- Khoang mũi và xoang mũi trong cơ thể con người:
Khoang mũi, và xoang mũi là những bộ phận quan trọng trên khuôn mặt và hộp sọ người.
Về hình thể bên ngoài: Mũi là một khối sụn bắt nguồn từ xương gốc mũi, xương này gắn với phần dưới của trán, sụn mũi kéo dài và tạo đỉnh mũi, hai bên đỉnh mũi phía dưới là cánh mũi, dưới hai cánh mũi có hai lỗ mũi.
Mũi là phần trên cùng của hệ hô hấp, có tác dụng trợ giúp cho hành động hít thở, làm ấm nhiệt độ không khí hít vào phổi, lông mũi và chất nhầy giúp lọc bụi, vi khuẩn để bảo vệ phổi.
Về cấu tạo bên trong: Khoang mũi là không gian trống đằng sau và phía trên mũi bên trong đầu người, được ngăn thành hai phần bằng vách ngăn giữa, khoang mũi nối liền với họng và khoang miệng, được đóng vào mở ra bằng vòm mềm.
Xoang mũi là bốn cặp khoảng trống chứa khí bên trong xương, được sắp xếp đối xứng xung quang khoang mũi. Bao gồm 2 xoang hàm, 2 xoang sàn trước, 2 xoang bướm, 2 xoang trán. Thành của xoang được bao bọc bởi niêm mạc, niêm mạc này liền với niêm mạc mũi.
Khoang mũi mặt phía trước và các xoang đối xứng xung quanh
Nguồn ảnh: vinmec.com
Khoang mũi và các xoang, mặt bên và mặt trước.
Nguồn ảnh: bacsiviemmuiviemxoang.com
Ngoài các xoang này hộp sọ còn có rất nhiều xoang khác, giúp làm cho khối xương đầu tuy nhìn lớn, nhưng khối lượng lại nhẹ.
Link tham khảo: https://yhocvn.net/cau-tao-khoang-mui.html
2. Âm mũi, giọng mũi trong giọng nói tự nhiên:
Mũi ngoài việc trợ giúp hô hấp, mũi còn góp phần vào việc phát âm, đồng thời kết hợp với các xoang trong vai trò tạo cộng hưởng cho giọng nói. Mũi là cổng thoát hơi, thoát âm quan trọng thứ 2 sau miệng trong quá trình nói, phát âm.
- Các âm “m,n,ng” cần phải có khoang mũi mới có thể phát âm chính xác được.
- Các âm có mũ “ô, ê” khoang mũi trợ giúp dễ dàng tạo thêm độ tối.
- Các âm có độ đanh như “e, i” cần được khoang mũi trợ giúp cân bằng độ đanh, cho không khí thoát ra thêm một phần ở mũi
(Phần ghi “trợ giúp” có nghĩa là không bắt buộc, nhưng có sử dụng khoang mũi, thì sẽ dễ dàng và tự nhiên hơn thôi)
Bởi vậy Khoang mũi tạo ra giọng mũi, âm mũi là rất cần thiết trong quá trình nói thường ngày, tất nhiên là khi hát cũng như vậy. Một cách lành mạnh, tự nhiên trong lúc nói, hát, phát âm, hơi sẽ truyền đến một phần ở miệng, một phần ở mũi, một phần ở hầu họng. Tỉ lệ hơi ở những phần này khác nhau ở những âm khác nhau.
Âm “NG”, vòm mềm hạ thấp để hơi vào xoang mũi.
Nguồn ảnh: englishpronunciationroadmap.com
3. Hát bị “giọng mũi”, “hát lên mũi” là như thế nào?
Chúng ta thường nghe thấy những nhận xét “giọng hát bị nghẹt mũi”, “giọng mũi”, “hát bị lên mũi” có nghĩa là sao?
Như đã phân tích phía trên giọng mũi, âm mũi (nasal resonance) là một điều tự nhiên khi nói và hát.
Giọng mũi, âm mũi có ưu điểm cùng với khoang miệng trợ giúp hơi và âm thanh thoát ra ngoài, tăng độ linh hoạt và độ sáng của âm thanh. Hơi và âm thanh được hướng vào khoang mũi để tiếp cận làm rung động các xoang xung quanh đó, tăng cường cộng hưởng, tăng một phần độ vang.
Nhưng ngược lại, khi bị sử dụng quá mức, đẩy hơi quá nhiều vào mũi mà không cho hoặc hạn chế hơi đồng thời thoát ra miệng, âm thanh lúc này bị chói, gắt, bị bóp méo, nghe có vẻ bị nghẹt vì hơi tích tụ ở khoang mũi. Nếu còn đi chung với thanh quản quá cao, khẩu hình ngang và hẹp, âm thanh sẽ càng bị bẹt, đanh và căng thẳng (trong thanh nhạc có từ “nasality” để thể hiện tình trạng này, trong khi âm mũi, giọng mũi lành mạnh lại gọi là “nasal resonance”)
Người ta dùng từ hát bị “giọng mũi”, “hát lên mũi” là khi âm mũi không tự nhiên mà bị lạm dụng, sử dụng quá nhiều và mất cân bằng với khoang miệng. Gây khó chịu cho người nghe. (Không phải “nasal resonance” mà vướng vào tình trạng “nasality”)
- Hiểu lầm 1: Vậy thì bản chất âm mũi, giọng mũi không xấu như nhiều bạn vẫn nghĩ và lo sợ. Cách sử dụng âm mũi, giọng mũi sai, lạm dụng, mới là điều cần phải thay đổi.
- Hiểu lầm 2: Đôi khi chúng ta CẦN âm mũi để phát âm chính xác, hát đúng chữ, cho nên bài tập “bịt mũi, hát ra ngoài hết” không phải là một cách khoa học để hạn chế giọng bị lên mũi. Bài tập này sẽ cản trở một số phát âm của bạn khi cố tình ngăn chặn đầu ra của khoang mũi.
Thực chất, trong nhạc nhẹ, đôi khi nghệ sĩ còn có thể dùng giọng mũi, âm mũi của họ để tạo màu sắc riêng, hoặc tạo đa màu sắc khi hát. Chẳng hạn như Billie Eilish nổi tiếng vì có những âm giọng mũi đặc biệt hay, cách hát và phong cách lạ.
- Gợi ý một số cách để giảm âm mũi, tăng cường giọng tự nhiên:
- Cách 1: Điều chỉnh hơi nâng vòm mềm, dọc khẩu hình miệng, kết hợp với hơi hạ thấp thanh quản. Cân bằng giữa khoang mũi và miệng. Lập tức giọng của bạn sẽ ấm áp, vang rền, có lực hơn, tự nhiên và đầy đặn hơn. Bấm vào link để đọc bài chi tiết về vòm mềm, và vị trí thanh quản
- Cách 2: Ý thức được việc luyện tập cho hơi tự nhiên thoát một phần qua mũi, một phần qua miệng khi hát. Đừng cố ngăn cản làn hơi lên khoang mũi, bạn sẽ có ngay một giọng hát tự nhiên như giọng nói của mình vậy.
- Cách 3: Bài tập “Humming” giúp các bạn khai thác khả năng tạo độ vang của khoang mũi (nasal resonance) và các xoang, đồng thời giúp thả lỏng họng, mặt,… để hạn chế tình trạng âm mũi, giọng mũi chói gắt khó chịu (nasality).
“Humming” cũng chính là bài tập được đề cập chi tiết trong bài tiếp theo. Cùng theo dõi bài viết kế tiếp để hiểu thêm về “Humming” và áp dụng ngay vào bài hát yêu thích nha!
Nhật Thanh