Những điều cần chú ý để tập hát ngay khi nói
Đây là một vấn đề rất muôn thuở quan trọng nhưng rất ít bạn nhận thức được, ngay cả đối với các bạn đã đi học thanh nhạc. Có thể bởi vì bạn không được đề cập tới trong quá trình học, hoặc có thể bạn không tập được thói quen này, hoặc cũng có thể bạn thấy nó không quan trọng? Hôm nay, ADAM Muzic sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề “tập hát ngay khi nói” để thấy được sự liên quan trong việc nói và việc hát nhé.
Đầu tiên, chúng ta cùng xem qua các giọng ca nam có âm vực rộng nói chuyện trước, các bạn hãy để ý xem giọng nói của họ giống nhau như thế nào nhé!
Micheal Jackson
Shayne Ward
Sam Smith
Adam Levine
Các bạn có thấy điểm giống nhau trong giọng nói của họ không nào??? Điểm chung đó chính là giọng nói của họ nhẹ và cảm giác họ dùng nhiều âm khu (Register) khi nói (Headvoice, Chest voice, Vocal fry) – các bạn có thể xem lại bài viết nói về các âm khu này ở đây.
Vì sao lại có điểm chung như vậy? Có phải do bản năng hay còn điều gì đó đằng sau thói quen này?
Thật sự, việc hát hay nói chúng không khác nhau cho lắm về cơ cấu, do đó nhiều lúc bạn nói chuyện quá nhiều và không đúng cách (la hét, cố sức nói to,…) thì nó cũng có tác hại giống với việc bạn hát/tập hát bị sai phương pháp vậy. Vì thế, ngay từ lúc này, các bạn phải thay đổi cách nói chuyện của mình để tránh làm tổn thương thanh quản cũng như tạo được thói quen tốt và giúp cho việc hát được thuận lợi hơn nhé. Việc thay đổi như thế nào?
Có rất nhiều vấn đề bạn phải chú ý khi thay đổi cách nói chuyện của mình, chúng ta cùng đi qua các điểm sau nhé, bắt đầu:
- 1. Dáng người
Thật sự, một phần đông các bạn bị tình trạng gù lưng, có thể trong quá trình đi học hoặc lao động bạn phải mang vác vật nặng nên dẫn đến tình trạng này. Nếu bạn đang trong tình trang gù lưng thì hãy sửa gấp vì nó sẽ làm cho cơ thể của bạn không thoải mái đồng thời khi gù lưng như vậy thì cổ của bạn sẽ phải rướn về phía trước, lúc này các cơ ở cổ sẽ bị căng cứng, dẫn đến khi nói chuyện thì thanh đới sẽ bị áp lực đè mạnh làm cho việc nói chuyện bị mất sức nhiều hơn và tất nhiên sẽ không có lợi cho giọng nói/hát của bạn.
Khắc phục: Khi nói hoặc hát, các bạn cần để cơ thể thả lỏng và thoải mái, phần lưng và ngực của mình sẽ phải thẳng ở vị trí trung bình, lúc này cổ sẽ được thả lỏng giúp cho việc vận động của cổ dễ dàng và linh hoạt hơn, khi đó thanh quản nằm ở vị trí trung bình là vị trí thoải mái và thuận lợi nhất cho việc nói và hát.
2.Khẩu hình (Embouchure)
Một số bạn bị tật nói không mở miệng hoặc bị nuốt lưỡi khi nói dẫn tới âm thanh bị bí và khó nghe. Việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến thói quen hát của bạn đấy. Do đó, khi nói bạn phải thả lỏng hàm và cho nó di chuyển theo chiều dọc khi nói chuyện, ngoài ra cần mở to thoải mái giống như bạn đang nhai thức ăn vậy. Một mẹo nhỏ nữa đó là lưỡi của bạn nếu “thè” ra ngoài sẽ rất rất tốt đấy, bởi vì lúc này bạn đang làm tăng thể tích bên trong cổ họng giúp cho bạn nói dễ dàng hơn. Nhưng việc này rất ít khi xảy ra trong thực tế, bởi vì nếu làm như vậy nhiều người sẽ nghĩ bạn có “vấn đề” :), vì thế bạn chỉ cần làm sao cho lưỡi của mình phải nằm thoải mái gần phía chân răng càng tốt và tránh tình trạng bị nuốt lưỡi. Để xem bạn có bị nuốt lưỡi hay không bạn chỉ cần phát âm chữ “Đ”, nếu bị nuốt lưỡi bạn sẽ bị phát âm giống giữa “D” và “Đ”.
3.Hơi thở (Breathing)
Như trong một số bài trước về hơi thở (tại đây) mà ADAM Muzic chia sẻ với các bạn cách kiểm soát làn hơi khi hát. Thì trong khi nói cũng tương tự, các bạn cần phải hít thở bằng bụng và kiểm soát hơi bằng cơ hoành như trong lúc hát. Tuy nhiên, khi hát bạn cần nén hơi mạnh làm sao cho bụng thật cứng khi hát, thì khi nói bạn chỉ cần thả lỏng thoải mái bởi vì khi nói bạn đâu cần “hit” những note cao hay khoe giọng đâu phải không nào. Hãy nhớ chỉ cần thoải mái hít thở bằng bụng, kiểm soát hơi bằng cơ hoành là đã rất tuyệt vời rồi.
4.Âm vực (Range)
Một số bạn có đặt câu hỏi cho ADAM Muzic là vì sao các bạn nói chuyện lại mệt hơn hát nhiều và nói nhiều thì giọng nói sẽ bị mệt nhanh hơn khi hát? Có lẽ rất nhiều bạn đã trải qua tình trạng này nhưng không hiểu lý do vì sao? Một câu trả lời rất đơn giản đó là bởi vì bạn chưa nói đúng âm vực giúp bạn thoải mái nhất. Hãy tưởng tượng nhé, một người nói một giọng ồm ồm ở dưới cực thấp gần tới quãng vocal fry, một người nói toàn headvoice hoặc mix voice, và một người nói chuyện ở quãng bình thường không quá cao, không quá thấp thì các bạn thấy người nào sẽ thuận lợi hơn khi hát?
Nếu bạn nói ở quãng giọng cực trầm thì lúc này thanh đới sẽ phải rút ngắn lại và rung động phần lớn thanh đới do đó sẽ mau mệt hơn. Còn ở quãng giọng cao, lúc này thanh đới sẽ phải kéo dài ra và rung động phần rìa. Cả 2 cách trên đều bắt thanh đới làm việc ở một mức nhiều hơn so với bình thường, do đó 2 cách trên đều không tốt cho bạn khi nói. Cách nói thuận lợi nhất chính là lúc mà bạn không cần dùng quá nhiều sức mà vẫn phát ra âm thanh, để tìm được vị trí này thì bạn cần thử nhiều cách nói khác nhau làm sao cho mình thoải mái nhất là xong.
5.Âm mũi (Nasal Sound)
Như trong một số bài trước, Nasal sound ở đây sẽ có 2 loại là TWANG và giọng nói bị nghẹt vị trí ở mũi.
Như đã phân tích ở bài trước (tại đây), TWANG có được do sự thay đổi về thể tích phía sau thanh đới trước khi đi ra ngoài giống như bạn bóp nghẹt phần đầu của 1 ống nước (giống như khi đang rửa xe chẳng hạn) thì nước sẽ “phụt” ra mạnh hơn, cũng như vậy khi bạn dùng TWANG thì phần sụn nắp thanh quản (Aryepiglottic) sẽ đè lên thanh đới (Vocal fold) để giảm thể tích đi ra từ đó tạo thành TWANG.
Một loại Nasal sound thứ 2 là giọng bị nghẹt ở mũi do thói quen lâu ngày, thói quen này sẽ ảnh hưởng khá nhiều giọng hát của bạn vì nó sẽ làm cho âm thanh phát ra bị nghẹt và chói. Giống như vầy:
Khắc phục: Để sửa 2 vấn đề trên có một cách rất đơn giản là “Ngáp”. Bây giờ bạn hãy thử ngáp và nói trong lúc ngáp đi nào, bạn cảm thấy như thế nào? Âm thanh của bạn sẽ bắt đầu phát ra ở cổ và nghe ồm ồm, sâu hơn khi bạn nói ở mũi. Hãy thử làm đi làm lại và từ từ cân bằng lại vị trí âm thanh để giảm thiểu việc giọng nói của mình bị nghẹt mũi nhé.
6.Giọng nói nhàm chán
Bây giờ các bạn hãy nói câu này “Trời ơi! Tôi đẹp quá!!!” bằng 2 cách:
- Nói không có nhấn nhá, ngang “tuột”.
- Nói có nhấn nhá, từ thấp tới cao, hãy thử từ “quá” bằng headvoice.
Các bạn có nhớ bài luyện thanh ambulance ở bài Mixed voice không nào (xem tại đây), các bạn đã hiểu ra vấn đề rồi chứ??? Nếu chúng ta chỉ nói chỉ bằng một tone giọng (monotone) thì bạn sẽ bị bất lợi hơn đối với những người nói bằng nhiều quãng giọng khác nhau (chest voice, headvoice, mixed voice,…), bởi vì họ đang vô tình trải qua một hành động mà rất cần thiết trong việc hát đó là kết hợp các âm khu (Register) khác nhau cũng như phát triển khả năng cảm nhận về lời khi hát. Việc này sẽ giúp bạn vỡ bài nhanh hơn cũng như nắm về cảm xúc bài tốt hơn bởi vì họ đã “vô tình” luyện tập trong đời sống hàng ngày rồi.
Hãy thử play lại 3 video bên của Micheal Jackson, Shayne Ward, Adam Levine và Sam Smith để rõ hơn nhé.
Kết luận: Trên đây là những chia sẻ của ADAM Muzic đến với các bạn về vấn đề rất quan trọng để có một giọng hát tốt và khỏe mạnh. Nó không những giúp chúng ta trong việc giao tiếp hàng ngày mà còn đóng góp một phần rất quan trọng trong việc hình thành những thói quen tốt khi hát. Hãy thực hành để cảm nhận sự khác biệt nhé.
Reference:
- Justin Stoney, “ 79 “Healthy Speaking For Singing and Life”
2. Healthy Speaking Voice for Singing!, available at:www.youtube.com/watch?v=ke0p112O3YE
Hình ảnh:Studyblue.com
Video: Youtube.com
Writen by: Trường Lê
Published by: ADAM Muzic