Ngày 28/02, vào đúng sinh nhật lần thứ 80 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Google đã thay đổi hình Doodles sang hình ảnh của Trịnh Công Sơn bên chiếc đàn guitar quen thuộc.
Đây cũng là lần đầu tiên một nhạc sĩ Việt Nam trở thành hình ảnh Google Doodles thay thế cho hình ảnh dòng chữ Google thường thấy trên trang chủ. Google Doodles. Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, xuất hiện nhân các ngày lễ đặc biệt ở các quốc gia, ngày sinh của các danh nhân, nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu… mang tính quảng bá, tôn vinh và kỷ niệm.
Trịnh Công Sơn được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng với trên dưới 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi. Các sáng tác của ông thường mang phong cách suy tư, hoài niệm và có tính triết lý trong từng câu chữ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như Nối vòng tay lớn, Huế – Sài Gòn – Hà Nội, Cát bụi, Ca dao mẹ, Biển nhớ, Chiều một mình qua phố, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ…
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được biết đến nhiều nhất, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly.
Ông kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly“.
Còn Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực đói khổ nhưng đầy hạnh phúc những năm 1960 ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn“.
Trịnh Công Sơn cũng là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam” (theo BBC), “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” ( theo The Washington Post).
Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong chương trình Âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.
Ông ra đi vào ngày 1/4/2001 trong sự tiếc nuối của công chúng yêu nhạc cả trong và ngoài nước. Để tưởng nhớ và vinh danh vị cố nhạc sĩ tài hoa này, tên “Trịnh Công Sơn” được lấy đặt tên cho một con đường ven sông Hương (thành phố Huế, nguyên quán của ông). Năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội quyết định lấy tên cố nhạc sĩ để đặt cho tuyến đường dài 900m thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (năm 2018 chuyển thành phố đi bộ Trịnh Công Sơn).
Nguồn tham khảo: Wiki, Google