Có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc cách thể hiện một ca khúc thông qua cảm xúc hay kỹ thuật. Bạn hãy luôn nhớ, nghệ thuật là tâm hồn (spirit) nên mọi thứ xung quanh sẽ là thứ bổ trợ nhưng luôn luôn hãy trong trạng thái cân băng. Một ca sĩ kỹ thuật tốt nhưng vì lạm dụng kỹ thuật nhiều lại khiến bài hát cường điệu, thiếu cảm xúc hay một ca sĩ có chất giọng đẹp, đầy cảm xúc nhưng kỹ thuật không tốt sẽ gặp khó khăn trong việc truyền tải cảm xúc vì thiếu công cụ (kỹ thuật). Nên đứng trên cương vị là một người nghệ sĩ, hãy luôn cân bằng hai thứ này.
Ở trong bài này, tác giả sẽ hướng dẫn các bạn các cách để truyền tải cảm xúc nội tâm của mình vào ca khúc. Bạn có thể dùng để tham khảo và tự tìm cho mình thêm các cách khác nhé.
1. Nghe nhiều thể loại nhạc:
Thật vậy việc nghe nhiều thể loại nhạc, sẽ giúp bạn có nhiều cảm nhận từ đó có thêm cảm xúc hơn về cách thể hiện bài hát thay vì mãi đóng khung và chỉ biết một thể loại nhạc. Hai bài hát có cùng một chủ đề, nhưng khác thể loại cũng sẽ có cách truyền tải khác nhau. Nắm được thể loại âm nhạc của bài là gì sẽ giúp bạn dễ dàng truyền tải cảm xúc một cách trọn vẹn hơn.
Ví dụ cùng một chủ đề tình yêu đổ vỡ nhưng cách truyền tải của 2 ca khúc “Irreplaceable – Beyonce” thuộc thể loại R&B hay “Take a bow” –Rihanna ” đều thể hiện một thái độ mạnh mẽ gạt bỏ đi do người yêu phản bội, thay vào đó ca khúc “Darin – Why Does It Rain” thuộc thể loại Pop – Ballad lại thể hiện tâm trạng ray rứt khi người yêu ra đi.
Chính thể loại âm nhạc biểu đạt cách phản ứng của người thể hiện ca khúc mong muốn trở thành. Pop – Ballad là thể loại âm nhạc mang tính tự sự và mang tính diễn biến câu chuyện sẽ phù hợp tạo cảm xúc buồn cho người nghe. R&B lại là thể loại có chủ đạo về tiết tấu nảy tạo cảm xúc dứt khoát, mạnh mẽ. Có thể gọi thể loại âm nhạc là một trong những công cụ giúp truyền tải nội dung cảm xúc của bài hát nên không có gì là lạ việc biết nhiều thể loại âm nhạc giúp bạn phát triển tư duy về mặt cảm xúc của tác phẩm.
2. Luyện tập cảm thụ âm nhạc:
Không chỉ dừng lại ở riêng việc hiểu đúng về nội dung ý nghĩa của bài hát. Việc hiểu về cấu trúc bản phối, dụng ý khi dựng bản phối sẽ giúp tăng khả năng nhận biết mạch cảm xúc bài hát từ đó phát triển cảm xúc nội tâm. Bạn có thể xem bài cảm thụ âm nhạc để biết cách luyện tập.
3. Phát triển nội tâm và kỹ năng của bản thân
Về kỹ năng: Luyện tập và thuần thục các kỹ thuật thanh nhạc. Việc sử dụng tinh tế các kỹ thuật thanh nhạc, áp dụng linh hoạt đúng chỗ sẽ giúp việc truyền đạt cảm xúc nội tâm trở nên dễ dàng hơn.
Bạn hãy thử tự phân tích ở video này, ca sĩ đã sử dụng những kỹ thuật nào sau đây tại những đoạn ca khúc nào : run&riff (luyến láy), airy voice, chesty-mixed voice, chuyển âm khu từ chest voice sang head voice. Và hãy tự đặt câu hỏi tại sao những chỗ đó cô ấy lại dùng những kỹ thuật này nhé !
Về phát triển nội tâm: Khi mà mọi người luôn tìm câu trả lời bên ngoài về việc làm sao để có thể hát cảm xúc, thì mọi người lại ít quay ngược vào bên trong bản thân mình để trả lời. Cảm xúc là thứ phát ra từ bên trong con người bạn. Luyện tập những xúc cảm từ bên trong nội tâm của bạn mới là điều quan trọng nhất để bạn có thêm nhiều suy nghĩ sâu sắc về những nội dung của các tác phẩm. Bạn có thể luyện tập bằng cách đọc sách hoặc tập phân tích suy nghĩ của nhạc sĩ viết ca khúc đó bằng cách đặt câu hỏi : Nhạc sĩ có suy nghĩ gì khi viết ca khúc ? Có điểm gì đặc biệt cần lưu ý trong suy nghĩ của tác giả hay không.
LỜI KẾT
“Cảm xúc” khi hát là một khái niệm không thực sự cụ thể và mang tính chất giác quan nên khá khó để hình dung và có thang đo để đo lường đến khi nào là bạn đã hát có cảm xúc. Quan trọng bạn hãy luôn nhớ hát bằng tất cả sự chân thành và con tim mình thì đó chính là cảm xúc chân thật nhất có thể truyền tới cho khán giả.