NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ
Hôm nay ADAM Muzic sẽ giới thiệu tới các bạn một loại hình nghệ thuật truyền thống vĩ đại của người Việt Nam đã và đang khiến thế giới ngưỡng mộ.
Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 07/11/2003, non nước Thần Kinh đón nhận một vinh quang lớn, đó là NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại. Trong suốt hơn một thập kỷ, Nhã nhạc cung đình Huế nắm giữ vai trò là quốc nhạc, nhằm tăng thêm sự trang trọng, quyền quý cho các tế, lễ trong cung đình. Chính vì vậy các triều đại phong kiến ngày xưa rất chú trọng việc phát triển loại hình âm nhạc này nhằm khẳng định vị thế của một vương triều trường tồn, lớn mạnh.
Khác với âm nhạc trong dân gian, Nhã nhạc cung đình Huế là một loại hình âm nhạc bác học mang tính chính thống. Nhã nhạc cung đình Huế có quy mô tổ chức và biểu diễn rất lớn với những quy định về nội dung, cách diễn xướng, trang phục,… vô cùng chặt chẽ. Chính vì những lý do đó mà khái niệm về Nhã nhạc không chỉ có riêng ở VIệt Nam mà còn xuất hiện ở triều đình Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản,…
Lịch sử hình thành và phát triển
Theo cách gọi của chế độ phong kiến ngày xưa, Nhã nhạc là âm nhạc của sự tao nhã, đối lập với Tục nhạc (âm nhạc trong dân gian). Nhã nhạc được hình thành vào thời Lý (1010-1025) nhưng phải đến thời Lê (1427-1788) mới phát triển thực sự với những quy củ rỏ ràng, bài bản. Lúc này, Nhã nhạc được đặt ra với 8 loại nhạc: Giao nhạc, Miếu nhạc, Nhũ tự nhạc, Cứu nhật nguyệt lai trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, đại yến nhạc, Cung trung nhạc. Mỗi một loại biểu diễn trong những dịp tế lễ khác nhau và những đối tượng được xem khác nhau. Tuy phong phú, rực rỡ là thế nhưng càng tới cuối triều Lê vì điều kiện kinh tế, chính trị không cho phép nên Nhã nhạc bắt đầu suy thoái Đây là giai đoạn mà các vua triều Lê không nắm trong tay thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa (hữu danh vô thực).
Đến thời Nguyễn (1802-1945) Nhã nhạc cung đình Huế bắt đầu hồi sinh ngoạn mục với những bổ sung phong phú hơn, quy mô hơn với tần xuất sử dụng nhiều hơn. Nguyễn quy định ra 7 thể loại âm nhạc: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Hằng năm có rất nhiều lễ, tế có sử dụng Nhã nhạc, như những lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng, Nam giao, Sinh nhật vua, hoàng hậu,.. Đó là những lễ tế cố định. Còn có những lễ tế bất thường như: đăng quang, tang lễ vua, hoàng hậu, đón tiếp sứ thần, lễ mừng thọ, yến tiệc,…
Đến cuối thời Nguyễn (Cuối thể kỷ XIX), giặc Pháp xâm lược tàn phá Việt Nam, triều đình phong kiến bị dần kiểm soát quyền lực nên Nhã nhạc cũng dần không còn được sử dụng nhiều. Thêm vào đó là sự xuất hiện của âm nhạc phương Tây được mọi người ưa chuộng nên Nhã nhạc cung đình Huế càng thêm phần mờ nhạt. Lúc này rất may mắn khi bà Từ Cung, tức mẹ của vua Bảo Đại đã tập hợp được những nghệ nhân cung đình để duy trì được một số thể loại trong Nhã nhạc.
Những năm 80 thể kỷ XX, Nhã nhạc cung đình Huế bắt đầu nhận được sự lưu tâm từ Bộ Văn hóa. Đến những năm 90 thì loại hình âm nhạc này bắt đầu phục hưng và được giữ gìn, phát triển đến nay.
Quy mô của Nhã nhạc cung đình Huế
Phải nói rằng, Nhã nhạc mang một quy mô vô cùng lớn lao và sâu sắc về nội dung lẫn hình thức.
Về nội dung, Nhã nhạc cung đình có hàng trăm chương, mỗi chương gồm nhìu bản nhỏ hơn bao gồm nguyên gốc và bản dịch (các bài ca được viết bằng tiếng Hán) do Bộ Lễ biên soạn. Mỗi tế, lễ đều có những chương riêng phù hợp với nội dung và tính chất. Như Tế Giao có 9 nhạc chương có chữ Hòa trong hòa hợp, Lễ Đại triều gồm 5 nhạc chương mang chữ Bình trong hòa bình, Lễ Vạn Thọ có 7 nhạc chương mang chữ Thọ trong trường thọ,…
– Giao nhạc (nhạc ở đàn tế giao)
– Miếu nhạc (nhạc trong các đền miếu)
– Ngũ tự nhạc (nhạc của năm cuộc tế lễ)
– Cửu nhật nguyệt giao trùng nhạc (nhạc để cứu mặt trời, mặt trăng khi có nhật thực, nguyệt thực)
– Đại triều nhạc (nhạc khi có đại triều)
– Thường triều nhạc (nhạc trong các buổi thường triều)
– Đại yến cửu tấu nhạc (nhạc trong những yến tiệc lớn)
– Cung trung nhạc (nhạc trong cung)
Về cơ cấu nhạc khí, theo quy định có 6 dàn nhạc: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc. Có đến hơn 30 chủng loại và tổng số lượng lên đến hằng trăm nhạc khí.
Mỗi 1 dàn nhạc được quy định những bài nhạc, nhạc khí riêng cho dàn nhạc đó. Ví dụ dàn Tiểu nhạc sẽ tấu 15 bản gồm 10 bản Ngự và 5 bản Ngũ với những loại nhạc khí như: Trống bản, Phách tiền, Não bạt, Tam âm la, Mõ sừng trâu, Trống chiến, Sáo, Đàn tam Đàn nhị Đàn tỳ, Đàn nguyệt). Còn dàn Đại Nhạc sẽ tấu 16 bản gồm các bản như: Ngũ lôi, Xàng xê, Mã vũ, Cung Nam, Nam Ai, Nam Bình,…với các nhạc khí như: Trống đại, Trống chiến, Bồng,Não bạt (xập xoã),Mỏ sừng trâu, Trống cơm, Kèn bầu, Kèn lỡ, Đàn nhị (nhạc cụ phụ, chỉ dùng duy nhất khi tấu bài Nam bình).
Tầm quan trọng của Nhã nhạc cung đình Huế
Với tất cả những giá trị lớn lao về văn hóa, nghệ thuật, lịch sữ, Nhã nhạc cung đình Huế xứng đáng là một di sản khẳng định truyền thống văn hóa và trí tuệ của người Việt Nam. Nhã nhạc chứa đựng trong mình những tư tưởng, triết lý của văn hóa phương đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Nhã nhạc còn là loại hình âm nhạc có cả một hệ thống kết cấu phức tạp nhưng chặc chẽ và vô cùng hài hòa mà rất ít các dân tộc trên thế giới có được.
Chính vì vậy mà từ sau 1975 đến nay chính phủ và các cá nhân, đoàn thể quan tâm đến Nhã nhac cung đình Huế đã khởi động, thực hiện rất nhiều dự án để khôi phục, duy trì và phát triển Nhã nhac. Với những nỗ lực không ngừng cùng sự giúp đở từ quỹ UNESSCO, chính phủ Nhật Bản,…Nhã nhạc tuy không thể phục hồi toàn vẹn nhưng đã bảo tồn được một phần lớn các bản nhạc quan trọng, đưa Nhã nhạc đền gần với dân chúng hơn trong khi trước đây vốn chỉ có hoàng tộc mới được thưởng thức. Nhã nhạc cũng đã được đưa ra thế giới và nhận được sự công nhận cũng như ngưỡng mộ của giới chuyên môn quốc tế.
Bài viết này không thể cung cấp đầy đủ các kiến thức rộng lớn về Nhã nhạc cung đình Huế như cấu trúc các bài, chương, cách diễn xướng, trang phục, điệu múa,… nhưng ADAM Muzic hy vọng phần nào cũng đã giúp các bạn hiểu hơn về Nhã nhạc cung đình Huế và giá trị của Nhã nhạc. Các bạn hãy tự hào khi là một người con đất Việt, nơi chứa đựng những điều vĩ đại được cả thế giới ngưỡng mộ.
Writer: Nguyễn Tường Quân
Published: ADAM Muzic
Reference:
Th.Sh Lê Thị An Hòa, Lịch sử hình thành và phát triển Nhã nhạc Cung đình Huế, http://thegioidisan.vn/vi/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-nha-nhac-cung-dinh-hue.html, [March 03, 2017]
Trần Lê Túy Phượng, [Feb, 03, 2015], Dân ca nhạc Việt Nam – Nhã nhạc cung đình Huế, https://dotchuoinon.com/2015/02/03/dan-ca-dan-nhac-vn-nha-nhac-cung-dinh-hue/, [March 03, 2017]
Mytour.vn, [June 15, 2014], Nhã nhạc – âm thanh cung đình Huế, https://mytour.vn/location/5296-nha-nhac-am-thanh-cung-dinh-hue.html, [March 03, 2017] [Oct 15, 2011], Nhã nhạc cung đình Huế, http://tintuc.hues.vn/nha-nhac-cung-dinh-hue/, [March 03, 2017]