Đọc nhạc là một kỹ năng không thể thiếu đối với những người chơi nhạc chuyên nghiệp. Điều này hẳn rất dễ hiểu nhưng trên thực tế, phần đông những người chơi nhạc trong thời điểm hiện tại lại thiếu mất kỹ năng này. Rõ ràng là âm nhạc của chúng ta hiện nay đã được đơn giản hoá rất nhiều so với âm nhạc của các thời kỳ trước. Bạn không cần phải biết đọc nhạc hoặc nắm vững nhạc lý thì mới chơi nhạc được. Thế nhưng, đó chỉ là con đường dành cho những ai không muốn gắn bó lâu dài với âm nhạc, còn lại thì chúng ta đều cần phải biết đọc nhạc, hiểu văn bản nhạc để tự tìm kiếm cho mình một con đường chuyên nghiệp hơn. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng đọc nhạc tốt.
Để đọc nhạc tốt thì đức tính cần cù là một tố chất hết sức cần thiết. Tiếp đến chúng ta cần một bộ phương pháp đúng đắn để có thể dễ dàng thu ngắn quá trình rèn luyện.
Dưới đây là năm bước giúp bạn đọc nhạc được tốt hơn. Năm bước này đã được sắp xếp theo thứ tự. Vì vậy bạn đừng nên bỏ qua bất kỳ bước nào. Hi vọng rằng bạn sẽ cải thiện được kỹ năng của mình khi áp dụng phương pháp này vào thực tiễn học tập.
-
Tập trung
Bạn có thể cho rằng điều này không mấy quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta lại không thường đạt được đúng mức độ tập trung cần thiết khi luyện tập. Tâm trí ta thường bị xao lãng bởi các tác nhân gây nhiễu từ phía ngoại cảnh như điện thoại, email, facebook,…Vì vậy mà ta không thể tận dụng tối đa sức tập trung của mình, gây ra tình trạng kém hiệu quả khi luyện tập. Điều này có vẻ hơi lạ lẫm nhưng nếu bạn luyện tập một ngày 2 giờ trong tình trạng mất tập trung như trên thì khối lượng công việc thực sự được giải quyết chỉ tương đường khi bạn tập trung trong 45 phút.
Hãy cách ly chính mình ra khỏi những tác nhân gây nhiễu này, cố gắng tìm một nơi thật yên tĩnh để luyện tập sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức luyện tập đáng kể. Tuy điều này ban đầu sẽ gây cho bạn một chút khó chịu nhưng sau đó bạn sẽ quen dần và bạn sẽ thấy kỹ năng của mình được cải thiện đáng kể. Hãy nhớ rằng một ngày bạn chỉ cần bỏ ra 30’ đến 1 giờ cho việc luyện tập là đủ nhưng hãy THỰC SỰ TẬP TRUNG.
-
Chia thành từng cụm
Khi mới bắt đầu tập đọc nhạc, bạn sẽ học cách đọc từng note và cố gắng xác định vị trí của note đó trên cây đàn càng nhanh càng tốt. Nhưng đó chỉ là những bước đầu tiên trong quá trình này. Những nghệ sỹ thị tấu giàu kinh nghiệm sẽ không đọc từng từng và chơi từng note giống như vậy. Họ chia một đoạn nhạc dài thành từng cụm nhỏ, thông thường mỗi cụm sẽ là nửa ô, 1 ô hoặc nhiều hơn tuỳ theo bài hay kinh nghiệm của người chơi. Nhờ vào lối tiếp cận này, họ sẽ bắt kịp được nhịp độ và tiết tấu của bản nhạc tốt hơn, dễ dàng tập trung hơn và do đó ít bị sai phạm hơn.
Một ví dụ cụ thể để minh hoạ quá trình này một cách rõ ràng
Giả sử bạn dưới đây là đoạn nhạc mà bạn phải chơi
Như đã đề cập, một người mới biết chơi sẽ có xu hướng đọc từng note nhạc và thể hiện lại note đó trên cây đàn. Ngược lại, những cá nhân giàu kinh nghiệm sẽ lướt mắt qua cả đoạn nhạc để xác định trước những phách chính trong từng ô nhạc (những mũi tên màu xanh)
Những phách chính (mũi tên xanh) sẽ là cơ sở để chia nhỏ đoạn nhạc ra. Lúc này, ta có thể đọc đoạn nhạc này bằng cách đọc từng cụm nhỏ (nửa ô nhạc như trong hình dưới đây) và đọc liên tiếp như vậy cho đến hết đoạn nhạc.
Và một khi đã quen với việc đọc nhạc thì bạn có thể thực hành với một cụm lớn hơn (một ô hoặc hai ô chẳng hạn) như hình minh hoạ bên dưới.
Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy việc đọc nhạc trở nên dễ chịu và thoải mái hơn. Đương nhiên, để làm quen với phương pháp này, bạn cần phải bỏ ra một ít thời gian để luyện tập, nhưng hãy yên tâm rằng mọi nỗ lực của bạn đều sẽ được đền bù xứng đáng.
-
Đọc trước
Ở phần trên, ta đã biết được một vài kỹ năng cho phương pháp đọc cụm. Tuy nhiên, mỗi cụm lại có một cách xử lý khác nhau. Do vậy, nếu ta cứ duy trì hành động ‘đọc xong cụm này rồi mới tới cụm kia’ thì điều này vô hình chung lại dẫn đến một sai lầm mới, đó là ‘không dự đoán trước được những note tiếp theo mà mình sắp phải đánh là gì’. Não của chúng ta không thể xử lý cùng một lúc một lượng thông tin quá lớn về thế tay, note, cách xếp ngón sao cho hiệu quả,… và do đó sẽ dẫn đến nhiều sai lầm hơn trong việc đọc nhạc.
Để giải quyết tình trạng này, bạn cần phải tập thói quen ‘nhìn trước’ hoặc ‘đọc trước’ một vài note kế tiếp sau thời điểm mà bạn vừa giải quyết xong một cụm để có thể chuẩn bị tinh thần xử lý những đoạn nhạc tiếp theo.
-
Ghi nhớ những mẫu tiết tấu thông dụng
Trên thực tế đọc nhạc, chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp những mẫu hình note quen thuộc. Công việc của bạn ở giai đoạn này là cố gắng luyện tập và ghi nhớ càng nhiều mẫu càng tốt và cách đánh của chúng để mỗi khi bạn nhìn thấy một mẫu hình note quen thuộc là bạn có thể ngay lập tức hình dung được sơ bộ những gì mình cần phải đánh. Còn lại sẽ chỉ là vấn đề của việc luyện tập mà thôi.
-
Bỏ qua những lỗi lầm
Việc đọc nhầm hoặc chơi nhầm note là một điều rất hiển nhiên. Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là đạt được độ chính xác 100% và đó là một quá trình đầy cam go, về thời gian cũng như về công sức. Vậy nếu một ngày nào đó, bạn bỗng có cơ hội được thị tấu chung với một ban nhạc trong điều kiện kỹ năng của mình chưa chín muồi, bạn liên tục bị mắc sai lầm trong suốt bản nhạc thì cũng đừng lo. Nếu đã lỡ đọc nhầm thì hãy cứ bình tĩnh đọc những phần tiếp theo. Đừng quá tập trung vào những lỗi sai đã qua của mình, điều đó chỉ làm tâm trí của bạn thêm xáo trộn và tạo ra nhiều sai lầm tiếp theo trong suốt bản nhạc.
-
Luyện tập
Cuối cùng, không gì khác hơn là bạn phải luyện tập thật nhiều. Đây là một công việc mà thời gian bạn cần bỏ ra phải được tính bằng số năm rèn luyện. Việc đọc nhạc cũng giống như việc luyện tập cách đọc một văn bản ngôn ngữ. Não cũng bạn sẽ được luyện tập liên tục để có thể tạo ra những phản xạ tốt đối với loại hình ‘ngôn ngữ’ này. Do đó, bạn sẽ cần bỏ ra thật nhiều công sức, liên tục phạm sai lầm, chán nản,… Tuy nhiên, nếu bạn thực sự yêu thích âm nhạc và mong muốn mình trở thành một nghệ sỹ chuyên nghiệp. Tại sao không chứ?
Biên soạn: Nguyên Lắc Idol
Phát hành: ADAM Muzic Academy
Tài liệu tham khảo
Eric, 5 Steps to Mastering Sight-Reading, https://www.jazzadvice.com/5-steps-to-mastering-sight-reading/, [14/10/2017]