ADAM MUZIC xin chào các bạn, với sự phát triển của mạng internet ngày nay, mỗi người nhạc công đều có thể trở thành một nhạc sỹ phối khí với những công cụ cơ bản chắc hẳn ai cũng có thể tự mình trang bị được như: Máy Tính (PC hoặc Laptop), Phần Mềm (DAWS), các plugins (VST và VSTi), nếu được hãy trang bị thêm cho mình một Midi Controller (khá hữu dụng để phối những bài có tiếng piano). Và một chút tìm tòi những video tutorial trên mạng thì việc phối ra một bản nhạc có vẻ là điều ai cũng có thể làm được. Nhưng chắc hẳn ai cũng có một style âm nhạc riêng và ai cũng đã có ít nhất một lần cảm thấy bản thân mình…nhàm chán. Nhàm chán đây là bạn cảm thấy “sao mình cứ làm đi làm hoài một style như vậy?”, “sao bản phối của mình lại không nhiều màu sắc và hiệu quả như các bản nhạc nước ngoài”, v.v….Để giải đáp cho thắc mắc đó, mời các bạn cùng ADAM MUZIC tìm hiểu những phương pháp để “vượt ra khỏi giới hạn” của mình nhé.
1/ Tập trung vào điểm chính của bài hát
Nghe có vẻ như đây là chuyện đương nhiên khi phối khí, nhưng nếu bạn đang tạo nên một thứ gì đó bắt tai và dễ nhớ thì điều đó rất tốt, nhưng đừng để nó quá dài mà hãy làm phần âm nhạc của mình cực kỳ chặt chẽ, đơn giản, dễ nhớ, nhưng không được sơ sài quá nhé.
2/Tạo ra nhiều phiên bản khác nhau
Một bài hát chúng ta nên tạo nhiều phiên bản khác nhau để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như nếu một bài hát được sử dụng để phát trên radio thì điều mà bài hát cần đó chính là đánh được vào điểm nhấn của bài hát. Vì vậy để làm được điều đó thì bài hát phát trên radio cần ngắn gọn hơn, như gọt bớt phần intro quá dài, hay phần solo giữ bài quá dài, thậm chí bớt đi một vài nhạc cụ để bài hát phù hợp để nghe radio hơn, khác với hệ thống nghe nhạc thông thường.
Đồng thời, bạn có thể tạo ra nhiều phiên bản khác nhau, nhưng khác đây còn có nghĩa là những bản phối khác nhau hoàn toàn, điều này sẽ giúp cho sự sáng tạo của bạn phát triển nhiều hơn trên một bài hát. Như ví dụ dưới đây là bản hit Where are you Now – Skrillex and Diplo, Justin Bieber. Ở phiên bản đã tung ra thì chúng ta thấy chỉ có 1 cách drop, nhưng trên thực tế, 2 nghệ sỹ Skrillex và Diplo đã làm thêm 4 kiểu drop khác nhau nữa. Các bạn nghe thử cùng ADAM Muzic nhé:
3/ Ít…nhiều khi lại tốt hơn
Kỹ thuật chồng tiếng (Layer) sẽ giúp cho bản phối của bạn nghe dày hơn, sẽ dễ thu hút người nghe hơn, nhưng đó không phải là cách tốt nhất khi phối khí. Những phần mềm hiện đại giúp cho chúng ta layer tiếng bao nhiêu tùy ý, và điều đó cũng làm chúng ta có cảm giác nếu càng làm nhiều âm thanh trên một bài hát thì bài hát sẽ thành công, nhưng trên thực tế điều đó không hoàn toàn đúng.
Một người phối khí tốt là biết điều gì cần bỏ ra và điều gì cần thêm vào bản nhạc của mình. Khi nghe nhạc chúng ta nghe những âm thanh mà chúng ta cảm tưởng như nó phải rất nhiều tiếng chồng lên nhau, nhưng thưc chất không phải, điều đó nằm ở kỹ thuật Sound Design và kỹ thuật mixing của người làm nhạc.
Như ví dụ dưới đây là track Attention – Charlie Puth, các bạn cùng ADAM xem thử là bài hát này có bao nhiêu track nhạc cụ nhé.
4/ Luôn xuất multitrack
Khi hoàn thành xong một bài hát, hãy luôn luôn xuất multitrack của bài hát đó ra để mixing nhẹ nhàng hơn là nếu chúng ta mix trên project phối. Lý do thứ 2 để chúng ta làm việc này chính là để backup cho những lúc máy bị lỗi, mất hết VST, VSTi và đúng lúc cần phải chỉnh sửa project, thì xuất multitrack là cách chữa cháy hiệu quả nhất. Và lý do cuối là để sử dụng trong các mục đích khác như diễn live, thu âm, remix,…
5/ Luôn giữ độ thật cho bài hát
Thật là dễ để làm phần drum cho một bài hát là bạn sẽ cần làm 4 ô nhịp và sau đó copy và paste ra những phần còn lại của bài hát. Nhưng trên thực tế, người chơi trống không bao giờ chơi cả bài với một kiểu chơi, họ sẽ luôn có những điểm khác biệt trong nguyên cả bài. Ví dụ như verse 1 và verse 2, dù cùng một tiết tấu, nhưng sẽ luôn có những điểm khác trong cả 2 phần như về lực đánh, hay vài điểm thêm thắt nhỏ. Vì thế hãy luôn thêm những điểm khác nhau trong bài của từng nhạc cụ để nó không bị quá máy móc.
6/ Luôn lưu lại ý tưởng của mình
Sẽ có lúc có một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu, và việc mà làm lúc này là hãy save lại ý tưởng đó bằng nhiều cách khác nhau. Bạn có thể ghi âm ý tưởng đó trong điện thoại, hay đàn nó lên phần mềm và save tín hiệu midi của ý tưởng đó lại, để vào một folder IDEA của mình. Sau này có thể bạn sẽ gặp một bài hát mà mình có thể sử dụng ý tưởng độc lạ của mình đã từng nghĩ ra, đó nhiều khi sẽ là màu sắc riêng của bạn.
7/ Luôn giữ bản thân mình được cập nhật
Đối với công việc phối khí thì việc update bản thân là điều cực kỳ quan trọng. Làm một bản so sánh âm nhạc của những năm 90, so với thời điểm chúng ta bây giờ, đó đã là một sự thay đổi quá lớn. Thay đổi về cách hát, thay đổi về thể loại, thay đổi về cấu trúc bài, tất cả. Dù biết rằng, mỗi người đều có một thế mạnh riêng trong âm nhạc, nhưng đừng ngần ngại tìm hiểu những khía cạnh khác, những thể loại khác, những kỹ thuật khác mà mình chưa bao giờ tìm hiểu. Biết đâu đó, mình sẽ lại tìm thấy một thứ hay ho và áp dụng vào chính công việc, chính bản phối của mình.
8/ “Ideas are not limited by budget” – Hans Zimmer
Nói một cách thô hơn nữa đó là: Không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Không quan trọng bạn đang có máy tính mạnh như thế nào, bạn đang thiếu controller hoặc soundcard, hãy cố gắng sáng tạo trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Đừng vì xem những studio của những người chuyên nghiệp rồi lại mặc cảm với hoàn cảnh của mình, bạn đâu thể biết được khi họ bắt đầu họ đã như thế nào đúng không? Hãy sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, rồi sự thành công sẽ mang đến cho bạn những thứ mà bạn muốn.
9/ Luôn học hỏi những người giỏi nhất
Hãy tìm kiếm người giỏi nhất trong những vấn đề mà bạn đang tìm hiểu. Bạn muốn là người cập nhật sớm những xu thế mới? Hãy học hỏi từ những người tạo ra xu thế. Luôn học hỏi từ những người giỏi nhất.
10/ Luôn trao đổi, học hỏi từ những người trong ngành
Mỗi người luôn có một thế mạnh riêng, vậy nên hãy trao đổi với nhau, bạn sẽ nhận được những lời tư vấn của họ. Người có thế mạnh về mixing sẽ cho bạn biết bản phối của bạn đang gặp vấn đề ở phần mixing như thế nào. Người có thế mạnh về làm nhạc cụ acoutics sẽ cho biết các nhạc cụ của bạn trong bản phối nghe có độ thật chưa. Hãy cởi mở, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Nguồn: musictech.net , youtube.