Đọc tựa đề chắc các bạn thắc mắc khá nhiều nhỉ? Rằng ký âm là một công việc chuyển thể từ việc hát sang note nhạc thôi mà, hát sao thì ký vậy thôi chứ làm gì có logic gì. Nhưng sự thật là…có đấy các bạn ạ, và nó rất quan trọng cũng như cần thiết cho cả người ký âm lẫn người xướng âm trong việc rút ngắn thời gian “vỡ bài” khi người ta nhận một bản nhạc.
Hôm nay, ADAM Muzic sẽ chia sẻ với các bạn vấn đề logic trong việc ký âm này nhé.
1. Ký Âm Là Gì
Tưởng tượng, một anh nhạc sĩ sáng tác ra một bài nhạc, nếu anh ta muốn lưu lại hoặc muốn người khác hát thì anh ta có 2 cách: Thứ nhất, anh ta sẽ thu âm lại và gửi qua cho ca sĩ.
Cách thứ 2, đó là anh ta sẽ chuyển thể việc hát đó trở thành note nhạc trên giấy. Người ca sĩ sẽ nhìn note nhạc và hát lại (công việc hát lại này gọi là xướng âm). Một lý do khác đó là anh nhạc sĩ đó sẽ phải ký âm ra note nhạc nếu anh ta muốn đăng ký bản quyền cho bài hát của mình. Công việc viết ra note nhạc này gọi là ký âm.
Cũng nói thêm hiện nay có khá nhiều phần mềm ký âm như Encore, Sibelius sẽ giúp các bạn ký âm dựa trên việc nhập note từ controller rất dễ dàng đấy.
Như vậy, việc ký âm là một trong những công đoạn khá quan trọng và cần thiết khi cho ra đời một bản nhạc hoàn chỉnh. Nếu ký âm logic và chính xác thì người xướng âm sẽ hiểu khá dễ, nếu ký âm thiếu chính xác thì người xướng âm sẽ gặp khó khăn khá nhiều.
2. Phương Pháp Ký Âm
Có 2 cách ký âm chính.
Thứ nhất, đó là việc ký âm “note nào ra note đó”, nghĩa là khi hát sao viết , sẽ không có việc nối 2 note móc đơn gần nhau (Beam note) hoặc 2 note móc đôi gần nhau, mà tất cả sẽ là những note riêng biệt.
Cách thứ 2 đó là sẽ beam các note lại với nhau. Các bạn hãy nhìn hình dưới nhé, trong ô nhịp thứ nhất là cách 1 và trong ô nhịp thứ 2 sẽ là cách 2 và cả 2 cách đều đúng cả.
Source: http://www.musicreadingsavant.com/reading-music-lesson-43-eighth-notes/
3. Logic Trong Ký Âm
ADAM Muzic sẽ lấy nhịp 4/4 làm ví dụ nhé. Như các bạn đã biết, trong nhịp 4/4 sẽ có 4 phách trong một ô nhịp và mỗi phách tương ứng 1 note đen phải không nào. Logic ở đây chính là việc ký âm sao cho sẽ rõ ràng từng phách 1, tránh việc note nhạc này “chồng” lên phách kia, sẽ làm cho người xướng âm bị rối khi đọc note nhạc.
Nào chúng ta cùng nghe xướng âm dưới đây nào, audio đầu tiên cho ô nhịp 1, audio thứ 2 cho ô nhịp 2 nhé.
Bạn thấy như thể nào? Chúng giống nhau? Đúng vậy, thật ra 2 cách viết trên đều biểu thị cho một giai điệu hoàn toàn giống nhau…
Nhưng tại sao có 2 cách viết? Nào các bạn hãy nhìn xem, ở ô đầu tiên, note A đen chấm dôi sẽ có trường độ 1 phách rưỡi, thì phần “rưỡi” này đã “ăn” qua phách mạch của phách tiếp theo rồi dẫn đến sẽ không rõ ràng từng phách trong ô nhịp, và việc viết này tuy không sai nhưng nó sẽ gây khó dễ không nhiều thì ít cho người xướng âm.
Nhưng trong ô nhịp thứ 2, các bạn có thể thấy rõ, thay vì mình viết đen chấm dôi, thì mình sẽ dùng đen nối móc đơn thì các bạn có thể dễ dàng phân định được note nào sẽ dính phách mạnh, note nào sẽ dính phách nhẹ, và người xướng âm sẽ dễ dàng hơn khi đọc. Chúng ta sẽ phân định được note A sẽ là 1 phách sau đó luyến A’ này sang B sẽ là 1 phách nữa, luyến B’ với C sẽ là một phách nữa và D sẽ là 1 phách. Đây chính là sự logic trong việc ký âm. Nó chỉ đơn giản là bạn nên làm rõ từng phách một làm sao cho người đọc sẽ không bị rối khi xướng âm thôi 🙂
Tuy việc này đơn giản, nhưng có khá nhiều người bị mắc phải vấn đề này. Hi vọng, sau bài viết hôm nay các bạn đã có thể rút tỉa cho mình những kiến thức cũng như bổ sung thêm 1 kinh nghiêm nho nhỏ cho bản thân nhé.
Biên soạn: Lê Nhật Trường.
Phát hành: ADAM Muzic