Nội dung bài viết
Trong thời gian gần đây, nhiều game show, chương trình truyền hình liên quan đến âm nhạc bùng nổ. Người người muốn hát và muốn làm ca sĩ, và điều đầu tiên là tu luyện Thanh Nhạc. Vậy chính xác thì Thanh Nhạc là gì? Để giải đáp các thắc mắc này, hôm nay, ADAM Muzic sẽ chia sẻ với các bạn về Thanh Nhạc nhé.
Thanh Nhạc là gì?
Thanh nhạc là một bộ môn nghệ thuật kết hợp ngôn ngữ và âm nhạc. Được trình diễn bởi một hoặc nhiều người hát (có thể là ca sĩ hoặc không), hát cùng với nhạc đệm hoặc hát “chay” không nhạc đệm. Những phần hát không có nhạc đệm được gọi là “a cappella”. Thanh nhạc sử dụng nhiều từ để hát trên nền nhạc được gọi là “lyrics” – lời nhạc. Những đoạn âm thanh bằng giọng hát và lời nhạc như trên thường được gọi một cách phổ biến là “Ca khúc”. Đôi khi một số lời nhạc còn sử dụng cả các âm có nghĩa tượng hình – “onomatopoeia” ví dụ: tiếng mèo kêu “meow”, tiếng đồng hồ tick tock, tiếng gầm rú “roar”…
Thanh nhạc là môn nghệ thuật âm thanh ra đời lâu nhất, trước cả khi con người chế tạo ra các nhạc cụ đầu tiên bằng xương thú cách đây hơn ba chục nghìn năm.
Thanh nhạc xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới chứ không phải ở châu Âu như một số bạn vẫn nghĩ. Châu Âu có nhiều đóng góp trong việc hình thành hệ thống kiến thức, kĩ thuật âm nhạc nói chung và thanh nhạc nói riêng.
Thanh nhạc ra đời và phát triển dựa trên ngôn ngữ từng dân tộc. Ví dụ bạn là người Việt sẽ có xu hướng hát tiếng Việt, người Anh sẽ hát tiếng Anh, trừ một số bạn có sở thích kì dị giống tui, thích hát tiếng Thái @@.
Thanh nhạc ngày nay đã được đánh giá cao hơn và dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của phần lớn chúng ta.
Nhiều người cho rằng giọng hát không phải là nhạc cụ, nhưng thực tế nó cũng như 1 nhạc cụ, “1 nhạc khí sống” vì cũng có các cấu tạo về nguồn âm thanh, hơi, khoảng vang cộng hưởng…Để kiểm soát tốt giọng hát của mình bạn cũng phải dành chừng chục năm để tập luyện.
Người ta phân biệt Thanh nhạc với Khí nhạc (ý nói đến các loại nhạc viết riêng cho nhạc cụ biểu diễn).
Tất cả mọi người đều từng hát ít nhất vài trăm lần trong đời. Khi lên 3 hát mấy bài thiếu nhi, đến trường thì hát quốc ca (cái này là nhiều nhất)….
Thanh nhạc có thể hát một mình hoặc hát….1 “nhóm”
Hát một mình thì gọi là Đơn ca “solo”
Hát 2 mình thì gọi là Song ca “Duet”
Hát 3 mình thì gọi là Tam ca “Trio”
Hát 4 người 4 phương trời thì gọi là Tứ ca “Quartet” hay “Four voices”
Hát 5 anh em trên 1 chiếc xe tăng thì gọi là Ngũ ca “Quintet” hay “Five voices”
Hát nguyên một dàn chục người thì gọi là Hợp ca, Hợp xướng, Đồng ca “Choir”
Về cơ bản môn Thanh nhạc có thể tự tập luyện bằng cách bắt chước các âm thanh, giọng ca của các ca sĩ với giọng ca tinh tế, đầy kĩ thuật. Tuy nhiên, để có được kiến thức và sự am hiểu về giọng hát, khả năng kiểm soát, điều khiển tốt nhất, bạn cần phải đi học và được hướng dẫn bởi những người có chuyên môn.
Thanh nhạc có nhiều trường phái khác nhau
Thanh nhạc bắt nguồn từ dân gian, dân tộc: Các ca khúc dân ca, bài hát lao động ở mọi nơi trên thế giới.
Thanh nhạc bắt nguồn từ tôn giáo: Chủ yếu là từ các nhà thờ đạo Thiên Chúa, Tin Lành. Sau đó hình thành các dòng nhạc Hymn, Gospel…
Thanh nhạc bắt nguồn từ Hoàng cung, vua chúa, quí tộc: Nhạc cung đình, cung điện, Opera
Thanh nhạc theo xu hướng hiện đại: Pop, Rock, Hip hop, R&B, EDM…
Thanh nhạc từ các nền văn hóa khác nhau cũng có những đặc trưng riêng:
Thanh nhạc cổ điển Ấn Độ: Giọng ca luôn là chủ đạo, các nhạc công chơi nhạc cụ thường mô phỏng lại giọng hát của ca sĩ để tạo ra cảm xúc gần giống nhất.
Thanh nhạc Mông Cổ: Đặc trưng của kĩ thuật hát Throat singing – Đồng song thanh (2 âm cùng một lúc)
Thanh nhạc Puirt à beul: Tiếng Anh là “tunes from a mouth” tạm dịch là “Cao độ từ miệng”. Là một kĩ thuật hát vui tai bắt nguồn từ xứ Scotland, Ireland.
Học Thanh nhạc là học những gì?
Khi học Thanh nhạc, bạn sẽ tìm hiểu lần lượt các vấn đề sau:
- Tư thế đứng – Posture
- Hơi thở – Breath
- Vị trí giọng hát – Vocal placement
- Các khu vực âm thanh của giọng hát – Vocal register
- Các loại giọng hát – Voice types
- Cấu tạo bên trong thanh quản – Larynx anatomy
- Cấu tạo và cách điều khiển cơ hoành – Diaphragm anatomy
- Nhịp phách – Rhythm
- Cao độ – Pitch
- Lực hát – Dynamic
- Sắc thái – Nuance
- Kĩ thuật hát – Techniques
- Các phong cách hát theo thể loại phù hợp – Singing in the right styles/genres
- Cảm xúc – Feeling
- Ngẫu hứng – Improvisation
Học Thanh nhạc để làm gì?
Quan điểm sai lầm nhất là ai muốn làm ca sĩ mới phải đi học thanh nhạc.
- Có hơi thở tốt hơn
- Lực hát/nói mạnh mẽ hơn
- Tự tin giao tiếp, đứng trước mọi người
- Giúp bạn có sự cảm nhận tinh tế hơn về âm thanh, âm nhạc
- Cảm xúc và sự biểu đạt tốt hơn.
Thật ra thanh nhạc là một môn nghệ thuật, nếu bạn yêu thích, đam mê thì cứ học.
Học thanh nhạc ngoài việc giúp bạn hát hay hơn, nó còn giúp bạn:
Không có năng khiếu sẽ không học thanh nhạc được?
Câu này sai. Dù bạn tin hay không, năng khiếu là do được đào tạo từ nhỏ, chỉ một phần rất ít là do di truyền.
Hãy làm một ví dụ:
Bạn sinh ra bị ném vào rừng, sống với bầy sói, khi lớn lên bạn có thể hát hay được không?
Còn nếu bạn ngay khi còn trong bụng mẹ, mẹ nghe nhạc, khiêu vũ, nhún nhảy theo đúng nhịp, khi sinh ra mẹ dạy hát, ba dạy trống, bạn có thể nào không hát đúng cao độ?
Câu trả lời của mình cũng rất đơn giản:
Nếu bạn không bị điếc (nghĩa là 2 lỗ tai bình thường :D), nghe được âm thanh bên ngoài nghĩa là bạn hoàn toàn có thể tự tin học nhạc vì bạn nghe được chính xác những gì người khác được nghe.
Nếu bạn không bị tật về miệng, lưỡi (sức môi, mất lưỡi chẳng hạn): Bạn hoàn toàn yên tâm đi học hát vì bạn có thể phát ra chính xác âm thanh người khác phát ra.
Hy vọng với những kiến thức trên, ADAM Muzic đã giúp bạn hiểu rõ hơn đôi chút về Thanh Nhạc, nếu bạn có đam mê, hãy cứ học, đầu tư vào bản thân bạn không bao giờ là lỗ cả :D.
Chúc bạn thành công.
Biên soạn: GV Đoàn Nhược Quý – ADAM Muzic Academy