Như bài định nghĩa về Belting trước mình đã đề cập, Belting là kĩ thuật tăng lực hát, âm lượng, chất lượng âm thanh, hát được các nốt vừa cao vừa lớn, nhằm tạo ấn tượng cao trào trong bài hát.
Các bạn có thể xem lại Link dưới đây: https://adammuzic.vn/belting-luc-hat/
Dưới đây mình đề cập rất nhiều bài tập nhằm cải thiện lực hát, âm lượng, chất lượng âm thanh để các bạn có thể áp dụng vào Belting.
- Tăng lực bật của làn hơi:
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của độ chắc làn hơi, sự duy trì của áp suất khí dưới dây thanh cao, nhằm tăng âm lượng và chất lượng âm thanh.
Sau khi đã lây hơi đúng cách, chúng ta sẽ tập sức bật của cơ hoành và cơ thẳng bụng để tăng áp suất làn hơi. Nếu bạn muốn xem lại chi tiết cách lấy hơi đúng, hãy bấm vào đây.
Bài tập bật hơi 1: Lấy một hơi thở đúng cách và thư giãn, sau đó xì bật ra từng đợt nhỏ, mạnh và dứt khoát. Thực hiện liên tục trong 30-40 giây. Trong lúc bật hơi ra, hãy chú ý siết chặt cơ thẳng bụng vào trong. Nếu quên hãy ho vài tiếng và chú ý xem cơ bụng hoạt động như thế nào rồi áp dụng vào bài tập.
Bài tập bật hơi 2: Staccato, hát bật rời quãng 5 (5-4-3-2-1) với âm “A”. Trong lúc hát hãy áp dụng cách sử dụng cơ bụng đã làm ở bài 1.
Nguồn ảnh: musicconnectiondanvers.com
- Tăng độ kết nối dây thanh, tập cơ dây thanh:
Độ khép hay còn gọi là độ kết nối dây thanh, đặc biệt là phần mép của dây thanh. Nếu phần này quá kém kết nối, giọng của bạn sẽ bị yếu, nhiều hơn, giọng không được rõ. Bởi vậy mà muốn tăng lực hát để thực hiện Belting cũng như thực hiện những kĩ thuật khó khác, bài tập này là không thể thiếu.
Vocal fry và kéo lên nốt cao:
Thực hiện vocal fry ở đầu một nốt thấp và kéo nốt đó lên cao một quãng 8. Giữ cảm giác lúc thực hiện vocal fry khi lên cao dần.
Âm a-e kết hợp, thực hiện kéo nốt 1 quãng 5:
Đọc âm a-e kết hợp (giống như trong từ “cat” của tiếng anh), cố tình tạo độ sắc bén, đanh chói của âm thanh và kéo nốt một quãng 5. Âm này còn giúp các bạn tập luôn cả phần twang.
Âm “Gee” thực hiện quãng 8 (8-8-8-5-1):
Phụ âm G yêu cầu chúng ta phải đóng mở hai dây thanh bất ngờ, cũng như nâng hạ vòm mềm bất ngờ thì mới có thể phát âm đúng được. Cho nên với phụ âm này, chúng ta có thể ghi nhớ cảm giác khi dây thanh khép sát lại với nhau. Nguyên âm “i” giúp bạn dễ dàng lên các nốt cao hơn. Bài tập này còn thích hợp để mở rộng quãng giọng nữa.
Nguồn ảnh: youtube.com –kênh Ken Tamplin vocal academy
- Thêm twang, tăng độ sáng và gắt:
Đầu tiên bạn hãy kiểm tra xem mình đã có kiến thức đầy đủ về twang chưa, nếu bạn chưa tìm hiểu phần này, hoặc muốn đọc lại, hãy bấm vào đây.
Bài tập thêm twang hiệu quả bằng âm “Nhe”.
Phụ âm “nh” và nguyên âm “e” đều yêu cầu bộ phận phát âm của chúng ta tạo twang.
Lúc thực hiện bài tập, hãy chú ý để cuống lưỡi hơi cao, cho phép thanh quản hơi trượt lên cao, và dùng thêm sự trợ giúp của khoang mũi. Phần họng của bạn sẽ hơi thắt lại, vì đây cũng là một tính chất của twang, nhưng đừng để thắt quá tránh bị đau họng.
Twang – nguồn ảnh: jvoice.org
- Khẩu hình giúp âm thanh của bạn dễ belting hơn:
Thông thường các khẩu hình dưới đây sẽ giúp bạn tăng chất lượng và âm lượng của giọng hát.
- Khẩu hình nhếch môi trên như tức giận hoặc cắn vào quả táo: Tăng độ twang và sáng, tăng âm lượng
- Mở dọc như ngáp, hoặc vòng cung ngược: tăng độ dày và tối, tăng âm lượng
Khẩu hình vòm cung
Khẩu hình nhếch môi trên như giận dữ
Các ca sĩ hát cổ điển, sử dụng headvoice cũng có thể áp dụng khẩu hình để belting, tạo cao trào, hát nốt vừa cao vừa lớn
Các bạn hãy theo dõi tiếp phần hai để đi hết các kĩ năng của Belting nhé!
Nhật Thanh
Nguồn tổng hợp