- Twang là gì?
- Cảm giác của người nghe:
Về chất lượng âm thanh, người nghe cảm thấy âm thanh twang đanh, chói, gắt, có âm lượng lớn rõ, đôi khi hơi khó chịu.
- Cảm giác của người hát:
Về cảm giác của người hát, cảm giác như đưa âm thanh lên mũi và hai bên gò má, còn gọi là phần mặt nạ (mask placement). Vùng này xảy ta rung động mạnh. Cổ họng có cảm giác hơi hẹp về phía sau. Âm thanh phát ra mỏng, chói, gắt, tuy nhiên dễ dàng lên nốt cao hơn so với cách hát thông thường, cần dùng ít lực vẫn lên được nốt cao.
- Cách nhìn theo khoa học giải phẫu:
Pharynx là hầu họng bao gồm 3 phần: phần nằm sau mũi, miệng, và phần nằm phía sau thanh quản (Nasopharynx, Oropharynx, Laryngopharynx). Khi chúng ta hát, âm thanh ban đầu phát ra từ thanh quản, và được cộng hưởng đầu tiên tại hầu họng, sau đó mới đến các khoang và xoang phía trên.
Kĩ thuật twang là việc làm hẹp hầu họng bằng cách thực hiện cùng lúc một số hành động sau đây:
Hơi nâng cao hộp chứa thanh quản
Hơi nâng cao cuống lưỡi.
Nghiêng nắp phân môn về phía đường thở, hạn chế khoảng trống giữa nắp và hai dây thanh. Chúng ta không thể tự ý cử động nắp phân môn lên xuống được, tình trạng nghiêng này có được, là nhờ một mặt chúng ta nâng thanh quản lên cao, một mặt chúng ta co cuống lưỡi lên.
Hạ vòm mềm để sử dụng khoang mũi.
Mở miệng ngang rộng như cười.
Nguồn ảnh: jvoice.org
Khi thực hiện những hành động này cùng một lúc, tiết diện ống thở sẽ bị bóp nhỏ đột ngột, làn hơi sẽ bị tăng vận tốc, tạo áp lực lớn hơn. Kết quả cho chúng ta một âm thanh chói, sắc bén, gắt, mỏng, nhưng có âm lượng lớn hơn, âm thanh này gọi là twang.
- Hiểu lầm 1:
Có nhiều tài liệu chỉ đề cập việc nghiêng nắp phân môn mà không đề cập các hành động còn lại, làm cho twang khó tưởng tượng và khó luyện tập (như mình đã giải thích ở trên đó là vì chúng ta chỉ có thể khép nắp phân môn khi nuốt, chứ không thể tự ý điều chỉnh nó lên xuống theo ý mình được, nên nếu chỉ nói như vậy thì rất khó hiểu). Để có âm sắc của twang, chúng ta phải thực hiện đủ các yếu tố trên.
- Hiểu lầm 2:
Đây không phải là hiểu lầm, mà có lẽ là cách hiểu khác nhau!
Có một số người thường dùng từ pharyngeal voice cũng để chỉ twang. Đây không phải là sai hay đúng mà còn có một cách dùng từ khác.
Phần định nghĩa phía trên cho chúng ta biết rằng, cuối cùng hành động twang sẽ thu hẹp hầu họng, làm tăng áp lực của luồng khí qua nó. Nhưng trong cổ điển có một cách hát, khi muốn lam cho âm thanh dày, lớn, rền, hơi tối, người ta sẽ nâng vòm mềm lên, và hạ hộp thanh quản, làm cho khoảng trống ở hầu họng bị rộng ra, người ta gọi khoảng trống để tạo vang này là pharyngeal resonance. Trong cổ điển đồng thời cũng có kĩ thuật hẹp hầu họng và cũng gọi twang.
Cho nên cùng đều sử dụng hầu họng (pharynx) để điều chỉnh âm thanh, một hành động làm hẹp hầu họng để có âm thanh sáng, đanh gắt, mỏng, bén, và âm lượng lớn. Một hành động lại tăng độ rộng của họng cho ra âm thanh rền, dày, hơi tối, có lực và cũng có âm lượng lớn.
Nếu gọi tên pharyngeal voice cũng để chỉ twang, thì có lẽ sẽ dễ nhầm lẫn với cách hát mở rộng hầu họng của cổ điển.
Nên cá nhân mình nghĩ rằng chúng ta nên gọi twang là twang, còn pharyngeal resonance dùng để gọi cách hát mở rộng hầu họng cổ điển. Đây là ý kiến cá nhân, chỉ viết ra để dễ gọi, và cho các bạn tham khảo mà thôi. Cũng để bạn phân biệt hai cách sử dụng hầu họng khác nhau.
2. Chúng ta nên dùng twang khi nào:
Hình ảnh twang nhìn nghiêng, và nhìn thẳng. Dễ thấy là nắp phân môn nghiêng về phía dây thanh, làm hẹp ống thở.
Nguồn ảnh: cvtresearch.com
Twang có rất nhiều ưu điểm, và cũng có nhược điểm. Nếu chúng ta cứ liên tục dung twang mà không lựa chọn chỗ phù hợp, cũng rất có thể sẽ phá hỏng độ biểu cảm của bài hát.
Ưu điểm:
- Dễ dàng đạt âm lượng lớn
- Giữ được độ bén của giọng
- Âm thanh mỏng, sáng, linh hoạt
- Dễ dàng hát nốt cao, dễ dàng thực hiện mix voice.
Nhược điểm:
- Tiếng dễ bị mỏng gắt, gây chói tai
- Âm lượng lớn, nhưng thiếu độ dày và ấm, làm người nghe giật mình khi thay đổi âm sắc đột ngột.
- Nếu lúc nào cũng sử dụng twang, hoặc sử dụng mà không hiểu rõ, có thể gây mất độ trầm ấm và màu sắc của bài.
Chúng ta nên dùng twang khi nào:
Trong lúc luyện tập, chúng ta hãy để ý những nốt bắt đầu đi vào đoạn chuyển giọng, và thêm từ ít đến nhiều lượng twang. Không nên thêm quá đột ngột thay đổi tức thì âm sắc dễ bị thay đổi, làm người nghe thấy khó chịu, bất ngờ. Các nốt trung bình thường để cho giọng được tự nhiên và giữ màu sắc cá nhân của giọng, không lạm dung twang khi không cần thiết. Để có cách nhìn nhận và dùng twang hiệu quả, bạn nên luyện tập cùng với sự chỉ dẫn của giảng viên.
Bài tập Twang:
- Bài tập âm “E”, thực hiện kéo nốt (1-5-1). Âm “E” buộc bộ phận phát âm phải tạo ra màu sắc của twang.
- Bài tập âm “Nhe” thực hiện (1-3-5-8-kéo dài 2 phách – 5-3-1). Bài tập giúp bạn áp dụng twang vào mở rộng quãng giọng và ngân dài nốt cao.
Nhật Thanh
Nguồn tổng hợp. Một số link tham khảo:
Bài viết “The Vocal Tract in Loud Twang-Like Singing While Producing High and Low Pitches” – Tác giả : Marcelo Saldías, Anne-Maria Laukkanen, Marco Guzmán, Gonzalo Miranda, Justin Stoney, Paavo Alku, Johan Sundberg
Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết khác tại link sau: https://adammuzic.vn/twang/
Các bạn có thể tham khảo một số cách khắc phục trong khi sử dụng kỹ thuật Twang tại đây.