Hơi thở không thể tách rời khỏi tiếng hát. Bất kì kĩ thuật nào trong ca hát cũng cần phải có phần hỗ trợ của hơi thở. Sau khi bạn đã lấy hơi hiệu quả thì kế tiếp phải hiểu rõ cách sử dụng hơi sau đó. Nghe qua có lẽ rất phức tạp nhưng thực ra có ba cách lớn để sử dụng hơi thở.
1. Nén hơi
Đây là kĩ thuật có tên tiếng Ý là appoggio, trong thanh nhạc hiện đại người ta gọi là breath support. Nén hơi hiểu là giữ hơi lại và sử dụng thật hiệu quả, vừa đủ hơi để rung dây thanh, tuyệt đối không tống quá nhiều hơi qua thanh quản.
Nén hơi hay giữ hơi sẽ được thực hiện bằng cách giữ căng nở các cơ vùng sườn, bụng trên, cơ thẳng bụng nhằm mục đích khiến cho cơ hoành không di chuyển lên trên quá nhanh, hơi sẽ không bị tuôn ra quá nhanh, mà được giữ lại và sử dụng từ từ.
Nén hơi được sử dụng khi người hát muốn:
– Hát nhỏ và tinh tế
– Hát nốt cao nhẹ nhàng mà không cố tăng âm lượng hay tống hơi căng thẳng
– Ngân dài một nốt
– Hát một câu dài
– Hạn chế hụt hơi ở cuối câu.
2. Đẩy, bật hơi
Đẩy, bật hơi là hành động ngược lại với nén hơi. Hiểu đơn giản là hành động đẩy thêm nhiều hơi ra ngoài với lực đẩy mạnh hơn lúc sử dụng hơi tự nhiên bình thường.
Lúc này, cơ thẳng bụng sẽ nén vào trong, các cơ liên sườn sẽ thu hẹp lại, làm cho cơ hoành bị đẩy lên trên, tăng lực tống và lượng hơi được đẩy ra ngoài.
Đẩy hơi được sử dụng khi người hát mong muốn thực hiện những điều sau:
– Tăng âm lượng, tăng lực hát (chẳng hạn như khi belting)
– Tạo nên đoạn cao trào của bài hát
– Hát nảy nốt (staccato)
– Tăng độ dày của âm thanh
Link tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=zp3IVK_yeSQ (phần luyện tập bật cơ hoành)
3. Dùng hơi nhẹ nhàng, hát và phát âm tự nhiên
Ở trong nhạc nhẹ người ta gọi là flow phonation. Bạn dùng một làn hơi tự nhiên như lúc bạn nói chuyện để hát. Bạn sẽ cố gắng lấy hơi nhẹ nhàng, hiệu quả, đúng cách, chứ không cố gồng để lấy càng nhiều hơn càng tốt. Sau đó bạn để làn hơi trượt đi trong lúc hát cũng như lúc phát âm bình thường. Hát thật tự nhiên, ưu tiên sự thả lỏng các bộ phận phát âm, cảm giác làn hơi trôi đi không bị ngăn cản, chú ý vào ý nghĩa câu hát và giai điệu, không cố nén hơi hoặc không cố đẩy hơi để dùng thêm cộng hưởng.
Cách hát tự nhiên – flow phonation này được sử dụng khi:
– Bạn đang trình bày ca khúc nhạc nhẹ, ở những đoạn trung, thấp, không phải cao trào, cần trình bày tình cảm, truyền tải cảm xúc.
– Khi bạn muốn hát như tâm sự, như kể chuyện, hát thật tự nhiên
Link tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=qRNnROjm12Q
4. Phần kết luận
– Bạn nên nhớ là một bài hát luôn có những đoạn nhẹ nhàng tình cảm, sâu lắng, và có những đoạn đòi hỏi có lực để tạo cao trào và ấn tượng. Cho nên cách dùng hơi nào cũng đều có đất dụng võ.
– Đặc biệt là khi bạn muốn học về nhạc nhẹ, âm nhạc hiện đại, thì việc đa dạng trong cách sử dụng hơi thở để tạo hiệu quả cho màu sắc bài hát là điều rất quan trọng.
Trong những bài kế tiếp mình sẽ đi sâu vào bài tập luyện ba cách dùng hơi thở này, và gợi ý kĩ thuật thanh nhạc thích hợp với cách sử dụng hơi nào.
Hãy chờ đón xem phần kế tiếp nhé.
Nhật Thanh
Nguồn tổng hợp, link tham khảo mình để bên trên mỗi phần.