I. NGUỒN GỐC CỦA HÁT BỘI
Nói về vấn đề này thì là một thiệt thòi khá lớn cho hát bội vì thời điểm hát bội ra đời còn rất sớm so với cải lương nên cải lương có nhiều ghi chép cụ thể hơn. Muốn xác định được thời điểm ra đời của hát bội thì phải dựa vào các dữ kiện lịch sử và chỉ có thể xác định được ở mức tương đối.
Có một dữ kiện lịch sử trong cuộc chống ngoại xâm liên quan đến hát bội, đó là vào đời vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293), trong lần thứ 2 chống quân Nguyên đã bắt được Lý Nguyên Cát. Ông vốn là diễn viên hí kịch nên được vua tha chết và bắt ông truyền dạy lại nghề hát hí kịch. Lý Nguyên Cát dạy vở đầu tiên cho các đệ tử là vở “Tây Vương mẫu hiến bàn đào”. Sau này có một giai thoại về vợ của Dương Khương, cả 2 vợ chồng đều là diễn viên hát bội nổi tiếng. Vợ Dương Khương đã vào vai Vương Mẫu trong vở Vương Mẫu hiến bàn đào làm xôn xao khắp nơi bởi tài năng của mình.
Nhưng người có công hệ thống một cách bài bản cho nghệ thuật hát bội, đặt nền móng cho môn nghệ thuật này là Đào Duy Từ (1572–1634).
II. HÁT BỘI LÀ GÌ?
Cái tên hát bội xuất phát từ việc người xưa thấy các diễn viên phải bội (đắp, gắn thêm) lên người cờ phướng, mủ mão cầu kỳ. Nhưng trong cung đình thời phong kiến xưa kiêng kỵ từ bội vì nó có trong từ bội ơn, bội nghĩa nên đổi “bội” thành “bộ”. Từ đó, nghệ thuật hát bội còn có tên là hát bộ, tức chỉ các diễn viên hát phải kèm các cử chỉ, điệu bộ để lột tả vai diễn.
Chắc hẳn các bạn thường hay nghe người ta đùa nhau “hai đứa này trông xứng đào xứng kép”, câu đùa này xuất hiện cũng từ hát bội mà ra. Đào tức chỉ người diễn là nữ, còn kép là nam, từ đó trong dân gian mới có từ “Đào – Kép” hát.
Sau đây, ADAM Muzic sẽ nói đến đặc điểm phần nhìn trước khi vào phần nghe bởi vì nói đến hát bội mà bỏ qua phần nhìn là một thiếu xót rất lớn. Phần nhìn có những đặc điểm mà chỉ có hát bội mới có, không có những điều này thì không phải là hát bội!
III. ĐẶC ĐIỂM ĐẶC TRƯNG CỦA HÁT BỘI
Điều đặc biệt nhất và gần như là điểm để nhận biết, phân biệt hát bội với các nghệ thuật khác đó là việc mang trên người các trang phục, trang sức và trang điểm vô cùng cầu kỳ.
Cách trang điểm, tô vẽ trên gương mặt, từ hình dáng đến màu sắc, cả trang phục, điệu bộ, cử chỉ đều được quy định rõ ràng. Người xem chỉ cần nhìn vào nhân vật là có thể biết được diễn viên diễn vai gì.
1. Trang điểm hát bội
Hoá trang hát bội: Phần khuôn mặt
- Màu đỏ: nhân vật là người thẳng thắn, trí dũng, nghĩa khí, trung liệt.
- Màu trắng: nhân vật có diện mạo đẹp, thư sinh, nhu mì, trong sáng.
- Màu xanh da trời: nhân vật này chưa biết tốt hay xấu nhưng rất mưu mô, xảo quyệt, ngông nghênh.
- Màu lục: nhân vật dạng này không chung thủy, trước sau không đồng nhất ý kiến.
- Màu vàng và bạc: nhân vật các nhà tu hành, thần tiên.
- Trắng mốc, xám, hồng lợt, vỏ cua: là vai nịnh thần, gian thần.
- Mặt thật, má hồng: các vai trung thần.
- Mặt vằn vện đen, trắng: nhân vật có tính bộc trực, nóng nảy.
- Mặt vằn vện có xen màu đỏ: yêu ma quỷ quái.
Hoá trang hát bội: Phần lông mày:
- Lông mày trắng: thần tiên, người cao tuổi.
- Lông mày mềm mại, đơn giản: Người hiền.
- Lông mày uốn lượn, bay múa: người đắc ý, kiêu ngạo.
- Lông mày thẳng dốc hoặc có viền đỏ: người nóng tính.
- Lông mày cau có: Người hay trầm tư, sầu muộn.
- Lông mày ngắn: kẻ gian xảo, xu nịnh.
Hoá trang hát bội: Phần râu
- Râu xanh/đen dài: quan văn.
- Râu trắng/bạc dài: vai lão võ.
- Râu bắp màu hung đỏ: vai yêu ma.
- Râu đỏ: tướng phiên (tức tướng ngoại bang).
- Râu đen ngắn: kép núi.
- Râu bạc ngắn: quan văn trung.
- Râu 3 hoặc 5 chồm, xuông dài là vai đôn hậu, trầm tĩnh, quý phái.
- Râu đen xoắn là vai nóng tính, dữ dằn.
- Râu ngắn 3 chòm dành cho các vai dân thường, nông dân, dân chài, tiều phu.
- Râu chuột là vai có tính cách bộp chộp, lanh chanh.
- Râu dê hoặc râu vẽ lên mặt là các vai dê gái, công tử bột hoặc các vai diễu hề.
Các bạn xem loạt hình dưới đây và thử đoán xem nhân vật này là vai gì và có tính cách thế nào nhé:
Cách các nghệ sĩ hoá trang trong hát bội
2. Điệu bộ
Ngoài giọng hát, yếu tố quan trọng ngang với nó là điệu múa võ và các cử chỉ. Những điệu múa đều mang đặc trưng của các thế võ cổ truyền Bình Định. Bao gồm cả các binh khí trong đó như kiếm, đao, thương, côn,… Vì yếu tố này mà nghệ sĩ hát bội phải biết các động tác võ thuật, biết cách dùng các loại binh khí để động tác khớp với nhịp nhạc thật mềm mại, trơn tru và thể hiện được tính nghệ thuật ước lệ.
3. Âm nhạc trong hát bội
Nội dung:
- Do xuất phát trước cải lương, khi xã hội còn bị chi phối sâu sắc bởi chế độ phong kiến nên nội dung cốt lõi của các vở tuồng trong hát bội là về lịch sử, đối nhân xử thế, nhân lễ nghĩa trí tín, đề cao đạo hiếu (gia đình, bằng hữu, quân thần,…).
- Các tuồng hát bội từ xưa đến nay vẫn giữ phần lớn nội dung từ các tích của Trung Hoa, chỉ khác là do người Việt biên soạn lại.
- Đặc điểm thứ ba là mọi hành động, lời ca trong hát bội đều được diễn xuất rất bi hùng, oai phong lẫm liệt dù là bất cứ vai nào, mang tính ước lệ cao.
- Nếu như các từ Hán Việt xuất hiện với số lượng nhiều trong cải lương thì trong hát bội, từ Hán Việt xuất hiện còn nhiều hơn nữa và chiếm đa phần nội dung của tuồng diễn. Bên cạnh đó không khó nhận ra sử dụng rất nhiều những câu thoại mang đậm tinh thần Nho giáo như “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ từ tử hiếu, tử bất hiếu bất tử; vũ vô thuyết tả năng lưu khách, sắc vị ba đào chốn nịch nhân…”
Dàn nhạc
Nhạc cụ được dùng trong dàn nhạc hát bội gồm có trống, chiên, chập chõa, đàn, kèn, ống sáo.
- Trống:
- Trống chiến: là trống quan trọng nhất vì được dùng nhiều nhất để diễn tấu lúc đánh giặc hoặc múa hát. Nghệ sĩ nghe theo tiếng rống mà diễn nên không có tiếng trống chiến rất khó diễn.
- Trống cái là thứ trống nhỏ, thường báo hiệu để nghệ sĩ biết mà chuẩn bị bắt qua các kiểu hát khác nhau (thường là Hát Nam hoặc Nói Lối).
- Trống cơm dùng khi hát Nam Xuân hoặc Nam Ai.
- Trống chầu, chiếc trống uy lực nhất và cũng là chiếc trống làm nghệ sĩ hay bất cứ ai trong đoàn hát đều kiêng dè vì ngoài công dụng báo hiệu mở tuồng (6 tiếng), báo kết tuồng (9 tiếng), diễn tấu các nội dung khác nhau trong tuồng thì trống chầu còn dùng để khen, thưởng, chê trách các nghệ sĩ ngay trong lúc diễn để khích lệ hoặc nhắc nhở.
Trong lúc diễn, nếu nghệ sĩ hát hay vừa thì nghe 1 tiếng trống, diễn khá hơn nghe 2 tiếng, diễn hay xuất sắc thì nghe 3 tiếng. Để khiển trách các lỗi nhỏ, người cầm chầu sẽ gõ vào mép trống 1 tiếng, lỗi nặng cảnh cáo sẽ gõ vào vành trống 1 tiếng. Vì những điều này nên không phải ai cũng đủ kinh nghiệm và kiến thức để cầm trống chầu. Chắc các bạn cũng có nghe qua 2 câu thơ vui, hàm ý chỉ việc cầm trống chầu là rất khó:
Trên đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.
- Trồng lệnh: dùng lúc vua ra thượng triều hoặc mở màng xuất diễn
- Trống bắc cấu: dùng lúc quan lên triều hoặc kết xuất diễn
- Kèn:
- Kèn dăm: Kèn này còn được người dân gọi là kèn đám ma vì âm thanh phát ra đầy bi thương ai oán. Dùng lúc các diễn viên hát những đoạn buồn sầu, bi ai.
- Kèn hầu cuốn: âm trầm, ấm, dùng hát lúc dâng rượu, khai màn, vào trướng.
- Kèn song hỷ: đi chung với trống cái
- Đàn: Đàn cò (đàn nhị) là nhạc cụ chính trong dàn đàn, sau đó là đàn gáo, đàn kim, đàn sáo, đàn tam.
- Sáo: Dùng phụ họa cho đàn khi hát KHÁCH hay hát NAM, nhưng chỉ dành cho đào (tức nữ diễn viên)
- Ống tiêu: đưa hơi khi hát Nam Ai
- Sanh, Phách: dùng để giữ nhịp cho đào và kép hát
III. CÁC ĐIỆU HÁT TRONG HÁT BỘI
Về bài bản thì hát bội hát theo nhạc lễ, các dịp ma chay, hội đình , nghi thức cúng tế,…
Cũng tương tự như cải lương, hát bội có những bài nhạc cố định, dựa trên các làn điệu đó mà soạn giả sẽ viết các lời khác nhau, phối hợp linh hoạt nhiều làn điệu với nhau tạo ra sự phong phú cho môn nghệ thuật này:
Hệ thống bài bản của hát bội cực kỳ phong phú và phức tạp. Xin gửi đến bạn đọc một số thông tin cơ bản.
Có 3 loại điệu hát, trong mỗi loại điệu lại chia ra nhiều điệu, nhiều bài nhỏ:
- Hát Khách hay bắc Xướng:
- Hát khách thường
- Hát Phú Lục
- Xướng
- Ngâm
- Tấu mã
- Ngâm
- Bài
- Nam hay Nam Xướng:
- Nam ai/Nam Thương
- Nam Bằng/Nam Xuân
- Nam Dựng/Nam Mị
- Niêu Nồi:
- Giả điên
- Gian nan (vai hề)
- Học sách
- Phù thủy
- Thiền
- Thài
- Giao duyên
- Lý
- Lảng thán
- Ngâm
- Sau này để bắt kịp dòng chảy nghệ thuật, hát bội còn thêm những điệu hát khắp 3 miền như: chèo, xẩm, cải lương,…
IV. CÁCH HÁT TRONG HÁT BỘI
Có một điều thú vị là nếu tinh ý thì phần lớn tiếng nghệ sĩ hát và tiếng của dàn nhạc hầu như không ăn nhập gì nhau nhưng tổng thể lại rất hòa hợp, nhiều cảm xúc. Cũng chính vì đàn và hát không cần giống y đúc nhau nên người nghệ sĩ hát lẫn người nghệ sĩ dàn nhạc đều có thể thăng hoa, phô diễn hết tài năng của mình. Có thể hiểu tiếng đàn và tiếng hát tuy đi 2 con đường khác nhau nhưng mục đích chung là thăng hoa cảm xúc bản thân và cho người nghe/xem.
Các nghệ sĩ tuy hát không theo nhạc, nhưng điệu bộ như động tác tay, chân, di chuyển tới lui, xoay người,…. Đều ăn khớp với nhịp hát và nhịp đàn, diễn tả được nội dung câu hát. Chính điều này làm nên cái vẻ thẩm mỹ đầy tính nghệ thuật và có chút ma mị quyến rũ người xem/nghe.
Nói về các cách hát thì ắt hẳn phải dành một bài viết riêng mới có thể diễn đạt hết các thông tin nhưng có thể hiểu nôm na như sau. Có rất nhiều cách hát như: Lối Nói, Hát Nam, Hát Khách, XƯớng, Bách, Ngâm, Than, Oán, Quân Bang, Quân Bài. Mỗi cách hát lại chia ra nhiều lối hát nhỏ hơn với rất nhiều cung bậc cảm xúc để diễn tả nội dung vở tuồng như: xưng tên, giao duyên, bẩm tấu, khẳng định điều mình muốn nói, uất ức số mệnh, than vãn bi ai, ru con, thương nhớ người thân, tỏ tình, tiễn đưa, xung trận, diễu võ dương oai,…Kết hợp vào đó là các cách hát thể hiện cảm xúc: hỉ, nộ, ái , ố.
TỔNG KẾT
Các bạn thấy đầy, tuy rằng hát bội là một bộ môn nghệt thuật cổ xưa có phần xa lạ và khó tiếp thu với đa số thế hệ sau này, nhưng chúng ta phải đồng ý rằng, hát bội là một bộ môn nghệ thuật vĩ đại với tầng tầng lớp lớp các kiến thức từ trang phục, hóa trang, bài bản, giọng hát, điệu bộ, kể cả võ thuật và cách sử dụng binh khí. Tất cả phải hòa quyện với nhau thành một tổng thể mang lại nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Có thể hiện tại chúng ta chưa thể phát triển được loại hình nghệ thuật này nhưng chúng ta có thể bảo tồn nó bằng cách tìm hiểu và chia sẻ đến mọi người.
Dưới đây mời các bạn xem một vài video nói về hát bội để hình dung rõ hơn về hát bội và những trăn trở hiện tại của những người đang gìn giữ bộ môn độc đáo này nhé!
Biên soạn và biên tập: Quân Nguyễn
Phát hành và sở hữu bản quyền: ADAM Muzic
Nguồn ảnh:
- Đỗ Dũng, Đặc Điểm Cơ Bản Hát Bội, http://matnatrangtri.com/nghe-thuat-hat-boi/dac-diem-co-ban-cua-hat-boi.html, [Aug 04th, 2017]
- Trần A.B, Chuyện Ly Kỳ Con Nhà Xướng Ca Ẩn Phận Chăn Trâu Cắt Cỏ Trở Thành Vị Quan Hiển Hách, [Nov 27th, 2016], http://www.baomoi.com/chuyen-ly-ky-ve-con-nha-xuong-ca-an-phan-chan-trau-cat-co-tro-thanh-vi-quan-hien-hach/c/20679227.epi,
- Bachkhoatrithuc.vn, Hóa Trang, http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/3693-508-633637400510480000/Nghe-thuat-Hat-Boi/Hoa-trang.htm,
- Liêu Lãm/Zing.vn, Hát bội – nét đẹp văn hóa đang dần bị lãng quên http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/anh-hat-boi-net-dep-van-hoa-dang-dan-bi-lang-quen-893041.html,
- bachkhoatrithuc.vn, nhạc cụ hát bội, http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/3694-508-633637403647823750/Am-nhac-trong-Hat-Boi/Nhac-cu.htm,
- Nguồn hình ảnh: http://baotnvn.vn/tin-tuc/Phong-su/5105/Hat-boi–nghe-thuat-tuong-co