Hát rõ lời trong tiếng Việt luôn là vấn đề được bàn tán, tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Với bối cảnh là sự bùng nổ âm nhạc của các nghệ sĩ GenZ. Chủ đề hát thế nào mới rõ lời nhưng vẫn trendy càng được quan tâm nhiều hơn. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Thế nào là hát rõ lời?
Nói đơn giản, một ca sĩ hát rõ lời khi khán giả hiểu được họ đang hát cái gì. Và ngược lại, không rõ lời khi khán giả không hiểu được ca sĩ đang hát về điều gì.
Tròn vành rõ chữ với việc hát rõ lời có giống nhau không?
Đừng nhầm lẫn giữa việc hát rõ lời là phải tròn vành rõ chữ. Vẫn biết khi một người hát tròn vành rõ chữ có nghĩa là họ đang hát rõ lời. Tuy nhiên, có nhiều ca sĩ không cần hát tròn vành rõ chữ. Nhưng khán giả vẫn hiểu được họ đang hát về điều gì thì có nghĩa là họ vẫn đang hát rõ lời. Có nhiều người vẫn quan niệm rằng hát rõ lời là phải tròn vành rõ chữ. Cá nhân mình lại không nghĩ như vậy.
Trong làng nhạc Việt trẻ hiện tại, chúng ta có hai cái tên GenZ nổi bật để đại diện cho việc hát tròn vành rõ chữ và ngược lại. Wren Evans, một cái tên không còn xa lạ gì với các bạn trẻ. Anh không quá cố gắng trong việc hát tròn vành rõ chữ nhưng lại đang làm rất tốt việc khẳng định chất riêng của mình. Wren cũng nhận về khá nhiều lời chỉ trích từ cộng động mạng. Cái tên thứ hai là Đỗ Hải Đăng, một ca sĩ trẻ mới nổi với chất giọng ấn tượng, rất nhiều kỹ thuật thanh nhạc bao gồm cả tròn vành rõ chữ. Tuy nhiên anh cũng không tránh khỏi việc nhận các lời bàn tán về cách hát rập khuôn, thiếu cảm xúc…
Có rất nhiều ca sĩ hát không quá tròn vành rõ chữ, nhưng ra bài nào là hit bài đó. Các ca sĩ hát kỹ thuật nhiều, tròn vành rõ chữ tốt vẫn được đón nhận và có những thành quả khác cho riêng họ. Âm nhạc và ngôn ngữ vấn tiếp tục phát triển nên hãy để thời gian làm rõ vấn đề này.
Hát rõ lời trong tiếng Việt
Dấu trong tiếng Việt
Tiếng Việt có 6 dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và thanh ngang. Chỉ cần hát sai dấu thì nghĩa của từ có thể thay đổi hoàn toàn. Và đây là thứ sẽ không xảy ra với tiếng Anh. Điều này khiến cho việc sáng tác lời lẫn ca hát trở nên khó khăn hơn trong bài hát tiếng Việt. Vấn đề này đặc biệt nhức nhối với các bạn GenZ hiện nay đang có xu hướng “giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt”. Các bạn sẽ rất khó để có thể hát rõ lời bài hát tiếng Việt với nhiều thanh dấu như vậy.
Điều các bạn cần tránh là sáng tác lời và hát cưỡng âm. Ví dụ như dấu sắc thì nên được hát ở các nốt có cao độ đi lên. Dấu nặng thì nên được đặt ở các nốt có cao độ đi xuống.
Âm đóng trong tiếng Việt
Tiếng Việt có rất nhiều nguyên âm, nhưng nói chung đều phát triển dựa trên năm nguyên âm chính là: i, ê, a, o, u. Vậy nên chúng ta chỉ cần tập trung luyện thanh trên năm nguyên âm này. Nhưng bởi vì tiếng Việt có âm đóng. Nên khi kết hợp âm đóng với nguyên âm sẽ có chút khó khăn hơn để vừa hát cho rõ chữ, vừa tạo nên được âm thanh đẹp. Ví dụ như chữ em, chữ cần, chữ buồm… Để phát âm một cách chính xác thì bạn phải đóng khẩu hình miệng lại. Nhưng như vậy thì chúng ta sẽ không tạo được âm thanh đẹp trong ca hát.
Cách giải quyết ở đây là chúng ta có thể hát nhẹ phụ âm m, n đi để câu hát vừa rõ lời, vừa có cảm xúc.
Xem thêm Quy tắc phát âm trong tiếng Việt:
Cộng đồng mạng phản ứng thế nào về vấn đề hát tròn vành rõ chữ
Ở dưới phần comment của những bản hit mới được tạo ra bởi các nghệ sĩ trẻ. Chúng ta thường bắt gặp những bình luận trái chiều như: “hát như ngậm cái gì trong miệng, chẳng nghe được gì” và “hát vậy mới có chất riêng, có cảm xúc”…
Theo cá nhân mình nghĩ, trong thời buổi mà việc làm nghệ thuật phát triển mạnh như hiện tại. Cái tôi, cái chất riêng quan trọng hơn so với cái chuẩn tròn vành rõ chữ. Đúng là ca sĩ cần hát rõ lời để người nghe hiểu được họ đang hát về điều gì. Tuy nhiên chỉ nên dừng lại ở việc hát rõ lời. Như vậy mới có cơ hội để ca sĩ trẻ lấy những cái họ học được, pha trộn với những cái riêng, rồi tạo nên cái chất, giúp họ nổi bật bằng những cách khác nhau trong mắt khán giả.
Tham khảo cách hát riêng để tạo sự khác biệt:
https://adammuzic.vn/tao-nen-phong-cach-hat-rieng-de-tro-nen-khac-biet/
Vậy có cần học hát cho tròn vành rõ chữ nữa không?
Đối với những nghệ sĩ đã thành danh và được công chúng chấp nhận, mặc định là họ đã hát rõ lời bằng cách riêng của họ. Nhưng nếu bạn mới tập tãnh bước vào con đường âm nhạc. Việc tập hát cho tròn vành rõ chữ là rất cần thiết. Mình không cổ súy cho việc thích hát thế nào thì hát. Chúng ta vẫn cần học những cái chuẩn trước khi muốn hát theo cách riêng của mình. Bạn cần tập hát tròn vành rõ chữ, sau đó tìm cách biến đổi cho phù hợp với bản thân.
Cách tập luyện thì vô cùng đơn giản. Hãy đọc hết một lượt lời bài hát. Bạn đọc rõ ràng như thế nào, thì cố gắng hát rõ ràng như thế đó. Nhưng mang vào đó thêm cảm xúc và biến đổi, để nó trở thành những câu hát bay bổng chứ không phải là những con chữ khô khan.
Tìm hiểu thêm về cách xử lý tiếng Việt trong ca hát:
Kết
Suy đi tính lại, theo ý kiến cá nhân của mình. Không nhất thiết phải hát cho tròn vành rõ chữ đối với nhạc trẻ. Chỉ cần hát mà người nghe hiểu, và cảm nhận được bài hát là được. Nhưng bạn cũng nên nhớ, trước khi muốn khác biệt, thì phải theo quy chuẩn trước. Nếu không bạn sẽ đi sai hướng đấy. Ngoài ra, tròn vành rõ chữ hay hát rõ lời không phải là tất cả trong ca hát. Nếu bạn hát rõ lời rồi nhưng còn hụt hơi, chênh phô thì cũng chẳng ai muốn nghe. Vậy nên nhớ rèn luyện thêm về hơi thở và cao độ để câu hát trở nên mượt mà hơn, cảm xúc hơn. Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết của mình!