Chúng ta đã tìm hiểu cách phân chia loại giọng theo âm nhạc Phương Tây cổ điển, âm nhạc Phương Đông và âm nhạc hiện đại (nhạc nhẹ). Vậy dựa vào những yếu tố nào giúp chúng ta phân chia loại giọng.
Hãy cùng Adammuzic tìm hiểu trong bài này nhé
Vocal range – âm vực – tầm cữ giọng
Tầm cữ giọng hay là vocal range đơn giản là nốt thấp nhất và cao nhất mà một giọng nói cá nhân có thể tạo ra.
Trong suốt tầm cữ giọng của một cá nhân, người ta có khả năng tạo ra nhiều cơ chế giọng khác nhau (voice register).
Tầm cữ giọng có thể bao gồm các nốt thoải mái và không thoải mái của một giọng hát, có thể một cá nhân tạo ra cao độ đó, nhưng họ sẽ không thường hát và biểu diễn ở cao độ đó. Cho nên tầm cữ giọng chỉ là một trong những yếu tố quyết định loại giọng mà thôi.
Tầm cữ giọng được mở rộng thông qua luyện tập.
Voice timber – âm sắc giọng
Âm sắc là nhận diện mang tính sinh lý của tai nghe đối với một loại âm thanh đặc trưng. Âm sắc giúp người nghe phân biệt các loại nhạc cụ, giọng hát, và sự khác nhau trong giọng hát của các cá nhân.
Đối với việc phân chia quãng giọng, âm sắc là một trong những yếu tố khá quan trọng.
Ví dụ một giọng nữ trung có thể hát được các nốt của nữ cao thông qua luyện tập kĩ năng thanh nhạc, tuy nhiên không thể đạt được âm sắc trong trẻo và lảnh lót vốn có của giọng nữ cao. Ngược lại một giọng nữ cao, qua luyện tập có thể hát được các nốt trung và trầm nhất định, nhưng không thể đạt được âm sắc ấm áp, đầy đặn hay rền của giọng trầm.
Âm sắc giọng hát và nhạc cụ – Nguồn ảnh: Quora
Tessitura – tầm giọng đẹp đặc trưng
Tessitura hay là tầm giọng đẹp đặc trưng là một phần trong quãng giọng của một người mà ở đó họ có thể nói, hát, phát âm dễ dàng, thoái mái, hiệu quả, đạt âm lượng cao và hay nhất.
Kết hợp với việc xem xét âm sắc của giọng, tessitura là yếu tố quan trọng trong xác định loại giọng cho một cá nhân.
Việc kiểm tra và tìm ra tessitura sẽ giúp ca sĩ khai thác triệt để thế mạnh trong giọng và đồng thời xác định những quãng không phải lợi thế của mình để luyện tập bổ sung hoặc là chọn ca khúc cho phù hợp.
Transition point – điểm chuyển giọng
Vocal transition point là điểm (1 hoặc 2 nốt nào đó) tại đó cơ chế giọng bị thay đổi, trong âm nhạc cổ điển phương tây gọi là Passaggio. Trong nhạc hiện đại gọi là break point, transtition point.
Thông thường có hai điểm chuyển: Đầu tiên là điểm chuyển từ giọng ngực sang giọng pha (Mix voice trong nhạc nhẹ, và zona di passaggio trong nhạc cổ điển). Kế tiếp, là điểm chuyển giao giữa giọng pha nói trên với giọng gió, giọng óc thuần.
Xác định điểm chuyển nhằm phát hiện ra tầm giọng đẹp đặc trưng tessitura một cách dễ dàng hơn. Từ đó đưa ra các lựa chọn kĩ thuật và bài tập phù hợp cho giọng của một cá nhân, giúp giọng hát tiến bộ.
Vocal weight – độ nặng của giọng
Độ nặng của giọng được định nghĩa là nhận diện mang tính sinh lý của tai nghe về độ dày hay mỏng của một giọng hát.
Độ nặng của giọng ảnh hưởng đến độ nhanh nhạy, khả năng luyến láy linh hoạt.
Độ nặng là yếu tố quan trọng giúp phân chia các loại giọng nhỏ và chi tiết hơn ở trong tệp giọng lớn.
Ví dụ như cùng là nữ cao – soprano, nhưng dramatic soprano có giọng đanh, lớn, dày, nặng và rất có lực; ngược lại, lyric soprano có giọng lảnh lót, trong trẻo, mỏng, cao và linh hoạt trong chạy nốt; còn có spinto soprano, giọng có độ nặng trung bình giữa hai giọng kể phía trên.
Những nguy hiểm khi xác định nhầm loại giọng:
Từ phần 1-5 chúng ta đã xem xét các yếu tố giúp xác định loại giọng trong ca hát.
Xác minh loại giọng hát cho một cá nhân sắp bước vào luyện tập thanh nhạc hoặc theo đuổi con đường ca hát, là một điều rất quan trọng. Các bài kiểm tra và xem xét phải được thực hiện đủ nhiều, trải qua thời gian quan sát đủ lâu và kĩ lưỡng nhằm tìm ra âm cữ, tầm giọng đẹp, âm sắc giọng, độ nặng và điểm chuyển giọng. Cuối cùng mới có thể xác định chính xác loại giọng.
Việc xác định sai loại giọng và áp dụng những bài tập nằm ngoài quá xa so với tầm giọng đẹp và thoải mái của một cá nhân trong thời gian dài sẽ gây tổn thương dây thanh, làm đau họng. Đồng thời làm mất “chất” của giọng hát, lãng quên hoặc bỏ qua tầm cữ giọng đẹp đáng lẽ cần được phát huy.
Nguy hiểm nhất, là dây thanh không thường được quan sát hàng ngày trừ việc khám bệnh, nội soi dây thanh. Khi tổn thương không có những biểu hiện ngay lập tức, có thể kéo dài qua nhiều tháng và nhiều năm, cuối cùng dẫn đến hạt xơ dây thanh, liệt dây thanh, các bệnh phù nề dây thanh,… Hậu quả là làm ngắn sự nghiệp ca hát và sử dụng giọng của người biểu diễn.
Hành động cố gắng sử dụng thường xuyên và lạm dụng những quãng giọng không phải ưu điểm của bản thân hoặc những động tác gây áp lực cao lên dây thanh như liên tục belting, whistle, cố hát quá cao hoặc quá thấp, cố đè hộp dây thanh thường xuyên cũng gây nguy hại không kém. Nên cân bằng và phân chia hợp lý trong việc dùng quãng thuận tiện và quãng bất lợi của giọng, mục tiêu là vẫn có thể tạo ra đa dạng màu sắc âm thanh trong biểu diễn nhưng không quá tạo áp lực cho giọng hát.
Ở bài tiếp theo, chúng ta hãy cùng phân tích và đưa ra một số nhận định về loại giọng của một vài ca sĩ mà chúng ta thường nghe.
Những nhận định về phân chia quãng giọng luôn thường có sự tranh cãi. Đặc biệt trong nhạc hiện đại, việc luyện tập thay đổi hộp phát âm để tạo ra những âm sắc đa dạng ngày càng phổ biến.
Cùng nhau đón đọc bài “Quãng giọng một số nghệ sĩ” kế tiếp nha!
Link tham khảo:
https://en.wikipedia.org/wiki/Vocal_range
https://en.wikipedia.org/wiki/Timbre
https://en.wikipedia.org/wiki/Passaggio
https://en.wikipedia.org/wiki/Tessitura
https://en.wikipedia.org/wiki/Vocal_weight
Nhật Thanh