1. Chúng ta hít thở như thế nào?
Hô hấp: Trong sinh lý học, hô hấp được định nghĩa là sự vận chuyển oxy từ không khí bên ngoài vào các tế bào ở trong mô, và vận chuyển cacbon dioxide theo chiều ngược lại. Loài người hô hấp bằng phổi thông qua quá trình hít thở (các loài động, thực vật có nhiều cách hô hấp khác nhau, ở đây mình chỉ để cập loài người thôi).
Quá trình hô hấp có thể miêu tả ngắn gọn như vầy:
- Chúng ta hít vào, oxy trong không khí, đi vào mũi và miệng, qua họng, xuyên qua thanh quản (lúc này ở trạng thái hở rộng), vào khí quản, đến phế quản, vào phổi.
- Trong phổi, phế quản chia thành nhiều nhánh nhỏ, oxy chạy vào các tiểu phế quản, vào phế nang. Phế nang được bao bọc bởi mao mạch. Trong phế nang có các khoang phế nang, có nhiều lỗ. Máu chảy qua mao mạch, các phân tử oxy khuếch tán từ phế nang vào mao mạch. Hồng cầu trong máu sẽ hấp thu oxi, giải phóng các phân tử CO2 ngược lại vào phế nang. CO2 được tích tụ trong khoang phế nang.
- Sau đó CO2 sẽ đi ngược vào phế nang, tiểu phế quản, phế quản, khí quản, thanh quản, họng, mũi và miệng, tạo thành quá trình thở ra.
Nguồn ảnh: vinmec.com
Loài người hô hấp bằng phổi, thông qua quá trình hít vào và thở ra. Quá trình hít vào và thở ra có sự tham gia của rất nhiều nhóm cơ: cơ hoành, cơ liên sườn, cơ thẳng bụng, cơ gian sườn trước, cơ gian sườn ngoài, cơ bậc thang, cơ đòn chũm,… Các bạn có thể tự tìm hiểu, xem quá trình hít thở của con người và các cơ liên quan ở video dưới đây:
Sơ đồ hệ hô hấp của con người
Nguồn ảnh: hthuocdongypqa.vn
Thêm vào đó, thông qua quá trình thở ra, con người có thể phát ra tiếng kêu, giọng nói, giọng hát. Trong bài viết này, chúng ta tập trung tìm hiểu cách hít thở sâu dành cho việc nói và hát hiệu quả.
2. Hít thở sâu một cách chủ động và tối ưu để có giọng hát hay:
Điều bộ môn thanh nhạc quan tâm, chính là sự chủ động của quá trình hít vào, để lấy được lượng khí nhiều hơn khi hô hấp thông thường. Và quá trình hát chính là quá trình thở ra, phải diễn ra có kiểm soát, từ tốn, kéo dài suốt độ dài của câu hát, nghĩa là quá trình thở ra chậm và dài hơn khi hô hấp thông thường, đồng thời phải có đủ lượng khí để gây áp lực dưới dây thanh khiến cho chúng rung tạo ra tiếng.
a. Hít vào:
Bình thường khi chúng ta hít vào một cách vô thức (thường là hít bằng mũi) khi đó cơ hoành sẽ tự động thả lỏng, hạ xuống một chút, dẹt ra một chút, các cơ liên sườn, và cơ lưng, tự động kéo khung xương sườn nở ra một chút, làm lồng ngực nở ra, phổi nở ra theo cả ba chiều dài, ngang và sâu.
Cho nên, khi hát hay nói, để có được nhiều hơi hơn, có một hơi thở sâu hơn (các bạn hay gọi là hít vào bằng cơ hoành, nhưng thực chất để có một hơi thở sâu, không chỉ có một mình cơ hoành hoạt động), đơn giản là chúng ta sẽ thực hiện quy trình tự nhiên trên một cách chủ động và hiệu quả hơn.
Hít vào bình thường và hít vào chủ động
Nguồn ảnh: taichifuture.com
- Cách thực hiện :
Các bạn hít vào bằng mũi và miệng, nhẹ nhàng, không tạo ra tiếng lớn.
Nếu các bạn chỉ lấy hơi bằng mũi, tốc độ lấy hơi sẽ chậm, nếu chỉ lấy bằng miệng – còn gọi là hớp hơi, thì các bạn sẽ lấy hơi nhanh hơn, nhưng cổ họng cũng dễ bị khô hơn. Cho nên chúng ta sẽ cân bằng vừa lấy hơi bằng mũi, vừa lấy bằng miệng thật nhẹ nhàng.
Hiểu lầm thường gặp: Có nhiều giảng viên yêu cầu các bạn chỉ lấy hơi bằng miệng khi hát, thực chất khi lấy hơi có một phần bằng mũi, vòm mềm của các bạn sẽ hạ xuống một chút làm khoang mũi thông với khoang miệng và họng, điều này còn tạo điều kiện cho bạn dễ tìm được cộng hưởng mũi và má giúp các bạn đạt âm lượng lớn, hát được nốt cao và tiếp cận được với mix voice.
Cho nên chúng ta sẽ vừa lấy bằng cả mũi và miệng nhé.
Đồng thời, chúng ta chủ động thả lỏng vùng lồng ngực, bụng trên, các cơ liên sườn, và các cơ lưng trên, không nâng vai, gân cổ
Bạn chỉ cần thả lỏng một cách chủ động thôi, phổi sẽ nở ra hiệu quả, vừa vặn và thoải mái. Đừng cố phình các cơ ra, động tác này có thể gây căng thẳng cho dây thanh, và các cơ ở cổ khi phát âm. Khi cơ hoành hạ xuống một cách thư giản, phổi nở ra, lúc này các nội tạng phía dưới cơ hoành (bao tử, gan, ruột non, ruột già,…) sẽ bị ép xuống một chút chừa chỗ cho phổi nở rộng, kết quả là khoang bụng sẽ hơi bị đẩy phình ra về phía trước và phía bên, cả hông và cơ lưng sau, và mặt trên của xương chậu.
Hiểu lầm thường gặp: Các bạn cố phình bụng để lấy hơi nhiều hơn, điều này không hữu ích, vì khoang bụng không chứa phổi, mà khí chỉ đi vào phổi thôi. Khi phình khoang bụng, tạo áp lực xuống phần chậu quá mức cũng như khi nâng vai, gân cổ các bạn đều sẽ gặp căng thẳng khi phát âm. Hoặc, có nhiều chỉ dẫn nói rằng các bạn tuyệt đối không đc cử động ngực khi lấy hơi, điều này không đúng vì khi phổi tăng thể tích, chứa thêm khí, thì lồng ngực bắt buộc phải nở ra, nếu bạn cố không di chuyển gì, ép không cho lồng ngực nở ra, nhô lên, hay cử động và chỉ phình khoang bụng, thì chắc chắn là bạn đang lấy một hơi thở rất nông và ít, mặc dù bụng bạn phình hết cỡ cực kì căng thẳng. Vì vậy chỉ cần thả lỏng phần bụng trên, cơ liên sườn, lồng ngực, và lưng trên, chúng ta sẽ hít một hơi thở sâu, đầy, tối ưu nhất, không cần gồng, phình thêm bất kì cơ nào khác.
b. Thở ra – hát, nói:
Bình thường, khi chúng ta thở ra, hoặc là nói và hát, chúng ta tuôn ngay lập tức một lượng hơi lớn, ồ ạt ra khỏi khoang miệng và mũi, lúc này các cơ đang trong trạng thái căng nở qua quá trình hít vào, lập tức trở lại trạng thái thư giản ban đầu, dung tích phổi hẹp lại, đây chính là quá trình thở ra.
Nhưng trong lúc trình bày bài hát, hoặc là khi phát thanh viên truyền hình đang đọc bản tin, ta không muốn hơi bị ngắn, ồ ạt, hết giữa câu nói hoặc câu hát, bởi vậy, mà môn thanh nhạc tìm cách tiết chế và kéo dài quá trình thở ra.
Nguồn ảnh: careersinmusic.com
- Cách thực hiện:
- Sau khi hít vào, chúng ta bắt đầu hát hoặc nói, các cơ ở cổ và vai phải thả lỏng để tạo điều kiện cho các cơ bao quanh hộp thanh quản hoạt động, thanh đới rung lên, và hộp thanh quản có thể trượt lên xuống một các linh hoạt.
- Đồng thời, đối với các cơ đã nở ra trong quá trình hít vào như cơ hoành (lúc này đang dẹt ra và hạ xuống), cơ liên sườn, cơ ngực, cơ lưng trên, cơ đòn chũm,… chúng ta giữ chúng ở trạng thái căng nở một cách nhẹ nhàng, chúng ta không giữ nó chặt suốt câu hát, mà thả từ từ, theo chiều dài câu hát. Đây chính là một hành động quan trọng trong kĩ thuật support hay là appoggio, mà chúng ta sẽ có một bài viết riêng về nó.
Hiểu lầm thường gặp: Có một số chỉ dẫn nói rằng chúng ta phải gồng cơ ở khoang bụng, nén, có cảm giác như rặn khi hát, đặc biệt khi hát nốt cao. Điều này hoàn toàn sai, góp phần gây thêm khó khăn trong việc phát âm, cũng như có thể làm bạn hết hơi nhanh hơn, còn gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì khi rặn, vòm hoành sẽ bị đẩy lên trên, như vậy thì dung tích phổi bị giảm, có nghĩa là đi ngược lại với mong muốn giữ hơi của người hát. Chưa kể là thói quen rặn liên tục tạo áp lực lên thành bụng, cơ ngực, xương chậu sẽ ảnh hưởng tới não, mạch máu, chức năng tim, chức năng hô hấp,… cho nên cách này hoàn toàn sai, không giúp ích cho bạn giữ hơi mà còn hại bạn, nếu rặn và gồng quá mạnh.
c. Áp suất khí dưới dây thanh:
Dây thanh rung lên nhờ có áp lực của khí từ phổi vào khí quản, tác động lên bề mặt phía dưới của dây thanh, khiến cho nó chạm vào, tách ra liên tục, tạo ra tiếng, chúng ta sẽ không thể phát ra tiếng nếu không có sự tăng áp suất này. Điều này xảy ra dựa trên lý thuyết khí động học, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn ở bài tiếp theo.
Nguồn ảnh: Novocom.top
Một cách ngắn gọn và tổng quát, có hai trường hợp xảy ra :
- Áp suất khí dưới dây thanh quá cao, khiến cho thanh quản và các cơ ở cổ phải gồng lên để giữ lượng hơi lại, tạo ra tình trạng gồng khi hát, làm bạn căng thẳng. Hoặc, làm bật tung dây thanh do áp lực quá mạnh, giọng bị vỡ sang giọng gió, bị phô, bị chênh, bị rung quá mức.
- Áp suất khí dưới dây thanh quá thấp; tuy mong muốn tiết chế quá trình thở ra để nói và hát được hiệu quả hơn, nhưng nếu chúng ta giữ quá nhiều hơi, căng các cơ hít vào liên tục, và không cho khí di chuyển lên khí quản, tác động lên mặt dưới dây thanh, áp suất khí dưới dây thanh sẽ tụt xuống dẫn đến tình trạng bị hụt hơi, đứt hơi nửa chừng, bị giảm âm lượng, rớt nốt,..
Vậy chúng ta phải lấy hơi sâu với sự hỗ trợ của các cơ hít vào, và tiết chế hơi trong quá trình thở ra- nói và hát, sao cho vừa đủ, vừa phải và hợp lý, để có thể giữ hơi không tuôn ra ngoài ồ ạt, áp suất dưới dây thanh không tăng quá cao nhưng không làm giảm áp suất quá thấp để tránh bị hụt hơi và rớt nốt, mà chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn ở bài sau
BÀI TẬP HƠI THỞ:
Bài tập này vô cùng đơn giản.
Các thực hiện bài tập:
Các bạn hít vào một hơi thở sâu như đã học phía trên, tiếp theo giữ trạng thái căng của các cơ hít vào, thả lỏng các cơ ở cổ, đừng gồng gì cả mà chỉ nhẹ nhàng giữ độ căng của các cơ, đọc các số từ 1 đên 40, hoặc hơn nữa nếu các bạn có thể. Chú ý, đọc ở tốc độ vừa phải, các chữ số ở cao độ trung bình gần đều nhau, hạn chế rớt cao độ xuống thấp, giữ âm lượng đều, vừa, đừng hét lớn hoặc đọc lí nhí, hạn chế phun một làn hơi mạnh qua miệng và mũi, mà chỉ để hơi thoát ra vừa phải thôi.
Giải thích bài tập: Việc giữ các nốt ở tốc độ vừa phải, âm lượng vừa, cao độ trung bình và đều sẽ giúp các bạn quen với việc điểu chỉnh áp suất dưới thanh quản vừa phải, không quá cao, không quá thấp,đồng thời phải hạn chế lượng hơi tuôn ra miệng và mũi. Trong lúc này, các cơ hít vào được thả từ trạng thái căng nở về trạng thái thư giản ban đầu một cách chậm rãi trong suốt quá trình các bạn đọc từ 1 đến 40. Thông qua bài tập đơn giản này các bạn sẽ làm quen được với việc sử dụng hơi thở khi hát, nói, thuyết trình, dẫn chương trình…
Các bạn có thể truy cập vào link này để tìm hiểu thêm về quá trình hô hấp
https://vnexpress.net/qua-trinh-ho-hap-o-nguoi-dien-ra-nhu-the-nao-3894477.html
Các bạn có thể truy cập link dưới đây để có thêm thông tin về thói quen gồng, rặn
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn.
Tác giả: Nhật Thanh
Bấm vào đây để đi tiếp đến phần 2 của chuỗi bài viết !