Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Hiểu về bản quyền âm nhạc qua Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam

Hiểu về bản quyền âm nhạc qua Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam

Hiểu về bản quyền âm nhạc qua Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam

Bản quyền âm nhạc là một khái niệm không quá mới tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên để thật sự hiểu, vận dụng và bảo vệ được các sản phẩm sáng tạo của mình thì bản thân nhiều nghệ sĩ vẫn chưa thực sự nắm vững dẫn đến nhiều rủi ro, rắc rối trong quá trình phát triển. Hôm nay, ADAM Muzic sẽ chia sẻ đến các bạn các kiến thức cơ bản nhất về vấn đề bản quyền âm nhạc, là một nhánh của khái niệm rộng lớn hơn – Sở hữu trí tuệ. Bài viết sẽ đưa ra thêm một số ví dụ về các tình huống đã, đang và sẽ xảy ra trong các vấn đề liên quan đến bản quyền âm nhạc.

Sở hữu trí tuệ: là một khái niệm về quyền sở hữu của một cá nhân hay tổ chức về những sản phẩm sáng tạo từ bộ óc con người. Sở hữu trí tuệ còn được gọi là tài sản trí tuệ, các tài sản này bao gồm: tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, ứng dụng điện thoại, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp…

Các khái niệm cơ bản về từ ngữ trong sở hữu trí tuệ trích từ Điều 4 – Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam như sau:

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Quyền tác giảlà quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến quyền tác giả(sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệlà chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

Tác phẩmlà sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Tác phẩm phái sinhlà tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bốlà tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.

Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.

Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

…..

Doan-Nhuoc-Quy-The-Zoo-band

Ngoài ra vẫn còn nhiều từ ngữ khác nhưng chúng ta không cần quan tâm đến nhiều mà chỉ cần tập trung vào các vấn đề âm nhạc.

Theo như các khái niệm trên, ta có thể hiểu rằng một một ca khúc hoặc một bản nhạc không lời hoàn thiện cũng là một tác phẩm và được bảo hộ bởi luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tác phẩm âm nhạc thường thấy là một ca khúc hoặc một bản nhạc không lời hoàn thiện.

 

Các loại hình tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả

 

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sau:

 

  1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Thời hạn bảo hộ tác phẩm âm nhạc là bao lâu?

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về Thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:

  1. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

 

Khi nào việc sử dụng của tôi phải quan tâm đến bản quyền âm nhạc và phải trả phí sử dụng hay các quyền lợi cho tác giả?

 

Căn cứ vào Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về Quyền tài sản như sau:

  1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

  1. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
  2. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Hiểu đơn giản nghĩa là nếu các sản phẩm bạn đang thực hiện có liên quan đến các quyền tài sản của tác giả, bạn phải liên hệ và trả quyền lợi cho họ.

 

Va-toi-se-Dang-ki-ban-quyen

Để tìm hiểu sâu hơn, mời bạn đọc Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam tại cổng thông tin điện tử của chính phủ. Trong phần còn lại của bài viết này, mình sẽ giải thích theo từ ngữ thông dụng để bản thân người đọc sẽ dễ dàng hình dung hơn.

Khi bạn sử dụng lại ca khúc hay tác phẩm đó ở bất kì hình thức nào nhằm tạo ra một sản phẩm mới thì nó trở thành tác phẩm phái sinh. Mình sẽ nêu ra hai ví dụ đơn giản thưởng gặp trong ngành âm nhạc như sau:

 

 

 

 

Bạn thích và muốn đưa một ca khúc, một đoạn nhạc hòa tấu, một bản nhạc nền vào video của bạn?

Bạn hát cover bằng việc thu âm, quay hình, livestream lại một ca khúc?

 

Đây là sản phẩm phái sinh, do đó, bạn cần xin phép tác giả sáng tạo ra ca khúc hoặc bên đang sở hữu các quyền tác giả ca khúc, đoạn nhạc đó dù bạn đang làm thương mại hay phi thương mại.

 

Trên thực tế, đôi khi các sản phẩm làm phi thương mại, các tác giả thường không quan tâm nhiều, nhưng một khi sản phẩm đó trở nên thành công, mang lại lợi ích về kinh tế, danh tiếng cho người thực hiện sản phẩm đó, lúc này tác giả hoặc bên sở hữu bản quyền có quyền yêu cầu bạn chi trả các lợi ích từ sản phẩm phái sinh đó. Nếu cần thiết, họ có quyền yêu cầu bạn tháo bỏ, thu hồi các sản phẩm đó và không cấp quyền sử dụng cho bạn vì sự thiếu tôn trọng các quyền của tác giả.

Đối với nhạc Việt Nam, bạn có thể khó liên lạc với bên sở hữu bản quyền là các nhạc sĩ sáng tác hoặc các công ty đại diện để xin cấp li-xăng (license) sử dụng. Trường hợp khó liên lạc với nhạc sĩ, hãy thử liên lạc với  Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam để xin phép sử dụng vì phần lớn nhạc sĩ thường ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam thay mình các công việc trên. Trường hợp không thể xin phép sử dụng được, hãy tránh sử dụng các tác phẩm đó để tránh các rắc rối phát sinh.

Đối với nhạc nước ngoài, bạn có thể khó liên lạc với bên sở hữu bản quyền để xin cấp li-xăng (license) sử dụng, hãy thử liên lạc với Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam để xin phép sử dụng vì có thể một số công ty âm nhạc nước ngoài đã cấp phép sử dụng thông qua đại diện tại Việt Nam mà Trung tâm này . Trường hợp không thể xin phép sử dụng được, hãy tránh sử dụng các tác phẩm nước ngoài đó để tránh các rắc rối phát sinh.

 

Ngoài ra, việc ghi rõ tên tác giả khi biểu diễn, phát hành cũng là một quyền được quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam năm  2005 về quyền nhân thân. Đây cũng là hành động sai của rất nhiều website chia sẻ nhạc hiện nay và các nghệ sĩ biểu diễn khi phát hành sản phẩm âm nhạc phái sinh từ tác phẩm của một nhạc sĩ khác.

 

Điều 19. Quyền nhân thân quy định như sau:

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

  1. Đặt tên cho tác phẩm;
  2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

 

Như vậy, việc hiểu đúng và thực hiện đúng các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ hay trong ngành nhạc chúng ta quen gọi là bản quyền âm nhạc ngoài việc giúp bạn hạn chế các rủi ro pháp lý trong tương lai, còn thể hiện được sự văn minh, tôn trọng tác giả của những người nghệ sĩ đang hoạt động trong ngành âm nhạc. Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu thêm một số khái niệm cơ bản về sở hữu trí tuệ hay gần gũi hơn là bản quyền âm nhạc – một ngành nghề chủ lực trong tương lai và liên quan chặt chẽ đến toàn bộ quá trình hoạt động nghệ thuật của chúng ta.

 

Chúc các bạn thành công.

 

Biên soạn: Đoàn Nhược Quý

Nguồn tham khảo: LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

 

Quickom Call Center