Đã có rất nhiều ca khúc Việt Nam viết về những địa danh, trong đó có lẽ được nhắc tên nhiều nhất là thủ đô Hà Nội, rồi đến cố đô Huế, rồi đến phố núi Đà Lạt. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng, liệu có một địa danh nước ngoài nào khơi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ để viết ra thật nhiều ca khúc trữ tình lãng mạn, thì tôi sẽ trả lời ngay không một chút đắn đo, rằng đó chính là Paris.
Theo những nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Pháp, ca khúc đầu tiên trên thế giới viết về Paris là bản “Voulez ouyr les cris de Paris” của Clément Janequin vào khoảng thế kỷ XVI. Và hiện nay, có trên 2750 ca khúc được phát hành trên toàn thế giới với chủ đề Paris.
Kể từ thế kỷ thứ XIX, Paris chuyển mình trở thành “kinh đô ánh sáng” và được xem như thủ đô văn hóa của châu Âu, thu hút giới văn nhân nghệ sĩ từ khắp mọi nơi đổ về. Nước Pháp lại đô hộ chúng ta đến hơn 80 năm, cho nên thế hệ tri thức Việt Nam thời bấy giờ đã có dịp hấp thụ những tinh hoa của nền văn hóa, tư tưởng, và văn học nghệ thuật Pháp, và thế hệ nhạc sĩ Việt Nam những đời đầu cũng không phải ngoại lệ. Đã có rất nhiều ca khúc Việt Nam viết về thành phố vô cùng quyến rũ này. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm lại 5 ca khúc tiêu biểu nhất viết về Paris trong nền Tân nhạc Việt Nam.
Paris Có Gì Lạ Không Em (Ngô Thuỵ Miên - Thơ: Nguyên Sa)
Xin được nhắc đến ca khúc này đầu tiên, vì đây có lẽ là ca khúc được nhiều người biết đến nhất trong 5 tác phẩm được nhắc đến trong bài viết này.
“Paris Có Gì Lạ Không Em” đuợc nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (sinh 1948) phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyên Sa (1932 – 1998). Bài thơ có lẽ được viết trong những năm ông theo học tại Đại học Sorbonne, Paris, những năm đầu thập niên 1950, và được phổ nhạc vào những năm 1960.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên còn viết một ca khúc khác về Paris, khá nổi tiếng, mang tên “Nắng Paris, Nắng Sài Gòn”.
Mùa Thu Không Trở Lại (Phạm Trọng Cầu)
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (1935 – 1998) nổi tiếng với những ca khúc “Trường Làng Tôi”, “Cho Con”. Ông viết bản nhạc Mùa Thu Không Trở Lại trong những năm đang theo học tại Nhạc viện Paris vào những năm 1960. Ca khúc này viết về những nuối tiếc cho một cuộc tình chia ly, trong bài hát có nhắc đến hai địa danh nổi tiếng là song Seine và vườn Luxembourg.
Bên cạnh “Mùa Thu Không Trở Lại”, ông còn có ca khúc “Mưa Paris, Thu Paris”.
Tiễn Em (Phạm Duy - Thơ: Cung Trầm Tưởng)
Sinh ra trong một gia đình văn nghiệp, cha là nhà báo Phạm Duy Tốn, anh là cựu chính khách Phạm Duy Khiêm, và một người anh nữa là nhà giáo Phạm Duy Nhượng, nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013) được xem là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, với hơn 1000 ca khúc, nhạc phổ thơ và nhạc ngoại lời Việt. Phạm Duy từng có một thời gian du học tại Pháp, chuyên ngành âm nhạc.
“Tiễn Em”, được phổ từ bài thơ “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” của nhà thơ Cung Trầm Tưởng (sinh 1932). Ca khúc được viết vào những năm 1958 – 1960. Ca khúc này cũng nói về một cuộc chia ly, là dòng tâm sự của một chàng trai tiễn người thương trở về “xứ mẹ” (Việt Nam), với những ca từ đượm buồn miên man, như:
Sao rơi rớt rụng
Vai em ướt mềm
Em ơi khóc đi em…
hay
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Mùa Thu Paris (Phạm Duy - Thơ: Cung Trầm Trưởng)
“Mùa Thu Paris” cũng được nhạc sĩ Phạm Duy viết vào thời gian 1958 – 1960, phổ nhạc từ một bài thơ cùng tên, nằm trong cùng một tập thơ với bài thơ “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”. Bằng thể điệu Valse, ca khúc này mang một màu sắc tươi sáng, rộn ràng và lãng mạn hơn, tuy cũng thấp thoáng đôi nét buồn chấm phá. Bản thân tôi thích nhất là những đoạn miêu tả sinh động về cuộc sống và cảnh vật của thành phố Paris, mà qua ngòi bút của “thầy phù thủy âm nhạc” Phạm Duy (tôi xin mạn phép gọi ông như thế, với một niềm cung kính vô tận), đã trở nên vô cùng sống động:
Hẹn em quán nhỏ
Rươu rưng rưng ly đỏ tràn trề
[…]
Công viên lá đổ
Chờ mong em, gắng khổ từng giờ
[…]
… vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em, buốt giá từ tâm
[…]
Người em gác trọ
Phòng anh, đôi gót nhỏ thầm thì
(Một câu nhạc khá là táo bạo)
Vườn Lục Xâm được nhắc đến trong bài hát này chính là tên thuần Việt của vườn Luxembourg mà chúng ta vừa đề cập trong ca khúc “Mùa Thu Không Trở Lại” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu.
Để Quên Con Tim (Đức Huy)
So với bề dày gần 80 năm của nền Tân nhạc Việt Nam, thì ca khúc “Để Quên Con Tim” hãy còn khá mới, được viết khoảng thập niên 1980. Khác với những bài hát mà chúng ta vừa nghe ở trên, bài hát này lại diễn tả tâm trạng tiếc nuối của tác giả khi phải rời xa Paris.
Nhạc sĩ Đức Huy (sinh năm 1947) bắt đầu hoạt động âm nhạc và nổi tiếng ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1970. Trong những năm sống ở hải ngoại, âm nhạc của ông ngày càng trở nên phổ biến, và hiện nay ông đã trở về định cư hẳn ở Việt Nam.
Biên soạn: Dật Hanh
Phát hành: ADAM MUZIC
THAM KHẢO:
Wikipedia 2019, Cung Trầm Tưởng, Wikipedia, truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019 <https://vi.wikipedia.org/wiki/Cung_Trầm_Tưởng>
Wikipedia 2019, Đức Huy, Wikipedia, truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019 <https://vi.wikipedia.org/wiki/Đức_Huy>
Wikipedia 2019, Nguyên Sa, Wikipedia, truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019 <https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyên_Sa>
Wikipedia 2019, Phạm Duy, Wikipedia, truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019 <https://vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Duy>
Wikipedia 2019, Phạm Trọng Cầu, Wikipedia, truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019 <https://vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Trọng_Cầu>