Ở phần 1, mình đã đề cập về cách phân chia loại giọng theo âm nhạc Phương Tây cổ điển. Trong bài này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu cách phân chia loại giọng theo góc nhìn Phương Đông nha.
Phần 2:
1. Chia giọng hát theo âm nhạc Phương Đông
Sơ lược kiến thức chung:
Phương Đông là từ dùng để chỉ nhiều nền văn hóa và xã hội có cấu trúc thứ bậc chặt chẽ, nhiều vương quốc và một số hệ thống tư tưởng triết học. Phương Đông bao gồm các quốc gia nằm ở phía Đông Châu Âu, các nền văn minh Đông Á, Trung Á, Địa Trung Hải, Ả rập, Nam Á và Đông Nam Á.
Ngược lại với Âm nhạc cổ điển Phương Tây, âm nhạc Phương Đông đa dạng về màu sắc, mang tính chất của rất nhiều dân tộc, vùng miền, tôn giáo, không có sự thống nhất chung về hệ thống nhạc lý.
Đối với khu vực Đông Á, và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của cổ nhạc Trung Hoa. Trong bài viết này mình sẽ đề cập cách phân chia loại giọng theo cổ nhạc Trung Hoa là chính vì nó ảnh hưởng mật thiết đến âm nhạc Việt Nam
Một phần tranh tường “Nhạc kỹ dữ bách hí đồ” được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Cam Túc, Trung Quốc – Bức tranh tường được tìm thấy trong hang Đôn Hoàng được xác nhận là tồn tại từ thời Đường, miêu tả hình ảnh một nhóm vũ công đang biểu diễn, sử dụng các loại nhạc cụ, thuộc các bộ gảy, bộ kéo, bộ đồng và bộ gõ.
Phân chia loại giọng theo âm nhạc Phương Đông:
Chú ý: Cách phân chia giọng nói, giọng hát theo góc nhìn Phương Đông chỉ đúng trong phạm vi nhạc phương Đông, cũng như cách phân chia của Phương Tây chỉ đúng trong phạm vi các vở nhạc kịch trong nhạc Phương Tây. Không thể lấy cách phân chia này cho loại nhạc kia như vậy không chính xác và không phù hợp.
Cách phân chia giọng Phương Đông ở đây cụ thể là theo cổ nhạc Trung Hoa dựa trên thuyết ngũ hành. Người ta phân chia giọng nói, giọng hát không chỉ để phục vụ trong âm nhạc, mà qua đó họ còn xem tướng, xem tử vi, vận mạng. Thậm chí còn có thể sửa giọng, luyện giọng nói để thay đổi tướng số.
Kinh kịch Trung Hoa
Cải lương Việt Nam
Giọng nói được phân chia thành: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, tương ứng với 5 yếu tố trong ngũ hành: Thổ, Kim, Mộc, Hỏa, Thủy.
- Giọng kim (Thương thanh):
Giọng kim thường là giọng nữ cao, có độ sắc bén, mỏng mà rõ, hát được những nốt cao. Trong trẻo như tiếng khánh.
Giọng kim chính cách: Là giọng cao mà không chua, không rè, không quá đanh sắc, rõ, không đứt tiếng.
Giọng kim phá cách: cũng là giọng kim, hát được nốt cao nhưng có khi bị đứt khúc, có khi bị rè, giọng đôi khi không được rõ, giọng hơi chua.
- Giọng mộc (Giốc Thanh):
Giọng mộc thường là những giọng trung hoặc cao nhưng có độ chắc chắn không quá đanh, cảm giác không mỏng và lảnh lót như giọng kim.
Giọng mộc chính cách: Giọng nghe tròn trịa mộc mạc, ấm áp, dễ chịu và có tiếng vang.
Giọng mộc phá cách: Giọng nghe đôi khi đứt quãng không có tiếng vang lâu, nhưng vẫn có độ dày của giọng mộc
- Giọng thủy (Vũ Thanh):
Giọng thủy nhẹ, trong và trôi chảy, đặc biệt là có độ linh hoạt, hát luyến nhiều nốt, phát âm dễ dàng
Giọng thủy chính cách: Giọng nhẹ nhàng, phát âm nhanh mà không bị nuốt chữ, trong trẻo tuy nhiên không có âm lượng lớn bằng các giọng còn lại
Giọng thủy phá cách: Giọng nói nhanh, phát âm đôi khi lại không rõ, âm lượng nhỏ khiến cho câu nói hơi khó hiểu.
- Giọng Hỏa (Chủy Thanh):
Giọng đôi khi có tiếng khàn, có thể lên cao, thân giọng cũng khá dày, lên cao có độ đanh, trong giọng đôi khi có tiếng nấc. Nhưng gặp khó khăn trong việc phát âm, không được dễ dàng và liền lạc.
Giọng hỏa chính cách: Giọng cao, dày, tuy có độ khàn nhưng âm lượng đều, có tính chất ấm nóng, sôi nổi
Giọng hỏa phá cách: Giọng hơi khô, khàn, âm lượng không được đều đặn liên tục, không có tiếng vang.
- Giọng Thổ (Cung Thanh):
Giọng Thổ có âm thanh lớn, chậm rãi, nặng nề, ngân vang như tiếng chuông, thiếu độ linh hoạt
Giọng thổ chính cách: âm thanh lớn, vang rền, ngân lâu nhất trong các giọng, ấm áp và chậm rãi.
Giọng thổ phá cách: giọng tuy dày lớn ngân vang, nhưng âm lượng to nhỏ đan xem không đều, trì trệ và khó thoát âm.
Ngũ hành trong Triết học Phương Đông – Nguồn ảnh : doanhnhan.vn
Ngoài ra các loại giọng này còn kết hợp với nhau ví dụ như thổ pha kim là một loại giọng nữ trung hoặc trầm có đoạn thấp trầm ấm nhưng lên cao đanh và các loại giọng pha trộn khác.
Các loại giọng này còn được dùng để miêu tả giọng hót của những loại chim, những người chơi chim, nuôi chim kiểng thường hay sử dụng để nói về giọng hót của chúng và thi thố giọng hót với nhau.
Cải lương, dân ca các miền ở Việt Nam, ca hát trong dân gian Việt Nam nói chung sử dụng cách chia này phổ biến.
Chia giọng hát theo nhạc hiện đại:
Ở trong nhạc hiện đại, giọng ca cũng được phân giọng theo âm cữ (vocal range), tuy nhiên không phân nhánh nhỏ và rõ về tính chất như trong nhạc cổ điển. Bởi vì nhạc hiện đại không chú trọng về việc phân vai trong kịch. Đồng thời, các trường phái kĩ thuật thanh nhạc mới đào sâu ra dạng cộng hưởng và cơ chế dây thanh nhằm tạo ra những âm sắc phong phú.
Âm nhạc hiện đại – hay còn thường gọi là nhạc nhẹ
Ví dụ: một nam trầm (Bass) có thể vẫn làm cho giọng bay hoặc hơi đanh như nam cao, dù nốt có thể không cao bằng một giọng nam cao nhưng tính chất âm thanh được cảm nhận bởi người có thể hầu như giống nhau.
Cho nên trong nhạc nhẹ thường chỉ phân giọng đơn giản bằng âm cữ, chứ không đề cập sâu về màu giọng, chất lượng giọng (điều này có thể tập để thay đổi) như sau:
- Soprano: Giong nữ cao nhất trong các giọng nữ, âm cữ C4 –C6 (có thể lên cao hơn)
- Mezzo soprano: Giọng nữ trung có âm cữ từ A3-A5
- Contralto: Giọng nữ trầm, giọng nữ thấp nhất trong các giọng nữ, có âm cữ từ F3 – E5
- Tenor: Giọng nam cao nhất trong các giọng nam, âm cữ từ B2- A4, có thể lên cao hơn
- Bariton: Giọng nam trung, âm cữ từ G2 – F4
- Bass: Giọng nam thấp nhất trong các loại giọng. Âm cữ từ E2- E4
Qua luyện tập người ta có thể mở rộng quãng giọng thêm một vài nốt so với giọng tự nhiên, đồng thời thay đổi âm sắc và phong cách hát theo ý muốn. Đặc biệt trong nhạc hiện đại, các bên phân chia loại giọng không thể bị gò bò chính xác và có thể thay đổi linh hoạt hơn so với nhạc cổ điển.
Link tham khảo: https://lichngaytot.com/nhan-tuong-hoc/phan-loai-giong-noi-theo-ngu-hanh-285-159229.html
Link tham khảo: https://cailuongvietnam.com/newclvn/vi/news/Nhung-Giong-Ca-Vang/Chat-giong-trong-Cai-Luong-734/
Link tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Voice_classification_in_non-classical_music
Mình hy vọng qua hai bài phân chia loại giọng 1 và 2 các bạn có thể hiểu thêm về cách phân chia giọng trong nhiều trường phái thanh nhạc và văn hóa khác nhau.
Vậy thì dựa vào các yếu tố nào để phân chia loại giọng tương đối chính xác, xem xét bao lâu thì có thể đưa ra kết luận về loại giọng của một người?
Các câu hỏi này sẽ được trả lời ở bài kế tiếp. Các bạn hãy đón đọc nhé
Nhật Thanh