Cao Văn Lầu
Trước khi tìm hiểu về bài Dạ Cổ Hoài Lang thì chúng ta sẽ tìm hiểu đôi chút về hoàn cảnh lịch sử lúc sinh thời của tác giả nhé! Cách đây gần 100 năm, Việt Nam vẫn còn là một đất nước theo chế độ phong kiến. Thời điểm này có một tầng lớp xã hội tiêu biểu đại diện, đó chính là tầng lớp địa chủ, cường hào ác bá. Chính vì sự tàn bạo của tầng lớp này mà vào một đêm cuối năm 1896, 20 gia đình bần nông ở xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An đã lén xuôi ghe về miệt thứ Bạc Liêu.
Lúc này ông Cao Văn Lầu, con trai ông Cao Văn Giỏi đã 6 tuổi (Cao Văn Lầu sinh ngày 22 tháng 12 năm 1890, tức ngày 04 tháng 11 năm Canh Dần). Cha của ông vốn là người trọng nho giáo, nên khi đến Bạc Liêu , ông đã được cha gửi vào chùa Vĩnh Phước An để học chữ Nho. Hơn 2 năm sau, phong trào chữ Quốc ngữ lan rộng, ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ và chỉ học được đến lớp nhị (tức là lớp 4 bây giờ) vì gia cảnh khó khăn. Liền sau đó ông theo học với thầy đàn Lê Tài Khị (1870 – 1948) ông nhanh chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn cò, đàn tranh, đàn kìm và bắt đầu được nhiều người biết đến. Đỉnh cao là khi soạn giả Mộng Vân lập gánh hát mời ông về làm nhạc trưởng.
Hoàn cảnh ra đời Dạ Cổ Hoài Lang
Thời gian thấm thoát trôi qua, cha mẹ thấy ông nay đã 20 nên giục ông lấy vợ. Nghe lời song thân, ông cưới một cô gái miền ven biển Bạc Liêu tên Trần Thị Tấn. 3 năm sau ngày cưới, bà Thị Tấn vẫn chưa có mang, theo tục lệ “Tam niên vô tử bất thành thê” ngày xưa, tức là 3 năm không thể có con thì không phải là vợ, nên gia đình ông Cao Văn Lầu bắt buộc ông phải thôi vợ. Vì thương thê tử mà ông chần chừ mãi không nói, đành lòng một ngày cha mẹ ông đã nói rõ sự tình với con dâu và trong một lúc nhàn nhã nghỉ ngơi buổi trưa, bà Thị Tấn bất ngờ nói với ông: “Má không cho mình ở với nhau nữa. Thôi anh cưới vợ khác, em về với mẹ cha em”…
Chiều hôm ấy, ông tiễn vợ ra đi trên bìa ruộng, quyến luyến đến khi cánh nhạn kêu chiều mới đành buông tay. Khoảng thời gian sau ông có lần qua nhà vợ tìm người xưa nhưng càng thêm sầu thương khi hay tin từ lâu người xưa đã ra đi biệt vô âm tín. Những tháng ngày về sau ông cứ chiều chiều ra bờ ruộng, ôm đờn mà khảy theo tiếng lòng, ông chau chuốt giai điệu, ca từ bằng cả tấm lòng của ông dành cho người vợ của mình. Càng nghĩ càng thương vợ, ông tin chắc rằng vợ ông thương ông hơn ông thương vợ nên ông mới đặt tên cho bản nhạc lòng này là Hoài Lang (tức là ngóng chờ chồng). Theo lời con trai của ông, ông Cao Kiến Thiết, trong một đêm ngồi chơi đàn, cha của ông chợt bị đánh động bởi tiếng trống canh, tiếng gõ khô khốc, trơ trọi như chính nỗi lòng cô đơn của cha ông nên ông đã hoàn thiện tên bài hát là Dạ Cổ Hoài Lang (Cổ tức là trống, Dạ là đêm, tức là Nghe Tiếng Trống Đêm Nhớ Chồng).
Còn một giai thoại khác nói về sự ra đời của bản cổ nhạc này, cũng có đôi chút liên quan đến nỗi niềm chia cách của vợ chồng ông Cao Văn Lầu. Đó là khi còn theo học với thầy đờn Lê Tài Khị, có một lần thầy Khị lấy đề tài “chinh phụ vọng chinh phu” trong bài Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn. Ông sáng tác được một phần bài cổ nhạc này rồi sau đó mới gặp cảnh vợ chồng ly tán vì tục “tam niên vô tử bất thành thê” rồi sau đó ông tiếp tục hoàn thành bản nhạc. Lúc này bài cổ nhạc đã có 22 câu, một đồng môn của Cao Văn Lầu là ông Ba Chột đã góp ý, bỏ bớt 2 câu trùng ý, thành ra bản nhạc 20 câu.
Riêng cái tên Dạ Cổ Hoài Lang cũng có một chút biến chuyển đổi dời. Đó là nhạc sĩ Lâm Tường Vân cho rằng nghĩa của nó còn hẹp, nghe tiếng trống đêm nhớ chồng, vậy tiếng trống ngày khi nghe không nhớ chồng sao. Cao Văn Lầu ông cảm nhận được ý hay nên đã đổi thành Vọng Cổ Hoài Lang (từc Nghe Tiếng Trống Nhớ Chồng). Nhưng vì thâm tình trong ca khúc đã làm động lòng người, trong màn đêm tịch liêu, tiếng trống càng thêm đơn côi hơn, nên cuối cùng cổ khúc vẫn mang tên Dạ Cổ Hoài Lang. Và vào một đêm rằm tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Hòa Thạnh (nay là phường 2, thị xã Bạc Liêu), tỉnh Bạc Liêu, bản Dạ Cổ Hoài Lang đã chính thước được ông Sáu Lầu (tức ông Cao Văn Lầu) công bố.
Đôi điều về bản cổ nhạc Dạ Cổ Hoài Lang
Bản Dạ Cổ Hoài Lang ngày nay chúng ta thường nghe đã là bản biến thể về ca từ lẫn nhịp của bài ca. Bài cổ nhạc này lúc đầu được viết và tấu ở nhịp 2. Rồi khi được đưa lên sân khấu cải lương, nó được biến thể thành nhịp 4 ( năm 1924), nhịp 8 (năm 1934-1944), nhịp 16 (năm 1944-1954), nhịp 32 (năm 1955-1964) và thành nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.
Về lời ca thì cũng một ít ca từ đã thay đổi. Do ngày xưa điều kiện bảo quản chưa tốt, đặc biệt là với gia cảnh khó khăn của mình thì ông Cao Văn Lầu đã không thể bảo quản tốt những ghi chép của mình. Nhưng may mắn đến gần cuối đời, năm 1972, ông đã chép lại bản nhạc với ca từ gốc và được gia đình ông lưu giữ đến nay đang được bảo quản trong Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.
Lời ca gốc của Dạ Cổ Hoài Lang:
- Từ từ phu tướng.
- Báu kiếm sắc phán lên đàng.
- Vào ra luống trông thơ nhạn.
- Năm canh mơ màng.
- Trông tin chàng.
- Gan vàng càng lại thêm đau.
- Lòng dầu say ong bướm.
- Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang.
- Đêm luống trông tin bạn.
- Ngày mõi mòn như đá vọng phu.
- Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
- Xin đó chớ phụ phàng.
- Chàng chàng có hay.
- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
- Bao thuở đó đây sum vầy.
- Duyên sắc cầm tình thương với nhau.
- Nguyện cho chàng.
- Đặng chữ bình an.
- Trở lại gia đàng.
- Cho én nhạn hiệp đôi với đó đây.
Và đây là dị bản được mọi người biết đến nhiều nhất hiện tại:
- Từ từ phu tướng.
- Bảo kiếm sắc phong lên đàng.
- Vào ra luống trông tin nhạn.
- Năm canh mơ màng.
- Em luống trông tin chàng.
- Cho gan vàng quặng đau í i.
- Đường dù xa ong bướm.
- Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
- Đêm luống trông tin bạn.
- Ngày mõi mòn như đá vọng phu.
- Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
- Sao nở phụ phàng.
- Chàng chàng có hay.
- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
- Biết bao thuở đó đây sum vầy.
- Duyên sắc cầm nhạt phai í i.
- Thiếp nguyện cho chàng.
- Nguyện cho chàng đặng chữ bình an.
- Mau trở lại gia đàng.
- Cho én nhạn hiệp đôi í i.
Giá trị và vị thế hiện tại của Dạ Cổ Hoài Lang
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nói: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thể kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.
Quả thật như vậy! Dạ Cổ Hoài Lang là tiền đề cho bao đoạn vọng cổ đã đi vào lòng người trong các tuyệt tác cải lương, tuồng cổ. Năm 1994, Dạ Cổ Hoài Lang được tỏa sáng trong vở kịch cùng tên tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, một ngày 3 xuất, suốt 4 ngày khán thính giả chen nhau chật cứng để mua vé vào xem kịch. Và trong suốt 20 năm sau, tất cả các xuất diễn từ bắc vào nam, từ Á sang Âu, tiếng ca bi ai của Dạ Cổ Hoài Lang vẫn chiếm trọn tình cảm khán thính giả khắp nơi.
Ngày 13 tháng 12 năm 2015, tại đêm thi phần thi tài năng, Hoa hậu Phạm Hương đã cất vang bài Dạ Cổ Hoài Lang tại cuộc thi Hoa Hậu Hoàng Vũ 2015 và gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế khi trình diễn một ca khúc thuộc hàng kinh cổ của di sản văn hóa phi vật thể Đờn Ca Tài Tử.
Và tháng 3 năm 2017, qua bàn tay của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và dàn diễn viên tài năng của nền điện ảnh Việt Nam, Dạ Cổ Hoài Lang lại một lần nữa chứng tỏ sức mạnh, vị thế của mình khi vượt khỏi biên giới Việt Nam, vang vọng trên đất Mỹ, làm lay động bao trái tim của kẻ tha hương.
Điều kỳ diệu là 90% đối tượng khán giả quan tâm đến phim Dạ Cổ Hoài Lang là những bạn trẻ, thế hệ vàng của Việt Nam và các bạn hoàn toàn bị chinh phục bởi những nổi niềm chất chứa trong tác phẩm này. Điều này dẫn đến một xu hướng tìm về cội nguồn, tìm về những giá trị truyền thống của các bạn trẻ, điều mà xã hội Việt Nam mong muốn từ rất lâu. Khắp các diễn đàn, các mạng xã hội như Facebook, zalo, instagram,.. đều tràn ngập những bài viết về Dạ Cổ Hoài Lang của các bạn trẻ. Thậm chí trên lĩnh vực thời trang, không ít các thiết kế dùng lời ca của Dạ Cổ Hoài Lang làm điểm nhấn cho sản phẩm.
Dạ Cổ Hoài Lang chính là một báu vật trong chiếc rương kho tàng Đờn Ca Tài Tử nam bộ nói riêng và kho tàng nghệ thuật dân gian cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói chung!
Writer: Nguyễn Tường Quân
Published: ADAM Muzic
Dẫn nguồn:
Baotintuc.vn, Từ dạ cổ hoài lang đến dân ca cải lương nam bộ, [18 March, 2014], http://baotintuc.vn/giai-mat/tu-da-co-hoai-lang-den-dong-dan-ca-cai-luong-nam-bo-20140813100113286.htm, [April 03 , 2017]
vich.vn, Những điều bạn nên biết về Di Sản Đờn ca tài tử Nam Bộ !, [2016], http://vich.vn/don-ca-tai-tu-nam-bo-2, [April 03, 2017]
tranquanghai1944, NGỌC DIỄM : NGHỆ NHÂN LÂM TƯỜNG VÂN: NGƯỜI “GIỮ LỬA” CHO ĐỜN CA TÀI TỬ CÀ MAU, [August 24, 2013], https://tranquanghai1944.com/2013/08/24/ngoc-diem-nghe-nhan-lam-tuong-van-nguoi-giu-lua-cho-don-ca-tai-tu-ca-mau/, [April 03 , 2017]
honglien, [Sep 29, 2019], Đi Tìm Bản Gốc Dạ Cổ Hoài Lang, http://www.conhacvie tnam.com/diendan/viewtopic.php?f=17&t=4249, [03 April, 2017]
Phúc Du, [March 23, 2017], Chuyển thể điện ảnh ‘”Dạ Cổ Hoài Lang” khó hay dễ, http://kenh14.vn/chuyen-the-dien-anh-da-co-hoai-lang-kho-hay-de-20170322235401888.chn, [April 03, 2017]
Nam Tống Duy, [December 15, 2015], Dạ Cổ Hoài Lang – PHẠM HƯƠNG Miss HHHV 2015, https://www.youtube.com/watch?v=CxKfVXFZ2PQ, [April 03, 2017]