Dây thanh đới (vocal folds/ vocal cords/vocal reeds) chính là một cặp dây bằng màng nhầy được kéo căng từ sau ra trước, nằm bên trong thanh quản (larynx). Chúng rung động do sự đẩy hơi từ phổi để tạo ra âm thanh (nói, hát, la hét…).
Source: http://voicedoctorla.com/voice-disorders/vocal-nodules-nodes/
Khi lấy hơi vào, toàn bộ dây thanh đới sẽ mở ra để đưa không khí vào phổi và sẽ đóng lại khi chúng ta cố giữ im hơi thở. Khi nói hoặc hát, dây thanh đới sẽ rung động liên tục, số lần rung động tùy thuộc vào cao độ âm thanh. Dây thanh đới rung động 440 lần trong 1 giây khi bạn hát nốt A4 (phía trên Middle C).
Dây thanh đới nằm phía bên trên ống khí quản (trachea) và nằm phía bên trong thanh quản (larynx). Nằm giữa 2 dây thành đới và thanh quản là phần thanh đới giả (false vocal folds).
Bên trên dây thanh đới là nắp thanh quản (epiglottis) có chức năng như một van đóng mở, khi nuốt thức ăn và đồ uống nắp thanh quản sẽ đóng lại để thức ăn và đồ uống không rơi vào thanh quản. Khi những thức ăn đồ uống đó đi sai đường, rơi vào thanh quản chính là lúc xảy ra hiện tượng ho, sặc.
Kích thước dây thanh đới đối với nam và nữ sẽ khác nhau. Đối với nam trưởng thành, giọng nói thường trầm hơn do dây thanh đới dài hơn và dày hơn. Dây thanh đới của nam thường dài khoảng 1.75 cm đến 2.5 cm, trong khi đối với nữ độ dài thường chỉ từ 1.25 đến 1.75 cm. Đối với trẻ em, dây thanh sẽ ngắn hơn nhiều so với cả nam và nữ trưởng thành. Sự khác nhau trong kích thước dây thanh đới sẽ dẫn đến sự khác nhau về cao độ giọng của mỗi người.
Dây thanh đới giả (false vocal folds) là cặp màng nhầy nằm bên cạnh dây thanh đới có tác dụng bảo vệ, khi chúng ta la hét hay sử dụng quá nhiều lực, 2 thanh đới giả sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bằng cách đè lên phía trên để giảm tổn thương dây thanh đới do lực đẩy quá mạnh từ phổi. Tuy nhiên khi hát chúng ta lại cần phải tránh việc này do nó làm hạn chế khả năng hát ở các nốt cao. Một điều đặc biệt là thực tế dây thanh đới giả vẫn được sử dụng như một cách để tập luyện kĩ thuật hát gào (screaming/death growl) trong một số thể loại. Ví dụ như nhạc rock hay trong kỹ thuật hát đông song thanh (Throat singing) của người Tây Tạng.
Như vậy, khi đã hiểu nguyên tắc cấu tạo của dây thanh đới, chúng ta có thể tự trả lời cho những câu hỏi sau đây mà nhiều người thường thắc mắc và đôi khi gặp những câu trả lời không thật sự chính xác.
Hỏi: Giọng nam và giọng nữ, giọng nào cao hơn?
Trả lời: Giọng nữ sẽ cao hơn giọng nam là điều chắc chắn, trừ một số trường hợp đặc biệt (giọng nữ trầm nghe gần giống giọng nam và giọng nam cao gần bằng hoặc cao hơn cả giọng nữ) do luyện tập hoặc do bẩm sinh.
Hỏi: Giọng người nước ngoài (người Âu/ Mỹ) cao hơn người Việt Nam do họ to con và khỏe hơn?
Trả lời: Thực tế, họ khỏe hơn thì có lợi thế hơn trong việc hát vì có thể vận dụng được hơi thở (người to nên phổi to hơn), cơ hoành (diaphragm) to hơn để tạo lực hát mạnh hơn. Nhưng họ to con hơn thì đương nhiên thanh đới cũng to hơn và chắc chắn âm thanh phải trầm hơn. Cũng giống như với nhạc cụ, bạn thấy cây contrabass to hơn cây violin mặc dù 2 cây này nhìn khá giống nhau nhưng rõ ràng tiếng violin cao hơn rất nhiều do nó có kích thước nhỏ hơn và dây cũng nhỏ hơn, ngắn hơn nhiều.
Source: http://www.learntoplaymusic.com/blog/arco-violin-bowing-technique-play-violin/
Tuy nhiên, do đặc tính ngôn ngữ của Âu Mỹ sử dụng âm gió, hơi khá nhiều nên có lợi thế trong việc tập giọng pha (mixed voice) nên phần lớn họ có thể phát triển giọng hát cao hơn người Việt. Thực tế, người Việt ở miền Bắc cũng có cách phát âm sử dụng hơi và âm gió nhiều hơn nên cũng có thể tập giọng pha dễ dàng hơn, giúp phát triển giọng hát cao hơn. Người miền Nam và miền Trung có cách phát âm nặng ở phần ngực, bên trong cổ nên khiến âm thanh nặng hơn, khó tiếp cận với khoảng âm của giọng pha (mixed voice).
Hỏi: Mỗi người có một âm vực (vocal range) – khả năng hát từ nốt thấp nhất đến cao nhất của giọng hát – nên không thể mở rộng ra mà chỉ có thể tập cho giọng khỏe hơn?
Trả lời: Không đúng, vì thực tế ở các nước phát triển về âm nhạc đã vận dụng được những kiến thức từ phẫu thuật học (anatomy) của giọng hát do quan sát quá trình hoạt động của dây thanh đới, thanh quản… để phát triển ra những phương pháp với những tài liệu, giáo trình giáo dục âm nhạc, thanh nhạc, giúp người học hiểu rõ và nắm bắt được cách kiểm soát giọng hát của mình, giúp hát được những quãng cao hơn sau một khoảng thời gian tập luyện. Một trong những phương pháp được nhiều người sử dụng để tập luyện là Speech level singing của Seth Riggs. Nếu có dịp bạn nên dành thời gian tìm hiểu phương pháp thú vị này.
ADAM Muzic hy vọng các bạn sẽ vận dụng những kiến thức của mình về dây thanh đới để có sự cải thiện nhanh nhất trong quá trình tập luyện. Nếu bạn thấy kiến thức này có ích, hãy chia sẻ với bạn bè của mình để giúp họ cùng phát triển nhé!