Chủ đề ma mị liêu trai là một chủ đề tương đối hiếm trong âm nhạc Việt Nam. Nếu ai đó muốn liệt kê một
danh sách những ca khúc ma mị được nhiều người biết đến, thì có lẽ số lượng tác phẩm tìm được chỉ
đếm trên đầu ngón tay. Hôm nay chúng ta sẽ điểm lại một vài ca khúc Việt Nam viết về “hồn ma bóng
quế”. Nếu bạn là người không quá quen thuộc với cảm giác mạnh, tôi gợi ý bạn không nên đọc tiếp bài
viết này.
Đầu tiên, xin được mạn đàm về khái niệm “liêu trai”. Trong tiếng Hán, “liêu” có nghĩa là trò chuyện tán
gẫu trong những lúc rỗi rãi; còn “trai” nghĩa là căn phòng. Như vậy, “Liêu trai” đơn giản chỉ là một căn
phòng nhỏ để tiếp khách.
Xuất xứ của từ “liêu trai” chắc hẳn là từ bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Liêu Trai Chí Dị” của tác giả Bồ Tùng
Linh (1640 – 1715), một nhà văn Trung Quốc sống vào thời đầu triều đại Mãn Thanh. “Liêu Trai Chí Dị”
nôm na là “Những chuyện kì quặc viết trong phòng khách”, chủ yếu là những chuyện người gặp ma quỷ,
thần tiên, yêu quái, hồ ly, lang sói, thậm chí cỏ cây hoa lá và gạch đá thành tinh, chuyện người và ma yêu
nhau, những câu chuyện đầy sắc dục, đồng thời cũng là sự đả kích ngấm ngầm của tác giả đối với xã hội
phong kiến đang trên đà mục nát.
Bộ sách này quá nổi tiếng đến nỗi sau này cụm từ “liêu trai” được người Việt dùng với ý nghĩa tương
đương với những điều ma mị, rùng rợn, sởn gai ốc, chứ thực chất ý nghĩa gốc của nó chỉ là “phòng tiếp
khách”.
(Nguồn: Pixabay.com)
Thế thì, những ca khúc mang tính “liêu trai” rõ nét nhất trong nền âm nhạc Việt Nam là những ca khúc
nào?
Nợ Xương Máu – Bài ca của những xác chết không đầu
Có thể nói nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013) là một trong những người tiên phong đưa chủ đề xã hội, sự
đau khổ, và những hình ảnh liêu trai vào ca khúc Việt Nam. Nếu như đa số các tác phẩm đương thời tập
trung chủ yếu ở mảng tình ca hoặc hùng ca, thì Phạm Duy chủ động mang đến những “luồng gió lạ” cho
âm nhạc của ông, chẳng hạn như đoạn tả thực về hồn ma của chàng ngư phủ xấu số trong “Khối Tình
Trương Chi”…
“Nâng niu một chén âm hồn
Mộng tình trăm năm nằm trong đáy ly hương”
Hay những hình ảnh tang thương không kém phần rùng rợn mà cuộc chiến đã mang lại cho người dân
khốn khổ, trong “Bà Mẹ Gio Linh”…
“Quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ cắt đầu
(Mẹ) Nghẹn ngào không nói một câu, đem khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo, xa xa tiếng chuông chùa reo
[…]
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay”
Nhưng người chiến sĩ mất đầu trong “Bà Mẹ Gio Linh” so ra vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với
những cái xác không đầu, không tên không tuổi, nằm chơ vơ lạnh lẽo giữa sa trường hay nơi rừng thiêng
nước độc trong ca khúc “Nợ Xương Máu”, bởi vì chí ít thì người mẹ Gio Linh vẫn còn có cơ hội đi lấy đầu
con mình về để mà an tang, còn những người chiến sĩ không đầu trong “Nợ Xương Máu”, đâu có ai biết
họ là ai, đâu có ai biết nhân thân của họ lưu lạc phương nào, và ai sẽ là người thay mặt tiễn đưa họ về
với đất mẹ, ai sẽ hương khói cho họ về sau?
Hãy cùng nghe lại “Nợ Xương Máu”…
“Nợ Xương Máu” được viết trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp (1946), trong thời gian này,
Phạm Duy vào Nam để tham gia kháng chiến. Theo như hồi ký Phạm Duy:
“Quân Pháp nắm được các con lộ thì tiến vào rừng làm những cuộc tảo thanh. Chúng tôi lùi dần từ Đất
Đỏ, Xuyên Mộc lùi tới biên giới của ba tỉnh Biên Hoà-Bà Rịa-Phan Thiết và lên đóng quân ở trên núi Mây
Tào. Bây giờ, chúng tôi lại từ đó lùi ra Mũi Né và theo dọc bờ biển lùi ra tới Phan Rang. Đội viên cứ chết
dần mà quân số thì không được bổ xung gì cả.
Tôi chứng kiến những cái chết âm thầm và thảm khốc của các đồng đội. Những xác bạn, có những xác
đã mất đầu vì lính Pháp (chắc gốc Phi Châu) chặt cổ mang đi hay vì thú rừng tha đi, chỉ được vội vàng vùi
nông trong một khu rừng không tên không tuổi. Để không ai quên được những xác không đầu đó, tôi đã
soạn bài Nợ Xương Máu :
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Đi lang thang tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia?”
Đương thời là một ca khúc mang tính thời sự, cho tới nay “Nợ Xương Máu” trở thành một ca khúc mang
tính lịch sử, và cũng mang trong nó những hạt mầm đầu tiên cho một loạt ca khúc mang tính liêu trai
của nhạc Việt trong những thời kì sau. Xét về mặt nhạc tính, Phạm Duy vẫn đang dùng giọng trưởng và
dệt nên một kết cục bớt bi thương khi nhắc đến “đoàn quân tiến về trời”, như một sự giải thoát.
Đừng Bỏ Em Một Mình – Tiếng tỉ tê oán thán từ đáy mộ sâu
Thêm một ca khúc ma mị nữa của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ thơ của Minh Đức Hoài Trinh (1930 – 2017).
Bài hát “Đừng Bỏ Em Một Mình” là một sự kết hợp tuyệt vời của dòng thơ Minh Đức Hoài Trinh đậm
phong vị nhân gian, và dòng nhạc Phạm Duy – một dòng nhạc có mãnh lực kết nối quá khứ – hiện tại –
tương lai, cõi sống – cõi chết, thiên đường – địa ngục, nhân gian – thần tiên, để tìm ra cái đẹp bất hoại
của vạn vật trước sự vô thường của không gian, thời gian.
Nói về bài thơ “Đừng Bỏ Em Một Mình”, nữ thi sĩ từng chia sẻ:
“Sự kiện thúc đẩy tôi viết bài thơ này là do một hôm đi viếng viện bảo tàng Musée du Léon ở Pháp, tôi
thấy cái xác ướp khô của một người đàn bà tám, chín trăm năm về trước. Tôi chợt nghĩ đến con người
này thời xuân trẻ có mái tóc dài buông xuống lưng. Mớ tóc còn đó khá nguyên vẹn nhưng còn được bao
lâu? Tôi viết bài thơ này không phải là lời của một người con gái nói với một người con trai, mà là lời của
con người bé nhỏ nói với vũ trụ đứng trước mặt đại dương mông mênh. Theo tôi không có âm thanh nào
ghê rợn bằng âm thanh của búa nện trên đinh cùng nhịp điệu của tiếng cầu kinh. Phải thức suốt đêm
mới hiểu được sự buốt giá của vết chân lũ hồ tinh.”
(Nguồn: Pixabay.com)
Xin được chia sẻ cùng bạn đọc ba phiên bản của ca khúc này mà tôi cho là dễ gây ám ảnh nhất.
Bản của ca sĩ Hương Giang (Thúy Nga – Paris by Night):
Bản của ca sĩ Lily Chen (Tình Bolero 2019):
Bản hòa tấu vô cùng liêu trai của nhạc sĩ Duy Cường:
Mộng Liêu Trai – Người ở lại luyến tiếc kẻ ra đi
Xuất hiện trong album đầu tay của boyband nức tiếng một thời 1088 vào những năm đầu thập niên 2000, “Mộng Liêu Trai” được nhạc sĩ Đỗ Quang (1971 – 2014) đo ni đóng giày và sáng tác riêng cho nhóm. Giữa một rừng ca khúc tình yêu diễm lệ và không kém phần sướt mướt của thời điểm đó, thì bài hát này lại đi theo một chiều hướng khác biệt. Tuy không tạo được tiếng vang như nhiều ca khúc cùng thời, đây vẫn là một ca khúc ấn tượng và đáng được thế hệ sau nhắc đến.
Ngay từ những câu đầu của bài hát, chúng ta đã có thể hình dung ra được một chuyện tình âm dương cách trở, lời kể của người con trai về người yêu quá cố, người vẫn thường hiện về ám ảnh tâm trí và lởn vởn trong những giấc mơ của anh mỗi đêm…
“Đêm mưa giông, em về em cười em nói như ma liêu trai
Ân tình xưa cũ em níu em theo chân anh
Đòi anh trả cho duyên hôm nào”
… Ẩn sau những lời hát là một chút gì đó cắn rứt lương tâm từ phía chàng trai, vì một lời hứa nào đó chưa được hoàn thành trước khi cô gái đã vội ra đi…
“Người chết khi anh chưa về mang theo hồn câu hứa xưa”
[…]
“Đêm nay sao em về, em gọi tình theo gió sương
Thân anh nay hoang tàn, xin ngàn lời câu thứ tha”
Người Về Từ Lòng Đất – Người ra đi nhớ kẻ ở lại
Giữa thập niên 2000, có một ca khúc độc đáo ra đời, đó là bài “Người Về Từ Lòng Đất” của nhạc sĩ Quốc Dũng (sinh 1951). Tương tự “Đừng Bỏ Em Một Mình” của Phạm Duy, bài hát này là lời tâm sự của một linh hồn không siêu thoát. Nếu để ý kĩ phần ca từ, chúng ta có thể hình dung được câu chuyện của quá khứ, khi đôi tình nhân đang yêu nhau tha thiết, bỗng dưng một người mất đi vì lí do nào đó, và không thể siêu thoát vì vẫn còn vương vấn người ở lại.
(Nguồn: Pixabay.com)
Táo bạo hơn hồn ma trong ca khúc của Phạm Duy (chỉ biết chờ đợi, than van và cầu xin để không bị bỏ rơi), hồn ma trong “Người Về Từ Lòng Đất” không ngại âm dương cách trở, dám tìm về với người cũ trong cơn mơ của kẻ đang sống, vất vưởng qua những nơi mà ngày trước từng ghi dấu kỉ niệm của cả hai.
Bối cảnh hồn ma xuất hiện cũng không kém phần u ám…
“Đêm nay nơi thâm sâu âm u
Từng cơn gió lùa bên muôn cây reo vi vu
Tựa như tiếng than van bao đau thương miên man suốt trong đêm trường
Trên không gian mênh mang mây đen
Tìm nhau kéo về ầm ầm mang theo mưa giông
Từng cơn bão bùng bao la vây quanh bên anh nghĩa trang lạnh lùng”
Trong đoạn kết của bài hát, hồn ma có lẽ cũng đã mỏi mệt vì cứ mãi vất vưởng trên nhân gian, nên đã nài nỉ người tình cố quên mình đi, để mà còn siêu thoát khỏi chốn trần gian lạnh lẽo này.
“Em yêu ôi thôi mau quên đi
Tình yêu não nề đang miên man trong cơn mê
Để anh trở về mộ phần lạnh lùng vơi đi nỗi đau âm thầm”
Con Ma – Nỗi ám ảnh của người hiện đại
Vào đầu thập niên 2010, thêm một sáng tác đình đám nữa về chủ đề liêu trai xuất hiện, ca khúc “Con Ma” của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong (sinh 1982).
“Sát ngay góc tường kìa một chiếc gương
Ôi sao ghê ghê quá
Đó! Có ma kìa!
Tay ai ngay trên đầu giường thế”
“Cái gì đó đến gần
Cái gì nắm lấy chân
Mồ hôi tuôn ra nhiều lần
Tôi kêu to lên không còn hơi
Tôi nghe trong tim ngập tràn bóng tối”
“Con Ma” là một ca khúc dễ nghe, dễ hiểu, là câu chuyện về những con người bình thường trong xã hội hiện đại, đôi khi tự trầm mình trong cơn ác mộng hay những nỗi ám ảnh của bản thân, lâu ngày thành ra thần hồn nát thần tính. Khi nghe xong ca khúc này, tôi tự hỏi phải chăng cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực, khiến cho người ta cứ rơi vào những vòng luẩn quẩn, rồi đâm ra nghĩ ngợi quá nhiều, rồi đi đến bế tắc, rồi tưởng tượng ra những chuyện ma quái.
Ca khúc này mang màu sắc hiện đại, bản phối hợp thời và bắt tai, nhưng cũng không kém phần ma mị.
Không Giờ - Cơn ác mộng của kẻ đơn độc
Bài hát gây ám ảnh gần đây nhất phải kể đến là bài “Không Giờ” của nhạc sĩ trẻ Phạm Trần Phương (sinh 1992).
Xét về nhạc tính, phải nói đây là một ca khúc rất “quái”, gây ấn tượng cho người nghe ngay từ lần tiếp cận đầu tiên, chưa kể cách xử lí độc lạ sởn gai ốc của tác giả trong bản thu, khiến cho người nghe cảm giác như có tiếng ai đó đang vọng về từ cõi âm xa xăm.
(Nguồn: Pixabay.com)
Cao trào của bài hát được đẩy lên dần dần, khéo léo và đầy kịch tính, ngôn ngữ gần gũi, phóng khoáng, mang lại cho chúng ta những hình ảnh sống động như đang xem một bộ phim kinh dị. Thẳm sâu trong những giai điệu và ca từ đầy ám ảnh đó, là nỗi sợ hãi của những con người cô độc đang bị nuốt trọn trong bóng đêm của cuộc đời. Những chiếc bóng đó, phải chăng là những bóng ma, hay chỉ là sản phẩm của sự lạc lõng giữa nhân loại lạnh lùng? Chúng ta hãy cùng nhau nghe lại ca khúc này và cảm nhận nó theo trải nghiệm riêng của bản thân nhé!
“Kìa góc nhà có ai đang nhìn qua đây
Đến sờ đôi tay em gầy”
“Bay vào không gian
Bay vào thế giới của em”
Biên soạn: Dật Hanh
Phát hành: ADAM MUZIC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Kiều Anh Trang (2016). “Đừng Bỏ Em Một Mình” – Tâm sự của người dưới mộ, https://bookhunterclub.com/dung-bo-em-mot-minh-tam-su-nguoi-duoi-mo/, truy cập tháng 8/2019.
Phạm Duy (1989). Hồi ký – Thời cách mạng – kháng chiến, http://www.phamduy2010.com/e-books/02-PhamDuy-HoiKyII.pdf, truy cập tháng 8/2019.
Trịnh Thanh Thủy (2017). Minh Đức Hoài Trinh và nỗi cô đơn sâu thẳm, https://minhduchoaitrinh.wordpress.com/2017/06/18/minh-duc-hoai-trinh-va-noi-co-don-sau-tham-trinh-thanh-thuy/, truy cập tháng 8/2019.
Bạn cũng có thể tạo ra 1 số tác phẩm ma mị bằng cách mua 1 số sample hoặc VST của các web này nhé: