Giỏi kĩ thuật thanh nhạc không đảm bảo bạn hát hay, hát tình cảm. Kĩ thuật thanh nhạc sẽ chỉ giúp bạn DỄ DÀNG hát hay hơn mà thôi. Kĩ thuật chính là một công cụ, nhưng sử dụng công cụ khi nào và sử dụng như thế nào cho hợp lý chính là do bạn quyết định.
Ở đây mình sẽ gợi ý một số cách và lỗi thường gặp khi áp dụng kĩ thuật vào việc ca hát thật sự. Những gợi ý này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm cá nhân, ngoài ra còn có rất nhiều trường hợp khó khác ở ngoài đời mà mình chưa được biết. Các bạn hãy để lại bình luận nếu có những trải nghiệm thú vị khác nhé.
1. Tâm lý không ổn định, quá lo âu
– Bạn bận tâm đến kĩ thuật và sợ rằng mình sẽ làm sai. Điều này khiến cho bạn làm sai thật. Đừng sợ sai, ghi nhớ cảm giác làm đúng và cả cảm giác làm sai sẽ giúp bạn tăng khả năng làm đúng lên cao.
– Bạn bị đám đông áp lực, điều này cần thời gian để làm quen
– Bạn cho rằng sai kĩ thuật là dở, nên luôn cố làm thật đúng, tuy nhiên đôi lúc, hơi sai nhưng lại tự nhiên và rất hay. Bạn nên cân nhắc lại yếu tố này nhé.
2. Áp dụng kỹ thuật cho toàn bài làm mất tự nhiên
– Bạn có thể hát đúng kĩ thuật và làm rất tốt. Tuy nhiên khi toàn bài hát (đặc biệt trong nhạc nhẹ), bạn hoàn toàn không có yếu tố tự nhiên của giọng. Điều này có thể làm bài hát bị khô cứng và không biểu cảm
– Bạn quên mất cảm xúc khi hát
– Bạn không thể bộc lộ màu giọng tự nhiên của chính mình.
3. Áp dụng kỹ thuật mà bỏ quên sự thư giãn
– Bạn cố áp dụng kĩ thuật nên thành ra lại gồng và căng thẳng.
– Sự thư giãn chính là mối ưu tiên hàng đầu của ca sĩ, bằng mọi giá hãy duy trì nó.
4. Áp dụng kỹ thuật nhưng sai bài và phong cách nhạc
– Bạn sử dụng tốt kĩ thuật những lại áp dụng sai bài hát. Ví dụ bạn hát thấp thanh quản và ngân rung quá nhiều trong một ca khúc nhạc nhẹ. Hoặc ngược lại, bạn cố dùng twang, khẩu hình ngang, và cao thanh quản khi hát một ca khúc cách mạng chẳng hạn.
– Lựa chọn kĩ thuật nào phù hợp cho bài hát nào là một tư duy quan trọng mà ca sĩ nên luyện tập.
5. Dùng kỹ thuật để cố hát những quãng không phù hợp với mình
– Bạn có thể dùng kĩ thuật để hát được những nốt ngoài quãng giọng đẹp của mình. Tuy nhiên âm nhạc cần có sự khác biệt giữa các loại giọng và các thể loại nhạc. Người nghe mong muốn chiêm ngưỡng quãng giọng đẹp và đặc trưng nhất của người hát chứ không hẳn cần bạn phải hát thật cao hoặc thật thấp.
– Đừng cố gắng hát giống ca sĩ, hoặc hát cao, thấp bằng một ca sĩ nào đó. Điều này sẽ làm giọng hát bạn rất mất tự nhiên.
6. Đòi hỏi sự hoàn hảo khi biểu diễn
– Điều dễ thương và thú vị của việc biểu diễn chính là sự không hoàn hảo.
– Nếu bạn luôn hướng tới sự hoàn hảo một cách cực đoan, bạn sẽ luôn bị áp lực khi biểu diễn.
– Hãy chấp nhận những lỗi sai nho nhỏ và lướt qua, như vậy bạn mới có thể hoàn thành phần biểu diễn của mình.
Kết luận
- Học hỏi và luyện tập kĩ thuật rất quan trọng nhưng bên cạnh đó phải rèn luyện thêm những kiến thức về tâm lý và tư duy âm nhạc.
- Đừng ám ảnh bởi kĩ thuật
- Hãy yêu mến chất giọng tự nhiên của mình và giúp nó được thể hiện ra bên ngoài nhé.
- Hãy chọn bài phù hợp (điều này vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của phần trình diễn)
Nhật Thanh
Lưu ý, đây là những kinh nghiệm cá nhân mình hy vọng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn