Có lẽ hiếm một loại cổ cầm nào còn có bề dày trường tồn cùng văn hóa người nước Nam như thạch cầm (tức đàn đá). Và cũng không có loại cổ cầm nào được tìm thấy trong trường hợp đặt biệt như đàn đá. Nếu như các loại nhạc cụ cổ truyền khác được người đời biết đến qua sự lưu giữ, bảo quản tuyệt vời thì đàn đá lại được phát hiện vào năm 1949 bởi một người phu làm đường trong lúc đào đường. Hiện bộ đàn đá này được trưng bày ở Bảo tàng Con người Paris, Pháp.
Năm đó tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, người phu này đã phát hiện một tổ hợp gòm 11 phiến đá trông như một bộ, nhìn qua có thể thấy ngay không phải tự nhiên tạo ra mà do bàn tay con người. Phiến dài nhất hơn 101 cm, nặng 11 kg, phiến ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,8 kg. Tháng 6 năm 1950 giáo sư Georges Condominas, người đầu tiên nghiên cứu những phiến đá này, đã đưa chúng về Paris và cùng với giáo sư âm nhạc André Schaeffner, cả 2 nghiên cứu đến năm 195, trên tạp chí Âm nhạc số 97 và 98, 2 ông khẳng định “nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”.
Gọi là đàn đá, hiển nhiên bộ phận tạo thanh âm chính là đá. Những phiến đá này tạo ra những âm thanh trầm bổng khi gõ là do mỗi phiến đá có độ dài ngắn dày mỏng khác nhau. Những phiến đá dài và dày thường có âm trầm và phiến đá ngắn, mỏng thì tiếng phát ra sẽ thanh và trong. Tất cả những phiến đá đều đươc đẽo gọt rất khéo léo. Dẫu nói rằng đàn đá có âm trầm âm bổng nhưng thực tế toàn bộ thanh âm của đàn đá nghe khá đanh và bén, thiên về âm bổng nhiều hơn.
Đàn đá cổ xưa đã được đồng bào M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này phục vụ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày thường, người dân thường cất chúng trong gùi lớn, đến lễ tết mới mang ra trưng bày, biểu diễn. Vì ý nghĩa linh thiêng, đây là nhạc cụ duy nhất được trình tấu trong những ngày lẽ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ hội ăn trâu, uống rượu cần. Người M’Nông xưa quan niệm thanh âm của đàn đá như một phương tiện để nối liền giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại.
Đàn đá của người Việt Nam thời bấy giờ lúc được tìm ra đã làm giới chuyên môn và giới khảo cổ học hết sức bất ngờ, thậm chí khơi lên một làn sống nghi ngờ về tính xác thực. Họ không hiểu và hình dung ra vì sao cách đây gần 4 nghìn năm mà người ta có thể làm ra một bộ đàn gõ định âm có âm thanh hay như vậy, mà lại làm từ một chất liệu không khó tìm nhưng rất khó khăn trong việc đẽo gọt và định âm.
Do bản thân cây đàn đá là được làm từ vật liệu đơn sơ nhất là đá, và cũng vì thời điểm xuất hiện của nó cũng vào thời kỳ đồ đá hoang sơ nên đây là loại nhạc cụ gần như cơ bản nhất, đơn giản nhất từ cấu tạo đến cách sử dụng
Về mặt chất liệu đá, đàn đá có hai nhóm:
- Nhóm đá sừng, ít rắn hơn, dễ đẽo, âm vực trầm
- Nhóm đá trầm tích riolitet poocphia, rất rắn nhưng đẽo ít bị vỡ, âm vực cao, vang xa
Biên soạn: Nguyễn Tường Quân
Phát hành: ADAM Muzic