Tạo cảm hứng! Nhất thời hay do thói quen?
Khi cuộc sống trở nên hối hả, con người càng có ít cơ hội để tạo cảm hứng, một phần vì họ quá bận rộn với công việc, một phần vì họ có quá nhiều thứ phải lo nghĩ, do đó đôi khi chúng ta không còn cảm xúc và thời gian để tạo cảm hứng cho mình trong việc viết nhạc/sáng tác. Không giống như ông cha ta ngày xưa, từ không gian cảnh vật, tâm hồn con người, tình cảm làng xóm với nhau, bất cứ thứ gì cũng nên thơ, cũng đẹp và thứ gì cũng có thể đưa vào bài hát với hình ảnh rất lãng mạng (hoa tím, chôm chôm, sầu riêng, cô gái,…). Vậy câu hỏi đặt ra, chúng ta có cách nào tự tạo cảm hứng cho mình, hay chỉ việc ngồi đó chờ đợi cho “nó” tới? Hôm nay, ADAM Muzic sẽ chia sẻ với các bạn một trong những cách chúng tôi rất hay làm để có thể tự tạo cảm hứng cho mình trong lúc viết nhạc, hãy cùng theo dõi nhé.
Vấn đề cốt lõi để tạo nên bài hát của bạn đó là VIẾT và VIẾT. Nhưng để viết được thì bạn phải sẵn sàng mang những thứ ngoài đời thật vào thế giới riêng của bạn, kỹ năng này không phải ai cũng có, mà bạn phải luyện tập nó hàng ngày, lặp đi lặp lại liên tục và đều đặn.
Một bài hát không hẳn nói về những thứ cao xa, huyền bí, đẹp đẽ, mà bài hát còn diễn tả sống động về cuộc sống hàng ngày, về con người, về mọi thứ xung quanh ta. Do đó, sự ghi chép về chúng là rất cần thiết. Hãy để dành cho mình một cuốn sổ và đặt tên nó là My Dream (hay bất cứ tên gì bạn muốn) cùng với cây bút kẹp vào để ghi chép tất cả những gì bạn nghĩ, nhưng gì bạn cảm nhận.
Mỗi sáng thức dậy hãy lấy cuốn sách khi còn nằm trên giường và ghi vào đó những gì bạn cảm nhận, không cần phải nghĩ nhiều đâu nhé…Chỉ cần ghi ra thứ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn.
Một ví dụ nhé 🙂
“Sáng nay chủ nhật, mệt quá, không muốn làm gì cả chỉ muốn nằm trên giường thôi…huhu. Điện thoại reo kìa, kệ nó đi, chuông kêu kệ nó đi >_< Thề là hôm nay không làm gì hết á >_<”
Bạn thấy quen không nào…Hãy nghe nhé:
Những lần note như thế này sẽ là “nguyên liệu” rất thật cho bạn khi bắt tay hát một bài hát, hơn là đến lúc bạn cầm viết lên mới bắt đầu tưởng tượng.
Ngoài ra, việc tập trung cho sáng tác cũng rất quan trọng, không phải chỉ khi bạn “nổi hứng” mới ngồi vào bàn viết, mà thay vào đó hãy qui định riêng cho mình một thời gian biểu cụ thể ngồi vào đàn và viết. Thời gian biểu này tùy vào bạn, có thể 3 ngày/ tuần, lúc 17h hoặc 4 ngày/tuần hay thậm chí 7 ngày/tuần, nếu không có thời gian có thể 2 hoặc 1 ngày vẫn được, quan trọng bạn phải giữ nó thật ổn định và đều đặn.
Bên cạnh đó, để sự tập trung tốt nhất, bạn hãy sắp xếp cho mình một khoảng không gian riêng, nơi bạn cảm thấy thoải mái mà không bị gò bó, nó có thể nhỏ, lớn, hẹp, rộng không quan trọng, quan trọng là bạn cảm thấy nơi đó bạn có thể làm điều bạn thích, không phải nghe tiếng than phiền hay ầm ĩ xung quanh.
Nhiều người nói không có hứng nên không sáng tác được, nhưng thực tế, là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì họ chỉ cần ngồi vào đàn, cảm nhận mọi thứ xung quanh và tập trung vào sự sáng tác thì bất cứ lúc nào cũng có thể tạo ra giai điệu, vì đơn giản giai điệu chỉ là cách chúng ta ngẫu hứng nghêu ngao một câu hát thôi. Sau đó, họ kết hợp với kỹ thuật sáng tác là có thể cho ra đời một bài hát hoàn chỉnh. Rõ ráng đây là một việc không khó, quan trọng là bạn có đủ sự tập trung hay không mà thôi.
Hãy sắp xếp một khoảng không gian riêng cho mình, nơi mà chỉ có bạn với âm nhạc, tưởng tượng, cảm nhận và bạn sẽ thấy nó rất kỳ diệu đấy ! Hãy thực hành ngay bây giờ nhé, chúc bạn sẽ cho ra đời nhiều bài hát thật hay 🙂