Tổng quan về đàn guitar
Adam Muzic xin chào tất cả mọi người đang đến với tài liệu hướng dẫn tập guitar căn bản. Đây là những kiến thức và kinh nghiệm cuad ADAM Muzic dành cho những ai không có thời gian đến lớp học guitar, hay muốn tự học ở nhà trong những lúc rảnh rỗi. Tài liệu này sẽ đi vào những phần thiết yếu, tóm gọn nhất có thể. Nếu các bạn có thắc mắc gì cần giải đáp xin vui lòng để lại bình luận hoặc gửi vào địa chỉ mail ở cuối bài viết để nhận câu trả lời.
I. Phân loại guitar
Có 3 loại guitar có cách chơi căn bản gần như là giống nhau:
1/ Classic guitar: đây là đàn guitar dành cho âm nhạc cổ điển. Thường có khoảng 12 ngăn đàn trước khi đụng cần đàn. Dây đàn của loại classic guitar này thường là dây nylon nên thích hợp với kiểu chơi solo, đệm/ móc bằng tay, âm lượng khi chơi không được lớn lắm.
2/ Acoustic guitar (còn gọi là modern guitar nhiều người hay quen gọi là guitar mô đẹt): đây là guitar dành cho âm nhạc hiện đại. Thường có khoảng 14 ngăn đàn trước khi đụng cần đàn, phù hợp cho việc đệm hát vì dây đàn của acoustic guitar là dây sắt nên âm thanh rất chắc và vang, âm lượng to hơn đàn classic. ADAM Muzic xin hướng dẫn chủ yếu là Acoustic guitar.
* phân biệt Classic guitar và Acoustic guitar: Classic guitar trong hình nằm bên trên, có cấu tạo nhiều lỗ trống ngay khóa đàn và các khóa đàn hướng về phía sau. Acoustic guitar trong hình nằm bên dưới thì ngược lại là 1 bảng gỗ với bộ khóa chìa ra 2 bên và không có lỗ.
Ngoài ra, cách dễ phân biệt nhất là classic guitar sử dụng dây nylon còn acoustic guitar sử dụng dây kim loại hay còn gọi là dây sắt. Phần cần đàn của classic guitar ngắn hơn và có bảng to hơn so với acoustic guitar.
3/ Electric guitar : đây là guitar dành cho đa thể loại (có xu hướng thiên về rock nhiều hơn). Có 1 số guitar cấu tạo đến 7 hoặc 8 dây (nhạc metal nặng). Sử dụng kết hợp với những bộ xử lý, tạo hiệu ứng âm thanh hay còn gọi là fuzz, chúng ta sẽ không học về Electric guitar ở tài liệu này.
* Đây là các phụ tùng đồ chơi đi kèm
Capo : khi muốn dịch cao độ của 1 bài nhạc để đánh theo ý muốn mà khả năng sử dụng hợp âm của bạn có hạn thì có lẽ capo là 1 cách hay giúp bạn dễ dàng thay đổi tông cho 1 bản nhạc.
Miếng gảy đàn (guitar pick hay plectrum) : đây là thứ không thể thiếu cho những bạn thích đàn đệm hát cũng như solo, sử dụng phím đàn sẽ giúp âm thanh từ cây đàn nghe sáng sủa và long lanh hơn. Ngoài ra còn giúp trình diễn các câu solo guitar nhanh và đặc sắc hơn.
II. Cấu tạo acoustic guitar
1/ Thùng đàn
2/ Con ngựa đàn
3/ Dây đàn
4/ Lỗ thoát âm : nơi để âm thanh xảy ra hiện tượng cộng hưởng làm cho âm thanh lớn và vang hơn.
5/ Cần đàn
6/ Ngăn đàn : mỗi 1 ô như vậy là 1 ngăn đàn.
7/ Khóa đàn : để điều chỉnh dây đàn cho đúng cao độ cần chỉnh.
* Vị trí của các dây guitar : dây guitar số 1 là dây mỏng nhất, nằm ở gần đầu gối nhất. Dây số 6 là dây dày nhất, nằm gần khuôn mặt nhất.
III. Tên kí tự, nốt nhạc, cung?
1/ Tên ký tự
Trong âm nhạc chúng ta có 7 nốt nhạc chính là La Si Đô Rê Mi Fa Sol được kí hiệu là A B C D E F G.
Nhưng do thứ tự 7 nốt trên tạo thành một dãy nốt mang cảm giác buồn (âm giai thứ) và hơi khó nhớ, khó hát đối với người mới bắt đầu học âm nhạc. Do đó người ta thường không bắt đầu bằng thứ tự âm giai thứ ở trên mà thay vào đó, 7 nốt nhạc được hát và truyền dạy theo thứ tự cao độ Đô Rê Mi Fa Sol La Si, thứ tự này tạo ra màu sắc âm giai trưởng, tươi vui, dễ nhớ và dễ hát nên được dùng để giáo dục âm nhạc căn bản nhất cho người mới học.
Và khi chạy hết 7 nốt chúng sẽ lập lại tiếp Đô Rê Mi Fa Sol La Si nhưng cao độ sẽ cao hơn vì chúng nằm ở quãng khác.
2/ Thật ra có bao nhiêu nốt nhạc
Phần trên cho ta biết trong âm nhạc có 7 nốt nhạc chính, nhưng đi sâu vào 1 tí. Nó sẽ có đến 12 nốt nhạc (có 5 nốt đi xen vào giữa 7 nốt chính thức C D E F G A B)
Trong các tài liệu âm nhạc phương Tây đều sử dụng hình minh họa là đàn phím (keyboard) để dạy về âm nhạc do tính logic và giúp người học nhạc dễ hình dung, dễ hiểu hơn. Để dễ hình dung, ADAM Muzic mời các bạn xem hình ảnh một phần bàn phím của piano.
Gồm 1 dãy nốt C D E F G A B như vậy và lặp lại, cho cao độ tăng dần.
Những phím đàn màu đen không ghi nốt vào, thì đấy chính là những nốt thăng giáng của những nốt của phím đàn trắng. Kí hiệu của dấu thăng là ♯ và kí hiệu của dấu giáng là ♭.
Ví dụ nhìn từ bên trái ta thấy nốt C và nốt D, ở giữa có 1 phím màu đen, thì phím màu đen đấy chính là C♯ (nốt Đô thăng) hoặc là D♭ (nốt Rê giáng). Có thể hiểu là giữa 2 nốt C và D có 1 nốt trung gian, cao độ nốt này cao hơn C nên gọi là C♯ (Đô thăng) và nó lại thấp hơn nốt D nên gọi là D♭ (Rê giáng).
3/ Cung (whole step hoặc tone) – Nửa cung (half step hoặc semitone)
Cung là gì? Cung là khoảng cách cao độ giữa 2 nốt nhạc, cái này dễ ẹc luôn. Chúng ta nhìn lại vào cái khung hình của piano. Từ nốt C lên nốt C♯ (Đô thăng) là nửa cung, từ nốt C lên nốt D là 1 cung, từ nốt C lên nốt D♯ (Rê thăng) là 1 cung rưỡi, từ nốt C lên nốt E là 2 cung.
Nếu đếm từ nốt cao xuống nốt thấp vẫn y chang không có gì thay đổi. Ví dụ từ nốt C xuống nốt B là nửa cung, từ nốt C xuống nốt B♭là 1 cung.
Bây giờ áp dụng qua đàn guitar thì cung được tính cũng tương đương. Từ ngăn đàn đầu tiên sang ngăn đàn kế bên là nửa cung, từ ngăn đàn đầu tiên sang ngăn đàn thứ 3 là được 1 cung.
Nếu các bạn thắc mắc cung để làm gì thì ADAM Muzic xin giải thích đơn giản : Cung là đơn vị đo cao độ. Ví dụ 1 ban nhạc đệm đàn cho 1 ca sĩ hát, nhưng người ca sĩ đó đang mệt ko thể hát được đúng bài nhạc gốc nên đề nghị ban nhạc hạ cao độ bằng đơn vị cung . Nếu sung sức thì ca sĩ nâng nửa cung, nâng 1 cung…..
Đến đây xin được kết thúc bài hướng dẫn phần 1, mọi thắc mắc xin các bạn vui lòng để lại comment hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ mail: [email protected] hoặc [email protected].
Mời các bạn xem tiếp phần 2 tại đây