9 bước phát triển con đường âm nhạc của nghệ sĩ
ADAM Muzic xin gửi đến các bạn Infographic “9 bước phát triển ngành thanh nhạc” với hy vọng có thể giúp các bạn có được cái nhìn toàn diện về việc bắt đầu như thế nào, cần học những gì và phát triển ra sao.
Bước 1: Tìm hiểu các vấn đề cơ bản, các khái niệm, thuật ngữ … trong thanh nhạc.
Những vấn đề này giúp bạn có được sự hiểu biết cơ bản nhất trong âm nhạc. Bạn sẽ hiểu hơn về giọng hát của mình, đồng thời cũng việc hiểu biết một số thuật ngữ cũng giúp bạn trao đổi thông tin với các nhạc sĩ, ca sĩ khác, tìm kiếm thông tin chuyên môn dễ dàng hơn.
Bước 2: Tìm hiểu về phẫu thuật học – các bộ phận cơ thể liên quan ca hát
Đây là một bước thường bị bỏ qua do tính “lạc quẻ” của nó. Nhưng thật sự, đây là một bước rất quan trọng mà hầu như các phương pháp âm nhạc mới trên thế giới đều áp dụng vào giáo dục thanh nhạc. Khi bạn hiểu cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của các bộ phận liên quan và hỗ trợ việc hát, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát và điều khiển để tạo ra mọi âm thanh mình mong muốn.
Bước 3: Tìm ra điểm yếu trong giọng hát
Đây là giai đoạn bạn tìm ra các khuyết điểm của mình, nếu bạn có khuyết điểm và khắc phục được đó, việc hát của bạn về cơ bản sẽ không còn “sạn”. Nếu vượt qua được bước này, bạn đã nằm trong top “hát khá” rồi đấy :D.
Bước 4: Tập luyện các kỹ thuật hoa mỹ trong thanh nhạc
Khi đã hát “khá” rồi, bạn cần dành nhiều và rất nhiều thời gian để góp nhặt, tập luyện các kĩ thuật thanh nhạc ở mọi thể loại âm nhạc, từ các kĩ thuật rung ngân, luyến đến những kĩ thuật gằng giọng, gào thét.
“Học nhiều kĩ thuật quá để làm gì?”
Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn đặt ra khi học thanh nhạc. Thật ra nhiều bạn cứ nghĩ rằng: “Em thích pop” hoặc “giọng em phù hợp thể loại rock”. Cái này là nhận định chưa sâu, bạn thích hoặc nghĩa rằng mình phù hợp không có nghĩa là bạn sẽ tự giới hạn mình trong khuôn khổ đó. Nếu bạn muốn sáng tạo tốt, bạn phải biết nhiều “công cụ” để sáng tạo. Đó là lý do bạn nên biết nhiều kĩ thuật hát. Một khi đã thuần thục nhiều kĩ thuật, khi hát tới câu nào, dùng kĩ thuật gì là sự tự do sáng tạo của bạn :).
Bước 5: Luyện tập đưa cảm xúc vào bài hát
Đây là bước quan trọng nhất trong nghệ thuật. Nhiều bạn nghĩ rằng có kĩ thuật tốt thì hát sẽ hay. Nhưng không phải vậy. Âm nhạc và tất cả các môn nghệ thuật khác, cần phải có cảm xúc. Một người có thể lắng nghe bạn hát mê say khi bạn hát bằng cảm xúc của mình (tất nhiên không phải hát kiểu tra tấn), còn nếu chỉ dùng kĩ thuật, họ chỉ trầm trồ, ồ lên vì kĩ thuật quá tốt nhưng sẽ không phải là cái đi sâu vào tâm hồn mỗi người. Cảm xúc được tôi luyện qua thời gian, sự trải nghiệm, vốn sống, qua sách, tiểu thuyết, phim ảnh… Hãy sống trong ca khúc, đừng học thuộc lòng.
Bước 6: Định hình phong cách biểu diễn cho từng dòng nhạc
Khi đã có đầy đủ các bước trên, bạn đã hoàn toàn tự tin rằng mình hát hay rồi đấy.
Bước tiếp theo, bạn sẽ học cách “hát cho ra chất”, mỗi thể loại đòi hỏi cách xử lý khác nhau, thậm chí cách phát âm, nhún nhảy, di chuyển,… cũng khác tuốt. Hãy cứ tưởng tượng một bạn mặc bộ đồ đen, tóc dài, gai gốc như các nhóm Punk ra đọc ráp, chơi DJ và nhảy Hip Hop??? Hay một anh chàng nhìn rất kool, giới thiệu một ca khúc R&B sau đó luyến láy y như hát vọng cổ??? Hát cho ra chất không phải dễ nhưng nó sẽ giúp bạn vươn tới một đẳng cấp khác, chuyên nghiệp hơn.
Bước 7: Cá tính nghệ sĩ riêng biệt
Chất riêng. Cái này khó mà lại dễ, thật ra là bạn cứ hát đại theo cái kiểu mình thích, mặc style đồ mình thích, … Nói vậy thôi chứ không hẳn vậy. Sau khi học rất nhiều thứ về âm nhạc, mọi người thường có xu hướng bắt chước hoặc bị dính chặt bởi một phong cách nào đó. Không quá khó khi bạn nghe thấy một ca sĩ học cổ điển quá lâu sẽ hát nhạc trẻ cũng ra chất cổ điển. Một người bình thường nghe nhạc của một ca sĩ nào đó quá nhiều cũng có xu hướng bắt chước y chang. Cái khó khi phát triển chuyên nghiệp là bạn đừng có giống ai hết. Cứ pha trộn những gì mình học cùng với cá tính riêng của mình và đem nó vào âm nhạc. Cả thế giới có nhiều người nhảy giống Michael Jackson lắm, nhưng nhắc đến Ông hoàng nhạc Pop nhảy nhót như vậy thì chỉ có một mình ổng thôi. Hong có người thứ hai giống ổng. Nếu có, sẽ bị gọi là Bản sao, hàng nhái, đạo …. Thế nên hãy cứ tự tin làm chính mình bạn nhé.
Bước 8: Rèn luyện nhiều kỹ năng biểu diễn trên sân khấu
Đến đây là bạn đã chuyên nghiệp lắm rồi, nhưng chỉ dừng lại ở việc hát. Một ca sĩ chuyên nghiệp thì không dừng lại ở đó.
Có ca sĩ vừa bước lên sân khấu, gặp vài khán giả mặt như đi hội nghị toàn cầu là đã xanh mặt, run cầm cập. Lại có ca sĩ khi lên sân khấu hát rất hay, MC hớn hở chạy đến phỏng vấn thì phát biểu như bị teo não. Hoặc nhiều bạn khi hát nhạc ballad xúc động khiến khán giả chảy nước mắt, vừa hát đến bài thứ hai kết hợp nhảy với vũ đoàn thì thở hồng hộc như bị co thắt phổi. Như vậy nếu bạn cũng muốn phát triển chuyên nghiệp thì nên chú ý đến bước này. Các kĩ năng, tâm lý, ứng xử…. rất quan trọng.
Bước 9: Hoạch định hướng đi dài hạn trong con đường nghệ thuật.
Đến đây bạn có thể tự hào về năng lực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, bạn hát hay là một chuyện, làm sao để khán giả biết đến bạn lại là chuyện khác, đầu tư vào cái gì, khi nào, bao nhiêu, sắp xếp thời gian, lịch diễn, cộng tác các nghệ sĩ như thế nào, truyền thông như thế nào, rồi bản quyền, pháp lý… Hãy dành thời gian nghe chia sẻ từ những người chuyên nghiệp hoặc thuê người có chuyên môn làm công việc đó cho bạn. Đừng tự làm, vì chuyên môn của bạn là hát, hãy tập trung vào nó thôi. Bạn cần hiểu để biết những gì mình cần chuẩn bị chứ không phải để làm tất cả.
ADAM Muzic chúc các bạn thành công.
Biên soạn: GV Đoàn Nhược Quý – ADAM Muzic Academy