Các bạn có biết rằng, việc ngẩng đầu hay cúi đầu, ngẩng cằm hay cúi cằm đều có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bài hát của bạn, việc kiểm soát tư thế cơ thể nói chung và đầu nói riêng, rất quan trọng và cần thiết nếu bạn muốn phát triển giọng hát của mình. Hôm nay, chúng ta hãy cùng ADAM Muzic tìm hiểu thêm một số kiến thức này để có thể cải thiện giọng hát của mình nhé.
Trong các bài trước, ADAM Muzic đã giới thiệu với các bạn vị trí đúng của các bộ phận khi hát như sau:
Đây là 2 trong số những lưu ý cũng khá quan trọng mà bạn cần phải luyện tập thường xuyên để khi kết hợp với vị trí đầu và cằm sau đây thì chúng ta có thể tối đa hóa được hiệu quả khi hát.
Thường chúng ta có nghe người ta ví von “Hãy hát bằng cả cơ thể”…Chúng ta cười và suy nghĩ một thứ gì đó rất sâu xa và trừu tượng. Nhưng, qua bài viết hôm nay các bạn sẽ có thể mường tượng được việc hát bằng cả cơ thể theo nghĩa đen là như thế nào 🙂
Như chúng ta đã biết, thanh quản là một trong những bộ phận rất quan trọng để tạo ra giọng hát, và “năng suất” của thanh quản cũng tùy thuộc vào vị trí của đầu và cằm lúc bạn cúi hay ngẩng cao khi hát. Bây giờ bạn hãy thử quay qua nói chuyện với người thân của mình vài câu đi nào…Rồi!…Hãy đọc tiếp! Bạn có để ý rằng khi đầu của bạn ở vị trí bình thường, tức là ngang với sàn nhà cũng là lúc bạn cảm thấy thoải mái nhất khi nói không? Hát cũng như vậy đấy…Vì sao? Bởi vì khi đầu bạn ở vị trí trung bình thì tương ứng thanh quản của bạn cũng nằm vị trí trung bình, đây cũng là vị trí mà thanh quản thoải mái nhất khi phát ra âm thanh. Không tin ư? Sau đây sẽ là dẫn chứng cho các bạn…
Vậy vị trí nào đúng?
Tiếp theo, bạn hãy thử kéo dài từ “Uuu”. Trong khi đó, đầu sẽ chuyển từ vị trí thấp (ép cằm xuống ngực), rồi từ từ ngửa hết cỡ lên cao xem nào… Hãy cảm nhận âm thanh bạn phát ra khi đầu và cằm ở 3 vị trí: thấp, bình thường, cao để xem sự khác biệt của chúng.
Cả 2 vị trí quá cao hoặc quá thấp đều không chính xác, bởi vì trong lúc này thanh quản của bạn có xu hướng không thoải mái, cổ họng cũng được cấu tạo từ cơ như các bộ phận khác của cơ thể, khi bạn ngước đầu quá cao hay cúi xuống quá thấp thì các cơ sẽ chèn ép thanh quản, dẫn đến việc âm thanh phát ra sẽ không tròn trịa và mượt mà, nhiều lúc còn bị dính lại ở cổ, vì lúc này do bị chén ép nên lượng không khí ra ngoài khó khăn hơn bình thường. Đặc biệt, một số người khi hát lên cao thì có thói quen lại ngẩng đầu rất cao, có thể lúc này họ “kéo” được tới note nào đó, nhưng việc này nhiều lúc sẽ chuyển sang cách hát “gào” và lâu dần có thể gây tổn thương thanh quản nghiêm trọng nếu không biết cách.
Vị trí thoải mái nhất chính là vị trí đúng nhất, hãy đứng thẳng lưng, đầu và cằm ngang với mặt sàn, kết hợp với cách lấy hơi và nhả chữ, từ từ hát với một tinh thần thoải mái. Đặc biệt, khi chuẩn bị đến note cao đừng mất tinh thần mà hãy thả lỏng, giữ vững vị trí cơ thể để có thể tập luyện đến note cao đó, đừng lo sợ mà dẫn đến mất cột hơi hoặc bị oét giọng nhé. Tất nhiên, không phải sẽ đứng như “trời trồng”, mà hãy feeling theo bài hát và hãy tập thật nhiều về vị trí cơ thể để có thể biến chúng thành thói quen và khi cất giọng lên bạn sẽ không cần để ý mà vẫn có thể điều khiển cơ thể mình trong “vô thức” 🙂
Một số hình vẽ dẫn chứng cho các bạn các tư thế đúng khi đứng và ngồi hát:
Hát rất dễ nhưng cũng rất khó, nó dễ khi bạn hiểu cách kiểm soát và tập luyện thành thói quen, nhưng những ngày đầu để tập luyện thói quen đó sẽ rất khó khăn cho các bạn. Đừng nản chí, hãy tập đều đặn hàng ngày lâu dần “Có công mài sắc sẽ có ngày nên kim” thôi. ADAM Muzic sẽ phân tích thêm một số bộ phận khác (vai, lưng,..) ở những bài tiếp theo, hãy theo dõi nhé. Chúc bạn thành công 🙂
Refrence:
1. Rae Henry. Singing Lesson – Lesson 1.1 (Head and Chin position). Available at: https://www.youtube.com/watch?v=DpYMuhG_Sjc
2. Christopher Jacklin. How to develop a good posture for singing. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=3GdNoFvim4k
3. Hình ảnh: google