Tìm kiếm
Close this search box.
ADAM-MUZIC-LOGO-2020-1
Tìm kiếm
Close this search box.
Tìm kiếm
Close this search box.

Độ Ta Không Độ Nàng và tầm quan trọng của việc hiểu nghĩa ca khúc

Độ Ta Không Độ Nàng và tầm quan trọng của việc hiểu nghĩa ca khúc

Những ngày qua, ca khúc Độ Ta Không Độ Nàng đang làm cuộc tổng tấn công càn quét trên mạng xã hội và các trang âm nhạc. Giai điệu quen thuộc, bắt tai, lời ca đậm chất ngôn tình cùng cốt truyên nguyên tác, là những yếu tố giúp ca khúc nhanh chóng được mọi người đón nhận.

Đây là một ca khúc nhạc Hoa của Cô Độc Thi Nhân, được viết lời Việt và tính đến hiện tại, Anh Duy là chủ nhân bản cover được nhiều người biết đến nhất. Anh Duy tên thật là Trần Thế Nhân. Anh Duy cũng là tác giả bản phối cho chính ca khúc anh đã cover này. Anh còn thực hiện cả 3 video clip dạng radio để phân tích cốt truyện và tháo gỡ các nút thắt trong câu chuyện mà ca khúc này đang gắn liền.

Khi mới nghe đến tên ca khúc này, mình lại liên tưởng đến một ca khúc trẻ trung, hiện đại với phần hát rap “cool ngầu” vì nghe tới từ độ mình nghĩ ngay đến độ xe và dân chơi. Nhưng sau khi tìm nghe kỹ thì thấy thú vị vì cách đặt lời của tác giả. Tuy là bám sát lời gốc Hoa chứ không phải tự phóng tác, nhưng tác giả có cách hành ngôn rất thuật tai và thông suốt.

Tất nhiên với sức quyến rũ này, thì ca khúc Độ Ta Không Độ Nàng nhanh chóng trở thành một trào lưu cho dành cho các bạn yêu thích cover. Chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm video clip cover ca khúc này từ nghiệp dư đến bán chuyên. Nhưng nếu tinh ý nhận ra, các bạn sẽ thấy Duy Anh là người thể hiện ca khúc có hồn nhất và có chất riêng nhất. Bởi vì Duy Anh có niềm đam mê, kiến thức và đặt tâm hồn mình vào khi thực hiện sản phẩm. Chúng ta không thể làm tốt nếu chúng ta không hiểu vấn đề đúng không nào?

Lướt qua hầu hết các video và audio, (mình không dám nhận xét chuyên môn) có thể nhận thấy rằng diễn xuất, sắc thái biểu cảm các bạn chọn cho ca khúc không phù hợp. Bên cạnh đó dù giọng hát mỗi người khác nhau, nhưng sắc thái giọng hát trong đa số các sản phẩm đều như nhau. Chính là vì không phải ai cũng hiểu tường tận ý nghĩa lời ca.

Hiện tại ca khúc đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi xét theo khía cạnh tôn giáo, nên mình xin mạn phép không bàn luận vấn đề tôn giáo mà chỉ luận bàn về ý nghĩa các hình ảnh, từ ngữ theo đúng nghĩa đen của nó trong ca khúc. Chúng ta thử tìm hiểu cùng nhau nhé!

Ý nghĩa các hình ảnh, từ ngữ trong ca khúc

1. Bỉ Ngạn: 1 loài hoa có thật

Hoa bỉ ngạn là một loài hoa đặc biệt vì khi có lá thì hoa không nở và khi hoa nở lá sẽ không còn. Hoa gợi nên hình tượng một đôi nam nữ dù ở gần nhau nhưng mãi không thể ở bên nhau, như câu nói “vô duyên đối diện bất tương phùng”.

Tại Nhật Bản, hoa bỉ ngạn đại diện cho hồi ức đau thương. Tại Hàn Quốc, lại là loài hoa gợi nhớ về nhau. Và tại Trung Quốc bỉ ngạn là loài hoa của sự thuần khiết, vì vẻ đẹp mong manh của mình, nhưng đồng thời hoa cũng tượng trưng cho sự phân ly, khổ đau, vẻ đẹp của cái chết. Người Trung Hoa tin rằng: bỉ ngạn là loài hoa duy nhất có thể nở trên đường đến huỳnh tuyền. Tựu chung lại, đây là loài hoa đại diện cho sự chia ly, tuyệt vọng.

Truyền thuyết kể rằng hoa bỉ ngạn mọc khắp chung quanh cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong xuyên. Các linh hồn khi đi qua sẽ gởi lại toàn bộ ký ức buồn vui chốn hồng trần cho những cánh hoa bỉ ngạn.

2. Hồng Trần (Bụi đỏ):

Đây là một mỹ từ mà đa số chúng ta đều nghĩ là xuất phát từ Phật giáo – nói về đời sống của chúng sinh. Thực ra, hồng trần là một hình ảnh xuất hiện và dùng nhiều trong văn học Trung Quốc ngày xưa, chỉ cảnh bụi đỏ bay mịt mù hoặc cảnh phồn hoa đô hội náo nhiệt. Thâm sâu hơn, hồng trần còn chỉ tất cả những gì thuộc về thế tục, liên quan đến con người và vạn vật.

Câu “Nhìn thấu hồng trần”, cũng chẳng phải của nhà Phật, mà là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm xưa do chịu ảnh hưởng tự nhiên vô vi của Đạo gia. Các ẩn sĩ, những kẻ muốn xa rời thế tục sau khi sống và chiêm nghiệm, quyết định lui về chốn tĩnh mịch để quy ẩn trong thanh nhàn.

Cũng vì lẽ đó mà hình ảnh hồng trần luôn gắn liền với sự hoài niệm: khi con người ta sống quá nửa đời người, nay ngoái đầu nhìn lại những gì xảy ra, những gì chúng ta đã làm, đã nhận và đã bỏ lại.

3. Ái Ố:

Ái và Ố là 2 bạn trong nhóm bạn thân 4 người Hỉ, Nộ Ái, Ố. Đây là 4 loại tình cảm cơ bản của con người.

.Hỉ: Việc vui mừng, hân hoan mừng rỡ thể hiện quá rõ ra bên ngoài

.Nộ: Có thể hiểu là sự phẫn nộ, nổi nóng bất chợt, đôi khi là vô lý

.Ái: Có thể xem là việc nam nữ yêu nhau một cách quá si mê

.Ố: Thể hiện sự căm ghét, thù hận và luôn nhớ về mối thù đó ở trong lòng mà không thể xoa dịu đi

Thật ra hội bạn thân này còn có 3 người nữa là Ai, Lạc và Dục, tạo nên ‘thất tình lục dục’ theo cách gọi nhà Phật.

4. Cương Thường:

Chính là trích ra từ Tam Cương Ngũ Thường. Nói đến đây có lẽ một số bạn sẽ cho rằng Tam Cương là thuyết của Nho giáo, nhưng Tam Cương là thuyết của Pháp gia. Mình xin minh oan cho Nho giáo như sau:

Tam cương là: quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương; nói gọn là đạo làm người giữ quân – thần, phụ – tử , phu – thê.

Đây chính là những nguyên tắc hà khắc đến chết người của người xưa. Đó chính là: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung); “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (Cha khiến con chết, con không chết không hiếu). Còn mối quan hệ vợ chồng thì: “Phu xướng phụ tùy” (Chồng nói ra, vợ phải theo). Phụ nữ phải học tam tòng: “Tại gia tòng phụ” (Ở nhà theo cha); “Xuất giá tòng phu” (Lấy chồng theo chồng); ”Phu tử tòng tử” (Chồng chết theo con trai),..

Chúng ta có thể thấy rõ sự chèn ép, độc tài độc đoán và giáo lý hà khắc là điều cốt lõi vận hành Tam cương. Nhưng lục tìm hết Tứ thư, Ngũ kinh sẽ thấy không hề nhắc tới Tam Cương. Bên cạnh đó, Nho giáo đề cao tính Đức trị chứ không phải Pháp trị.

Ngũ thường: Ngũ là năm, thường là hằng có. Ngũ thường là năm điều phải hằng có trong khi ở đời, gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

5. Niên Hoa:

Đơn giản chính là tuổi thanh xuân. Nói về thanh xuân thì có lẽ, điều đáng tiếc nhất chính là chúng ta đã không sống một thanh xuân như ta muốn. Vậy nên hãy để thanh xuân là những ký ức đẹp, rồi khi bước qua bên kia con dốc của cuộc đời, ngoảnh đầu nhìn lại, chúng ta sẽ không tiếc nuối mình đã phung phí thanh xuân đến nhường nào.

6. Hoa rơi hữu ý – nước chảy vô tình:

Xuất xứ hình ảnh này là câu: “Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy. Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa” (Hoa rơi có ý theo nước chảy. Nước chảy vô tình cuốn hoa trôi) do thiền sư Sĩ Khuê ở am Trường Túc viết.

Đây là hình ảnh rất đẹp, mang tính ước lệ cao và vô cùng giàu cảm xúc, nói về sự chia xa của đôi lứa, thường gặp trong văn học Trung Hoa xưa. Hoa rơi xuống dòng nước như muốn quyện vào làm một, ủy thác cuộc đời mình cho dòng nước, nhưng dòng nước kia lại vô tình cứ cuốn hoa đi xa mãi không biết đâu là bến bờ.

Tạm kết

Qua sự phân tích có phần còn khiêm tốn của mình, thì đây là 1 ca khúc có giai điệu tuy dễ hát, nhưng để nắm bắt được cái mỹ tình trong nó thì rất khó. Nó đòi hỏi chúng ta, người hát ít nhất phải hiểu những hình ảnh đầy tính thơ và mang nặng triết lý nhân sinh. Và nếu là một người từng trải, thấm nhuần được những triết lý này sẽ càng thể hiện ca khúc hay hơn.

Mình cũng không đưa ra kết luận riêng về cách hiểu những hình ảnh này khi đặt vào ca khúc, vì mỗi người có một quan niệm riêng. Chỉ qua đây, hy vọng rằng chúng ta thấy được tìm hiểu ý nghĩa lời ca quan trọng đến nhường nào. Nếu ta không thể thấu hiểu tâm tư của tác phẩm mang trong mình, thì phần thể hiện chỉ là một phiên bản trả bài thuộc lòng. Còn nếu ta hát ca khúc với sự thấu cảm, thì sẽ dễ dàng chạm đến trái tim người nghe.

Dưới đây là một bản cover xuất hiện muộn nhất tính đến thời điểm hiện tai, nhưng mình đánh giá là mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho người nghe với cách xử lý rất đặc trưng của Tăng Vũ Minh Phúc – Quán quân Ẩn Số Hoàn Hảo mùa đầu tiên 2019.

Cũng nói qua đôi chút vì sao mình ấn tượng với bản cover này.

Đầu tiên, sự cân bằng đã xuất hiện khi ca khúc này có giai điệu buồn não nề bởi bản phối của các nghệ sĩ Việt Nam, nhưng ca sĩ đã chọn cách hát có phần gai góc với lực hát khá mạnh và ngân rung sâu, có lẽ để cân bằng lại cảm giác người nghe.

Điều thứ hai chính là kỹ thuật vocal fry, tạo những âm thanh nghẹn ngào và kỹ thuật hát yodelling nhưng áp dụng vào 1 số chữ nhất định tạo cảm giác như tiếng khóc nấc. Cộng thêm việc thay đổi lực hát mạnh nhẹ hợp lý, khiến tổng thể bản cover dễ gây ấn tượng với người nghe.

Trên hết là sắc thái của ca khúc được truyền tải đúng, có bi ai, có tiếc nuối, có oán trách và táo bạo của kẻ muốn phá bỏ cương thường đạo lý để sống cuộc đời như mình mong muốn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.

https://www.youtube.com/watch?v=gLANtkKjOGw&feature=youtu.be&fbclid=IwAR0nYKhFJPc_6PUE4YOFdYql53dYG-xISKCFsIjlu8ARikhRpFQRSAAU3JU
Độ Ta Không Độ Nàng (Cover) – Tăng Phúc

Nguồn ảnh:

  1. Hoa Bỉ Ngạn, Aki Shito, weheartit.com, https://weheartit.com/entry/187026644, [Jun 13, 2019]
  2. Thất tình lục dục chướng ngại tu tâm, phatphapungdung.com, https://phatphapungdung.com/that-tinh-luc-duc-lam-chuong-ngai-tam-tu-dao-148146.html, [Jun 13, 2019]
  3. Vua xử thần tử thần bất tử bất trung, Philippe Forêt, [Autumn 2018], http://www.environmentandsociety.org/arcadia/qianlong-emperor-hunting-hare-qing-esthetics-nature-end-european-exceptionalism, [Jun 13, 2019]
  4. Adrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn, kenh14.vn, [Jan 27, 2015] http://kenh14.vn/star/ngam-tron-ven-anh-cuoi-ngot-ngao-cua-ntk-adrian-anh-tuan-va-son-doan-20150127110945798.chn, [Jun 13, 2019]
  5. Nước chảy hoa trôi, xemngaydi.com, https://xemngaydi.com/hoa-roi-huu-y-nuoc-chay-vo-tinh-duyen-den-duyen-di-binh-don-nhan/, [Jun 13, 2019]

Biên soạn: Quân Nguyễn

Phát hành: ADAM MUZIC

>> Xem thêm: Nữ danh ca Đặng Lệ Quân đã đầu thai

Quickom Call Center