Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Lược phổ nhạc, tầm quan trọng đối với một nghệ sĩ biểu diễn và cách viết

Lược phổ nhạc, tầm quan trọng đối với một nghệ sĩ biểu diễn và cách viết

Lược phổ nhạc, tầm quan trọng đối với một nghệ sĩ biểu diễn và cách viết

Là một nghệ sĩ biểu diễn từ ca sĩ đến nhạc công, tất cả đều cần biết về lược phổ, đặc biệt đối với nhạc công, bạn còn cần phải biết cách ghi lại lược phổ cho mình. Hôm nay, ADAM Muzic sẽ chia sẻ với các bạn các kiến thức về lược phổ.

Lược phổ nhạc là gì và lợi ích của nó?

Lược phổ (short score) là một dạng văn bản nhạc để ghi lại các thông tin tóm lược một cách đơn giản nhất của một bản hòa âm, phối khí để các nhạc sĩ có thể tập luyện, trình diễn tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả tập luyện.

Ngược lại với lược phổ là bản tổng phổ – một dạng văn bản nhạc ghi chi chú chi tiết, cụ thể mọi nốt nhạc và thông tin khác cho tất cả các nhạc cụ có trong một bản nhạc. Chúng ta sẽ bàn về tổng phổ trong một bài viết khác.

Các yếu tố cấu thành nên một bản lược phổ tốt.

Đây là phần quan trọng, đặc biệt đối với các nhạc công, nghệ sĩ trình diễn âm nhạc trong một ban nhạc.

Trước tiên, ADAM Muzic mời bạn xem qua một bản lược phổ viết tay

1. Tên bài hát (Song name)

Đương nhiên bạn cần ghi tên bài hát rồi nhỉ :).

2. Nhạc sĩ, người viết lời ca khúc (Songwriter, lyricist)

Bạn cần ghi rõ tên người sáng tác, người viết lời để thể hiện sự tôn trọng tác giả. Bạn có thể ghi thêm tên nghệ sĩ trình bày để người xem biết được phiên bản (version) của ai.

3. Tốc độ bài nhạc (Tempo)

Bạn cần ghi rõ tốc độ bài nhạc bằng số để người chơi đánh chính xác hơn, tránh việc ước chừng khiến bài nhạc quá nhanh hoặc quá chậm, tránh phát sinh cả tình huống đang chậm lại đột ngột nhanh lên và ngược lại. Đối với một số ca khúc, tác phẩm có hơi hướng cổ điển hoặc mang nặng tính cổ điển, bạn có thể dùng các thuận ngữ chuyên ngành chỉ tốc độ để biểu thị nhiều thông tin hơn, vì một số thuật ngữ kiểu này ngoài việc định mức tốc độ, còn biểu đạt cả sắc thái và tinh thần của bản nhạc.

Ví dụ:

  • Larghissimo – very, very slow (24 bpm and under)
  • Adagissimo
  • Sostenuto
  • Grave – very slow (25–45 bpm)
  • Largo – broadly (40–60 bpm)
  • Lento – slowly (45–60 bpm)
  • Larghetto – rather broadly (60–66 bpm)
  • Adagio – slow and stately (literally, “at ease”) (66–76 bpm)
  • Adagietto – slower than andante (72–76 bpm)
  • Andante – at a walking pace (76–108 bpm)

4. Phong cách, thể loại của bản nhạc. (Musical Style)

Bạn cần ghi chú rõ phong cách của bài nhạc là Pop, rock, Soul hay R&B… Điều này giúp nhạc công trình diễn đúng tinh thần và phong cách chơi hơn, đỡ phải mò mẫm, dò đường.

5. Chủ âm hay tông bài nhạc (Key)

Được ghi vào đầu khuông nhạc, thường được gọi là hóa biểu/bộ dấu hóa (Key signature). Bạn cần ghi rõ chủ âm bài nhạc theo đúng bản gốc nếu ca sĩ thể hiện cùng tông với bản này, hoặc ghi chú + hoặc – đối với các bài sẽ chơi cao hơn hoặc thấp hơn bản gốc. Nếu được, bạn nên viết hẳn lại một lược phổ với với tông đã chuyển để giúp người chơi đỡ rối khi phải ngồi dịch giọng (transposing) lại.

6. Loại nhịp (Time signature)

Bạn cần ghi chú các ký hiệu C (Common time) hay nhịp 4/4, ¾, 2/4, 6/8, 6/4… để người xem biết được bài này ở loại nhịp nào.

7. Tiết tấu của các nhạc cụ chủ đạo

Bạn cần ghi chú cả các mẫu tiết tấu chủ đạo của các điệu đệm như trống, guitar, piano. Điều này sẽ giúp nhạc công trình diễn tự tin hơn, tránh trường hợp các nhạc công mỗi người hiểu một kiểu, đánh một kiểu khiến bài nhạc thiếu sự hòa quyện, đôi khi còn dẫn đến sự khó chịu cho người nghe.

8. Hợp âm trên từng ô nhịp

Hợp âm là thứ bắt buộc phải có, vì không có thì lược phổ không còn ý nghĩa gì cả, các nhạc công cần biết hợp âm để đỡn phải đoán mò, đặc biệt ở những ca khúc không đi theo một nguyên tắc hành âm (chord progression) cụ thể, giữa những đoạn chuyển giọng tạm, lên xuống tông, và các hợp âm lạ.

Kể cả các hợp âm phức tạp hay các thể đảo hợp âm, đảo Bass trong hợp âm, bạn cũng cần ghi chú rõ, những nhạc công sẽ chơi hay hơn, chính xác hơn chứ không đơn thuần như cách viết các hợp âm cơ bản.

9. Các câu nhạc mở đầu (intro), giang tấu (interlude) hay đoạn kết bài (outro) đặc trưng

Nếu bài nhạc đó có những câu nhạc đặc trưng, bạn cần ghi cụ thể câu nhạc đó bằng âm hình nốt (musical notation) để người chơi sẽ đánh chính xác câu nhạc đó ở đúng khoảnh khắc cụ thể trong bài.

Ví dụ: Mở đầu bài Just The Way You Are, bạn cần ghi rõ câu nhạc chủ đạo của Piano, đoạn mở đầu bài Stand By Me, bạn cần ghi rõ câu nhạc chủ đạo của Contrabass hoặc thay thế bằng Bass.

10. Các câu lót của một số nhạc cụ đặc trưng, nổi bật, chính yếu ở các đoạn chuyển

Có những đoạn, một nhạc cụ nào đó trở nên nổi bật, đóng vai trò chính tạo nên sự đặc sắc hoặc tăng cảm xúc cho bài, bạn cần ghi cụ thể vào. Đó có thể là những câu guitar licks hay câu sáo (flute) du dương hay tiếng dàn dây (strings) mượt mà.

11. Các đoạn dằn nghỉ (tacet), các đoạn đồng diễn (tutti), các đoạn chậm dần (rall)…

Đây là phần quan trọng tạo ra một bản nhạc hay, các đoạn dằn nghỉ, đồng diễn, nhanh dần, chậm dần, ngân tự do… cần được ghi chú rõ để cả ban nhạc cùng chơi đúng lúc và kết thúc cũng đúng lúc. Tránh tình trạng người kết trước, kẻ rớt sau, khiến người nghe cảm thấy sự không hoàn thiện của tác phẩm.

12. Các ghi chú về lực đánh như mạnh, nhẹ, mạnh dần, nhẹ dần

Nếu ghi được phần này vào, bạn đã tạo thêm phần nào sắc thái và sự tinh tế cho phần trình diễn bản nhạc. Các nghệ sĩ trình diễn sẽ biết rõ lúc nào thì nên chơi nhẹ, lúc nào mạnh hơn. Tránh tình trạng chơi quá ồn, lấn át tiếng ca sĩ hay chơi quá nhẹ trong khi ca sĩ lại muốn chỗ đó chơi máu lửa hơn.

13. Các ghi chú về các kỹ thuật chơi khác như giật ngắt (staccato), bẻ cong (bend)

Phần ghi chú này mang tính chuyên sâu hơn, nó khiến nhạc công phải chú ý nhiều thông tin hơn nhưng cũng phần nào giúp nhạc công chơi chi tiết, tinh tế hơn và đúng gu thẫm mỹ âm nhạc vốn có trong tác phẩm gốc.

14. Các ghi chú về đoạn lặp lại (repeat sign) hay dùng dấu hồi tấu (Segno)

Các ghi chú này giúp bản nhạc được rút gọn, là một tiêu chí quan trọng trong ghi lược phổ. Nhạc công sẽ không còn tay để lật trang khi đang chơi đàn, do đó, độ dài lược phổ chỉ nên gói gọn trong 1 trang giấy. Bạn hãy tận dụng tối đa các ghi chú lặp lại cho từng ô nhịp, từng đoạn ngắn, đoạn dài… để rút ngắn hình thức trình bày giúp nhạc công tập trung hoàn toàn trên một trang giấy.

15. Sử dụng Coda trong các đoạn cuối bài

Với những bản nhạc có phần kết khác lạ hơn hay một đoạn chuyển đặc biệt ở cuối bài, bạn hãy dùng ký hiệu Coda để ghi chú đoạn nhạc đặc biệt này.

16. Đánh dấu các đoạn lớn trong bài

Một tác phẩm thường có từ 2 đến 4 đoạn, bạn hãy sử dụng các chữ cái viết hoa, bắt đầu từ A, rồi B, C, D… đặt trong các ô vuông, in đậm để ký hiệu cho người xem biết được chính xác vị trí từng đoạn, đồng thời nắm được bố cục bài nhanh hơn.

17. Viết tay hay viết bằng máy tính

Cá nhân tôi khuyên bạn tập viết bằng máy tính, hiện tại các phần mềm máy tính và thậm chí cả máy tính bảng, điện thoại đã hỗ trợ khá nhiều, khá tiện lợi. Việc viết tay chủ yếu do ngày xưa giới hạn về công nghệ và đôi khi áp dụng trong các tình huống xử lý nhanh gọn lúc tập thôi. Để lưu trữ và để trình bày cho đẹp, bạn có thể tập làm quen dần với các phần mềm như Musescore, Finale, Sibelius, Notion…

Tóm lại, bài viết náy dành cho những nhạc công đã nắm được một số kiến thức cơ bản về ký âm. Không dành cho người mới bắt đầu chơi nhạc nên bạn sẽ gặp một số khó khăn để hiểu vấn đề trong bài viết. Nếu bạn mong muốn phát triển chuyên nghiệp trong lĩnh vực trình diễn nhạc cụ, bạn cần bắt tay vào học cách đọc, viết lược phổ ngay hôm nay. Nếu bạn đang là một ca sĩ, việc viết được lược phổ có lẽ khá bất kham, hãy chọn giải pháp đơn giản hơn: thuê các nhạc sĩ có chuyên môn để viết thay cho bạn. Chi phí viết lược phổ dao động từ 100.000đ đến 500.000đ cho một bản nhạc, tùy thuộc trình độ và danh tiếng người viết. Bạn có thể liên hệ ADAM Muzic để được hướng dẫn nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm người thực hiện tổng phổ, lược phổ. Lợi thế của lược phổ là bạn có thể dùng hoài và dùng cho bất kì ban nhạc nào ở bất cứ nơi đâu trong đất nước này, thậm chí ở cả nước ngoài (tất nhiên tùy thuộc trình độ của người đọc nữa). Ngoài ra, bạn còn có thể thay đổi bản gốc để tạo ra các đoạn lên tông, dằng, chuyển phong cách chơi thành một màu sắc riêng của mình khi thực hiện lược phổ, bởi tất cả đã được ghi ra giấy, mọi người chơi nhạc có trình độ khá tốt trở lên đều sẽ hiểu giống nhau và mang đến cho bạn lợi thế về việc rút ngắn thời gian lúc tập luyện, trình diễn sạch sẽ, ấn tượng hơn và giúp bạn chuyên nghiệp hơn trong mắt những đối tác là nhạc sĩ, nhạc công, nghệ sĩ trình diễn, nhà sản xuất…

ADAM Muzic chúc các bạn thành công.

 

Biên soạn: Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý

Sở hữu bản quyền và phát hành: ADAM Muzic

 

Quickom Call Center