Tổ nghề sân khấu – Văn hóa dân tộc dưới cách nhìn mới
Theo bạn, thế nào là Tổ nghề?
Câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng chắc phần lớn các bạn nghệ sĩ trẻ chẳng màn quan tâm đến hoặc cũng có đôi lần đi giỗ Tổ mà cũng không thật sự biết nguồn gốc tổ nghề của mình.
Xét theo quan điểm văn hóa dân tộc Việt Nam, Tổ nghề là những người đầu tiên, khai sinh ra một cái nghề nào đó. Phần lớn các nghề ở Việt Nam ngày xưa đều được làm theo hội, theo phường, theo làng theo xóm và những người đầu tiên khai sinh ra cái nghề đó và giúp nhân dân đời sau có cái nghề, cái nghiệp. Đôi khi có những nguồn gốc về ông Tổ nghề không thể tìm thấy ở tư liệu sách vở nào mà chỉ là những truyền thuyết, những câu chuyện dân gian. Theo Vụ quản lý nghề – Bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam thì hiện tại ở Việt Nam có hơn 2000 làng nghề và 60% trong số đó đều có Tổ nghề được nhân dân thờ phụng từ nhiều đời.
Nguồn ảnh: giadinh.net.vn
Xét theo khía cạnh Tín ngưỡng, truyền thuyết thì đối với ngành sân khấu, có 2 câu chuyện được dân gian truyền lại đời sau:
1. Có truyền thuyết nói rằng Tổ nghề sân khấu xuất thân từ ăn mày.
Vì nghề hát xưa nay sống nhờ vào đồng tiền của khán giả, ngày xưa hát rong xin bố thí hoặc để cái bát, cái khay để khán giả thấy hay thì bỏ vào (hình thức này cũng giống các nghệ sĩ lang thang ta hay thấy trong các quãng trường, đường phố hay các ga tàu điện ngầm, khu công cộng ở nhiều nước trên thế giới), sau này văn minh hơn thì có hình thức bán vé, nhưng với cách nghĩ người xưa thì không khác gì ăn mày. Cũng vì vậy mà nghệ sĩ làm từ thiện ở đâu thì làm chứ không dám bố thí cho người ăn xin, vì như thế là phạm thượng với Tổ, sẽ bị Tổ trác.
2. Truyền thuyết thứ 2 nói Tổ nghề xuất thân từ hai hoàng tử thích xem hát.
Trong hậu trường sân khấu hát bội và cải lương, đoàn nào cũng có một trang thờ Tổ. Riêng với ngành hát bội, tuỳ hoàn cảnh của từng đoàn, với một trang thờ sơn đỏ, ngoài phủ màn che, bên trong có thờ một, hai hay ba cốt ông bằng gỗ vông, nhỏ hơn bé sơ sinh (giống như búp bê trẻ con chơi), mặc quần trắng áo màu xanh, vàng hoặc đỏ, đầu chít khăn, được gọi là ông Làng. Câu chuyện mơ hồ, không thấy ghi chép ở 1 tài liệu đáng tin cậy nào.
Tương truyền có một ông vua (không rõ tên) không có người nối nghiệp nên cùng hoàng hậu ngày đêm khấn cầu Trời Phật xin ban ân phúc. Mỗi khi làm lễ thì có người đóng vai linh thần, giả bay lên trời, vừa múa hát, dâng sớ cầu thượng đế cho trổ sanh hoàng nam. Hữu cầu tắc ứng, không bao lâu hoàng hậu thai nghén và sinh được hai trai. Nhà vua mừng quá, làm lễ tạ ơn Trời Phật, cho diễn lại lớp thần linh cởi mây lên thiên đình, có nhạc thiều đưa đi, có con hát ca xướng (người xưa gọi mấy người ca sĩ là con hát). Từ đó, mỗi năm đều có lễ tạ ơn Một ban hát dành riêng cho cuộc lễ, lại cũng dùng để giúp vui trong cung.
Hai vị hoàng tử lớn lên thích xem hát, mỗi ngày cứ ở bên bội đình, có khi quên ăn quên ngủ. Lâu ngày ốm yếu mình gầy, thấy thế vua cha không cho xem hát nữa. Đêm nọ, hai vị hoàng tử lén vua cha, ôm nhau trong xó buồng hát, không ai để ý. Khi vãn hát, thấy vắng con, nhà vua sai thị thần đi kiếm thì gặp hai cậu ôm nhau, nhưng bấy giờ, hai hoàng tử phần bệnh, phần mệt nên kiệt sức bất tỉnh và chết luôn. Sau đó, ban hát thấy nhị hoàng thường hiện về xem hát. Con hát biết là linh hiển, lập bàn thờ, phụng kính là Tổ, cầu chì là được như ý nguyện. Thờ ông hoàng, nhưng lâu ngày, cũng có lẽ cố ý tránh, nên gọi trại ra ông Làng, người đời sau truyền nhau là ông Tổ nghề hát. (Theo NA – CLVN)
Sân khấu miền Nam bắt nguồn từ hát bội, nên ông tổ chỉ được thờ trong các đoàn hát bội. Sau này, có thêm cải lương rồi kịch cũng lấy luôn ông Tổ này làm tổ của mình.
Qua năm tháng, dù nếp cũ vẫn được giữ, nhưng quan niệm về tổ nghề sân khấu thì có những biến cải và bổ túc. Ngoài những vị thuộc về “cửu huyền thất tổ” như đã nói ở 2 truyền thuyết trên và cả những ông Tổ có công xây dựng, phát triển sau đó mà chúng ta không có tư liệu ghi chép lại mà chỉ có tính tương truyền thì theo thời gian, mỗi ngành lại truy tôn thêm tổ nghề, thường là nghệ sĩ khai sinh một lĩnh vực mới hoặc một nhân vật vĩ đại hay người có công lớn với nghề. Ví dụ Phạm Thị Trân là Tổ nghề hát chèo; ông Làng, Liêm Thu Tâm, Đào Duy Từ, Đào Tấn… Tổ hát tuồng; Trần Quốc Đĩnh Tổ hát xẩm; Tống Hữu Định, Cao Văn Lầu… Tổ hát cải lương.
Giờ thì chắc các bạn đã biết ông Tổ của nghề sân khấu mình là ai, từ đâu mà có. Chỉ cần hiểu đơn giản, đó là những vị đi trước, khai sinh, sáng lập ra ngành sân khấu, những người có công đóng góp, xây dựng và phát triển để chúng ta có cái ngành nghệ thuật sân khấu ngày hôm nay.
Nếu chúng ta biết ơn thì tưởng nhớ bằng cách thắp một nén nhang (cái này tôi không ủng hộ vì tôi quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường) hay chấp tay thành khấn những suy nghĩ, cố gắng đóng góp thật nhiều cho ngành nghệ thuật theo hướng tích cực.
Tại sao tôi lại viết bài viết này? Bởi vì tôi đã từng thấy nhiều nghệ sĩ, cả trẻ lẫn thâm niên, đến cúng Tổ với những câu khấn như: ” Xin cho con năm nay thành công, nổi tiếng, thành danh…”
Nguồn ảnh: 8Showbiz
Quan điểm của tôi là thành công hay thất bại là do những nỗ lực cố gắng của bản thân, không làm thì cả đời cũng đừng mong thành công chứ đừng nói năm nay hay năm sau, không có Tổ nào đứng ra độ mấy cái đó hết. Tôi cũng đi cúng Tổ, mỗi năm vẫn đi, ngày xưa còn thắp nhang, giờ thì đến đứng lặng, nhìn anh em nghệ sĩ, để hòa vào cái không khí đặc biệt của ngày giỗ Tổ nghề sân khấu, một nét văn hóa tuyệt vời của người Việt chúng ta. Cúng Tổ chỉ là một hình thức tưởng nhớ, biết ơn mà đã là tưởng nhớ thì nó nằm ở tâm mỗi người chứ không phải ở mâm trái cây, con heo quay hay đống giấy tiền vàng bạc, mấy bó nhang khói nghi ngút ô nhiễm cả môi trường.
Tổ nghề cũng là một hình thức tín ngưỡng, tâm linh, là niềm tin của mỗi người, nó không có đúng hay sai mà chỉ là nơi để chúng ta dựa dẫm vào mỗi khi mất niềm tin vào cuộc sống. Bản thân việc tưởng nhớ Tổ tiên, những người đi trước là việc nên làm và là nét văn hóa dân tộc cần được giữ gìn, nhưng cũng cần nhìn nhận rõ hơn dưới góc nhìn của những tư duy hiện đại, khoa học để bớt tốn kém tiền của, vật chất và sự u mê vào nhang đèn, vàng mã (gây ô nhiễm môi trường), bánh trái, heo quay vịt quay (tội mấy con heo, con vịt)….Một lần giỗ lại giết chết cả trăm con heo.
Nguồn ảnh: 8VBiz
Nhiều nghệ sĩ thành công thì cho là được Tổ độ, họ có quyền tin như thế, nhưng với tôi, thật ra tôi thấy họ có Tài, có Tâm, vì không có tài thì độ mấy cũng không lên nổi, mà ta cũng đâu bao giờ thấy được khi nào thì được độ. Nhiều nghệ sĩ đứt gánh giữa đường thì luôn có câu cửa miệng ” Tổ không đãi” hay ” không có duyên với nghề”, tôi lại thấy không có Tổ nào rảnh rỗi mà đãi cả mấy nghìn nghệ sĩ Việt Nam cả, giỏi thì thành công, không thì kiếm nghề khác, còn có duyên hay không một phần còn do rèn luyện nữa. Ngày nay có những khóa học về kĩ năng mềm, nèn luyện từ giao tiếp đến cách đi đứng, cười nói, hình thể… chính mấy cái đó mà được học từ nhỏ thì nó sẽ giúp hình thành cái “duyên” khi bạn lớn đấy. Nhiều người từ nhỏ không được học bài bản trong những khóa học như thế nhưng có lẽ họ đã học được nó qua những cái va chạm đầu tiên trong nghề. Thế mới có câu “nghề dạy nghề”. Có ai dám vỗ ngực hô to rằng lần đầu tiên lên sân khấu đã hát hay, diễn tốt không? Bạn có thấy nghệ sĩ nào mới vào nghề đã được Tổ đãi và thành công ngay? Nếu có, hãy chầm chậm xem xét lại năng lực của họ, bạn sẽ thấy họ thật sự giỏi hoặc thật sự giàu, hoặc như thời đại ngày nay thì họ chịu lăn xả làm tí scandal cũng nhanh nổi lắm. Còn những người lâu năm có thật sự được Tổ đãi? Hãy nhớ câu “Lâu năm lão làng”, ngành này không nhiều người, khó khăn quá nên nhiều người bỏ cuộc, những người giỏi và những người kiên trì sẽ là những người thành công. Tổ không đãi mà là do họ cố gắng thôi. Với tôi những nghệ sĩ như nghệ sĩ Thành Lộc, nghệ sĩ Hoài Linh, MC Thanh Bạch…. đêu là những nghệ sĩ xuất chúng, họ có thể tin rằng Tổ đãi, nhưng tôi tin họ thành công vì họ có Tâm, có Tài.
Một dẫn chứng khác nếu bạn vẫn nghĩ tôi đang bóp méo niềm tin của bạn thì hãy suy nghĩ xem nền âm nhạc thế giới hiện đại mà nguồn gốc là từ âm nhạc châu Âu đến nay, họ có bao nhiêu vĩ nhân, bao nhiêu ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng, đầy tài năng, họ không có cái bàn thờ nào trước khi biểu diễn mà vẫn thành công đấy thôi. Trên thực tế, vẫn có một số nghệ sĩ lựa chọn niềm tin vào Satan hay Chúa, vấn đề này tôi sẽ bàn vào một đề tài khác. Chỉ thắc mắc rằng, nếu chúng ta thật sự có Tổ độ sao vẫn chưa đạt đến như họ? Âm nhạc phương Tây cũng có những “ông Tổ”, là những người được mệnh danh là cha đẻ (The Godfather) của một dòng nhạc mới…như James Brown với nhạc Soul chẳng hạn… cũng như cách chúng ta hay nhắc đến cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Dạ Cổ Hoài Lang.
Bạn có thể không quan tâm nhưng với tôi, tôi quan tâm nhiều đến việc đóng góp công sức của mình vào sự thay đổi nền âm nhạc Việt Nam, đóng góp cho đất nước, và để làm được điều đó, chúng ta phải thay đổi dần tư tưởng, phải văn minh hơn và khoa học hơn. Tôi tin vào thần học, nhưng tôi tin nó ở một dạng khác chứ không phải hình hài của một ông Thần, ông Tổ hay ông Phật nào cả.
Chúng ta hãy tưởng nhớ Tổ nghề, đặt hết cái Tâm của mình để cảm nhận những giá trị mà bậc cha ông đã hy sinh cho nghề thay vì cầu nguyện cho lợi ích cá nhân. Hãy cố gắng dành thời gian học tập, trau dồi kiến thức thay vì trông chờ được Tổ đãi. Hãy phân tích nguyên nhân tại sao ta chưa thành công, tại sao hát bể show này, diễn đơ show kia chứ đừng đem lý do Tổ trác vì hôm nay uống nước mía, hôm qua ăn hột vịt lộn… Tất cả do chúng ta mà thôi.
Vài quan điểm cá nhân gửi đến học trò, bạn bè yêu nhạc và anh chị em đồng nghiệp nghệ sĩ. Chúng ta cùng cố gắng cho một nền nghệ thuật mới trong thời đại mới nhé :).
Biên soạn: Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý
Phát hành và sở hữu bản quyền: ADAM Muzic