ADAM muzic xin chào các bạn. Chắc hẳn đối với những bạn đam mê âm nhạc và đang nung nấu ý định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp để có cơ hội đứng trên những sân khấu lớn, hay đơn giản chỉ muốn phát hành những ca khúc online chính thức, không ít bạn từng thắc mắc thậm chí trăn trở về việc làm sao để phát hành một ca khúc. Đối với nhiều bạn, điều này dường như rất khó khăn do không có nhiều mối quan hệ, cũng như không nhiều kiến thức được chia sẻ trên các trang mạng.
Hôm nay ADAM Muzic sẽ giúp các bạn giải toả những trăn trở này nhé.
Đầu tiên, các bạn cần xác định 2 vấn đề cơ bản nhất.
- Phát hành online
- Phát hành đĩa
Đối với cả 2 hình thức phát hành trên, bạn cần thực hiện theo trình tự sau:
I. Ca khúc
Bạn cần có 1 ca khúc, có thể do bạn tự sáng tác. Nếu bạn tự sáng tác, bạn có thể yên tâm vì không phải tốn chi phí mua ca khúc. Tuy nhiên bạn cần đăng kí quyền tác giả cho ca khúc của mình nhé :).
Hoặc của một nhạc sĩ khác sáng tác riêng cho bạn, độc quyền sử dụng. Nếu là ca khúc sáng tác cho riêng bạn và không một ca sĩ hay bên nào khác sử dụng ca khúc đó thì lúc này bạn cần có 1 thoả thuận “Độc Quyền” sử dụng ca khúc sẽ được nói ở phần sau. Tất nhiên việc mua độc quyền một ca khúc sẽ tốn của bạn không ít chi phí. Chi phí cho một ca khúc độc quyền ở Việt Nam dao động từ vài triệu đến hơn vài nghìn đô, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn cũng như tên tuổi, trình độ của người nhạc sĩ sáng tác ra nó.
Bạn có thể sử dụng lại ca khúc đã từng hoặc đang được thể hiện bởi những ca sĩ, nghệ sĩ khác thể hiện (không phải là ca khúc độc quyền). Trường hợp này bạn cần một hợp đồng sử dụng tác quyền ca khúc, hợp đồng này có thể kí kết trực tiếp với tác giả ca khúc đó hoặc thông qua Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – nơi được tác giả uỷ quyền các vấn đề mua bán sử dụng tác quyền ca khúc và các sản phẩm trí tuệ. Chi phí mua tác quyền 1 ca khúc dao động từ vài trăm đến vài triệu cho một ca khúc.
II. Giấy chứng nhận quyền tác giả và thoả thuận sử dụng ca khúc.
Nếu bạn tự sáng tác, bạn cần đến cơ quan chứng nhận quyền tác giả để đăng kí ca khúc của mình.
Hồ sơ đăng kí gồm
- CMND (Bản gốc và 2 bản sao)
- Văn bản ca khúc (2 bản)
- Lệ phí cho 1 tác phẩm âm nhạc (120.000đ)
- Nội dung ca khúc (Cái này bạn có thể viết trong mẫu mà cơ quan này đưa bạn. Nội dung chỉ cần viết rõ hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa, chủ đề. Người duyệt chỉ cần xem nội dung của bạn có ảnh hưởng đến văn hoá, tôn giáo, dân tộc, thuần phong mỹ hay không mà thôi nên bạn cũng không cần lo lắng vấn đề này.)
Nếu bạn mua ca khúc từ nhạc sĩ, phải đảm bảo họ cũng đã đăng kí ca khúc của họ với các bước tương tự trên và có giấy tờ rõ ràng.
Thêm vào đó, bạn và người nhạc sĩ đó phải kí kết với nhau một thoả thuận sử dụng tác quyền hoặc độc quyền ca khúc đó.
- Nếu là tác quyền, ca khúc bạn mua đương nhiên cũng sẽ được người nhạc sĩ bán cho nhiều bên khác sử dụng.
- Nếu là độc quyền, ca khúc bạn mua sẽ chỉ duy nhất do bạn sử dụng, nhạc sĩ không được phép bán cho bất kì bên nào khác và phải được thoả thuận rõ ràng trên văn bản.
Cần thoả thuận rõ thời gian sử dụng tác quyền, độc quyền (1, 2 hay 3 năm) và tỉ lệ ăn chia phần trăm (thông thường là 5/5 hoặc 6/4 hoặc 7/3, nhạc sĩ thường được phần lợi nhiều hơn) từ các lợi ích sau khi phát hành như nhạc chuông, nhạc chờ, quảng cáo… để tránh những kiện cáo sau này.
Trên thực tế, với những nhạc sĩ có tên tuổi và những nhạc sĩ lâu năm, họ đương nhiên hiểu các vấn đề này và đã chuẩn bị sẵn nên bạn hoàn toàn yên tâm. Nếu đã làm việc thường xuyên với những nhạc sĩ quen thì cũng không cần bận tâm nhiều, nhưng ADAM Muzic khuyên các bạn vẫn nên làm rõ ràng trước, mất lòng trước được lòng sau đặc biệt là với những bạn chưa có kinh nghiệm để tránh những đáng tiếc sau này.
III. Hoà âm, phối khí ca khúc
Bạn sáng tác xong một ca khúc, và muốn thu âm ca khúc đó thì bạn cần phải có phần nhạc nền. Phần nhạc nền này thường được gọi là các bản phối khí (instrumentals, backing track…), một số người vẫn quen gọi là bản Beat, tuy nhiên thuật ngữ này không hoàn toàn chính xác và dễ gây nhầm lẫn.
Chi phí cho một bản nhạc nền này dao động từ khoảng 800.000 nghìn đến vài triệu đồng. Bạn có thể lựa chọn 2 hình thức: thu âm nhạc cụ thật, ban nhạc thật, hoặc làm trên máy tính (sequencers). Phần lớn nhạc hiện nay làm theo hình thức thứ 2 do chi phí rẻ hơn và dễ dàng sửa đổi, thêm bớt, chỉnh sửa sau.
IV. Thu âm, mix, master nhạc
Đây là 3 công đoạn chính của một phòng thu, bạn có thể làm riêng lẻ nhưng tôi khuyên bạn nên làm cùng một chỗ để tiện lợi hơn, trừ khi bạn có mục đích riêng hoặc muốn những người nhạc sĩ chuyên từng mảng làm cho bạn. Bạn có thể lựa chọn cho mình một phòng thu uy tín phù hợp với ngân sách của mình. Chi phí thu âm giao động từ 300.000đ đến 3.000.000đ.
V. Album ảnh, thiết kế bìa đĩa, bìa album, nhãn đĩa…
Bạn có thể lựa chọn các studio chụp hình uy tín, đưa ra các ý tưởng phù hợp với nội dung trong album, single sẽ phát hành. Chi phí cho 1 album ảnh trọn gói như vậy như vậy sẽ dao động từ khoảng 3 triệu đến 10 triệu đồng.
VI. Xin giấy phép phát hành
Bạn có thể làm trực tiếp tại Sở văn hoá, thể thao và du lịch với chi phí khoảng 700.000đ đến 1 triệu đồng cho 1 album.
Như vậy bạn đã hoàn tất thủ tục cho 1 ca khúc, album sẵn sàng để phát hành online. Trong trường hợp bạn muốn phát hành ra đĩa và lưu hành trên thị trường, bạn cần thực hiện thêm 2 bước nữa đó là dán tem và in đĩa.
VII. Tem phát hành.
Thường được bán khi bạn xin giấy phép phát hành. Chi phí cho 1 lần in 500 – 1.000 tem phát hành chỉ vào khoảng 500.000đ.
Nếu bạn không quen đi đăng kí, bạn có thể thông qua các tổ chức, dịch vụ đăng kí thay bạn, tuy nhiên, thông qua dịch vụ chi phí sẽ khá vô chừng, giao động từ 3.000.000đ đến 6.000.000đ trên 1 album bao gồm cả đăng kí và chi phí cho 1.000 tem.
VIII. In đĩa
Chi phí in đĩa tuỳ thuộc vào chất lượng đĩa, mẫu mã, kiểu dáng của hộp đĩa, số lượng các trang hình bên trong… Chi phí sẽ dao động vào khoảng 12 – 20 triệu đồng trên 1.000 đĩa.
IX. Phát hành
Đây là bước cuối cùng, bạn có thể tự mang đĩa của mình đến các trung tâm băng đĩa, cửa hàng đĩa, nhà sách để kí gửi nhờ họ bán dùm bạn, hoặc bạn cũng có thể lựa chọn các công ty phát hành băng đĩa nhạc như Tuấn Trinh, H.P &P, Phương Nam Film … để họ tự phát hành trên các kênh phân phối có sẵn của họ.
Như vậy việc cho ra đời một ca khúc hay một sản phẩm âm nhạc cũng không phải quá khó khăn, tất cả đều có sẵn các dịch vụ nếu bạn sẵn sàng chi mạnh. Nếu chi phí hạn hẹp bạn phải chịu khó tự làm một mình từng bước một rồi cũng xong. Chi phí cho nghệ thuật là sự đầu tư vô giá, ADAM Muzic không thể ước lượng được bao nhiêu là đủ cho 1 album, hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cách thực hiện cũng như chi phí cho từng bước một.
Dưới đây là các trang web, thông tin của từng đơn vị và các văn bản quy định về việc thực hiện đăng kí tác quyền, giấy phép phát hành sản phẩm âm nhạc:
Cục Bản quyền tác giả
Trụ sở: 151 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba đình, TP. Hà Nội
Điện thoại: +84.4.38236908; Fax: +84.4.38432630; Email: [email protected]
Văn phòng Đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Điện thoại: +84.8.39308086; Fax: +84.8.39308087; Email: [email protected]
Văn phòng Đại diện tại TP Đà Nẵng: 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, Điện thoại: +84.511.3606967; Email: [email protected]
Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC
Địa chỉ: tầng 7 – 8, số 66 Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 84.4.3762 4718 – 84.4.3762 4719 – Email: [email protected]
Chi nhánh phía Nam: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.Điện thoại: 84.8.3910 4643 | Fax: 84.8.3910 2385
Thủ tục đăng kí sở hữu trí tuệ
Thủ tục đăng kí giấy phép phát hành băng đĩa nhạc
ADAM Muzic chúc các bạn thành công