Trong thanh nhạc, có muôn vàn những kỹ thuật được sử dụng để làm đẹp cho bài hát cũng như làm cho giọng hát có thẩm mỹ hơn.
Việc giao thoa nền văn hóa giữa các nước qua các thời kỳ với nhau cũng làm cho một kỹ thuật thanh nhạc nhưng có nhiều tên gọi. Cùng chung là “luyến láy” nhưng cổ điển thường gọi là với thuật ngữ “melisma” nhưng nhạc Pop đại chúng lại hay gọi bằng “run-riff”.
Có bao giờ bạn tự hỏi : “Tại sao lại không quy ước chung một tên để gọi cho dễ”?
Thực chất giữa chúng vẫn có sự khác nhau về mặt tính chất cũng như cách sử dụng.
Trong bài này, tác giả sẽ đề cập tới một kỹ thuật ít phổ biến ở Việt Nam. Đó là kỹ thuật “Hát lướt nốt”.
I. Hát lướt nốt là gì ?
Hát lướt nốt (slided notes) là một trong những kỹ thuật thanh nhạc được phát triển ở thời kì Baroque – nối tiếp âm nhạc ở thời kì Phục Hưng và là tiền đề cho âm nhạc thời kì Cổ Điển phát triển.
Hát lướt nốt là một kỹ thuật dùng để hát “trượt” giữa những nốt thấp lên nốt cao theo thứ tự tăng dần trong một hoặc nhiều thang âm (scale) mà người hát phải thực hiện trong một làn hơi.
Thông thường kỹ thuật hát lướt nốt được sử dụng để tăng thêm phần kịch tích cho câu hát khi người hát muốn lên những nốt cao một cách bất ngờ mà không có khoảng nghỉ lấy hơi.
Tuy nhiên có một số trường hợp hát lướt nốt cũng dùng để tăng phần kịch tích khi người hát muốn phô diễn kỹ thuật đang từ những nốt cao xuống những nốt cực thấp.
Hát lướt nốt thường được biết đến với thuật ngữ “glissando” và “portamento”.
II. Glissando
Là một thuật ngữ được dùng nhiều trong thanh nhạc cổ điển. Bắt nguồn từ tiếng Pháp “glisser” dịch ra có nghĩa là “lướt qua”.
Glissando thường được dùng nhiều trong cổ điển, do nó là một thuật ngữ đa số sử dụng trong các văn bản nhạc dành cho các nhạc cụ (guitar, đàn hạt, violin,…). Trong các văn bản về thanh nhạc cổ điển sẽ ít thấy kí hiệu này hơn.
Phải tới sau này, khi thanh nhạc phát triển đại chúng hơn, chúng ta mới thấy kỹ thuật này được các ca sĩ sử dụng kỹ thuật này cho việc biểu diễn.
Trong bài này tác giả sẽ tập trung vào việc sử dụng glissando trong thanh nhạc.
Glissando sẽ chú trọng vào việc vuốt khoảng cách giữa các nốt từ nốt đầu đến nốt cao nhất mà người biểu diễn cần phô diễn kỹ thuật.
Ví dụ từ nốt G tới nốt C trong hình bên trên, khoảng cách giữa 2 nốt này sẽ có những semi-notes nữa, thì việc của người biểu diễn sẽ làm rõ độ cao của cả những nốt này nữa.
Dưới đây là một bài luyện thanh về glissando, bạn có thể tham khảo để hiểu rõ về cảm nhận cũng như tập luyện được tốt hơn.
Do tính chất của kỹ thuật glissando mang tính ngẫu hứng và ứng tấu (improvising), nên việc vuốt giọng như thế nào còn phụ thuộc vào giai điệu bài hát và cách người biểu diễn xử lý.
Dưới đây là một ví dụ ca sĩ Patti Labelle sử dụng kỹ thuật glissando để tăng tính kịch tích cho chuỗi nốt F#5- D6 trong các phần biểu diễn của mình.
III. Portamento
Cũng giống như glissando, portamento là một thuật ngữ nói về “lướt nốt” được kí hiệu khá phổ biến trong các văn bản nhạc. Portamento là kỹ thuật được đưa ý tưởng cho các ca sĩ biểu diễn khá sớm ở trong các vở opera từ thế kỷ 17. Mặc dù trước đó kỹ thuật này được sử dụng khá nhiều cho các nhạc cụ dây của dàn nhạc orchestra.
Khác với glissando, portamento là một cách hát lướt nốt chú trọng vào tính liền mạch. Nếu như glissando tập trung vào việc làm rõ các nốt ở giữa 2 nốt cần vuốt, thì portamento lại chú trọng vào cách vuốt nốt giữa 2 nốt cần phải biểu diễn.
Tưởng tượng nếu như có một sợi dây, việc bạn cầm 2 đầu dây và chỉ tập trung di chuyển 2 điểm đó để sợi dây uốn thì đó là kỹ thuật portamento. Việc bạn cầm 2 đầu dây nhưng vẫn chú trọng làm sao cho cả sợi dây uốn lượn 1 cách uyển chuyển thì đó là kỹ thuật glissando.
Dưới đây là một bài luyện thanh cổ điển luyện tập kỹ thuật portamento được thu âm lại vào những năm 1900.
Bạn cũng có thể nghe thử một video về cách phân biệt 2 kỹ thuật này của cô Freya Casey. Cô cũng giải thích khá rõ về cảm giác khi hát 2 kỹ thuật này để cho bạn có thể phân biệt và dễ hiểu.
Hãy cùng nghe một đoạn aria trong vở Le nozze di Figaro của Mozart. Ở các đoạn 0:54 -1:00, 1:54-1:59, 2:13-2:19, 2:54-3:05, cô ca sĩ này đều sử dụng kỹ thuật portamento. Nếu nghe kỹ bạn có thể thấy cô còn sử dụng cả kỹ thuật Messa Di Voce – kỹ thuật điều khiển âm lượng.
Bài viết có sử dụng nguồn tham khảo từ :
https://en.wikipedia.org/wiki/Glissando
https://en.wikipedia.org/wiki/Portamento
Tác giả : BiAy.