu bạn muốn phát triển giọng hát của mình và bạn cần tìm một nơi học nhạc chuyên nghiệp, đội ngũ giảng viên có bằng cấp cao, cùng với nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong nghề. Thì hãy đăng ký ngay với Adam Muzic tại: Học nhạc 1 kèm 1 nhé!
Adam Muzic sẽ biến việc học hát của bạn sẽ đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều nhờ vào:
- Việc kết hợp những kiến thức và phương pháp khoa học trong việc giảng dạy giúp bạn tiếp thu các kiến thức âm nhạc một cách dễ dàng
- Việc đưa các ứng dụng thu âm, phần mềm đo đạt vào việc học sẽ giúp bạn quan sát được giọng hát của mình một cách rõ ràng, trực quan chứ không còn là những âm thanh mơ hồ nữa
- Cùng với hệ thống phòng thu chuyên nghiệp, hiện đại chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm học hát tuyệt vời
Vì thế, hãy đăng ký ngay với Adam Muzic để được hỗ trợ sớm nhất bạn nhé!
Biên soạn: Thầy Đoàn Nhược Quý
Phát hành và sở hữu bản quyền: ADAM Muzic