1. Học thuộc lời bài hát, nắm cấu trúc bài hát
Trước tiên hết muốn hát hay biểu diễn một ca khúc thật hay, thật hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên của ca sĩ chính là thuộc lời, hiểu rõ ý nghĩa lời bài hát.
Giả sử nếu bạn sắp phải biểu diễn nhưng không thuộc hết lời, bạn sẽ rất lo lắng, vừa hát, vừa nhìn lời hoặc vừa suy nghĩ lời, sẽ khiến cho bạn phân tâm, khó áp dụng được những kĩ thuật đã học, khó thả hồn vào bài hát. Điều này dẫn đến việc trình diễn ngập ngừng thiếu tự tin. Thêm vào đó, nếu bạn học vội vàng hoặc không kĩ, nhớ sai lời, hát sai lời, có thể gây thay đổi ý nghĩa của bài hát, và thể hiện sự kém tôn trọng với tác giả ca khúc.
Kế tiếp, việc nắm rõ cấu trúc bài hát cũng rất quan trọng, đoạn nào bạn sẽ hát, đoạn nào ban nhạc sẽ dạo nhạc, đoạn nào là kết thúc của ca khúc. Như vậy mới có sự ăn ý với ban nhạc, khiến cho bài hát được trôi chảy. Nếu chúng ta không thuộc cấu trúc, không tập kĩ, mà đoán ý lẫn nhau có thể gây ra hiểu nhầm, làm cho phần trình bày không được liền lạc.
2. Chọn ca khúc hợp với giọng
Chọn ca khúc phù hợp với giọng là tầm nhìn quan trọng của một ca sĩ. Mỗi chất giọng sinh ra có vùng đất riêng để thể hiện cá tính của mình. Không nên chọn một ca khúc không khoe được điểm mạnh của giọng hoặc phô bày quá nhiều điểm yếu của người hát. Không có một chất giọng nào là hoàn hảo, cho nên kĩ năng lựa chọn ca khúc phù hợp là rất cần thiết phải luyện tập.
Dù bạn rất cố gắng luyện tập nhưng nếu bạn hợp giọng với bài hát mà cố gắng hát, phần trình diễn của bạn sẽ không hiệu quả
Ở những bài tiếp theo, sẽ các bài viết chi tiết về cách chọn bài phù hợp với mình. Mong các bạn cùng đón xem!
3. Luyện tập chăm chỉ
Hãy tập hát ca khúc thật nhiều lần để bạn quen với việc hát nó, những đoạn nào chúng ta hay mắc lỗi, những đoạn nào cần chú ý về hơi thở, phát âm.
Nếu không có sự chăm chỉ luyện tập, người hát khó có thể biểu diễn một cách thoải mái và tự tin. Dành ra thời gian mỗi ngày luyện tập cùng ADAM Muzic nhé!
4. Tập hát với Micro nhiều hơn
Tập hát với micro và các thiết bị âm thanh là rất cần thiết bởi vì đó chính là thứ cuối cùng truyền âm thanh của người biểu diễn đến người nghe.
Việc sử dụng micro không đúng sẽ giảm hiệu quả của giọng hát, làm âm thanh bị quá nhỏ, hoặc quá to, quá chói, quá um, nghe rõ tiếng thở, tiếng phà hơi, làm cho giọng hát bị biến dạng và không truyền cảm.
Nên tập quen hoặc tham gia những khóa học liên quan đến sử dụng micro, thiết bị thu âm, cách nghe và điều chỉnh giọng của mình qua loa và các thiết bị phát khác.
5. Giải quyết vấn đề tâm lý
Lên sân khấu thật nhiều giúp bạn cải thiện vấn đề hồi hộp, điều này sẽ thay đổi qua thời gian. Trong giai đoạn đầu tiên các cách sau đây có thể giúp bạn vượt quá cảm giác lo lắng trước khi hát:
- Hít thở sâu trước khi lên sân khấu, làm bạn giảm nhịp tim
- Khởi động giọng hát kĩ trước khi hát
- Uống nhiều nước, tránh các thức ăn có vị giác kích thích hoặc là cay nóng
- Bạn có thể cười một cái trước khi lên sân khấu, vì đôi khi nó sẽ giúp bạn thư giãn cơ mặt.
- Lắc cằm trước khi hát, cằm thư giãn giúp bạn phát âm và hát tốt hơn.
- Khi hát bạn có thể nhìn vào khoảng không, không nhất thiết phải nhìn vào khán giả.
- Tập trung vào ca khúc, lắng nghe giọng hát, thay vì quá âu lo về sân khấu hay khán giả.
6. Lựa chọn trang phục đẹp và thoải mái
Bạn hãy chọn những trang phục phù hợp với mình, đừng mặc đồ quá chật, quá ôm, hoặc quá rộng luộm thuộm. Một trang phục tươm tất sẽ giúp bạn tự tin hơn khi lên sân khấu.
Phần quan trọng của bộ trang phục chính là đôi giày. Bạn phải chọn được đôi giày vừa chân giúp bạn đứng vững và di chuyển thoải mái. Bạn sẽ linh hoạt hơn khi diễn, đôi giày chông chênh có thể làm cho cột hơi của bạn không vững. Hãy chú ý nhiều hơn đến đôi giày của mình nhé.
7. Ghi hình để xem lại, rút kinh nghiệm lần kế tiếp
Cuối cùng sau mỗi lần lên sân khấu, bạn có thể ghi hình để xem lại, từ đó rút kinh nghiệm cho lần tiếp theo. Đây là cách học hay và hiệu quả mà lại đơn giản.
8. Hãy lướt qua khi lỡ làm sai
Điều cuối cùng, trong trường hợp bạn lỡ hát sai, làm sai, lạc nhịp, hãy bình tĩnh tiếp tục, đừng ngừng lại nửa chừng, đó là điều tối kị của biểu diễn. Bạn nên nhẹ nhàng lướt qua và rút kinh nghiệm cho lần sau.
Mình hy vọng 8 điều nói trên sẽ trợ giúp cho các bạn chuẩn bị cho một phần trình diễn tốt hơn.
Ở những bài kế tiếp mình sẽ viết chi tiết thêm các kĩ năng: chọn bài hợp với giọng, hát với micro, tập hát với ban nhạc.
Hãy đón đọc phần tiếp theo nha!